Phòng dịch nCoV: Chỉ đeo khẩu trang khi cần thiết
WHO chính thức công bố tình hình nhiễm nCoV ở tình trạng đáp ứng khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Tedros Adhanom Ghebreyeus – Tổng Giám đốc WHO, đây không phải thời điểm để lo sợ, gây hoang mang, mà là thời gian để nhìn lại những dữ kiện một cách khoa học giúp chúng ta bình tĩnh hơn khi đối diện với vụ dịch.
Người dân nên đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người. Ảnh: Trần Anh
Lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc và giọt bắn
Thử điểm lại những vụ dịch do Coronavirus trước đây, chúng ta sẽ thấy nCoV có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với SARS-CoV và MERS-CoV. Thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong của MERS-CoV là 34,4% (cho đến tháng 12/2019 có 2.499 trường hợp nhiễm bệnh, 861 trường hợp tử vong). Tỷ lệ tử vong do SARS trong vụ dịch 2003 theo WHO ước tính là từ 10,8%. Tỷ lệ tử vong của nCoV cho đến ngày 1/2 là 2,17 %.
Mức độ lây lan của nCoV nhanh hơn SARS và MERS-CoV, chỉ trong 2 tháng, số người nhiễm bệnh là hơn 12.000 người, vượt quá số người nhiễm SARS trong 9 tháng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sự lây lan gần như khu trú tại Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, 98,8% trường hợp nhiễm nCoV là ở Trung Quốc, gần 1/2 là ở tỉnh Hồ Bắc (43,6%), nghĩa là chỉ có khoảng 1,2% trường hợp nhiễm nCoV là ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, trong khi đó, ở vụ dịch SARS số trường hợp nhiễm ngoài Trung Quốc lên đến 36,7% trường hợp.
Trong đại dịch SARS, trường hợp đầu tiên (index case) đều dẫn đến chùm ca bệnh với tỷ lệ mắc bệnh trong nhân viên y tế (attack rate) từ 10 – 60% tùy theo mỗi quốc gia khác nhau, tại Việt Nam là 18%. Trong vụ dịch nCoV lần này, cho đến thời điểm hiện tại, các trường hợp bệnh đầu tiên (index case) gần như chưa gây ra một chùm ca bệnh nào trong bệnh viện. Các trường hợp lây lan tại Trung Quốc cho thấy, chủ yếu theo hộ gia đình trong cộng đồng.
Phòng ngừa và cảnh giác với dịch bệnh là cần thiết, nhưng không nên quá sợ hãi và áp dụng không đúng các biện pháp phòng ngừa. Dù truyền thông đã hướng dẫn rõ nhiều biện pháp ngăn ngừa nhiễm bệnh nhưng hầu như chúng ta đang chưa thực hiện đúng. Virus nCoV lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Lây qua đường tiếp xúc nghĩa là virus này có thể lây qua tay hoặc các bộ phận cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất tiết người bệnh.
Lây qua đường giọt bắn nghĩa là virus được bắn ra ngoài người bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi và đi vào người đang đứng gần, thường trong khoảng dưới 1 mét. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn ngừa lây truyền qua 2 đường này, bao gồm các biện pháp thông khí, làm sạch môi trường và phòng hộ cá nhân.
Rửa tay hiệu quả hơn dùng khẩu trang
Khi nói đến phòng hộ cá nhân, chúng ta đang chỉ tập trung vào việc lạm dụng khẩu trang mà quên đi các biện pháp phòng ngừa khác. Gần như mọi người bây giờ đều giữ sẵn khẩu trang trong mình nhưng lại rất ít người bỏ túi chai nước rửa tay, trong khi rửa tay là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng các bệnh đường hô hấp. Các vụ dịch cúm trước đây đã chứng minh rửa tay có hiệu quả hơn khẩu trang trong phòng ngừa cúm.
Video đang HOT
Ở giai đoạn hiện tại, tại Việt Nam, khi nCoV chỉ đang khu trú lây nhiễm từ những người bệnh và người thân đến từ Vũ Hán, việc quan trọng là, nhận biết sớm, cách ly sớm người về từ vùng dịch, người có yếu tố dịch tễ. Tăng cường không khí môi trường xung quanh. Mở toàn bộ cửa sổ ra khi có thể, ngay cả trong bệnh viện, trong phòng hồi sức mà chưa có hệ thống khí chủ động.
Đặc biệt, mọi người chỉ nên mang khẩu trang y tế khi cần thiết, như khi đang bị ho, hắt hơi, sổ mũi, khi cần phải tiếp xúc với nhiều người trong phạm vi gần, khi đi vào chỗ đông người, chứ không phải mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi. Khẩu trang có hiệu lực lọc cao như N95 chỉ dùng trong các cơ sở y tế, khi tiếp xúc với người bệnh có làm thủ thuật tạo khí dung như xông khí dung, thở máy, hút đàm, nội soi…
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về tình hình nhiễm nCoV, về đường lây truyền và cách phòng ngừa, áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng đắn hơn để ứng phó tốt hơn với dịch nCoV.
Dùng cồn 70% rửa tay hiệu quả, an toàn
Không chỉ có khẩu trang y tế mà hiện nay những loại dung dịch nước rửa tay khô để phòng ngừa bệnh viêm phổi do virus nCoV gây ra cũng đang trong tình trạng “cháy hàng”, loạn giá.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nhất thiết phải tìm mua bằng được các loại nước rửa tay khô được quảng cáo ầm ĩ trên thị trường. Chỉ cần ra hiệu thuốc, mua lọ cồn 70 – 90 độ về để sát khuẩn tay sau khi rửa sạch tay. Bản chất của những loại nước rửa tay khô hiện nay chỉ hơn cồn ở chỗ có chất tạo mùi, chất làm mềm tay chứ không hơn ở khả năng sát trùng, khử khuẩn virus nên không cần thiết phải tốn quá nhiều tiền để đi tìm mua nước rửa tay khô.
Phòng thí nghiệm của Trung Quốc từng chia sẻ, dung dịch chứa cồn 75% giúp tiêu diệt virus nCoV hiệu quả. Còn theo bác sĩ Phí Văn Công – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đa số các loại nước rửa tay nhanh trên thị trường hiện nay đều là cồn có nồng độ từ 70 – 75%. Việc sử dụng cồn 70% để sát khuẩn đối với cả người lớn và trẻ em đều an toàn. Tuy nhiên tuyệt đối không được uống. Riêng đối với trẻ em dưới 2 tháng tuổi thì không nên dùng.
Bác sĩ Công cũng khuyến cáo, sau khi vừa dùng cồn sát khuẩn tay xong không nên làm những việc tiếp xúc với lửa ngay như đun nấu bếp gas, dùng bật lửa vì cồn có tính chất gây cháy. Không dùng bàn tay vừa sát khuẩn bằng cồn đưa lên dụi mắt, cho vào mũi, miệng ngay. Cồn để dùng sát khuẩn ngoài da, là bước cuối cùng sau khi hoàn thành công đoạn rửa tay. Nếu tay có vết bẩn cần rửa sạch bằng nước thường và xà phòng rồi mới sát khuẩn bằng cồn. Sau khi sát khuẩn xong cần để tay khô tự nhiên, không lau rửa tùy tiện. – (Nam Trần)
Theo kinhtedothi
Cần sự phối hợp của người dân trong phòng chống dịch nCoV
ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus corona, trong đó tính tới phương án thành lập bệnh viện dã chiến nếu phát hiện tới hơn một nghìn ca bệnh. Tuy nhiên, cần phải có sự hợp tác của người dân trong chống dịch để đạt được kết quả tốt nhất.
(Ảnh minh họa).
Việt Nam chủ động chống dịch nCoV như thế nào?
Hiện nay, Bộ Y tế đang đi đúng hướng theo những phương pháp đã thành công trong phòng chống dịch SARS, phù hợp với phương pháp phòng dịch do Tổ chức Y Thế giới khuyến cáo. Việt Nam đang giám sát những ca bệnh, phát hiện sớm những người đi từ vùng dịch. Đồng thời, triển khai phác đồ điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam cũng đã triển khai biện pháp phòng ngừa lây nhiễm ở cơ sở y tế, đặc biệt là từ người bệnh sang nhân viên y tế. Mọi phương pháp phòng dịch đều được thực hiện nghiêm ngặt, quyết liệt.
ThS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết hiện nay, Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch. Kịch bản đầu tiên là đối với các trường hợp người bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Kịch bản thứ hai là từ ca xâm nhập đó lây lan sang người ở Việt Nam. Kịch bản thứ ba là mức độ lây lan cộng đồng dưới một nghìn ca. Kịch bản thứ tư là đối phó với mức độ lây lan hơn một nghìn ca mắc bệnh. Trong trường hợp các cơ sở điều trị vượt quá lưu lượng (khoảng vài nghìn ca bệnh) có thể thành lập bệnh viện dã chiến.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh, ngay từ đầu, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, nước ta đã xác định nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi nước ta sát biên giới Trung Quốc với lượng đi lại, giao lưu lớn nên có thể lây lan dịch bệnh này. Việc có ca xâm nhập không nằm ngoài dự đoán.
"Điểm lợi là Việt Nam có kinh nghiệm trong các dịch lớn như SARS, cúm gia cầm, cúm H1N1, MERS- CoV và hiện tại, việc chống dịch do chủng mới của virus corona gây ra đang được thực hiện rất quyết liệt với chỉ đạo sát sao từ Chính phủ. Tuy nhiên, đặc trưng của mỗi dịch là khác nhau. Bên cạnh đó, tình hình hiện nay cũng khác thời điểm trước khi toàn cầu hóa, việc giao lưu, đi lại lớn, kèm theo đó là khả năng lây lan rất cao. Nguy cơ này lớn hơn rất nhiều thời điểm trước vì trước đây, người dân không đi lại nhiều như hiện tại", ông Phu nói.
Cần sự phối hợp của người dân trong chống dịch
PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, để chống dịch thành công, cần sự hợp tác của người dân, nghiêm túc thực hiện các khuyến cáo từ Bộ Y tế. Đó là hạn chế đến những vùng có dịch, tiếp xúc với những người đến từ vùng có dịch. Nếu người dân phải tiếp xúc, làm việc với những người đến từ vùng có dịch phải đeo khẩu trang, đứng xa hơn hai mét.
PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng.
Khi có những biểu hiện như sốt, ho, khó thở, người dân phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị. Cùng với đó, người dân cần phải rửa tay bằng xà phòng, súc miệng nước muối, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, đặc biệt phải ăn những đồ ăn chín. Khi bị bắt buộc phải tiếp xúc với vùng có dịch, hoặc đến tiếp xúc với những người từ vùng có dịch về, người dân phải đeo khẩu trang. Khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
"Các cơ quan chức năng đang kiểm soát được dịch nhưng người dân phải hợp tác thì mới có thể đạt kết quả tốt nhất. Nếu không tuân thủ khuyến cáo, như không chịu đeo khẩu trang, che mặt khi ho, hắt hơi, không rửa tay thường xuyên, đi lễ hội tiếp xúc nhiều người, việc chống dịch sẽ rất khó dù chúng ta có kinh nghiệm hay tiềm lực như thế nào", ông Phu nhấn mạnh.
Làm thế nào xác định bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do virus corona?
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, theo các báo cáo, đến thời điểm hiện tại, số lượng người bệnh đến khám, điều trị do viêm nhiễm đường hô hấp, viêm phổi tại các cơ sở y tế không tăng hơn so với những năm trước.
Trong tình hình phía Bắc chuyển về mùa xuân với tiết trời lạnh, ẩm, sẽ có rất nhiều bệnh khác diễn ra như cúm mùa. Tuy nhiên, ThS Nguyễn Trọng Khoa cho rằng, chúng ta không cần quá hoang mang vì Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh rất tốt.
"Việc xác định những ca bệnh viêm phổi cấp do virus corona phải có tiền sử đi từ vùng dịch về. Những ca nghi ngờ phải có triệu chứng sốt, viêm long đường hô hấp, và yếu tố dịch tễ đi từ vùng có dịch về. Những ca đó mới cần xác định chẩn đoán và tiếp nhận điều trị", ông Khoa nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khuyến cáo, người dân cũng không nên quá chủ quan, nếu phát hiện những triệu chứng ho, sốt và có tiếp xúc với những người đi về từ vùng dịch thì nên đến những cơ sở y tế gần nhất để nhanh chóng xác định, xét nghiệm, tránh lây lan cho người khác.
Nhiều người dân chưa nắm rõ việc làm xét nghiệm mắc virus corona mới ở đâu, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho hay, để xét nghiệm, chẩn đoán chính xác viêm phổi cấp do virus corona, phải lấy bệnh phẩm đường hô hấp dưới và đòi hỏi phải có kỹ thuật chứ không phải lấy máu để xét nghiệm. Bộ Y tế phân công ba đơn vị chẩn đoán xác định virus corona gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với các tỉnh khu vực phía Bắc; Viện Pasteur Nha Trang đối với các tỉnh khu vực miền Trung; Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đối với các tỉnh khu vực phía Nam.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong do nCoV là khoảng 2%. Vì thế, những người có cơ địa yếu, có những tiền sử các bệnh khác, người già hoặc trẻ em có thể có những biến chứng nặng hơn. Những biến chứng người mắc có thể gặp phải là biến chứng đường hô hấp, vi khuẩn kháng thuốc, biến chứng suy thận, suy đa tạng khác trong quá trình tiến triển phát triển của virus này. Hiện nay các nhà khoa học vẫn tiếp tục phân tích những phác đồ điều trị phù hợp hạn chế tử vong.
Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 6 giờ 30 phút ngày 2-2, thế giới ghi nhận 13.964 ca mắc nCoV, trong đó tại lục địa Trung Quốc là 13.794 ca. Bệnh ghi nhận ở 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện đã có 304 người tử vong vì bệnh dịch này.
THIÊN LAM
Theo Nhân dân
Ngăn ngừa virus corona: Đeo khẩu trang hay rửa tay thường xuyên quan trọng hơn? Chuyên gia cho rằng trong phòng dịch virus corona, hai biện pháp đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên đều cần thiết. Tuy nhiên, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu. Có thể dùng khẩu trang vải, khăn mùi xoa khi không có khẩu trang y tế Chia sẻ về thông tin chuyên...