Phòng khám tư chẩn đoán nhầm viêm màng não là sốt siêu vi, bé gái 6 tháng tuổi rơi vào nguy kịch
Chẩn đoán nhiễm siêu vi khiến bé được điều trị theo hướng này suốt nhiều ngày. Mãi đến khi người mẹ thấy thóp đầu con căng phồng, sưng to mới đưa đi bệnh viện khám thì tá hỏa khi biết con đã bị viêm màng não mủ nặng.
Ngày 28/6, Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, bé T.A.K (6 tháng tuổi, ngụ tại Đức Hòa, Long An) đã may mắn được chữa khỏi bệnh viêm màng não mủ dù phát hiện muộn.
Theo lời người mẹ, trước đó con chị bị sốt, ho, phát ban toàn thân. Chị đưa con đến phòng khám tư điều trị và được bác sĩ tại đây chẩn đoán bị nhiễm siêu vi, điều trị thuốc 3 ngày bé cắt sốt. Nhưng triệu chứng sốt lại tái diễn 2 hôm sau, phát ban toàn thân nhiều. Tiếp tục điều trị tư đến ngày 10 chị thấy thóp trên đỉnh đầu bé căng phồng, đầu sưng to ra, chị lo lắng nên đưa bé đến BV Nhi đồng Thành phố khám.
Bệnh nhi K. nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, đừ người, thóp căng phồng, đầu sưng to đỏ da, khám triệu chứng màng não không xác định được bệnh cảnh rõ ràng.
Bé T.A.K.
Siêu âm và chụp CT đánh giá ban đầu bé có tụ mủ dưới màng cứng 2 bán cầu, theo dõi viêm màng não mủ biến chứng tụ mủ dưới màng cứng. Các bác sĩ hội chẩn ekip Ngoại thần kinh quyết định mổ khẩn tháo rửa và dẫn lưu mủ 2 bên bán cầu cho bé.
Sau phẫu thuật ổn định, các bác sĩ khoa Hồi Sức Tích Cực đã tiến hành chọc dịch màng não tủy. Kết quả dịch não tủy của trẻ đã như nước dừa non, protein tăng cao 3-4 lần, ở trẻ bình thường, bạch cầu lấp đầy dịch não tuỷ…
Bé được sử dụng kháng sinh đặc biệt có thể thấm vào màng não với liều cao hơn so với bình thường, truyền tĩnh mạch dài ngày.
Không phát hiện viêm màng não mủ ngay từ đầu khiến tình trạng bé rất nặng.
Sau gần một tuần điều trị, bệnh nhi không còn sốt, dẫn lưu mủ vết mổ ổn định không ra thêm, bé nhận biết cha mẹ, tay chân hoạt bát. Hiện bé được rút ống dẫn lưu, cai máy thở, tiếp tục chuyển khoa Nhiễm điều trị và theo dõi.
Video đang HOT
Các bác sĩ cho biết trong quá trình điều trị, bé nhiều lần đối mặt nguy cơ tử vong vì nhiễm trùng nặng, huyết động không ổn định.
Xác định đây là ca bệnh phát hiện muộn, tỷ lệ di chứng rất cao nhưng bằng mọi cách các bác sĩ cố gắng điều trị tích cực. May mắn là bé hợp thuốc và ca phẫu thuật dẫn lưu ổ mủ được thực hiện kịp thời nên sau quá trình điều trị, bé qua cơn nguy kịch.
Chị N., mẹ bé xúc động cho biết suốt thời gian bé nằm viện, lúc đầu vợ chồng chị lo lắng khi biết con bị viêm màng não phát hiện quá muộn nhưng nhờ có sự động viên của các bác sĩ nên gia đình cố gắng tin tưởng bác sĩ cùng điều trị cho bé.
Người mẹ xúc động khi con đã dần khỏe lại.
Các bác sĩ cho biết, thời điểm nắng nóng hay lúc chuyển mùa như hiện nay dễ khiến trẻ mắc viêm màng não. Đây là bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu, nếu không có thể gây tử vong hay để lại những di chứng như điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân hoặc chậm phát triển tâm thần vận động,…
Đáng chú ý là việc cha mẹ đưa con đi khám muộn, cộng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh vô tội vạ khiến bệnh tình ngày một phức tạp hơn.
“Có đến 80-90% trẻ nhập viện đã bị cha mẹ tự ý cho dùng kháng sinh. Đây là điều không thể chấp nhận được, gây nguy hiểm cho trẻ vô cùng, và là nguyên nhân khiến tình trạng kháng thuốc ngày một trầm trọng. Không những thế, biểu hiện ban đầu của bệnh vì thế cũng bị che khuất đi hoặc có thêm những triệu chứng phức tạp khó nhận biết, gây khó khăn cho điều trị, dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh lý khác” – bác sĩ phân tích.
Các bác sĩ lưu ý ở trẻ sơ sinh, cha mẹ cần để ý các dấu hiệu sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… Biểu hiện này rất khó phân biệt với bệnh lý khác, do đó cần theo dõi sát sao và cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nếu không được thầy thuốc chỉ định.
Để phòng bệnh viêm màng não cho trẻ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
- Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo Helino
Về quê chơi dịp hè, bố kinh hãi phát hiện con gái 5 tuổi bị giun xâm nhập cơ thể, bò lúc nhúc dưới da
Thấy chân con gái có nhiều nốt to cộm lên, lòng bàn chân bỗng xuất hiện những vết ngoằn nghèo như giun màu hồng, người cha liền đưa đi khám thì phát hiện con mắc chứng bệnh rợn người.
Đó là trường hợp của bé N.T.T. (5 tuổi, quê ở Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh). Trước đó, bé N.T.T được đưa về quê ngoại ở Long An chơi nhân dịp hè, khi đến ngày về, người cha thấy phía trên bàn chân con gái có nhiều nốt to cộm lên. Sau đó, trên lòng bàn chân phải bỗng xuất hiện những vết ngoằn nghèo như giun màu hồng.
Nghi có chuyện bất thường, phụ huynh đưa bé đến khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thăm khám. Khi bé T. chìa bàn chân phải cho bác sĩ xem, nhiều nốt đỏ to sần lên vẫn còn, dấu vết của ấu trùng di chuyển tạo ra những vết dài ngoằn nghèo như đường hầm. Tình trạng này khiến bệnh nhi ngứa ngáy hết cả người, liên tục gãi dẫn đến da bị xây xát, chấn thương.
Bé N.T.T. mắc Hội chứng ban trườn.
Bác sĩ Minh Mẫn, người trực tiếp điều trị cho bé T. chia sẻ, bệnh nhi mắc phải căn bệnh có tên Creeping eruption - Hội chứng ban trườn (hay Cutaneous Larva Migrans - Ấu trùng da di chuyển). Đây là một bệnh nhiễm trùng da do ấu trùng giun móc từ mèo, chó và động vật khác. Khi đi bộ trên bãi cát bằng chân trần hoặc tiếp xúc với đất bị ô nhiễm phân động vật, con người có thể bị nhiễm ấu trùng gây bệnh này.
Ấu trùng di chuyển ký sinh dưới bề mặt da và đào hang biểu hiện màu đỏ, ngứa. Các vị trí thường bị ảnh hưởng là bàn chân và cẳng chân, hoặc bất kỳ phần nào của cơ thể tiếp xúc với đất bẩn. Trứng ký sinh trùng được truyền từ phân của động vật bị nhiễm khuẩn qua đất cát ẩm ướt tới da người.
Cẳng chân và bàn chân là các vị trí dễ bị ảnh hưởng.
Bác sĩ Mẫn phân tích, ấu trùng có thể xâm nhập thông qua nang lông, vết nứt da hoặc thậm chí da còn nguyên vẹn. Sau đó vài ngày đến vài tháng từ nơi xâm nhập ban đầu, chúng di chuyển dưới da tạo nên đường hầm rộng 3-5 mm.
Triệu chứng thường gặp là ngứa, có thể nặng hơn vào ban đêm, ban đỏ hình dải vằn vèo hoặc hình lượn sóng, di chuyển kèm theo ngứa rất nhiều. Ấu trùng có thể lây lan theo thời gian, thường là khoảng 1cm mỗi ngày. Bệnh thường xảy ra trên bàn chân và chân, nếu nhiễm khuẩn nặng có thể gây ra một số đường khác.
Bác sĩ cho biết bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Bác sĩ cho biết bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu chủ động can thiệp sẽ rút ngắn được quá trình của bệnh bằng thuốc kháng giun sán đường uống và đường bôi tại chỗ.
"Triệu chứng ngứa sẽ giảm đáng kể trong vòng 24-48 giờ sau điều trị và tổn thương sẽ được giải quyết trong vòng 1 tuần. Khi có nhiễm trùng da thứ phát cần kết hợp với kháng sinh" - bác sĩ Mẫn cho biết.
Được biết thời điểm này năm ngoái, BV Nhi đồng Thành phố cũng tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi mắc Hội chứng ban trườn với các triệu chứng tương tự.
Để phòng tránh căn bệnh này, bố mẹ cần lưu ý:
- Nếu nhà có nuôi chó, mèo, luôn dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm hàng tuần.
- Vứt bỏ vào thùng rác hoặc phải chôn lấp phân chó, mèo.
- Không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân.
- Sau khi chơi đùa với chó, mèo; nghịch đất cát và trước khi ăn uống hướng dẫn trẻ rửa tay sạch sẽ với xà phòng.
- Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.
Theo Helino
Bệnh viện nhi hiện đại nhất miền Nam có bãi đáp trực thăng Sáng 1/6 Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) quy mô 1.000 giường bệnh, chính thức vận hành các hạng mục dịch vụ khám chữa bệnh. Tiến sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết bệnh viện gồm một tầng hầm và 8 tầng nổi với tổng mức đầu tư trên 4.476 tỷ đồng từ nguồn...