Những lưu ý về các dấu hiệu mắc bệnh lao phổi ở trẻ
Các triệu chứng bệnh lao ở trẻ em không điển hình nên việc phát hiện sớm bệnh còn khó khăn.
Nếu được điều trị sớm, trẻ sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Nếu muộn, thời gian điều trị kéo dài, ở một số thể bệnh lao còn lại di chứng, thậm chí tử vong.
Trẻ đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương – Ảnh: VGP/HM
Tỷ lệ mắc lao ở trẻ tương ứng với người lớn
Một bệnh nhi (14 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhập viện tại Bệnh viện Phổi Trung ương trong tình trạng mắc bệnh lao giai đoạn nặng, sốt kéo dài, kháng thuốc.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trẻ bị ho từ lâu, uống kháng sinh mãi không khỏi. Vì có bố đã mất trước đó 2 năm do bệnh lao nên mẹ cháu khuyên cháu đi khám nhưng cháu không đi.
Khi bị sốt kéo dài và ho dai dẳng, sức khỏe kém hẳn, trẻ mới đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng.
“Do phát hiện bệnh muộn nên việc điều trị cho cháu rất khó khăn, trong quá trình điều trị, các bác sĩ còn phát hiện thêm cháu bị kháng thuốc và dị ứng thuốc”, TS. Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Thị Hằng cho biết, bệnh nhân trên không phải là bệnh nhân duy nhất ở Hà Nội, mà nhiều trẻ ở các vùng đô thị cũng đang điều trị bệnh lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương, thậm chí có trẻ mới 6 tháng tuổi, trẻ 1-2 tuổi.
Mỗi tháng, Khoa Nhi, Bệnh viện Phổi Trung ương tiếp nhận điều trị từ 120-150 trẻ, trong đó, khoảng 1/3 bệnh nhi là mắc bệnh lao. Trong đó, số trẻ mắc lao sống ở thành thị có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân số trẻ sinh sống ở thành thị mắc lao gia tăng chưa được xác định cụ thể, nhưng theo các chuyên gia y tế cho biết, thực tế dịch tễ lao ở trẻ em phản ánh dịch tễ lao ở người lớn. Tức là, ở đâu có số lượng người lớn mắc lao nhiều thì trẻ em nơi đó cũng mắc bệnh nhiều, do lây từ người lớn.
Theo TS.BSCC Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, số bệnh nhân lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% (103.000 bệnh nhân) số bệnh nhân lao ước tính. Như vậy, còn 40% bệnh nhân lao nằm trong cộng đồng vẫn chưa được phát hiện và điều trị. Đây chính là nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng.
Video đang HOT
TS Nguyễn Thị Hằng khuyến cáo phụ huynh chăm sóc trẻ tại Bệnh viện – Ảnh: VGP/HM
Lưu ý các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao ở trẻ
Theo khuyến cáo của Tổ chức WHO, các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao ở trẻ rất đa dạng, như: ho, khò khè kéo dài trên 2 tuần không đáp ứng với kháng sinh, sốt kéo dài, gầy sút cân, mệt, giảm vận động, trẻ suy dinh dưỡng đã can thiệp nhưng không đáp ứng…
TS Nguyễn Thị Hằng cũng chỉ rõ thêm các dấu hiệu để nhận biết bệnh lao ở trẻ như: sốt, ra mồ hôi đêm, mệt mỏi, giảm chơi đùa, chán ăn, gù lưng… tùy thuộc vào cơ quan mắc lao, trẻ có thể ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp…
“Nếu điều trị bằng kháng sinh trên 2 tuần mà các triệu chứng ở trẻ không giảm, không cải thiện thì cần cho trẻ làm các xét nghiệm để sàng lọc bệnh lao sớm”, TS Nguyễn Thị Hằng cho biết.
Đặc biệt, cần chú ý những trẻ từng tiếp xúc gần gũi với người bệnh mắc lao phổi trong vòng 1-2 năm gần đây và từng có các triệu chứng lâm sàng nghi lao đã được điều trị nhưng triệu chứng không hoặc ít cải thiện, nhanh tái phát.
Đối với nhóm trẻ suy dinh dưỡng, trẻ phải sử dụng thuốc làm suy giảm miễn dịch như bệnh ung thư hoặc một số bệnh tự miễn thì nên thường xuyên được khám sàng lọc bệnh lao.
Với nhóm trẻ em có nguy cơ cao mắc bệnh lao là trẻ có tiếp xúc với nguồn lây lao phổi, tức là trong gia đình có người thân mắc lao phổi, cần phải được khám sàng lọc. Nếu phát hiện bệnh sớm, trẻ sẽ được điều trị với phác đồ phù hợp, trường hợp không bị bệnh thì được tư vấn, sử dụng phác đồ dự phòng lao tiềm ẩn, nhằm hạn chế nguy cơ tiến triển thành bệnh lao về sau.
Điều trị lao sớm sẽ khỏi bệnh hoàn toàn
“Nếu được điều trị sớm, trẻ sẽ khỏi bệnh lao hoàn toàn. Nếu điều trị muộn, thời gian điều trị sẽ kéo dài, ở một số thể bệnh lao còn lại di chứng, thậm chí tử vong”, TS Nguyễn Thị Hằng khuyến cáo.
Hiện nay, việc xét nghiệm lao rất nhẹ nhàng, không xâm lấn, không tốn kém. Phác đồ điều trị lao thường ở trẻ em hiện cũng dùng thuốc uống 100% trong 4-12 tháng, tùy theo từng thể lao. Riêng lao kháng thuốc thì phải điều trị theo phác đồ riêng biệt. Chi phí điều trị bệnh lao cũng đã được BHYT chi trả.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế về lĩnh vực lao phổi cũng cảnh báo, mặc dù bệnh lao hoàn toàn có thể điều trị khỏi hẳn, nhưng lao là bệnh lây và miễn dịch của bệnh lao sinh ra không phải là miễn dịch suốt đời.
Vì vậy, nếu trẻ mắc lao và điều trị khỏi nhưng còn tiếp xúc với nguồn lây lao phổi thì vẫn có nguy cơ cao mắc lại bệnh lao.
Bệnh lao cũng đã có vaccine, việc tiêm vaccine sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh lao nặng như lao kê, lao màng não, nguy cơ tử vong cũng giảm.
Nhiều người bị bệnh lao không biết mình mắc bệnh
Được xem như 'kẻ giết người thầm lặng', bệnh lao gây tử vong khoảng 13.000 người Việt mỗi năm.
Năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia ghi nhận hơn 106.000 ca mắc bệnh lao, tăng so với các năm trước. Trong đó, nhiều bệnh nhân lao không được phát hiện và điều trị kịp thời khiến bệnh lây lan trong cộng đồng.
Tưởng chỉ ho lâu ngày
Sau hơn 2 tháng trời tự mua thuốc uống nhưng các cơn ho không dứt, chị NTHT (21 tuổi, ngụ Hà Nội) mới biết mình mắc lao phổi sau khi được làm các xét nghiệm chuyên sâu tại Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội).
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân lao tại Bệnh viện Phổi Trung ương. Ảnh: BVCC
Điều khiến chị H và gia đình sốc là không biết chị lây bệnh lao từ đâu. Sau khi nghe các bác sĩ giải thích về căn bệnh, hiểu được bệnh lao có thể chữa được, chị H và gia đình mới dần ổn định tâm lý. Hiện chị H đang theo phác đồ điều trị kéo dài 6 tháng.
Cũng đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Trung ương, bà ĐTV (52 tuổi, ngụ Quảng Bình), kể thi thoảng bà có đi kiểm tra sức khỏe theo các chương trình ở địa phương nhưng không có vấn đề gì. Gần đây, thấy mệt mỏi trong người, nghĩ do lao động vất vả nên bà tự mua thuốc bổ uống.
Trong một lần khám sàng lọc cộng đồng, bác sĩ thông báo bà mắc bệnh lao. Hiện sau 5 tháng điều trị, sức khỏe bà V đã cải thiện nhưng vẫn chưa thể sinh hoạt lại như bình thường.
Bệnh diễn tiến âm thầm, khó nhận biết
Theo bác sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia, bệnh lao được xem như "kẻ giết người thầm lặng". Khi mắc bệnh, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, điển hình. Khi đã có triệu chứng sốt nhẹ, ho kéo dài, ho ra máu... thì bệnh đã nặng.
"Hiện bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm, tuy vậy không ai bị mắc bệnh lao mà tử vong ngay do bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì bệnh đã lây sang rất nhiều người khác" - bác sĩ Lượng thông tin.
Còn bác sĩ Lã Quý Hương, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, bệnh lao do vi khuẩn lao gây nên, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà thời gian ủ bệnh có thể khác nhau. Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh hầu như không có hoặc có rất ít triệu chứng.
Đối với những bệnh nhân lao tiến triển, các triệu chứng phổ biến nhất là ho, ho có đờm, ho khan, ho kéo dài hơn 2 tuần, ngoài ra có thể có các triệu chứng như đổ mồ hôi về đêm, gây sút cân, đau tức ngực, khó thở.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao như sống cùng nhà, tiếp xúc gần với bệnh nhân lao... thì dù không có triệu chứng vẫn nên đi khám để sàng lọc bệnh lao.
Đáng lưu ý, vào mùa hè, thời tiết nóng ẩm là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn lao tồn tại trong môi trường, tăng nguy cơ người lành tiếp xúc với bệnh lao. Cùng với đó, khi người dân thường xuyên sử dụng điều hòa khiến lưu thông không khí trong phòng bị hạn chế cũng khiến vi khuẩn lao lưu trú lâu hơn trong không khí, tăng nguy cơ truyền nhiễm bệnh lao.
"Bệnh lao là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi, nhiều trường hợp không để lại biến chứng gì nếu được điều trị kịp thời" - bác sĩ Hương nói.
Hướng tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2035
Trong năm 2023, số người bệnh lao được phát hiện tăng đáng kể (106.086 bệnh nhân). Trong đó, phát hiện lao kháng đa thuốc là 3.775 bệnh nhân. Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, những con số này thể hiện số người mắc bệnh lao ởViệt Nam đang khá cao.
Những năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống bệnh lao như áp dụng biện pháp phát hiện ca bệnh chủ động trong cộng đồng. Tuy nhiên, theo ông Lượng, việc phát hiện lao chủ động chủ yếu được phát hiện ở các nhóm có nguy cơ cao, chỉ chiếm 60% tổng số bệnh nhân lao ước tính.
"Nhiều người bệnh sợ bị kỳ thị nên không tham gia điều trị kịp thời. Nhiều người bệnh khi phát hiện được, đã không còn ở địa bàn, khu vực cũ, nên khó tìm nguồn lây nhiễm, nhiều ca bệnh bị sót", ông Lượng nói.
Tuy nhiên, theo ông Lượng, Việt Nam hiện có đầy đủ điều kiện để hành động quyết liệt hơn hướng đến "thanh toán" bệnh lao vào năm 2035. "Chỉ cần tăng cường tuyên truyền để toàn dân có thêm hiểu biết về bệnh và tham gia chương trình phòng, chống bệnh. Đồng thời, cần gắn kiểm soát lao với y tế cơ sở. Việc kiểm soát lao chủ động, gắn với y tế cơ sở chính là gốc rễ, cơ sở để chấm dứt bệnh lao" - ông Lượng nhấn mạnh.
Việt Nam hiện là một trong 7 quốc gia được tổ chức WHO chỉ định thử nghiệm vaccine lao ở giai đoạn 3 (ứng dụng trên người). Cuối năm 2024, Việt Nam sẽ chính thức triển khai thử nghiệm. Ông Lượng kỳ vọng, nếu việc triển khai thử nghiệm thành công và kết hợp cùng các phương pháp điều trị sẵn có, mục tiêu kết thúc thúc lao vào năm 2035 tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng.
Chế độ ăn cho người bệnh lao phổi Chế độ ăn uống đóng một vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh lao phổi. Tiêu thụ đúng loại thực phẩm giúp người bệnh lao phổi tăng cường hệ thống miễn dịch, hỗ trợ phục hồi và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn. 1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh lao phổi Ngày nay, cùng với...