Những món ngon “gây thương nhớ” của Hà Nội đầu xuân
Hà Nội được coi như một “ thiên đường ẩm thực” với những món ngon “đã thử một lần là khó quên”. Trong số này, có nhiều món “gây thương nhớ” cho người yêu ẩm thực những ngày tết đến, xuân về
Vẫn là gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, nhưng người sành ăn nhớ bánh chưng Tranh Khúc bởi vị ngon đặc biệt mà chỉ người làng Tranh Khúc mới có.
Lá dong tuy là phần bao gói phía ngoài nhưng nó có ý nghĩa quyết định đến sắc màu và vị thơm đặc trưng cho chiếc bánh. Nghề bánh chưng Tranh Khúc thường chọn lá dong ở Tràng Cát (Hà Nội), ngoài ra còn có lá dong Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Lá dong phải tươi xanh, không già quá không non quá, được rửa sạch, sau đó để thật ráo nước rồi xếp sẵn chờ gói bánh. Nếp dùng gói bánh chưng là giống nếp cái hoa vàng, lấy từ những vùng chuyên canh như Hải Hậu (Nam Định). Hạt nếp tròn nây, thơm, trắng đục, đều, không gãy.
Người sành ăn nhớ bánh chưng Tranh Khúc bởi vị ngon đặc biệt mà chỉ người làng Tranh Khúc mới có
Trước khi gói, gạo phải được ngâm trước 30 phút, sau đó rửa gạo thật sạch, nêm vài hạt muối cho tăng hương vị của nếp. Đậu xanh tằm hay còn gọi là đậu lòng vàng vỏ xanh, xay vỡ đôi, ngâm tãi vỏ, để ráo nước rồi sau đó cho vào nồi đồ. Khi chõ đậu đã dậy mùi thơm chín bở tơi thì mang ra giã nhuyễn, nêm gia vị, sau đó cho ra mâm để nguội đậu. Thịt gói bánh phải là thịt ba chỉ, có tỷ lệ nạc và mỡ thích hợp, đặc biệt thịt phải tươi và sạch.
Sau 8-10 tiếng luộc bánh, mùi thơm của gạo nếp tỏa ra kết hợp với mùi ngậy béo của mỡ, mùi thơm của đậu tỏa ra trong không gian, tạo nên nét đặc trưng của bánh chưng Tranh Khúc.
Giò chả Ước Lễ
Giò chả Ước Lễ đã đi vào đời sống văn hóa ẩm thực của Việt Nam từ hàng trăm năm nay. Sử sách trong làng ghi lại vào thời nhà Mạc (1527 – 1592) có một cung tần trong triều đình vốn là người làng Ước Lễ về xây cổng làng và dạy cho dân làng nghề giò chả.
Giò chả Ước Lễ rất đa dạng, từ giò lụa, giò bò, giò xào, giò bì, đến chả quế, chả rán, nem chua… nhưng nổi tiếng nhất vẫn là giò lụa, chả quế. Món ăn này được người ăn nhớ mãi bởi được làm cầu kỳ và công phu từ khâu chọn thịt lợn, pha thịt đến kỹ thuật gói giò, luộc giò, rán chả.
Gìò chả Ước Lễ
Thịt lợn phải lấy loại thịt mông, còn tươi, nóng, trước đây người Ước Lễ giã thịt làm giò chả bằng tay, thịt giã sao cho dẻo quánh, đến mức không dính chày mới được. Theo các nghệ nhân giò chả làng Ước Lễ, để làm được giò chả ngon phải chọn được thịt ngon. Phải biết cân bằng âm dương (phần thịt đỏ được tính phần dương, phần thịt trắng là phần âm) mới luyện ra thành phần ra sản phẩm mới giòn, dẻo, bắt mắt, đẹp, ăn ngon. Chưa hết, nước mắm, mật, đường, gia vị, muối cân bằng ngũ vị mới ra được cây giò ngon. Giò chả ngon khi cắt ra phải bóng mặt, nhiều lỗ khuất trạch, đây là lỗ đựng nước ngọt.
Hiện nay, người dân xay thịt bằng máy nhưng vẫn gói giò bằng lá chuối, để giò thơm ngon, dậy mùi, không như cách làm giò công nghiệp gói bằng ống nhôm. Lá chuối cũng phải chọn kỹ, lá nõn lần trong, lá bánh tẻ lần giữa, lá già lần ngoài. Luộc giò chín xong phải thả ngay vào nồi nước lạnh.
Video đang HOT
Bên cạnh những món ngon đặc trưng hương vị tết, bạn cũng nên thưởng thức nhiều món quà vặt Hà Nội đã được đưa vào hạng “trứ danh” như bún riêu, bún ốc, bánh dày Quán Gánh, bánh chè lam…
Bún riêu cua là món ăn đặc biệt quen thuộc ở các tỉnh miền Bắc. So với bún riêu ở miền Nam, tuy không có nhiều đồ ăn bằng nhưng bún riêu cua Hà Nội vẫn mang một hương vị vô cùng đặc biệt. Vị ngon đậm đà của cua đồng, vị chua thanh của cà chua với loại nước dùng đậm đà không thể bị trộn lẫn, bún riêu đã để lại trong lòng du khách một ấn tượng thực vô cùng khó tả.
Bún ốc
Trong khi đó, bún ốc Hà Nội đã trở thành món ăn không thể thiếu trong danh sách các món ăn đặc trưng Hà Nội ngày tết bởi hương vị thơm đặc trưng khó lẫn cộng với nước dùng thanh thanh hòa quyện cùng với vị béo ngậy của từng con ốc.
Khi đã chán ngấy với các món thịt ngày tết, không gì ngon hơn được thưởng thức một bát bún ốc nước dùng đậm đà với vị chua thanh thanh của dấm bỗng, thơm mùi hành khô và đôi khi còn dậy cả mùi mắm tôm cho những ai yêu thích.
Bánh dày Quán Gánh
Thuộc xã Nhị Khê, huyện Thường Tín – phố Quán Gánh là quê hương của anh hùng dân tộc – danh nhân thế giới Nguyễn Trãi.
Quán Gánh là nơi làm ra rất nhiều loại bánh dày như: Bánh dày chay, bánh dày có nhân ngọt, bánh dày có nhân mặn, bánh dày gấc đỏ.
Bánh dày Quán Gánh
Những chiếc bánh dày Quán Gánh được làm từ rất bài bản và cầu kì. Người dân Quán Gánh phải chọn gạo nếp ngon nhất vùng Hải Hậu, Nam Định, sau đó ngâm gạo thật kỹ, rồi mới đồ thành xôi dẻo, giã nhuyễn lúc xôi mới ra lò còn nóng nguyên. Bí quyết làm món bánh dày là phải làm lúc nguyên liệu còn đang nóng bỏng tay, nhưng khi gói vào tấm lá dong xanh phải là lúc bánh đã nguội để chiếc bánh không bị dính.
Nhân bánh dày Quán Gánh có ba loại gồm nhân ngọt, nhân mặn và bánh chay để đáp ứng nhu cầu sở thích của du khách. Bánh ngọt tức là nhân đỗ xanh đã nấu chín rồi xào đường có màu cánh kiến.
Nhân mặn được làm từ đỗ xanh, sợi cùi dừa, hành, thịt ba chỉ có hương cà cuống. Còn bánh chay tức là bánh không nhân, ăn với chả quế hoặc chè đường.
Bánh chè lam
Bánh chè lam là món ăn đặc sản giản dị được rất nhiều người dân Hà Nội yêu mến.
Tuy rất nổi tiếng ở Hà Nội nhưng chè lam lại không có nguồn gốc từ thủ đô mà bắt nguồn từ vùng đất Thanh Hóa vào khoảng thế kỉ 19. Thời xưa, chè lam thường chỉ xuất hiện trong những dịp lễ tết. Nhưng bây giờ khi cuộc sống đã được nâng cao, nhiều người có nhu cầu thưởng thức chè lam nên chè lam được nấu và bán quanh năm
Chè lam
Bánh được làm từ những nguyên liệu rất thân thuộc với người dân thủ đô như gạo nếp, mật mía, gừng, lạc… Tất cả những nguyên liệu trên đều phải được chọn lựa vô cùng kĩ càng để ra những miếng chè lam rất dẻo nhưng lại không dính với nhau nhờ một lớp bột mỏng bên ngoài.
Trong những ngày xuân lất phất mưa rơi, ngồi trong nhà nhâm nhi miếng bánh chè lam dẻo thơm của gạo nếp, vị bùi của lạc, vị cay dịu của gừng, vị ngọt đậm của mật mía rồi nhấp một ngụm trà thật sự là cảm giác rất tuyệt.
Thưởng thức những món bún ngon ở Sài Gòn
Đến Sài Gòn bạn sẽ dễ dàng tìm cho mình tô bún ốc thơm ngon đậm chất Bắc, tô bún bò Huế thanh tao hay tô bún mắm ngọt ngào của vùng sông nước Cửu Long
Thưởng thức những tô bún nóng hổi, thơm ngon đậm chất vùng miền trong cơn mưa chiều tầm tã ở Sài Gòn sẽ cho bạn nhiều dư vị đặc biệt khó quên. Cùng điểm qua vài món bún ngon dễ tìm ở Sài Gòn để cùng bạn bè, người thân thưởng thức trong những ngày Sài Gòn chuyển mùa.
1. BÚN ỐC
Đây là món ăn dân dã đặc trưng của miền Bắc, khá cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt là trong khâu làm sạch và luộc ốc. Bởi nếu thiếu sự tỉ mỉ, ốc luộc quá chín sẽ trở nên dai và khi gỡ ốc sẽ gãy đôi không nguyên con. Tô bún ốc ngon vì nước dùng được chế từ xương ống ninh nhừ, vớt sạch váng bọt để màu nước trong veo. Tô bún bốc khói nghi ngút với những con ốc béo ngậy, giòn ngọt, thêm miếng đậu hũ chiên vàng ruộm, miếng cà chua đỏ tươi và điểm vài lát hành xắt mỏng trông rất bắt mắt.
Đi kèm với tô bún là đĩa rau mang đặc trưng của miền Bắc như tía tô, kinh giới, rau húng, bạn mới cảm nhận đầy đủ hương vị của món ăn dân dã này. Ở Sài Gòn bạn có thể đến quán bún ốc trong con hẻm ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận hay bún ốc Thanh Hải ở đường Kỳ Đồng, quận 3.
Thưởng thức tô bún ốc thơm phức sẽ cho bạn nhiều dư vị khó quên. Ảnh: Hotto
2. BÚN RIÊU CUA
Cùng với bún ốc, bún riêu cua "đặc sản của miền Bắc" cũng là món ngon có mặt trong nhiều con phố ở Sài Gòn. Tô bún riêu cuốn hút bởi nước lèo vàng tươi, sóng sánh, điểm thêm sắc đỏ của cà chua, chút hành lá xanh và những cọng bún trắng tinh tươm. Tuy nhiên ở Sài Gòn, bún riêu còn thêm huyết heo, đậu hũ, một vài nơi thêm miếng chả hoặc ốc luộc... Riêu được làm từ những con cua đồng tươi ngon từ vùng sông nước miền Tây, giã nhỏ rồi lọc kỹ mới cho ra nước dùng thơm phức, ngọt ngậy.
Để tô bún riêu trọn vị trước khi thưởng thức thực khách nên cho thêm một ít mắm tôm, vài miếng ớt cay nhẹ. Vị ngọt thơm của nước dùng cua đồng, pha thêm chút chua của cà, vị cay của ớt và đậm đà của mắm tôm sẽ làm cho bạn phải xuýt xoa khi thưởng thức. Bạn dễ dàng tìm thấy trong những con hẻm nhỏ Sài Gòn hoặc trong những hàng quán ở Nguyễn Cảnh Chân - quận 1, Lê Văn Sỹ - quận 3, Trần Kế Sương - Phú Nhuận hay vỉa hè đường Lê Thánh Tôn.
Tô bún riêu thơm nghi ngút sẽ cho bạn ấm áp trong những ngày mưa Sài Gòn. Ảnh: Bunsaigon
3. BÚN BÒ HUẾ
Cũng như nhiều món ăn của đất cố đô, bún bò Huế rất cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt ở nước lèo. Nước lèo ngon phải được ninh nhừ từ xương heo, xương bò với một số loại củ, thêm vị đậm đà của mắm ruốc. Nước phải trong, hòa quyện với gia vị, xả ớt, đường phèn tạo độ ngọt thanh, ít dầu mỡ.
Những sợi bún to trắng cùng với thịt bò, móng giò và tiết heo nóng hổi, bốc hơi nghi ngút trong tô nước lèo ngọt lịm sẽ cho thực khách hương vị ngây ngất khó quên. Hương vị đặc biệt của món bún được kết hợp với các loại rau sống, bắp chuối, giá sống. Ở Sài Gòn bạn không khó khi tìm món Huế, có thể tìm đến bùn bò Hương Giang, quận Tân Bình, bún bò Huế 357 trên đường Bà Hạt, quận 10, bún bò Sông Hương - Gò Dầu - Tân Phú.
Tô bún bò Huế với nhiều hương vị đặc trưng khó tả khi thưởng thức. Ảnh: Bunbohue
4. BÚN MẮM MIỀN TÂY
Tiếp biến từ món bún mắm của người Campuchia, người miền Tây sáng tạo thêm cho mình vài cách thức riêng bằng cách dùng mắm cá linh thay cho mắm bò hóc. Sự hấp dẫn của món bún này đặc biệt từ nước lèo thơm phức mùi cá linh, loại cá đặc sản của vùng sông nước Cửu Long. Cá bắt về được chưng làm mắm. Mắm được nấu cho nhừ sau đó lọc lấy phần nước để dùng làm nước lèo.
Thưởng thức tô bún mắm đầy đủ gồm cá lóc, sả bằm, nấm rơm, cà tím cắt khú. Nước chấm kèm theo là nước mắm me nguyên chất, thêm lát ớt tươi xắt mỏng, điểm thêm miếng chanh để tô bún đậm đà hơn. Rau ăn kèm là bắp chuối bào mỏng, giá, rau muống bào, đặc biệt không thể thiếu rau đắng đậm chất miền Tây.
Có ba quán bún mắm được người Sài Gòn ưa chuộng là Quán Vy, nằm tại con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5; quán bún mắm Bạc Liêu tại Vĩnh Viễn, quận 10 hay quán bún mắm Lê Quang Định nằm trên con đường cùng tên ở quận Bình Thạnh.
Bún mắm đậm đà hương vị miền Tây. Ảnh: Giamua
5. BÚN CÁ NUM BÒ CHÓC
Đây là một loại bún nổi tiếng của xứ sở chùa tháp, theo dấu chân của người Campuchia vào tận vùng đất Sài Gòn. Thành phần chính của món bún là cá lóc đồng, mắm bò hóc, nghệ tươi và những gia vị đặc trưng của Campuchia. Nước lèo được nấu từ cá lóc đồng tươi nguyên, mắm bò hóc và nêm nếm các gia vị đặc trưng của xứ chùa tháp như trái chúc, ngải búng, cùng nghệ tươi và sả củ. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo cho nước dùng màu vàng tươi đẹp mắt cùng hương vị thơm ngon, đậm đà.
Thưởng thức tô bún num bò chóc với nước dùng màu vàng đặc trưng, điểm thêm màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng, thêm màu vàng tươi của bông điên điển làm cho tô bún trông hấp dẫn và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức tô bún này ở quán bà Tư Xê trong chợ Lê Hồng Phong, quận 10.
Bún cá num bò chóc món ngon của xứ chùa tháp tại Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa
Học nấu bún riêu cua Bún riêu cua được nhiều người Việt ưa chuộng nhờ hương vị đậm đà và hấp dẫn. Biến tấu nhanh gọn dưới đây giúp người nội trợ tiết kiệm thời gian mà vẫn có được tô bún ngon.