Phát triển môn Giáo dục Thể chất – cần đổi mới từ giáo viên
Giáo dục thể chất là một môn học rất quan trọng trong nhà trường, giúp học sinh rèn sức khoẻ, góp phần vào sự phát triển toàn diện về đức-trí-thể-mĩ.
Học sinh tham gia giờ Thể dục. Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh, học sinh, thậm chí là bộ phận nhỏ cán bộ quản lý vẫn coi đây là môn phụ. Để xoá bỏ định kiến này, thay đổi về nhận thức là yếu tố quyết định.
Vẫn còn định kiến môn chính-môn phụ
Theo thầy Trần Trung Sơn, giáo viên Thể dục Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TP.HCM), hiện vẫn có quan niệm môn chính-môn phụ, nên tự trong tiềm thức của nhiều phụ huynh, học sinh, thậm chí là cả bộ phận nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên khác vẫn coi đây là môn phụ.
Vậy làm sao để thay đổi nhận thức là một vấn đề rất quan trọng. Rào cản từ cách nhìn nhận, nhận thức dẫn tới chưa thực sự chú trọng, đầu tư, quan tâm đúng mức tới bộ môn từ cơ chế, tới sân bãi, nhà thi đấu…
Ngoài ra, cũng có nhiều nơi, đối với học sinh giỏi các bộ môn văn hóa được khuyến khích, đầu tư và khen thưởng tuyên dương, nhưng với môn thể dục thì ít quan tâm hơn và chưa khích lệ được những học sinh có năng lực, sở trường ở bộ môn này.
Một vấn đề nữa, theo thầy Sơn là một bộ phận giáo viên bộ môn cũng chưa thực sự đổi mới, vẫn còn sức ì. Chính vì vậy, thay đổi về nhận thức từ bản thân mỗi một giáo viên là điều rất quan trọng.
“Chỉ khi tự thân bộ môn này thay đổi, mỗi giáo viên thay đổi, khi đó mới có thể giúp bộ môn này phát triển, xoá bỏ định kiến môn chính-môn phụ”, thầy Sơn nói.
Thầy Trần Trung Sơn hướng dẫn học sinh kỹ năng chơi bóng rổ trong tiết Thể dục. Ảnh minh hoạ
Chia sẻ về những rào cản khiến môn học này chưa thể phát triển, đi vào thực chất như đúng vị thế của nó, thầy Trần Trung Sơn cho rằng, áp lực học tập các môn văn hóa là một trong những rào cản ảnh hưởng đến việc nhiều học sinh không cảm thấy thích thú với môn Thể dục ở trường.
Nhiều học sinh ngày nay học thêm rất nhiều, không có thời gian vận động, thiếu ngủ, dinh dưỡng không đảm bảo ảnh hưởng lớn đến thể chất.
Video đang HOT
“Có thể thấy, chương trình hiện hành vẫn còn rất nặng, nhiều em với thời gian ở trên lớp chưa theo kịp bài vở nên đã phải tìm đến các trung tâm, lớp học thêm. Nhiều em tham gia các lớp luyện thi vào trường chuyên, thậm chí học để chạy theo thành tích. Các con có quá nhiều áp lực lên vai nên không có thời gian, tâm trí để chú trọng đến vấn đề học thể dục, rèn luyện sức khỏe”, thầy Sơn nói.
Ngoài ra, thầy Sơn cũng trăn trở, cách đánh giá này hiện nay ở bộ môn Thể dục là Đạt và Không Đạt, chưa thể hiện được sự đánh giá toàn diện năng lực, sở trường của học sinh ở bộ môn này.
Chính vì vậy, qua quá trình giảng dạy người thầy có thể thêm vào những tiêu chí cụ thể về mặt thể chất để đánh giá toàn diện hơn. Đánh giá không nặng về thành tích, nhưng phải có mức độ (khung) để giúp cho học sinh có sự nỗ lực, hoàn thành các bài tập trong rèn luyện thể chất. Mục đích cuối cùng là giúp các em có ý thức, nỗ lực về việc rèn luyện sức khoẻ, cải thiện bản thân.
Với cách làm này mỗi giáo viên cần thay đổi và có kế hoạch cụ thể, đổi mới trong giáo án giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh qua nhiều hình thức.
Chủ động đổi mới
Nhận thấy vai trò quan trọng của môn học Thể dục cũng như phong trào thể thao trường học, từ những năm qua, Trường THPT Ngô Gia Tự (Quận 8, TP.HCM) đã chú trọng phát triển công tác này tại cơ sở.
Nhà trường đã đầu tư, trang bị cơ sở vật chất tốt để có sân chơi cho tất cả các em học sinh với nhiều bộ môn. Cụ thể như bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, cầu lông, nhảy, võ thuật, bóng chuyền… Qua đó các học sinh được rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất và được xả stress sau những giờ học tập văn hoá căng thẳng. Tạo tinh thần gắn kết đồng đội cho các em.
Từ hoạt động này, các đội nhóm trong trường được thành lập rất nhiều, hoạt động sôi nổi, qua đó đẩy mạnh bề nổi của nhà trường về phong trào. Vì thế, việc dạy học môn Thể chất của trường cũng được đầu tư, phát triển, đáp ứng yêu cầu vui, khoẻ cho các em học sinh. Từ đây cũng là nơi ươm mầm cho những tài năng thể thao học đường.
Học sinh tham gia CLB bóng rổ trong nhà trường với hình thức xã hội hoá
Đơn cử như Trường Ngô Gia Tự liên tục nhiều năm qua là một trong những trường đứng đầu Quận 8 về phong trào thể dục thể thao.
Từ phong trào thể thao học đường, Trường Ngô Gia Tự cũng đã phát hiện và bồi dưỡng rất nhiều học sinh tài năng cho thể thao Quận, Thành phố và cả cấp quốc gia với nhiều môn như võ thuật Karate, Muay, bóng chuyền, bóng đá. Đơn cử như em Võ Công Anh Kiệt, Nguyễn Tăng Quyền (đội tuyển Muay thành phố và quốc gia)…
Về đổi mới dạy học bộ môn, thầy Sơn chia sẻ, ngoài cung cấp kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu bộ môn, thầy thường lồng ghép các bài học thể thao vào thực tế cuộc sống để các em thấy được những bài học thực tiễn, vai trò của thể thao trong cuộc sống.
Đồng thời kể cho các em nghe những câu chuyện tích cực có thật từ đời sống thể thao, những tấm gương thể thao… lan toả năng lượng tích cực giúp các em phần nào hiểu biết thế giới quan xung quanh mình, nhất là lĩnh vực thể thao.
Bên cạnh bài học, thầy cũng trao đổi với các em những bài học từ cuộc sống từ cách đối nhân xử thế, vượt khó, rèn luyện các kỹ năng sống, làm việc nhóm…
Song song đó, giáo viên đưa thêm vào những trò chơi dân gian, cho các em vừa học vừa chơi, vừa rèn luyện sức khoẻ tạo sự thoải mái, vui vẻ khi học tập bộ môn này.
Học sinh tham gia CLB bóng đá tại trường. Ảnh minh hoạ
Môn thể dục là một môn khá đặc thù, có những bài tập, yêu cầu không phải học sinh nào cũng có thể chất tốt để hoàn thành. Vì vậy, người giáo viên cũng cần linh hoạt trong đánh giá, kiểm tra, nhằm khuyến khích, động viên các em nỗ lực, vượt qua giới hạn của bản thân.
Thầy Sơn cũng nhấn mạnh, một trong những đổi mới của các trường hiện nay là thành lập các câu lạc bộ năng khiếu tự chọn, thu hút được đông học sinh tham gia.
Với hoạt động này vừa giúp các em rèn luyện sức khoẻ, vừa theo đuổi đam mê, sở trường của mình, kết nối thêm nhiều bạn bè cùng sở thích. Phụ huynh cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện cho học sinh tham gia. Đồng thời đây cũng là cách để các nhà trường phát hiện các hạt giống, phát triển các CLB tiềm năng tham gia các phong trào thể dục thể thao của ngành.
Vai trò truyền lửa của giáo viên thể dục
Để phát huy tính chất quan trọng của môn thể dục, đòi hòi người thầy có sự tận tâm, sáng tạo và biết cách truyền lửa đến học trò.
Ảnh minh hoạ.
Trong hệ thống giáo dục, giáo dục thể chất luôn gắn liền với giáo dục trí dục, đức dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Đây cũng chính là đặc trưng cơ bản của giáo dục thể chất trong nhà trường.
Thể chất tốt - nền tảng phát triển toàn diện
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao: Hoạt động rèn luyện thể chất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn phát triển của mỗi con người, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh ở các mặt. Góp phần giữ gìn sức khỏe, nâng cao thể lực và tầm vóc phù hợp với độ tuổi, giới tính và đặc điểm sức khỏe cá nhân của từng học sinh.
Ngoài ra, hoạt động thể chất tạo dựng cơ sở cho sự phát triển năng lực thể chất toàn diện, hoàn thiện hình thái, củng cố sức khỏe và hình thành hệ thống kỹ năng, kỹ xảo vận động. Phát triển thể lực toàn diện, các kỹ năng vận động cơ bản và các năng lực vận động cốt lõi.
Trên cơ sở đó giáo dục các phẩm chất đạo đức, ý chí, hình thành văn hóa thể chất cá nhân và xây dựng lối sống lành mạnh.
Hiện nay, thời lượng của môn thể dục trong nhà trường nằm trong tổng thể của khung chương trình và nội dung giáo dục đối với mỗi cấp học, được bố trí để đáp ứng mục tiêu giáo dục nói chung và giáo dục thể chất nói riêng (tăng cường sức khỏe, phát triển thể lực toàn diện, trang bị kiến thức, kỹ năng vận động cơ bản và hình thành thói quen tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên cho trẻ em, học sinh, góp phần giáo dục ý chí, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, lành mạnh cho trẻ em, học sinh).
Tương tự như các môn học văn hóa khác, muốn học giỏi, học sinh cần phải được trau dồi, bổ sung thêm những kiến thức khác ngoài nội dung cơ bản đã được dạy theo thời lượng được phân bổ của chương trình. Vì vậy, để có được những tác động tích cực đến sức khoẻ của mình, bên cạnh thời gian môn học giáo dục thể chất có tính bắt buộc, học sinh cần tích cực tham gia và dành thời gian thích hợp cho các hoạt động thể thao ngoại khóa trong và ngoài trường học.
Học sinh Tiểu học trong giờ học môn bóng rổ.
Vai trò truyền lửa của giáo viên thể dục
Tại nhiều trường học, thể dục thường bị coi là "môn phụ" và học sinh chưa thực sự ý thức được vai trò của môn học với việc rèn luyện nâng cao sức khoẻ. Hiện trạng này đang được dần khắc phục bằng các biện pháp cụ thể, bước đầu đã có những chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng: Thực tế hiện nay, không ít giáo viên thể dục còn tâm lý ỷ lại, không có ý thức tìm tòi, đổi mới phương thức truyền tải nội dung giảng dạy cho học sinh.
Do đó, để thu hút sự quan tâm của học sinh đối với môn học, trước hết giáo viên cần thay đổi phương pháp giảng dạy, cách thức truyền đạt để truyền được cảm hứng cho học sinh. Điều này quyết định đến việc yêu thích của học sinh đối với môn học giáo dục thể chất, để cho người học cảm thấy hứng thú trong giờ học.
Giáo viên thể dục cần sử dụng hợp lý các loại dụng cụ, trang thiết bị phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích việc kết với âm nhạc phù hợp làm "nền" tạo không khí vui tươi, hưng phấn, sự đam mê, yêu thích cho học sinh, sinh viên khi tập luyện thể dục thể thao. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn, các tranh ảnh kỹ thuật, video clip để tổ chức các giờ học giáo dục thể chất và hoạt động thể thao ngoại khóa sinh động và hiệu quả.
Để giáo dục thể chất có chỗ đứng xứng đáng trong trường học và ý thức của học sinh và không bị coi là "môn phụ", Ông Nguyễn Hồng Minh cho rằng cần có sự thay đổi về nhận thức của gia đình và xã hội về vấn đề sức khỏe, vấn đề phát triển thể chất cho trẻ em, học sinh.
"Chúng ta cần phải nhận thức đúng đắn rằng, nâng cao sức khỏe, phát triển thể chất cho con em mình cũng không kém phần quan trọng so với việc nâng cao kiến thức, tri thức văn hóa. Từ những thay đổi về mặt nhận thức chúng ta mới có được sự thay đổi trong hành động. Những thay đổi về chính sách đối với công tác giáo dục thể chất (về nội dung, chương trình, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên thể dục...) cũng góp phần nâng cao vị thế môn học.", Ông Nguyễn Hồng Minh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để học sinh ý thức đúng giá trị, gia đình có vai trò rất quan trọng trong việc xóa bỏ định kiến "thể dục là môn phụ". Gia đình có thể giúp con em mình nhận thức đúng đắn về việc rèn luyện và nâng cao thể lực, tầm vóc thông qua các hoạt động TDTT, trả các chi phí cần thiết cho hoạt động giáo dục và rèn luyện thể chất của con em mình và động viên, khuyến khích con em mình tích cực tham gia các hoạt đội TDTT.
"Các thành viên trong gia đình giáo dục cho trẻ có được nhận thức đúng đắn về tác dụng của môn học thể dục và các hoạt động thể thao trong nhà trường đối với việc phát triển toàn diện cả về thể lực và trí lực cho con em mình. Trẻ sẽ yêu thích rèn luyện TDTT nếu ông bà, cha mẹ, các thành viên lớn trong gia đình gương mẫu tham gia các hoạt động này và cùng nhau duy trì thói quen thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để nâng cao sức khoẻ, phát triển tầm vóc, thể lực và phòng chống bệnh tật.
Các bậc phụ huynh nên đầu tư thời gian, kinh phí, mua sắm dụng cụ, trang phục, đưa đón con em mình tham gia các hoạt động TDTT theo sở thích, nguyện vọng và năng lực, tạo điều kiện cho con em được tham gia các hoạt động TDTT để rèn luyện và phát triển thể chất.", Ông Nguyễn Hồng Minh đưa ra lời khuyên.
Dạy học thể dục: Trong cái khó ló cái khôn Nhiều trường học tại TPHCM không có đủ điều kiện sân bãi, nhà thi đấu để học sinh (HS) học các môn Giáo dục thể chất tại trường. Để HS có không gian học tập, nhiều mô hình phối hợp dạy học sáng tạo được áp dụng. HS Trường THCS Nguyễn Du - Quận 1 - TPHCM tranh thủ tập luyện môn đá...