Phòng bệnh mùa hè thời Covid-19
Khu vực phía Nam và TP HCM đang vào mùa nắng nóng, có thể xem là một thuận lợi lớn để chống lại Covid-19. Tuy nhiên, thời tiết này lại là điều kiện thuận lợi của một số bệnh
Virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây Covid-19 “sợ” nóng, ẩm nhưng vi khuẩn lại “thích”. Vì vậy, mùa nắng nóng hãy coi chừng các bệnh do vi khuẩn, đứng đầu có thể kể đến là bệnh lý đường tiêu hóa.
Không phơi nắng quá đà
Theo bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng Thành Phố (TP HCM), thời tiết mùa nắng nóng là điều kiện thuận lợi của một số bệnh mà chúng ta cần phải đề phòng. Đầu tiên có thể kể đến là bệnh tay chân miệng, vốn thường bắt đầu đợt gia tăng vào tháng 3 và 4, khi trời nóng lên. Nhóm bệnh về đường tiêu hóa cũng cần phải lưu tâm vì trời nóng làm thức ăn dễ ôi, thiu dễ dẫn đến nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, các tỉnh, thành phía Nam cũng dễ mắc nhóm bệnh về đường hô hấp do thời tiết nắng nóng nên sử dụng nhiều quạt máy, máy lạnh; việc dùng máy lạnh không đúng cách khiến nhiệt độ phòng và bên ngoài chênh lệch quá cao, dễ bị nhiễm lạnh, nhất là về đêm.
Giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp phòng Covid-19 mà có lợi cho cả các bệnh mùa hè – Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Riêng với Covid-19, theo BS Nguyễn Minh Tiến, thời tiết nắng nóng sắp tới sẽ giúp chúng ta bớt lo. Đặc tính sinh thái học của virus SARS-CoV-2 là dễ suy yếu trong môi trường nóng, chỉ nguy hiểm trong thời tiết lạnh, khô. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nhiệt độ từ 4 – 20 độ C, độ ẩm 20% thì virus SARS-CoV-2 có thể sống được khoảng 5 ngày trên các bề mặt. Với một số dạng bề mặt, nó sống còn lâu hơn ví dụ như kim loại. Thế nhưng khi thời tiết càng nóng, nó càng mau chết, đồng thời yếu đi, khiến khả năng gây bệnh giảm.
Thông tin virus SARS-CoV-2 “sợ” nắng, tia UV khiến nhiều người quá tích cực phơi nắng nhưng theo các BS, hiểu như vậy là chưa đúng. Hãy tận dụng điều này bằng cách mở cửa cho phòng của bạn thông thoáng, có nắng, có gió và phơi các vật dụng cần thiết dưới ánh nắng để diệt khuẩn. Khi dùng đèn UV diệt khuẩn phải chú ý không có người trong phòng. Để tăng cường sức khỏe, chỉ nên phơi nắng sớm trước 9 giờ ở mức vừa phải và tư vấn BS ngay nếu có dấu hiệu bỏng da, rát da do tiếp xúc với nắng quá đà.
Video đang HOT
“Bớt sợ” nhưng không được chủ quan
BS Nguyễn Minh Tiến cảnh báo virus SARS-CoV-2 suy yếu với nhiệt độ cao nhưng không có nghĩa sẽ chết hoàn toàn. Vì vậy vẫn phải phòng bệnh bằng các biện pháp như từ đầu mùa dịch đến nay, nhất là người lớn tuổi, có bệnh nền, sức đề kháng kém.
BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), khuyến cáo vào mùa nắng nóng, người lớn tuổi nên đề phòng một số bệnh về tim mạch và cả các cơn say nắng. Cơn say nắng (sốc nắng, sốc nhiệt…) là do đi quá lâu dưới trời nắng nóng, người cao tuổi có bệnh nền sẽ có nguy cơ cao hơn người trẻ. Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, giãn mạch, mất nước qua mồ hôi.
Những biểu hiện nhẹ ban đầu có thể là tăng nhịp tim, nhịp thở, hồi hộp đánh trống ngực… Nặng hơn là mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, khó thở, chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ). Nếu không được can thiệp đúng và kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như ngất, hôn mê, trụy tim mạch, thậm chí tử vong.
BS Nguyễn Minh Tiến tư vấn: “Rửa tay thường xuyên với nước sạch và xà phòng không chỉ phòng Covid-19 mà còn giúp phòng bệnh tay chân miệng và nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, tiêu hóa khác như thủy đậu, tiêu chảy, sởi… Nhà cửa thông thoáng thì vừa phòng Covid-19 vừa bớt lo cả sốt xuất huyết; môi trường sạch sẽ, thoáng đãng cũng làm các vi khuẩn gây bệnh khác khó sinh sôi nảy nở hơn. Dùng máy lạnh đúng cách, không để nhiệt độ phòng quá lạnh sẽ giúp không bị nhiễm lạnh…”.
Biện pháp uống nước thường xuyên được các BS khuyến cáo trong mùa Covid-19 nhằm giúp đường hô hấp không bị khô, tăng khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể cũng phù hợp trong mùa nắng nóng. Vì theo BS Trương Quang Anh Vũ, bổ sung đủ nước cũng là cách để không bị say nắng, bởi say nắng liên quan mật thiết đến việc mất nước. Uống đủ nước còn tốt cho nhiều bệnh mạn tính, bệnh của người cao tuổi như cao huyết áp, tim mạch, đái tháo đường…
Theo các bác sĩ, những biện pháp như rửa tay, uống nước thường xuyên, giữ nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng không chỉ giúp phòng Covid-19 mà có lợi cho cả các bệnh mùa hè.
ANH THƯ
Tiêu chảy và chán ăn có thể là dấu hiệu sớm của virus corona
Những vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, nôn và chán ăn có thể là triệu chứng của virus corona, theo kết quả từ một nghiên cứu.
Một bệnh nhân ở bệnh viện Vũ Hán
Nghiên cứu trên 204 bệnh nhân ở Vũ Hán, nơi khởi phát dịch Covid-19, cho thấy 99 bệnh nhân (48,5%) đã đến bệnh viện với căn bệnh chính là các vấn đề về tiêu hóa.
Phần lớn những người này không mắc các bệnh lý nền ở đường tiêu hóa.
Mất cảm giác ngon miệng (83%) và tiêu chảy (29%) là các triệu chứng chính ở bệnh nhân biểu hiện các vấn đề tiêu hóa.
Các vấn đề tiêu hóa khác được báo cáo bao gồm nôn (0,8%) và đau bụng (0,4%).
Hầu hết các bệnh nhân cũng gặp phải các vấn đề về hô hấp - như ho khan kéo dài hoặc khó thở - cũng như các vấn đề về tiêu hóa, nhưng có 7 bệnh nhân trong nghiên cứu chỉ có các triệu chứng tiêu hóa.
Nghiên cứu của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, đã được các học giả khác xem xét kỹ lưỡng và công bố trong tuần này trên tờ American Journal of Gastroenterology.
Các tác giả đã nghiên cứu 107 nam giới và 94 phụ nữ ở độ tuổi trung bình 55, tất cả đều có kết quả dương tính với Covid-19 trong khoảng thời gian từ 18 tháng 1 đến 28 tháng 2.
99 người có các triệu chứng tiêu hóa và 92 trong số này cũng bị các vấn đề về hô hấp do nhiễm trùng.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: "Trong số 105 bệnh nhân không có triệu chứng tiêu hóa, 85 người chỉ có triệu chứng về hô hấp và 20 người không có triệu chứng về hô hấp cũng như tiêu hóa".
Nghiên cứu cũng cho thấy các vấn đề tiêu hóa nặng lên khi mức độ nghiêm trọng của bệnh tăng.
Các bệnh nhân không có triệu chứng tiêu hóa trong nghiên cứu này có nhiều khả năng được chữa khỏi và xuất viện hơn so với bệnh nhân có triệu chứng tiêu hóa. Khoảng một phần ba (34,3%) bệnh nhân gặp vấn đề về tiêu hóa đã được xuất viện vào ngày 5 tháng 3, khi nghiên cứu ngừng thu thập dữ liệu.
Con số điều trị thành công tăng lên 60% đối với những người không gặp phải các triệu chứng tiêu hóa. Các nhà nghiên cứu viết: "Chúng tôi thấy rằng các triệu chứng tiêu hóa là một dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân mắc Covid-19. So với bệnh nhân không có triệu chứng tiêu hóa, những người có triệu chứng tiêu hóa có thời gian từ khi khởi phát đến khi nhập viện dài hơn và tiên lượng xấu hơn.
Tại sao virus corona gây các triệu chứng tiêu hóa ?
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc tin rằng Covid-19 gây ra các triệu chứng tiêu hóa vì SARS-CoV-2 tương tự như SARS-CoV và có thể xâm nhập cơ thể bằng cách gắn với thụ thể men chuyển angiotensin 2 (ACE-2). Điều này có thể gây tổn thương mô gan do tạo ra quá nhiều tế bào gan, có nguồn gốc từ các tế bào trong ống mật.
Thứ hai, SARS-CoV-2 gián tiếp hoặc trực tiếp gây tổn thương hệ thống tiêu hóa thông qua phản ứng viêm. Phản ứng dây chuyền có thể làm tổn thương hệ thống tiêu hóa.
Cẩm Tú
Chích vắc-xin trễ vài tuần có giảm tác dụng? Bạn đọc Trần Châu L. (nữ, 38 tuổi, tranchau2...@gmail.com) hỏi: Con tôi và cháu tôi, một cháu đến lịch chích nhắc vắc-xin 5 trong 1 tiêm chủng mở rộng, cháu kia cũng gần đến lịch chích nhắc sởi và vài vắc-xin dịch vụ. Nhưng hiện nay do dịch bệnh, việc tiêm các vắc-xin bị gián đoạn, liệu có ảnh hưởng gì không? -...