Phát huy vai trò của đoàn thanh niên trong công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em
Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đoàn, những năm qua, các cấp bộ đoàn đã quan tâm, triển khai nhiều hoạt động thiết thực.
Từ đó, tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, rèn luyện, phát triển toàn diện.
Huyện đoàn Quảng Xương tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Với phương châm “tất cả vì đàn em thân yêu”, Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Từ đó, triển khai hiệu quả nhiều hoạt động chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Cụ thể như, tổ chức Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi 1-6; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, xây nhà khăn quàng đỏ; thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh… Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã tăng cường phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo, ngành lao động – thương binh và xã hội, các đoàn thể, tổ chức xã hội, các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, cơ sở vật chất, nguồn lực tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục, bảo vệ thiếu niên, nhi đồng. Trong đó dành nhiều sự quan tâm đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc thù.
Để nâng cao nhận thức cho trẻ em và cộng đồng về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em, các cấp bộ đoàn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em thông qua các diễn dàn, buổi nói chuyện, ngoại khóa, pano, áp phích. Trong đó, chú trọng tuyên truyền các nội dung về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước; tác hại của ma túy, các chất kích thích và tệ nạn xã hội…
Thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho trẻ em, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tổ chức các phong trào, cuộc vận động như, phong trào “Thiếu nhi Thanh Hóa thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”; chương trình “Rèn luyện đội viên”; ngày hội “Thiếu nhi vui khỏe – Tiến bước lên đoàn”, cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”… nhằm rèn luyện, hun đúc những giá trị sống tốt đẹp cho thiếu niên, nhi đồng. Đồng thời, các cấp bộ đoàn đã triển khai hoạt động hướng về nguồn; chương trình giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cho trẻ em. Hằng năm, tổ chức, biểu dương gặp mặt các thiếu nhi tiêu biểu; vận động cán bộ, đoàn viên, thanh niên quyên góp, xây dựng “Ngôi nhà khăn quàng đỏ” cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Với vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; giám sát việc thực hiện quyền trẻ em, các cấp bộ đoàn đã triển khai các mô hình, sân chơi, câu lạc bộ cho trẻ em. Trong thời gian qua, nhiều câu lạc bộ đã được thành lập và hoạt động hiệu quả, như các câu lạc bộ: phóng viên nhỏ, quyền trẻ em, đảm bảo an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực học đường, bình đẳng giới… Thông qua các câu lạc bộ, trẻ em được nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ bản thân, kiến thức về Luật Trẻ em, quyền trẻ em. Đồng thời, các em được vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao; giao lưu học hỏi, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và thể hiện mong muốn của bản thân hay những lo lắng, rủi ro xảy ra với mình. Từ đó, đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở đã nắm bắt kịp thời mong muốn nguyện vọng của các em, phát hiện những điều bất thường để kịp thời có biện pháp ngăn chặn và thông báo cho nhà trường, gia đình và lãnh đạo địa phương…
Thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh, Tỉnh đoàn đã phát hàng nghìn tờ rơi và cẩm nang tuyên truyền về phòng chống tai nạn đuối nước, các biện pháp phòng ngừa, xử lý khi gặp các tình huống đuối nước cho trẻ em. Triển khai các hoạt động như, tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em; lắp đặt bể bơi, lắp đặt hệ thống phao cứu hộ tại các địa điểm dễ xảy ra tai nạn đuối nước; cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm. Đến nay toàn tỉnh đã cắm được hơn 600 biển cảnh báo khu vực dễ xảy ra đuối nước. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội; tập huấn kỹ năng dạy bơi cho đội ngũ cán bộ đoàn, hội, đội…
Những hoạt động thiết thực, phong phú của các cấp bộ đoàn đã góp phần thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng với trẻ em. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện về nhân cách, trí tuệ, tinh thần của trẻ em.
Video đang HOT
Nâng thể trạng sức khỏe học đường hậu Covid-19
Nhiều quốc gia châu Á từng ghi nhận tỷ lệ học sinh mắc bệnh béo phì, cận thị tăng cao. trong những năm qua, đặc biệt sau tác động của Covid-19, các quốc gia đã chú trọng chăm sóc sức khỏe trong trường học.
Nhân viên y tế Trường Trung học Soka Higashi, thành phố Saitama, Nhật Bản trò chuyện với học sinh về các vấn đề sức khỏe tâm thần sau dịch Covid-19.
Nhật Bản
Hệ thống y tế học đường tại Nhật Bản được đánh giá sở hữu chất lượng hàng đầu trong khu vực châu Á. Trước khi vào tiểu học, trẻ sẽ được kiểm tra sức khỏe toàn diện. Nếu các em mắc khiếm khuyết về mặt thể chất hoặc trí tuệ cần được hỗ trợ giáo dục đặc biệt, phụ huynh thường được hướng dẫn các chương trình giáo dục phù hợp với trẻ. Khi chọn trường, yếu tố chăm sóc sức khỏe, chất lượng hệ thống y tế cũng được nhiều phụ huynh quan tâm.
Chương trình chăm sóc sức khỏe học đường của Nhật Bản được quy định bởi Đạo luật An toàn và Sức khỏe trường học. Hầu hết các trường đều có bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ. Nha sĩ và dược sĩ có thể làm việc tại nhiều trường phổ thông khác nhau. Tuy nhiên, mỗi trường đều phải có tối thiểu một nhân viên điều dưỡng và điều phối viên y tế học đường.
Nhiệm vụ của nhân viên điều dưỡng, điều phối viên là xây dựng kế hoạch y tế học đường, kế hoạch an toàn trường học; đồng thời, quản lý, giáo dục và tư vấn sức khỏe cho học sinh theo cá nhân, lớp hoặc khối.
Trong khi đó, bác sĩ trong trường học sẽ tham mưu xây dựng kế hoạch y tế học đường và kế hoạch an toàn trường học. Phối hợp cùng nhân viên điều dưỡng, điều phối viên, tổ chức bài học về sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh. Kiểm tra sức khỏe học sinh và đưa ra phương pháp điều trị dựa trên kết quả khám bệnh.
Tương tự, nha sĩ tư vấn sức khỏe răng miệng, khám răng cho học sinh. Đồng thời, tổ chức các buổi trò chuyện, hướng dẫn học sinh phòng ngừa sâu răng và các bệnh lý răng miệng khác. Còn dược sĩ chuẩn bị đơn thuốc, quản lý môi trường vệ sinh trường học.
Các trường phổ thông tại Nhật Bản có trách nhiệm khám sức khỏe cho học sinh, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, giáo dục sức khỏe, giáo dục giới tính. Bên cạnh hệ thống y tế bài bản, các trường thường xuyên tổ chức cho học sinh hoạt động ngoài trời, tham gia câu lạc bộ thể dục thể thao hoặc tham quan dã ngoại. Cùng với nhà trường, phụ huynh khuyến khích con cái dậy sớm đi bộ, đạp xe đến trường. Sau giờ học, các em được thỏa sức chạy nhảy tại sân chơi.
Nhờ đó, trẻ em Nhật Bản được đánh giá có sức khỏe tốt hàng đầu thế giới. Sau dịch Covid-19 khi trường học mở cửa lại, các trường tăng cường trò chuyện với học sinh về sức khỏe tâm thần, nâng số giờ học Thể dục hoặc hoạt động câu lạc bộ.
Tỷ lệ học sinh cận thị, béo phì tại Trung Quốc tăng trong thập kỷ qua.
Singapore
Tháng 12/2021, Bộ Giáo dục Singapore thông báo sẽ xây dựng chương trình giáo dục sức khỏe tâm thần cho các trường phổ thông trên cả nước trong 2 năm tới. Chương trình khuyến khích học sinh phát hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết và xây dựng khả năng phục hồi.
Trước đó, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục yêu cầu các trường dành thời gian đầu học kỳ để kiểm tra tình trạng sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của học sinh. Trong năm học, giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng hỗ trợ tâm lý như cách trò chuyện với học sinh về hạnh phúc, cách đưa ra lời khuyên khi trẻ gặp khó khăn...
Singapore luôn chú trọng đến chăm sóc sức khỏe học đường. Năm 2001, nước này thành lập Phòng Dịch vụ Y tế Học đường (SHS) thuộc Ban Nâng cao Sức khỏe của Bộ Y tế Singapore. Các trường phổ thông Singapore đều có bác sĩ, nha sĩ và nhân viên y tế. Trong đó, bác sĩ, nha sĩ kiểm tra, chăm sóc sức khỏe cho học sinh còn nhân viên y tế tư vấn sức khỏe, quản lý vấn đề cân nặng, cận thị hay vấn đề học sinh hút thuốc.
Hàng năm, Bộ Giáo dục phối hợp với các nhà trường tổ chức chuyên đề giáo dục sức khỏe, giáo dục giới tính với sự tham gia của học sinh và phụ huynh.
Học sinh Philippinemng bộ dụng cụ vệ sinh.
Philippines
Từ năm học 2020 - 2021, Bộ Giáo dục Philippines thông qua Chương trình Sức khỏe và Dinh dưỡng dành cho học sinh phổ thông nhằm giáo dục sức khỏe trong trường học. Dựa trên chương trình, các trường sẽ phân phát thực phẩm dinh dưỡng và sữa cho trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học. Khi các trường tạm đóng cửa vì dịch Covid-19, phụ huynh có thể đến nhận sản phẩm tại trung tâm phân phối hoặc nhân viên nhà trường giao đến nhà cho học sinh.
Ngoài ra, hơn một triệu trẻ mẫu giáo, học sinh tiểu học công lập được phát bộ dụng cụ vệ sinh nhằm xây dựng thói quen cá nhân lành mạnh. Bộ dụng cụ gồm bàn chải đánh răng, kem đánh răng và xà phòng.
TS Leoncio del Corro, nha sĩ học đường, nhận định bộ dụng cụ vệ sinh là biện pháp giáo dục trẻ em chăm sóc sức khỏe và phòng tránh bệnh lây nhiễm phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay. Chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách và duy trì thói quen này giúp học sinh cải thiện vấn đề sức khỏe và học tập tốt hơn.
Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe học đường sau những chỉ trích về việc nền giáo dục nước này quá tập trung vào điểm số và thi cử, gây tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.
Từ năm 2020, nước này áp dụng chính sách "giảm kép" nhằm cấm dạy thêm ngoài giờ học, giảm gánh nặng bài tập và tăng cường hoạt động thể chất cho học sinh phổ thông.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban hành hàng loạt hướng dẫn, yêu cầu các trường tạo điều kiện cho học sinh ngủ sớm, ngủ đủ giấc. Học sinh tiểu học phải ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, học sinh THCS và THPT ngủ 8 - 9 mỗi ngày. Theo đó, nhiều trường đã lùi giờ học để học sinh ngủ thêm.
Các trường tăng cường giờ học Thể dục, thuê thêm giáo viên môn Thể dục hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên môn này nhằm cải thiện chất lượng đào tạo. Trường học có ít nhất một nhân viên y tế quản lý các vấn đề sức khỏe, xây dựng chuyên đề giáo dục sức khỏe cho học sinh. Hàng năm, các trường tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho học sinh công lập một lần.
Dù đã nỗ lực giảm bớt gánh nặng cho học sinh, tuy nhiên, tỷ lệ học sinh Trung Quốc mắc bệnh béo phì, cận thị, sâu răng cùng các vấn đề sức khỏe tâm thần vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua.
Thủ tướng: 'Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động' Thủ tướng yêu cầu, mỗi bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần. Hành động bằng tấm lòng, trách nhiệm và trái tim yêu thương với trẻ em Tối 31/5, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu...