Ôn thi vào lớp 10 Ngữ văn: Cần xác định đúng vai trò của người kể chuyện
Các câu hỏi liên quan đến xác định ngôi kể và người kể chuyện thường xuất hiện trong phần đọc hiểu văn bản của đề thi Ngữ văn vào 10.
Muốn làm tốt phần này, học sinh cần trả lời ngắn gọn, chính xác và đúng trọng tâm yêu cầu của đề thi.
Đó là chia sẻ của thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI.
Những lưu ý khi xác định ngôi kể và người kể chuyện
Theo thầy Hùng, người kể chuyện là nhân vật do nhà văn sáng tạo để mang đến cho người đọc câu chuyện. Người kể chuyện có thể hiện diện trong tác phẩm (ngôi kể thứ nhất) hoặc ẩn mình (ngôi kể thứ 3).
Muốn làm tốt phần này, học sinh cần xác định được 2 ý chính:
Thứ nhất , người kể chuyện là ai và kể theo ngôi thứ mấy?
Thứ hai , tác dụng của ngôi kể trong việc thể hiện nội dung của tác phẩm là gì?
Bên cạnh đó, ngôi kể là một yếu tố liên quan đến nghệ thuật trần thuật của tác phẩm, thường có tác dụng là tái hiện, xây dựng hệ thống nhân vật, tạo dựng cốt truyện, làm cho cốt truyện trở nên chân thực, hấp dẫn, đáng tin cậy hơn.
Ngoài ra, ngôi kể còn liên quan đến việc thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm hoặc tác động đến đặc điểm nghệ thuật khác, phụ thuộc vào từng văn bản cụ thể.
Xác định ngôi kể và người kể chuyện trong 4 tác phẩm truyện ngắn lớp 9
Trong chương trình Ngữ văn lớp 9, có 4 tác phẩm truyện ngắn mà thí sinh cần lưu ý là: Làng (Kim Lân), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long), Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) và Những ngôi sao xa xôi (Lưu Minh Khuê).
Cụ thể, truyện ngắn Làng được kể từ ngôi thứ 3. Với ngôi kể này, người kể truyện ẩn mình, do đó học sinh không cần nêu rõ người kể chuyện. Do lựa chọn ngôi kể thứ 3 nên xác suất xuất hiện các câu hỏi liên quan đến ngôi kể và người kể truyện của truyện ngắn Làng không cao.
Tương tự, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa cũng được kể từ ngôi thứ 3 với người kể chuyện ẩn mình. Tuy nhiên, tác phẩm này có một điểm rất đặc biệt là dù được kể từ ngôi thứ 3 nhưng điểm nhìn trần thuật lại được đặt chủ yếu ở nhân vật ông họa sĩ. Đây là dấu ấn rất độc đáo nên học sinh cần nêu được tác dụng của điểm nhìn trần thuật này.
Ở truyện ngắn Chiếc lược ngà , nhân vật người kể chuyện được kể theo ngôi thứ nhất. Người kể chuyện là ông Ba – bạn thân, đồng đội của ông Sáu. Ông Ba là người chứng kiến toàn bộ câu chuyện của đồng đội, đồng thời cũng là người tham gia vào 1 phần trong câu chuyện. Điều này góp phần tái hiện và làm nổi bật 2 nhân vật trung tâm là bé Thu và ông Sáu, đồng thời, giúp cho mạch truyện được định hướng một cách rõ ràng, sinh động, hấp dẫn hơn.
Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi cũng được kể từ ngôi thứ nhất với người kể chuyện là Phương Định – nhân vật trung tâm của tác phẩm. Chọn người kể chuyện là Phương Định rất thuận lợi cho tác giả trong việc thể hiện những suy nghĩ, tâm lý, cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trong các tình huống.
Trong video dưới đây, thầy Nguyễn Phi Hùng sẽ có những chia sẻ cụ thể hơn về vai trò của người kể chuyện trong 4 tác phẩm truyện ngắn trọng tâm. Học sinh quan tâm có thể theo dõi!
Ôn thi vào 10 môn Ngữ văn: Cần xác định đúng vai trò của người kể chuyện
Hai dạng bài nghị luận xã hội thường gặp trong bài thi Văn vào 10
Nhằm giúp thí sinh đạt được kết quả cao trong bài thi môn Ngữ văn vào 10, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ hướng dẫn các em hệ thống lại kiến thức trọng tâm về kiểu bài nghị luận xã hội.
Ảnh minh họa
Đề nghị luận xã hội chia thành hai kiểu bài: Nghị luận về tư tưởng đạo lý (bàn luận về những vấn đề thuộc tư tưởng, đạo đức, lối sống, cách ứng xử) và nghị luận về hiện tượng đời sống (bàn luận về những hiện tượng, những sự việc cụ thể xảy ra trong đời sống hàng ngày, mang tính cấp bách, gần gũi, có ảnh hưởng đến cuộc sống).
Với từng kiểu bài, thí sinh cần triển khai theo các luận điểm rõ ràng.
Cụ thể, với kiểu bài nghị luận về tư tưởng đạo lý, thí sinh cần triển khai thành các luận điểm như sau:
Luận điểm 1: Giải thích các khái niệm về tư tưởng đạo đức.
Luận điểm 2: Nhận định, đánh giá về biểu hiện/vai trò của tư tưởng đạo lý.
Luận điểm 3: Liên hệ - Phản đề (Bàn luận mở rộng các tư tưởng vấn đề trái ngược).
Luận điểm 4: Bài học nhận thức, hành động cho bản thân, kết luận.
Còn với kiểu bài nghị luận về hiện tượng đời sống, đầu tiên cần giải thích hiện tượng đời sống đó là gì. Tiếp theo, các em nêu lên biểu hiện, thực trạng của vấn đề. Nếu đó là vấn đề tích cực thì sau đó hãy nên ra vai trò, lợi ích của vấn đề; nếu đó là vấn đề tiêu cực thì cần lập luận về hậu quả, tác hại của vấn đề. Cuối cùng nêu lên giải pháp, liên hệ thực tế.
Khi đứng trước bất cứ đề bài nghị luận xã hội nào, cũng cần quy về dạng bài nghị luận về hiện tượng đời sống hoặc nghị luận về tư tưởng đạo lý. Từ việc nắm vững được các bước triển khai luận điểm như trên, các em sẽ đảm bảo được việc lập luận thuyết phục.
Một điều nữa mà thí sinh cần ghi nhớ trong quá trình làm bài nghị luận xã hội, đó là cần đan xen kết hợp giữa lập luận và dẫn chứng, điều này sẽ làm tăng tính thuyết phục cho bài văn nghị luận. Để đưa dẫn chứng phù hợp cho kiểu bài nghị luận xã hội, các em cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng dẫn chứng phù hợp với phạm vi đề bài, đưa dẫn chứng gần gũi, có tính thời sự và phải thuyết phục.
Do đó, nên sưu tầm một vài dẫn chứng tiêu biểu, có thể sử dụng trong nhiều vấn đề khác nhau. Nhiều học sinh còn khá lúng túng khi làm kiểu bài nghị luận xã hội.
Ở video dưới đây, cô Trang sẽ giải đáp một số thắc mắc của học sinh trong quá trình học và ôn luyện phần nghị luận xã hội:
Cách làm bài 'đại từ quan hệ' trong đề thi Tiếng Anh vào lớp 10 Đại từ quan hệ là kiến thức khá khó và thường xuyên xuất hiện trong đề thi tiếng Anh vào lớp 10 của nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ảnh minh họa Dưới đây là những lưu ý của thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI nhằm giúp các em ôn tập tốt phần kiến thức...