Trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự: Tạo dấu ấn bằng những đột phá
Trải qua 20 năm thành lập và phát triển, đến nay, Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh) đã trở thành một trong những lá cờ đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục, có nhiều đóng góp vào thành tích chung của ngành.
Kết quả này có sự góp sức của các thế hệ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) nhà trường với nhiều nỗ lực, đổi mới trong công tác quản lý và tổ chức dạy học.
Cô Nguyễn Thị Yến – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Ngô Gia Tự cho biết, nhà trường chú trọng quản lý về chất lượng chuyên môn đối với GV thông qua việc thường xuyên dự giờ, thăm lớp, rút kinh nghiệm, triển khai sinh hoạt các tổ chuyên môn đảm bảo tính hiệu quả, tránh qua loa, hình thức.
Đối với học sinh (HS), trường tổ chức kiểm tra chung theo khối một cách nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu ra đề, coi kiểm tra, chấm bài đến nhận xét, đánh giá HS. Từ đó, các GV đánh giá được năng lực thực chất và sự tiến bộ của các em để có những giải pháp bồi dưỡng HS giỏi, phụ đạo HS yếu phù hợp.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Ngô Gia Tự.
Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên phát động các phong trào thi đua trong HS, GV, thực hiện lồng ghép, tích hợp giáo dục đạo đức, hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, văn nghệ, thể dục thể thao … để tạo không khí sôi nổi, thi đua trong dạy và học.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày càng được quan tâm hơn. Ngoài ngân sách hàng năm, trường đã huy động nguồn xã hội hóa từ phụ huynh HS để xây dựng 2 phòng máy vi tính với 96 máy, 1 màn hình 65inches, 22 tivi 65inches và khu dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Mỗi năm, trường phối hợp với các mạnh thường quân trao học bổng cho HS với số tiền hơn 100 triệu đồng…
Nhờ những giải pháp thiết thực, đồng bộ, Trường THPT Ngô Gia Tự đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. 20 năm qua, trường có tỷ lệ bình quân HS tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên đạt 98,9%. Riêng từ năm học 2014 – 2015 đến nay, tỷ lệ tốt nghiệp ở cả 2 hệ đều đạt 100%. Tỷ lệ HS đỗ đại học, cao đẳng đạt 84,8%.
Trường có tổng cộng 356 HS giỏi cấp tỉnh, 28 HS giỏi cấp quốc gia, 40 GV giỏi cấp tỉnh. Liên tục trong 6 lần tham gia Hội thi GV giỏi cấp tỉnh từ năm học 2005 – 2006 đến 2017 – 2018, trường đều đạt giải, trong đó có 2 lần đạt giải nhất, 2 lần đạt giải nhì, 2 lần đạt giải 3 toàn đoàn. 166 sáng kiến, đề tài nghiên cứu sư phạm ứng dụng của GV đã được hội đồng khoa học các cấp, ngành đánh giá, xếp loại.
Theo cô Nguyễn Thị Yến, thời gian tới, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhà trường chú trọng đến việc xây dựng khối đoàn kết tập thể, nâng cao chất lượng đội ngũ, chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ, GV và quan tâm đào tạo năng lực, trình độ cho đội ngũ kế cận.
Trường cũng sẽ tiếp tục chủ động đổi mới phương pháp quản lý và giảng dạy, tổ chức tốt công tác thao giảng, hội giảng, dự giờ, thăm lớp, sử dụng hiệu quả các phương tiện, trang thiết bị, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học…
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), có vai trò quyết định, then chốt trong công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Chuẩn bị đội ngũ cho chương trình mới
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, thời gian qua, ngành GD-ĐT tỉnh đã thực hiện tốt công tác rà soát, sắp xếp, quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo; thực hiện tuyển dụng, bố trí, bổ nhiệm, luân chuyển đúng quy định, đúng vị trí việc làm; giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên (GV) cục bộ. Các chính sách đãi ngộ đối với GV được quan tâm, nhất là ở các địa phương có xã đảo, vùng bãi ngang ven biển, khu vực miền núi.
Đội ngũ GV, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh nhìn chung có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, có tinh thần trách nhiệm cao, có năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở từng cấp học.
Tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Lộc Thọ (TP. Nha Trang).
Những năm qua, tỉnh tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS. Chất lượng giáo dục tiểu học ổn định và từng bước phát triển. Tại địa bàn miền núi và vùng dân tộc thiểu số, chất lượng dạy và học tuy chưa đồng đều nhưng đã đi vào nề nếp, tỷ lệ học sinh yếu giảm đáng kể.
Chất lượng giáo dục trung học ổn định và ngày càng được nâng cao, giáo dục mũi nhọn có khởi sắc. Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 26 giải trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, 1 học sinh đạt giải nhì cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt 97,5%, tỷ lệ học sinh có tổng 3 môn xét tuyển đại học từ 15 điểm trở lên chiếm 94,4% số thí sinh đăng ký xét tuyển...
Ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ nhà giáo của tỉnh đã tiếp cận khá tốt với chương trình mới, tổ chức dạy và học ổn định trong các nhà trường.
Phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên và phụ huynh để tạo sự đồng thuận. Các địa phương đã ưu tiên phân bổ GV dạy lớp 1, đảm bảo tỷ lệ 1,5 GV/lớp để giảng dạy lớp 1 Chương trình giáo dục phổ thông mới và đảm bảo tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở tất cả các cơ sở giáo dục tiểu học trên toàn tỉnh. Những GV này đều có trình độ chuẩn và trên chuẩn.
Bồi dưỡng nâng chuẩn cho đội ngũ nhà giáo
Năm học 2020 - 2021, ngành Giáo dục tỉnh có 19.379 cán bộ quản lý, GV, nhân viên thuộc 453 trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp. Trong đó, có 1.179 cán bộ quản lý, 14.923 GV, 3.277 nhân viên.
Theo ông Võ Hoàn Hải, trước những yêu cầu mới về chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019, đội ngũ GV của tỉnh đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. So với chuẩn mới, tỷ lệ đạt chuẩn đào tạo của GV mầm non mới chỉ có 79,9%, tiểu học 62,7%, THCS 78,54%, THPT 100%.
Vì vậy, công tác đào tạo nâng chuẩn cho đội ngũ này là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới. Sở GD-ĐT đã thống kê nhu cầu, số lượng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn nghề nghiệp GV theo yêu cầu của Luật Giáo dục năm 2019 để báo cáo Bộ GD-ĐT và tham mưu UBND tỉnh triển khai theo lộ trình đến năm 2025.
Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, lãnh đạo Sở GD-ĐT nhấn mạnh đến quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường, trong đó có vai trò của hiệu trưởng trong chỉ đạo, tính tích cực, chủ động của tổ trưởng chuyên môn và GV trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.
Sở sẽ tiếp tục thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường để tạo điều kiện cho GV có nhiều thời gian đầu tư cho nghiên cứu chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường, nhất là những trường vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho GV... để tạo điều kiện cho đội ngũ GV phát huy tốt năng lực.
Quận Tây Hồ (Hà Nội) khen thưởng điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu Sáng 18/11, UBND quận Tây Hồ tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu năm học 2019-2020. Trao Cờ thi đua xuất sắc của TP cho 3 tập thể. Báo cáo tại buổi lễ, ông Phạm Xuân Tài- Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Bước vào năm học 2019-2020, quận...