Phong cách thời trang đầy ẩn ý trong lễ nhậm chức của Biden
Tím và xanh dương đã trở thành gam màu chủ đạo trong lễ nhậm chức tổng thống Mỹ, nhằm truyền đi thông điệp về sự thống nhất và ổn định.
Kamala Harris trông quyền quý trong bộ trang phục màu tím do nhà thiết kế người da màu Christopher John Rogers tạo ra, khi tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ tại Đồi Capitol hôm 20/1, trở thành người phụ nữ đầu tiên, đồng thời là người phụ nữ da màu gốc Nam Á đầu tiên, giữ vị trí này. Bà đeo một chuỗi vòng cổ ngọc trai của nhà thiết kế người Puerto Rico Wilfredo Rosado và giày cao gót đen của nhà thiết kế da màu Sergio Hudson.
Theo truyền thống, màu tím được công nhận là biểu tượng của lưỡng đảng vì nó là sự pha trộn của hai màu sắc tượng trưng cho hai đảng, đỏ của Cộng hòa và xanh của Dân chủ, theo Hill.
“Màu tím là màu của lòng trung thành, sự kiên định không thể thay đổi để theo đuổi mục tiêu”, tổ chức chính trị của phụ nữ Mỹ National Women’s Party mô tả về ý nghĩa về màu sắc tượng trưng của họ trong bài viết đăng ngày 6/12/1913.
Vợ chồng Biden (giữa) cùng vợ chồng Harris (trái) ở Đồi Capitol hôm 20/1. Ảnh: Reuters.
Tông màu tượng trưng cho “lưỡng đảng” cũng là lựa chọn của hai cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama và Hillary Clinton. Sánh vai bên cựu tổng thống Barack Obama, bà Michelle diện bộ trang phục màu mận chín của nhà thiết kế Sergio Hudson. Cựu đệ nhất phu nhân 57 tuổi mặc một chiếc áo khoác dài, bên trong là áo cổ lọ phối hợp với quần ống rộng đều có tông trầm.
Christy Rilling, thợ may riêng của bà Michelle, chia sẻ rằng sự phù hợp là trọng tâm khi chuẩn bị trang phục cho bà tham dự lễ nhậm chức tổng thống.
“Vào những sự kiện quan trọng như hôm nay, chúng tôi luôn xem việc may trang phục là ưu tiên hàng đầu”, Rilling nói. “Đây là trò ảo thuật tuyệt nhất để khiến bạn trông hoàn mĩ trước ống kính như những gì bà Obama thể hiện hôm nay”.
Cựu đệ nhất phu nhân và cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, 73 tuổi, chọn một bộ trang phục màu tím sáng, kết hợp cùng áo khoác len tối màu bên ngoài. Bà Hillary chia sẻ với báo chí tại Đồi Capitol rằng bà mặc màu tím là “có chủ đích”.
“Tôi biết chủ đề mà Tổng thống Biden hướng tới là thống nhất và tôi nghĩ nếu kết hợp giữa xanh và đỏ, cách mà chúng ta đang bị chia rẽ về mặt chính trị ở đất nước này, bạn sẽ có màu tím”, bà Hillary nói. “Do đó, tôi muốn gửi một chút thông điệp mang tính biểu tượng rằng chúng ta cần phải đoàn kết”.
Trong khi đó, Đệ nhất phu nha Jill Biden lại nổi bật trong bộ trang phục dạ tweed màu xanh dương, đính ngọc trai và pha lê của nhà thiết kế Alexandra O’Neill, người sáng lập và giám đốc sáng tạo của thương hiệu Markarian có trụ sở ở New York.
Mặc dù người phát ngôn của hãng thời trang từ chối tiết lộ giá bộ trang phục của bà Jill Biden, những chiếc váy tương tự trên trang web của nhãn hiệu này có giá lên tới 2.700 USD, trong khi áo khoác có giá bán lẻ vào khoảng 2.800 USD.
Một người đại diện của thương hiệu này nói với Insider rằng tông màu xanh mà bà Jill chọn tượng trưng cho “sự tin tưởng, tự tin và ổn định”.
Tương tự bà Biden, cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng chọn tông màu xanh cho bộ trang phục trong lễ nhậm chức hôm 20/1.
Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump và cựu đệ nhất phu nhân Melania đã không tham gia lễ nhậm chức mà bay thẳng về khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Palm Beach, bang Florida.
Khi rời Nhà Trắng, bà Melania diện một bộ trang phục màu đen, kết hợp cùng áo khoác Chanel trị giá hơn 5.600 USD, giày cao gót Christian Louboutin 795 USD và chiếc túi da cá sấu màu đen Hermes Birkin có giá hơn 70.000 USD.
Tổng thống Donald Trump và đệ nhất phu nhân Melania rời Nhà Trắng hôm 20/1. Ảnh: AP.
Trong lễ nhậm chức của Trump năm 2017, bà Melania đã mặc bộ trang phục màu xanh da trời của hãng Ralph Lauren. Trong suốt thời gian tại nhiệm, cựu đệ nhất phu nhân Melania thường chọn các trang phục của các hãng nổi tiếng châu Âu. Nhiều người thường chỉ trích lựa chọn này của bà, khi nó trái ngược với cam kết ưu tiên hàng hóa và sản xuất nội địa của tổng thống Trump.
Vanessa Friedman, nhà phê bình thời trang của New York Times, chỉ ra trang phục trong ngày cuối trên cương vị đệ nhất phu nhân Mỹ của Melania bao gồm các thương hiệu yêu thích của bà. Việc đệ nhất phu nhân mãn nhiệm lựa chọn các thương hiệu châu Âu là hành động “hoàn toàn phù hợp”, theo Friedman.
Năm cuối nhiệm kỳ định hình di sản của Trump
Năm cuối nhiệm kỳ có lẽ là khoảng thời gian muốn quên của Trump, nhưng các nhà sử gia lại xem đây là năm định hình di sản của ông.
Nhiều nhà sử dụng đều đồng tình rằng năm cuối trong nhiệm kỳ của Donald Trump, với thất bại về xử lý đại dịch và kích động cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, đã định hình di sản trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ. Ngoài ra, cách Trump xử lý lần xem xét bãi nhiệm đầu tiên, biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc sau cái chết của George Floyd và nhiều người Mỹ da màu khác, cùng nỗ lực thách thức kết quả bầu cử cũng tạo nên những dấu ấn cho 4 năm của ông ở Nhà Trắng.
"Di sản mà Trump để lại là một đất nước kiệt quệ, chia rẽ, bầm dập với các thể chế căng như dây đàn", Timothy Naftali, nhà sử học về các nhiệm kỳ tổng thống, nói.
Jeff Engel, nhà sử học về nhiệm kỳ tổng thống, không nghĩ bất kỳ điều gì Tổng thống Trump đã làm trong năm nay khiến mọi người ngạc nhiên, dù là người ủng hộ, người gièm pha hay các nhà phê bình trung lập.
"Những gì ông ấy đã làm trong ba năm đầu tiên tiết lộ ông ấy là ai và mọi thứ xảy ra trong năm qua chỉ tô đậm màu thêm cho bức chân dung đó", Engel nói.
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington. Ảnh: AFP.
Đại dịch Covid-19 , tác động tới tất cả khía cạnh cuộc sống ở Mỹ, không chỉ tác động tới những nhận xét trước mắt về nhiệm kỳ của Trump mà còn định hình cách nhìn nhận lâu dài về Tổng thống thứ 45 của Mỹ, theo Engel.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, đã báo cáo gần 409.000 ca tử vong và hơn 24,6 triệu ca nhiễm vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.
"Nếu bạn hỏi tôi trước đại dịch, tôi có lẽ đã nói nhiều về cắt giảm thuế, bãi bỏ các quy định và thậm chí là nhập cư", Julian Zelizer, giáo sư về các vấn đề công và lịch sử tại Đại học Princeton, cho hay. "Đại dịch đã càn quét qua đất nước này và xác định những gì sẽ xảy ra. Và mọi thứ ông ấy làm trong năm qua sẽ được xem trọng hơn bất kỳ điều gì trong ba năm đầu tiên".
Các chuyên gia cho rằng một cuộc khủng hoảng y tế như vậy sẽ là thách thức lớn đối với bất kỳ tổng thống nào của Mỹ. Tuy nhiên, Trump đã đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của đại dịch, thúc đẩy các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng, phớt lờ các khuyến nghị y tế, đối đầu với các chuyên gia y tế và phản đối việc đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, chính quyền Trump đã làm việc tích cực để phát triển nhanh vaccine ngừa Covid-19, được ca ngợi như thành tựu khoa học đáng chú ý. Song chiến dịch phát triển vaccine thần tốc Operation Warp Speed chưa thể đáp ứng kỳ vọng về số lượng cho đủ người dân Mỹ.
Các nhà sử học nói rằng thành tựu về vaccine nên được đặt lên bàn cân với các quyết định khác của Trump về xử lý đại dịch Covid-19.
Engel cho rằng Trump đã có cơ hội để vượt qua thách thức và thay đổi câu chuyện về nhiệm kỳ của ông. "Một trong những điều mà mọi tổng thống cần để được ghi danh vào lịch sử như một tổng thống vĩ đại chính là một cuộc khủng hoảng lớn", Engel nói.
Nhiều sử gia cũng nói rằng di sản của Trump sẽ bị hủy hoại do việc từ chối chấp nhận kết quả bầu cử và những cáo buộc gian lận, gây mất niềm tin vào quy trình bầu cử của Mỹ. Đỉnh điểm là cuộc bạo loạn của người ủng hộ Trump ở Đồi Capitol hôm 6/1 , khi quốc hội đang họp xác nhận chiến thắng của Joe Biden.
"Những hình ảnh đó sẽ còn mãi, để lại thiệt hại nghiêm trọng cho các quy trình dân chủ của chúng ta và định hình thời kỳ Trump", Laura Belmonte, giáo sư sử học và hiệu trưởng Đại học Khoa học Nhân văn và Nghệ thuật Tự do thuộc Virginia Tech, nhận định.
Kathryn Brownell, phó giáo sư tại Đại học Purdue, cho rằng ngày 6/1 là "đỉnh điểm" của việc Trump phớt lờ các luật pháp và chuẩn mực của nhiệm kỳ tổng thống.
"Cuộc tấn công vào Đồi Capitol, với sự khuyến khích và chỉ đạo của Tổng thống Trump, đã gây chấn động và chưa từng có tiền lệ", Brownell nói.
Phẫn nộ trước cuộc bạo loạn ngày 6/1, cũng như những mối đe dọa tới nền dân chủ và cuộc sống người dân, Hạ viện Mỹ một tuần sau bỏ phiếu thông qua xem xét bãi nhiệm Trump, biến ông trở thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội hai lần.
Lần xem xét bãi nhiệm đầu tiên của Trump, với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội, hồi tháng 12/2019 và sau đó được Thượng viện "tha bổng" hồi tháng 2/2020 có thể chỉ được xem như "dấu phẩy trong một danh sách dài những điều kỳ lạ và việc phá vỡ các quy chuẩn ", theo Engel.
Nhà sử học về nhiệm kỳ tổng thống H.W. Brands cho rằng còn "quá sớm" để nói về di sản nào của Trump sẽ tồn tại lâu nhất, nhưng "nếu Trump tái đắc cử, những điều lạ thường của ông ấy có thể trở thành các tiêu chuẩn mới".
"Trump đã làm suy yếu niềm tin của các nước khác vào vai trò lãnh đạo của Mỹ, nhưng niềm tin có thể được khôi phục. Ông ấy đã thách thức tính hợp pháp của các cuộc bầu cử, nhưng cuộc bầu cử gần đây vẫn diễn ra, số phiếu vẫn được kiểm đếm và người chiến thắng sắp trở thành tân tổng thống", Brand nói.
Trong khi đó, Lindsay Chervinsky, một học giả về lịch sử, nói rằng tốc độ thay đổi nhân sự trong nội các của Trump là điều chưa từng có trong lịch sử Mỹ và có lẽ là "một trong số điều chưa từng có tiền lệ nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông".
Cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol, thủ đô Washington hôm 6/1. Video: CNN.
Giáo sư Zelizer nói rằng một phần quan trọng trong di sản của Trump chính là mối quan hệ với đảng Cộng hòa và nền tảng ủng hộ vững chắc của ông.
Zelizer và nhiều nhà quan sát khác nói rằng khi các sử gia đánh giá di sản của Trump, họ sẽ trở lại với câu hỏi làm thế nào Trump có thể duy trì được nền tảng ủng hộ vững chắc trong đảng và của cử tri bất chấp các hành động thất thường của ông.
"Mỗi lần ông ấy vượt quá giới hạn của cái gọi là hành vi bình thường, Trump thường không phải trả giá vì điều đó mà thậm chí còn nhận được sự ủng hộ sâu sắc hơn", Belmonte nói. "Và đây là điều mà tôi nghĩ sẽ mất nhiều năm để các nhà sử học có thể giải đáp. Lý do gì khiến Trump có được lòng trung thành mãnh liệt này, bất kể ông ấy làm gì?".
Các sử gia cũng tin rằng di sản này của Trump sẽ được xác định bởi hướng đi của đảng Cộng hòa sau khi Trump rời nhiệm sở và cách các lãnh đạo tái cấu trúc lại đảng.
Nhà sử học Timothy Naftali cho rằng các cuộc bầu cử là cách hiệu quả để xác định uy tín của tổng thống, theo đó nhận định cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 và các cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2024 có thể là những chỉ số đánh giá về di sản cũng như tầm ảnh hưởng của Trump đối với đảng Cộng hòa.
"Những người Cộng hòa sẽ giúp xác định di sản của Trump và tôi không thể dự đoán nó sẽ như thế nào", Naftali nói và thêm rằng nó phụ thuộc vào "thành công chính trị của những người mang biểu ngữ Trump".
Nhiều nghị sĩ mặc áo giáp đến lễ nhậm chức của Biden Hàng loạt nghị sĩ Dân chủ mặc giáp chống đạn dưới áo khoác do lo ngại nguy cơ an ninh khi dự lễ nhậm chức của Biden. "Nghị sĩ Ann Kuster nói rằng bà và nhiều thành viên đảng Dân chủ tại Hạ viện đã mặc giáp chống đạn dưới áo khoác trong lễ nhậm chức. An ninh cực kỳ chặt chẽ nhưng...