Phụ huynh Hà Nội vất vả đưa đón con những ngày đầu trở lại trường
Từ ngày 10/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội được trở lại trường học trực tiếp.
Dự kiến, ngày 21/2 tới Hà Nội sẽ cho toàn bộ học sinh lớp 1 đến lớp 6 các quận nội thành đi học. Tuy nhiên, hiện các trường chỉ học 1 buổi/ngày, kết hợp với học trực tuyến khiến phụ huynh, học sinh bị xáo trộn hơn trong thời gian đầu.
Phụ huynh, học sinh Hà Nội những ngày đầu trở lại trường học. (Ảnh minh họa)
Loay hoay vừa học trực tiếp vừa học online
Trước đây, học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày thì nay áp dụng phương án phòng, chống dịch bệnh, các trường chỉ tổ chức dạy học 1 buổi/ ngày, nhà trường không tổ chức bán trú. Ngay khi học sinh trở lại trường, nhiều phụ huynh đã than “quay cuồng”, vợ chồng chia nhau nghỉ làm để đi đón con học ở các cấp khác nhau.
Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu đã cho học sinh đi học trực tiếp thì nên cho học cả 2 buổi thay vì đan xen trực tiếp, trực tuyến như hiện nay. Họ cũng xác định, việc đi học trở lại chắc chắn sẽ có rủi ro, nhưng học sinh đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 nên nguy cơ mắc bệnh cũng giảm thiểu đáng kể. Do đó, việc học 1 hay 2 buổi không phải là yếu tố tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh nhưng ngược lại, điều này gây nhiều khó khăn cho cả học sinh và phụ huynh.
Anh Vũ Khắc Ngọc – một phụ huynh cho rằng, việc không tổ chức bán trú và chỉ học một buổi tại trường, một buổi trực tuyến gây khó khăn cho phụ huynh và khiến trẻ vất vả. Gia đình anh Ngọc sống tại quận Hai Bà Trưng nhưng con lại học trường ở Đông Anh. Không chỉ con anh, nhiều học sinh khác cũng sống xa trường, đặc biệt với những gia đình cho con học trường tư. Anh Ngọc tính, nếu con di chuyển bằng xe tuyến, 6h30 con đã phải lên xe, 8h đến trường, 11h đi về, ăn cơm, lại vào học online lúc 13h. Như vậy, trẻ rất mệt mỏi.
Video đang HOT
Theo đó, trước đây, con đi học sớm rồi ăn sáng tại trường. Nay nếu không tổ chức bán trú, trường có tiếp tục lo bữa sáng hay không cũng là vấn đề. Do đó, anh Ngọc đánh giá việc không tổ chức bán trú và chỉ học một buổi tại trường, một buổi trực tuyến gây khó khăn cho phụ huynh và khiến trẻ vất vả. “Học nửa buổi, không bán trú gây phiền toái rất lớn cho các gia đình. Trường cũng loay hoay. Lẽ ra, 10/2, các con trở lại lớp. Tuy nhiên, vì nhiều phụ huynh ở xa chưa sắp xếp được, trường đang lùi ngày mở cửa sang tuần sau nhưng chưa có gì chắc chắn”, anh Ngọc bày tỏ.
Ngoài ra, theo anh Ngọc, một khi học sinh đã đến trường, tiếp xúc với nhau, học 1 buổi hay 2 buổi không có sự khác biệt nhiều về nguy cơ mắc Covid-19. Việc mở cửa trường học trở lại là một trong những điều kiện để xã hội trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, phụ huynh không thể nào đảm bảo năng suất làm việc khi còn phải phân tâm đưa đón, lo ăn uống cho con.
Cô Nguyễn Thị Hiền, Trường Đoàn Thị Điểm cũng bày tỏ quan điểm, Hà Nội quy định “không tổ chức bán trú, học trực tiếp 1 buổi/ngày để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19″ nhiều bất cập và gây khó khăn cho phụ huynh. Bởi học 1 buổi hay 2 buổi, nguy cơ lây nhiễm là như nhau. Theo cô Hiền, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cần tính toán lại quy định này để phụ huynh, nhà trường và học sinh không vất vả khi thích ứng trạng thái bình thường mới.
Làm thế nào ứng phó phù hợp?
Tại Hải Phòng, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 (ngày 7/2/2022), 100% các trường THCS, THPT, GDTX đón học sinh trở lại học trực tiếp. Các quận, huyện thực hiện rà soát, kiểm tra các điều kiện để mở cửa đón học sinh mầm non, tiểu học trở lại học trực tiếp, chậm nhất vào ngày 14/2/2022.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã về kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục và làm việc với UBND thành phố Hải Phòng về công tác giáo dục và đào tạo. Tại đây, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Trường Tiểu học Minh Tân, Trường THCS Kênh Giang, Trường THPT Ngô Quyền.
Đánh giá cao sự thận trọng của nhà trường khi thực hiện mở cửa từng bước, tổ chức giãn lớp, chia ca để dạy học, Bộ trưởng cũng nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều. Do đó, để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nền nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
“Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh. Tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời, nhấn mạnh với các thầy, cô giáo Trường THPT Ngô Quyền, ngoài lưu ý nhà trường cần tiếp tục trạng thái bình thường mới trên tinh thần không lo lắng thái quá nhưng cũng không chủ quan để có sự ứng phó tốt nhất, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy, cô giáo sẽ trao đổi, hỗ trợ để các em học sinh có thái độ bình tĩnh, lấy hiểu biết, kiến thức các kỹ năng phòng chống dịch làm đầu để tránh hoang mang, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Ứng phó với dịch bệnh bình tĩnh, không hoảng hốt, thể hiện rõ sự hiểu biết.
Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học 1 buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng đề nghị thành phố Hải Phòng nhất quán, thống nhất trong việc bố trí học sinh, với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú. “Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Éo le cảnh mở cửa trường nhưng không "mở bếp"
Ngày 10/2, học sinh 18 quận, huyện ngoại thành Hà Nội đã đến trường học trực tiếp sau 9 tháng học trực tuyến.
Trước đó, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại các địa bàn thuộc "vùng xanh" và "vùng vàng" trên toàn thành phố cũng đã đi học trở lại.
Cùng với niềm vui khi con được đến trường sau nhiều tháng bị "nhốt" trong nhà, phụ huynh cũng đang phải tất tả, "quay cuồng" với lịch đưa đón con do các trường chỉ dạy 1 buổi, không tổ chức bán trú. Nhiều phụ huynh mong mỏi thành phố sớm có kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh từ 5-11 tuổi để các con yên tâm hơn khi đến trường, xem xét cho phép các trường đủ điều kiện có thể tổ chức ăn bán trú.
Hồi hộp, vui mừng nhưng cũng đan xen cả những băn khoăn, lo lắng là tâm trạng chung của đại đa số phụ huynh học sinh bậc tiểu học khi các con đến trường trong sáng 10/2. Chị Nguyễn Hồng Mai, phụ huynh có con học lớp 4 tại trường Tiểu học Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Con đi học, dù đã dặn dò kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ cho con các khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, bình uống nước cá nhân, đồng thời rất tin tưởng vào kế hoạch phòng dịch của nhà trường cũng như chủ trương, tính toán của thành phố nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy chưa hoàn toàn yên tâm. Chúng tôi mong các con sớm được tiêm vaccine để có kháng thể, nếu không may bị nhiễm bệnh, triệu chứng sẽ nhẹ, đỡ nguy hiểm hơn".
Học sinh Trường tiểu học Thanh Liệt, Thanh Trì (Hà Nội) phấn khởi trong ngày đầu tiên đến trường học trực tiếp. Ảnh minh họa
Mặc dù theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tổ chức dạy học trực tiếp chỉ thực hiện với các địa bàn dịch cấp độ 1, cấp độ 2 (tức vùng xanh, vùng vàng), học sinh ở các khu vực dịch cấp độ 3, 4 (vùng cam, vùng đỏ) sẽ ở nhà học trực tuyến, nhà trường sẽ có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này. Tuy nhiên, sau 3 ngày học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp, vẫn còn một số bất cập do mỗi trường lại có một cách tổ chức khác nhau dẫn đến thiếu sự đồng bộ, thống nhất, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của nhóm học sinh vì nhiều lý do khác nhau chưa thể đến trường học trực tiếp.
Cùng với nỗi lo về dịch bệnh, nhiều phụ huynh cũng mong muốn thành phố có chủ trương cho các trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú trở lại để phụ huynh đỡ cực trong việc đưa đón con, có thể yên tâm làm việc. Anh Nguyễn Hữu Tuyên, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai cho biết: Gia đình rất ủng hộ việc học sinh trở lại trường sau một thời gian dài học trực tuyến. Tuy nhiên, nếu học trực tiếp chỉ trong buổi sáng, gia đình rất vất vả trong việc sắp xếp công việc đưa đón 2 con ở 2 trường khác nhau về nhà buổi trưa.
"Sáng đưa con đến trường rồi đến cơ quan chưa được bao lâu lại đến giờ đi đón con về nhà. Lo ăn uống để chiều con tiếp tục học online. Như vậy, cả phụ huynh và con đều rất vất vả, mệt mỏi. Hiện nay, hàng quán đã mở, mọi người đều đi ăn uống. Vậy tại sao lại cấm ăn uống ở trường? Nhà trường chia ca, có tấm kính chắn giữa bàn hoặc đưa về ăn theo lớp sẽ vẫn thực hiện được" - anh Tuyên nói.
Chị Nguyễn Phương Anh, phụ huynh học sinh tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng chia sẻ: "Ở lớp con tôi, có bạn nhà rất xa con lại phải đi ôtô buýt, về đến nhà chắc chỉ kịp ăn cơm xong là bước vào học online buổi chiều. Quá vất vả cho con. Cá nhân tôi cho rằng, khi đã cho phép các cháu đi học thì việc rút ngắn thời gian từ hai buổi xuống còn một buổi hay bỏ bán trú cũng không có nhiều tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc này Hà Nội cũng cần phải xem xét, cân nhắc khởi động lại bữa ăn bán trú cho các con đỡ vất vả và các gia đình đỡ bị động".
Lãnh đạo một số trường học trên địa bàn Hà Nội cũng thừa nhận, nếu tổ chức ăn bán trú sẽ thuận tiện cho phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, trong quy định mở cửa trường học của Hà Nội hiện nay chỉ được phép dạy học 1 buổi/ngày; không tổ chức ăn bán trú... Dù phụ huynh mong mỏi nhưng nhà trường vẫn phải thực hiện theo chỉ đạo. Nhà trường cũng hi vọng, học sinh đi học một vài tuần, tình hình ổn định, các trường sẽ được phép tổ chức ăn bán trú.
Trong đợt kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại TP Hải Phòng ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều, do đó để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nền nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
"Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh.Tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.
Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị thành phố nhất quán, thống nhất trong việc bố trí học sinh, với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú. "Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp"- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo kế hoạch dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ có đợt kiểm tra về việc dạy học trực tiếp tại TP Hà Nội. Trong đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ đề cập đến nội dung tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh khi trường học được mở cửa trở lại.
Học sinh tiểu học và lớp 6 ngoại thành Hà Nội đi học sau gần 10 tháng ở nhà Sáng nay (10/2), học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội đến trường học trực tiếp sau gần 10 tháng nghỉ. Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, sáng nay, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị ngoại thành đến trường học trực tiếp, trừ những khu vực...