Nở rộ học thêm trực tuyến
Học thêm trực tuyến không còn xa lạ với nhiều học sinh bởi trong bối cảnh dịch bệnh, thầy cô, trung tâm đã chuyển sang hình thức này cho phù hợp thực tế.
Giáo viên đóng vai trò quan trọng tạo nên thành công cho dạy học trực tuyến. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, làm sao để học thêm trực tuyến hiệu quả, tìm được giáo viên tốt đòi hỏi các bậc phụ huynh tìm hiểu và lựa chọn phù hợp.
Có còn hơn không?
Vào năm học mới gần như ngày nào chị Hà Thị Thoa có con học lớp 5 Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hoàng Mai – Hà Nội) cũng nhận được điện thoại, tin nhắn giới thiệu, quảng bá các khóa học online với đủ môn học: Tiếng Anh, Toán, Văn… Thậm chí, trung tâm còn tổ chức lớp học trải nghiệm STEM, vẽ, lập trình trực tuyến với nội dung phong phú. Dù muốn cho con học, song gia đình lại phân vân về hiệu quả, chất lượng của dạy học thêm trực tuyến.
Trên mạng xã hội, các nhóm hội làm cha mẹ… những quảng cáo về học trực tuyến của các trung tâm hoặc cá nhân cũng cung cấp thông tin đầy đủ về các khóa học. Thời gian học từ 1 – 3 tháng với mức học phí từ 1,5 – 6 triệu đồng tùy theo tiêu chuẩn giáo viên và sĩ số học sinh/lớp; Khi phụ huynh đăng ký và nộp phí, trung tâm sẽ cấp tài khoản và mật khẩu để các em vào lớp. Để thu hút người học, giáo viên, trung tâm thường miễn phí buổi học đầu tiên để học sinh và gia đình yên tâm và làm quen.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Đống Đa – Hà Nội) bày tỏ: Trong bối cảnh dịch kéo dài, học thêm trực tuyến dù không đạt hiệu quả như trực tiếp nhưng “kéo” trẻ vào hoạt đông học tập mỗi ngày 1 – 2 giờ còn tốt hơn để chơi với máy tính, điện thoại. Do đó, anh đã tìm hiểu và đăng ký cho con học lớp Tiếng Anh giao tiếp trực tuyến 3 buổi/tuần với một trung tâm ngoại ngữ.
“Sau buổi học thử miễn phí, nếu không ưng ý trung tâm sẽ giới thiệu giáo viên khác để gia đình lựa chọn. Nhưng khi đã học thử, hầu hết bố mẹ đều đăng ký ít nhất 1 khóa ngắn hạn. Chất lượng chỉ là điều kỳ vọng chứ không nói chắc bởi thực tế giáo viên dạy học ra sao? Bằng cấp tới đâu, kinh nghiệm giảng dạy bao lâu thì trung tâm có giới thiệu nhưng cha mẹ không thể khẳng định đã đúng hay chưa…” – anh Kiên trao đổi.
Video đang HOT
Chị Lê Thúy Quỳnh (Thanh Xuân – Hà Nội) lại không đặt niềm tin vào các lớp học thêm trực tuyến bởi dịp hè vừa qua đăng ký cho con học lớp Tiếng Anh có hỗ trợ thêm Tin học miễn phí (theo trung tâm quảng bá). Song tìm hiểu kĩ thì khoản học phí đó đã bao hàm cả môn Tin học. Đáng nói “sau thời gian học, con phản ánh thầy cô dạy không hay như ở trường, nhiều buổi học chỉ giao bài làm luôn tại lớp mà không tương tác, giao tiếp với học sinh…”.
Để học trực tuyến hiệu quả, cha mẹ học sinh cần lựa chọn phù hợp về môn học, nội dung, thời lượng… Ảnh minh họa
Cẩn trọng với học thêm trực tuyến
Cô Nguyễn Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Khê (thành phố Bắc Ninh, Bắc Ninh) – cho rằng, kết quả học trực tuyến nói chung, học thêm trực tuyến nói riêng phụ thuộc không nhỏ vào tinh thần tự giác của trẻ. Nếu bị bố mẹ “ép” học thêm trực tuyến quá đà, trẻ dễ nảy sinh cảm giác chán nản, áp lực. Một số trường hợp còn lợi dụng thời gian học thêm trực tuyến để chơi game, truy cập trang web độc hại, tán gẫu qua mạng…
Đặc biệt, cô Lê Thị Kim Ngọc – giáo viên Trường Tiểu học An Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) – cảnh báo: Những khóa, lớp học thêm online được tổ chức, chào mời nhiều nhưng lại không ít trung tâm thiếu bề dày kinh nghiệm đào tạo, đường truyền lớp học không bảo đảm, nhiều người không đủ tiêu chuẩn giảng dạy, nội dung, chất lượng bài giảng chưa đạt yêu cầu…
Theo cô Ngọc, bố mẹ cần xác định rõ mục tiêu học tập của trẻ khi tham gia học thêm trực tuyến là gì? Những thầy cô dạy có đủ bằng cấp, năng lực sư phạm không? Đường truyền tốc độ cho lớp học trực tuyến ra sao?… Trên cơ sở đó hãy lựa chọn lớp học, thầy cô dạy thêm trực tuyến phù hợp. Nếu chỉ “ép” cho trẻ học để “có hơn không”, tránh thời gian rảnh rỗi thì việc học sẽ thiếu sự chủ động, không phù hợp với mong muốn, yêu cầu của trẻ. Thậm chí “tiền mất, tật mang” với học thêm trực tuyến.
Trước sự nở rộ của dạy học thêm trực tuyến, TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) – lưu ý cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định để đăng ký cho con học thêm trực tuyến.
Bởi các trung tâm chủ yếu quảng cáo online, đăng ký và nộp phí học tập online, cha mẹ không biết trụ sở trung tâm ở đâu; giáo viên có đủ tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng không? Mặt khác, cần tìm hiểu kỹ nội dung chương trình, thời gian, cách thức… giảng dạy trực tuyến. Đặc biệt phải dựa vào năng lực, sở trường của con để lựa chọn khóa học, môn học, thời gian học phù hợp…
TS Nghiêm Xuân Huy khẳng định: Quan trọng nhất của dạy học trực tiếp hay trực tuyến là yếu tố giáo viên sau đó hạ tầng cơ sở. Như vậy, với hoạt động dạy thêm trực tuyến (dù đã có sự thỏa thuận, đồng ý của cha mẹ), các trung tâm tổ chức, thầy cô dạy thêm phải chuẩn hóa các điều kiện giảng dạy.
Cụ thể, với các trung tâm tổ chức dạy thêm thay vì đến giờ học mở phần mềm Zoom, Teams để giáo viên giảng dạy nhưng không kiểm soát người học (có theo dõi tập trung không? Làm gì?) cần hướng tới mô hình dạy học trực tuyến như: Đưa video bài giảng, bài tập, giao nhiệm vụ học tập cho người học lên hệ thống LMS (video bài giảng đã được biên tập, chỉnh sửa chuẩn; Nhiệm vụ học tập không nhất thiết phải dính tới máy tính).
Như vậy, trẻ có thể học cùng với bố mẹ, học vào thời điểm phù hợp. Học thêm trực tuyến không nhất định phải bắt buộc các em ngồi triền miên với màn hình máy tính, điện thoại, cần giảm thời gian online để tránh hỏng mắt và ảnh hưởng sức khỏe…
Đối với giáo viên tham gia dạy học trực tuyến nói chung có thể giỏi về chuyên môn nhưng chưa chắc đã dạy online hiệu quả. Như vậy, đòi hỏi thầy cô giáo phải nâng cao kĩ năng dạy học trực tuyến. Làm sao phải duy trì được sự chú ý của người học, tạo động lực và khuyến khích việc học diễn ra chủ động thông qua phương pháp khác nhau (tăng cường trò chơi mà học; chấm điểm bằng sao, có phần thưởng…).
Nhà trường, thầy cô cần phân biệt giữa việc dạy học trực tuyến và trực tuyến hóa dạy học trực tiếp. Điều này sẽ quyết định tới ý thức, sự thay đổi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên để tạo ra giờ dạy học trực tuyến chất lượng, hiệu quả… - TS Nghiêm Xuân Huy
Dịch kéo dài, học sinh cũng bất ổn tinh thần
Trong bối cảnh dịch giã kéo dài nhiều tháng liền, áp lực phải ở trong bốn bức tường và học online (trực tuyến), thiếu tương tác với bạn bè, thầy cô khiến học sinh dễ rơi vào trạng thái stress (căng thẳng).
Đừng nghĩ trẻ không stress
Tiến sĩ Phạm Phương Thảo, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Giáo dục sức khỏe và Tâm lý y học, Trường đại học Y Dược TP.HCM; Trưởng khoa Tâm lý lâm sàng Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thông tin, việc đóng cửa do dịch tạo ra cảm giác sợ hãi, bất lực, lo lắng, căng thẳng, ảnh hưởng đến cuộc sống mỗi người theo cách chưa từng có. So với người lớn, đại dịch có thể tiếp tục gây ra những hậu quả bất lợi lâu dài hơn đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó trẻ em và thanh thiếu niên gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần; trẻ kém may mắn về kinh tế; trẻ bị tác động do cách ly và tách biệt với cha mẹ là những đối tượng chịu nhiều tác động nhất. Với những em đã có sẵn sự tổn thương thì sẽ rất dễ suy sụp.
Xã hội vẫn quan niệm chỉ có người lớn đối mặt với những khó khăn về tài chính, áp lực công việc mới chịu ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, còn trẻ em chỉ có học và chơi sẽ ít gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Trong khi thực tế lại khác, đối tượng này còn gặp nhiều tổn thương khó giãi bày, khó được thấu cảm và chữa lành hơn. Nhất là trong bối cảnh học online, các chuyên gia cảnh báo, việc sử dụng internet, mạng xã hội càng gia tăng khiến trẻ có xu hướng bắt buộc sử dụng internet, dễ tăng nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị lạm dụng.
Đừng bỏ quên cảm xúc người học trong đại dịch - ẢNH: PHÚC TRẦN
Đó là chưa kể, có rất nhiều học sinh đang sống trong những gia đình không hạnh phúc, vốn đã chịu nhiều tổn thương. Lúc này, thầy cô, bạn bè đều ở xa, không thể ở bên cạnh đồng hành, chia sẻ, chỉ có thể tranh thủ những buổi cô không bận dạy, trò không bận học online để trò chuyện và lắng nghe cảm xúc của các em.
Thông tin tại hội nghị trực tuyến "Chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ em bị tác động từ dịch COVID-19" do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM tổ chức mới đây, phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Lê An, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bác sĩ gia đình Trường đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng cần lưu ý nhiều hơn trong việc chăm sóc trẻ em bị mất người thân do dịch COVID-19. Con số này trong đại dịch không hề nhỏ và các em phải chịu tổn thương quá lớn. Mỗi trường hợp phải cần đến những cách tiếp cận khác nhau, thời gian tiếp cận khác nhau, đòi hỏi thầy cô phải có kiến thức về sức khỏe tâm thần, sự đầu tư, đi sát, đeo đuổi về cả thời gian, cảm xúc và sự chăm sóc. Sự can thiệp kịp thời của giáo viên sẽ giúp các em bớt tổn thương.
Cần sự can thiệp kịp thời
Theo tiến sĩ Phạm Phương Thảo, để nâng cao sức khỏe tâm thần cho trẻ, nhất là trong đại dịch, giáo viên cần giúp cha mẹ tương tác một cách có xây dựng với trẻ như trao đổi về dịch, giáo dục trẻ về thói quen vệ sinh và giãn cách xã hội, tham gia vào các hoạt động vui chơi sáng tạo trong nhà, hiểu về trách nhiệm xã hội của bản thân...
Giai đoạn này, cách tiếp cận của giáo viên với học sinh cần phải thay đổi thông qua phụ huynh, để phụ huynh hiểu những khó khăn của trẻ khi học tập trong môi trường tại nhà, từ đó có sự thấu hiểu và đồng hành. Trong đó, chú ý đến những trẻ kém may mắn, khó khăn hoặc không có điều kiện học trực tuyến, đảm bảo các em được tiếp cận việc học và giáo dục kỹ năng sống. Với những đứa trẻ xem nhà không phải mái ấm, thầy cô cần đồng hành giúp học sinh biết thương yêu bản thân. Có thể chỉ cần lắng nghe các em khóc, để các em biết rằng khi mình cần luôn có người kế bên.
Để chăm sóc sức khỏe tinh thần của trẻ thì phải "kéo" cha mẹ vào cuộc, nhất là thời điểm trẻ ở nhà 24/24 như hiện nay. Cha mẹ cũng cần được tham vấn về vai trò của mình đối với sức khỏe tâm thần của con trẻ. Môi trường gia đình an toàn mà cha mẹ cung cấp là rào chắn bảo vệ trẻ mạnh mẽ nhất trong đại dịch. Biện pháp ứng phó và thực hành của cha mẹ trong đại dịch sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe tâm thần của trẻ trong đại dịch và kể cả sau đó.
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cho biết, lãnh đạo các trường phải nắm bắt tâm lý học sinh, nhu cầu nguyện vọng của giáo viên để báo cáo, đề xuất giúp sở kịp thời trình thành phố có chế độ chính sách phù hợp cho giáo viên, học sinh, nhất là học sinh chịu nhiều tổn thương trong dịch COVID-19.
"Với tình hình hiện nay, các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện; hiệu trưởng các trường cần chỉ đạo, kiện toàn đội ngũ tổ tư vấn tâm lý để giúp học sinh vượt qua những sang chấn tâm lý, những khó khăn mà các em có thể gặp khi giãn cách, cách ly, khi là F0 hay khi học trực tuyến tại nhà, xa hơn là khi đi học trực tiếp trở lại", ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Gỡ 'rối' cho giáo viên khi dạy trực tuyến để không làm khó học trò Những phàn nàn về học trực tuyến quá tải do nhà trường và giáo viên "bê" nguyên thời khóa biểu, giáo án dạy trực tiếp sang dạy trực tuyến hy vọng sẽ được chấm dứt sau khi giáo viên được tập huấn về dạy học "cách trở". Giáo viên tham gia khóa tập huấn về dạy học trực tuyến do Bộ GD-ĐT tổ...