Nộm hoa ban, món ngon giản dị của người Thái Sơn La
Món nộm hoa ban là món ngon giản dị và đặc sắc của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc.
Hoa ban là một trong những đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào dân tộc, đặc biệt là người dân tộc Thái. Đến với Sơn La vào mỗi dịp cuối tháng 2, đầu tháng 3, các bạn không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa ban mà còn được thưởng thức món ăn đặc sản nộm hoa ban của người Thái Sơn La.
Nộm hoa ban là món ăn của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc
Hoa ban là loài hoa mang đậm bản sắc núi rừng. Từ lâu, loài hoa này đã đi vào thơ ca, nhạc họa, gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, với đồng bào người Thái ở Sơn La, hoa ban còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực đặc sắc. Từ những cánh hoa trắng, với đôi bàn tay khéo léo của người Thái Sơn La đã làm nên món ăn đặc sắc đó là nộm hoa ban.
Đầu tiên, người dân đi thu hái hoa ban về, ngắt lá ôm nụ của hoa và để lại 1 đoạn ngắn phần quậng để có cả vị hơi chát và vị ngọt. Tùy theo từng nơi, từng người có khẩu vị khác nhau, nhưng gia vị chính để làm nên món nộm hoa ban là: gừng, giềng, thêm rau mùi để có vị thơm, tỏi non, mắc khén là gia vị đặc trưng của người dân tộc Thái, thêm một chút ớt để tạo nên vị cay thì món ăn sẽ ngon hơn.
Tiếp theo là công đoạn nấu hoa ban, khi nấu phải để lửa to, mở vung và đảo liên tục để hoa ban được chín đều, không nên để chín quá vì như vậy hoa ban sẽ bị nát và mềm nhũn. Sau đó vớt ra và trộn đều với gia vị, món nộm sẽ ngon hơn khi ăn lúc nóng hổi.
Những nguyên liệu để làm món nộm hoa ban
Bà Lường Thị Khiên ở tổ 5, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La chia sẻ: Trước khi làm nộm hoa ban thì đun nước lên, khi mình làm nộm thì đừng đổ hết nước đi, để bớt lại nước, nộm hoa ban có nước sấp một tí mới ngon. Mình thêm rau khác có thể thêm rau rừng, các loại rau ngọn như rau su su, ngọn rau bí, nộm cùng với nhau sẽ thêm ngon hơn.
Nộm hoa ban là món ăn có sự hòa quyện của nhiều vị như chua, cay, đắng, ngọt, bùi… khiến cho người ăn cảm thấy kích thích vị giác. Khi thưởng thức, đầu tiên người ăn có thể cảm nhận được hương vị rất thơm và bùi của hoa ban, đặc biệt là mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị đặc trưng trong các món ăn thường ngày của người dân tộc Thái.
Trộn đều với rau và các loại gia vị
Video đang HOT
Nộm hoa ban là món ăn có sự hòa quyện của nhiều vị như chua, cay, đắng, ngọt, bùi… khiến cho người ăn cảm thấy kích thích vị giác.
Anh Nguyễn Văn Tiến đến từ Nam Định chia sẻ: “Tôi thấy món nộm hoa ban này rất ngon, ăn rất hay và lạ miệng. Đây là lần đầu tôi được thưởng thức. Lúc đầu ăn thì thấy có vị hơi chát nhưng khi nuốt thì thấy ngọt ngọt ở cổ. Món ăn của người dân tộc Tây Bắc có rất nhiều cái hay, tôi sẽ quay lại Sơn La và tiếp tục thưởng thức nhiều món khác nữa”.
Món nộm hoa ban là món ngon giản dị và đặc sắc của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc, nếu ai đã từng thưởng thức một lần thì chắc sẽ lưu luyến mãi những hương vị của núi rừng và sẽ muốn quay trở lại nơi đây lần nữa./.
Theo VOV
Những món ngon không thể bỏ qua khi đến Sơn La
Sơn La không chỉ có phong cảnh thiên nhiên hữu tình mà còn nhiều món ăn ngon nức tiếng.
1. Nộm da trâu
Ở mảnh đất Sơn La, da trâu lại là một món ăn đặc sản vô cùng lạ miệng và độc đáo. Món ăn nổi tiếng của người Thái ở Sơn La là món thấu da trâu và nộm ra trâu.
Người dân Sơn La thường phải sơ chế qua nhiều giai đoạn như hơ qua lửa, ngâm nước lã rồi khéo léo lọc da thật mỏng, thật đều tay mới có thể làm mềm nguyên liệu khó chiều này.
Người vùng cao không dùng chanh hay giấm để bóp nộm mà kết hợp da trâu với nước măng chua tạo thành hương vị khác lạ. Khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm nhận, da trâu sần sật, đanh đanh, có hương thơm củ rau mùi tàu, mùi ta, vị bùi bùi của đậu phộng cùng vị chua thanh của măng rừng ngâm ngấu rất thú vị.
2. Pa pỉnh tộp
Pa pỉnh tộp thực chất là món cá nướng gập. Để chế biến món này, người ta có thể sử dụng cá chép, cá trắm hoặc cá trôi. Cá được mổ bụng và nhồi các loại gia vị như gừng, sả, ớt tươi, rau mùi, húng, hành tươi, đặc biệt không thể thiếu mắc khén. Sau đó, người ta gập đôi cá lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đỏ hồng. Cá nướng không bị ám khói, vàng đều, tỏa mùi cay cay rất kích thích vị giác.
3. Thịt gác bếp
Món thịt gác bếp vốn là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng
Thịt gác bếp sơ chế không quá cầu kỳ. Thịt dùng để hun khói chủ yếu là trâu, bò hay heo được thả rông trên các sườn núi, sườn đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, vương vấn trong từng thớ thịt vậy mà chẳng gây khó chịu. Chính mùi khói ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn trên vùng núi, cao nguyên quanh năm sương phủ, mây mù này.
4. Nậm pịa
Nếu người Mông ở Yên Bái có món thắng cố thì người Thái ở Sơn La có món nậm pịa. Nậm pịa được làm từ ruột non của trâu, bò hoặc dê. Ruột non làm sạch, nhồi thêm thịt, tiết tươi, đuôi dạ dày, cuống tim... kèm theo là gừng, sả, mắc khén, ớt, lá chanh băm. Sau đó, cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút để tạo món ăn sền sệt. Nậm pịa ăn nóng rất ngon.
5. Cháo mắc nhung
Ngày nay, cháo mắc nhung đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người ưa chuộng. Để có món cháo mắc nhung (tiếng Mường gọi là plải ngố), người chế biến phải biết chọn loại tẻ thơm, nếu được tấm đầu vụ gặt non (như cốm) thì càng tốt. Dùng thịt sương sườn lợn nướng khô hay hun khói, băm nhỏ nấu nhuyễn với cháo tấm. Khi cháo chín tới cho quả mắc nhung vào, đập dập củ gừng, ớt nướng và xả cả củ bỏ vào đáy nồi cháo, khuấy đều. Vài phút sau, đã có ngay món cháo mắc nhung đặc sản thơm nồng, đặc sánh.
6. Canh mọ
Canh mọ vốn dĩ là món ăn vào các dịp lễ Tết của dân tộc Khơ mú sống tại Sơn La. Canh mọ được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô, băm nhỏ trộn với hoa chuối và các loại gia vị. Sau đó, người ta nhồi phần nhân vào ống tre, đổ thêm nước vào đem đốt như đốt cơm lam. Khi đổ ra bát sẽ thấy canh sền sệt, ăn cùng xôi nếp rất ngon.
7. Chẳm chéo
Với mùi vị đặc trưng của rất nhiều loại gia vị chỉ có ở núi rừng Tây Bắc, chẳm chéo là một món chấm cổ truyền của người Thái luôn mang đến cho du khách một cảm giác lạ lẫm khi thưởng thức. Đây được coi là "linh hồn ẩm thực của vùng Tây Bắc".
Người Thái ở Sơn La sử dụng chẳm chéo trong bữa ăn hàng ngày, ngoài ra họ còn dùng để tiếp khách. Nó là món ăn dân dã nhưng cũng là đặc sản của vùng núi rùng.
Chế biến chẳm chéo khá đơn giản với nhiều nguyên liệu quen thuộc như: tỏi, ớt tươi, vài lá tỏi tươi, rau mùi, mắm, đường... và nhất là không thể thiếu bột mắc khén, loại gia vị đặc trưng của người Thái. Tất cả được giã nhuyễn trộn đều vào nhau thành một loại nước chấm sền sệt với dư vị đặc biệt.
Theo Phununews
Đặc sản Sơn La: Da trâu muối chua níu chân du khách Da trâu muối chua là món ăn rất thích hợp làm món ăn chơi, giải ngán trong các dịp lễ Tết. Đây còn là món đặc sản được người Thái ở Sơn La dành đãi khách quý đến chơi nhà. Da trâu luộc chín tới thì khi muối mới có độ giòn sần sần ngon miệng. Không chỉ được dùng để làm mặt...