Những dấu hiệu đột quỵ chết người nếu bỏ qua
Trước cơn đột quỵ, cơ thể gửi những cảnh báo rất rõ ràng nhưng thường bị bỏ qua, dẫn đến tình trạng tử vong hoặc tàn phế suốt đời.
Cơn đột quỵ xảy ra đột ngột, tuy nhiên, trước đó, một tuần đến vài tháng, cơ thể đã phát ra các tín hiệu cảnh báo. Song vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về đột quỵ và các dấu hiệu mà người dân thường bỏ lỡ cơ hội tự cứu chính mình.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Trung Thành, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, dấu hiệu cảnh báo sớm và đặc trưng nhất của bệnh lý đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua. Tình trạng này xảy ra do sự ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não trong thời gian ngắn.
Các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua là một cơn đột quỵ nhẹ, xảy ra nhanh chóng, chỉ một vài phút đến vài giờ. Bệnh nhân bất ngờ đau đầu, chóng mặt, tay chân tê bì, yếu nửa người, khó nói, khó đi lại, mặt rủ xuống một bên, miệng lệch… Sau đó, cơ thể tự hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ. Vì sớm trở lại bình thường nên người bệnh nhầm lẫn với trúng gió hoặc hạ canxi.
Người đột quỵ có thể hồi phục, trở về cuộc sống bình thường nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Ảnh: Thư Anh
Bác sĩ Thành cho biết, khoảng 7% bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ bị đột quỵ trong vòng 1 tuần và trên 14% những bệnh nhân khác bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó.
“Bỏ qua dấu hiệu này, bạn khiến cái chết do đột quỵ đến gần mình hơn”, bác sĩ Thành nói.
Do đó, khi thấy những bất thường, người bệnh cần ngay lập tức đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn phòng ngừa bệnh đột quỵ trước khi mọi việc trở nên quá muộn. Các bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp phù hợp gồm, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, nếu bệnh nhân hút thuốc lá, nghiện rượu. Hoặc điều trị bệnh lý nền, là nguyên nhân gây ra đột quỵ như bệnh tăng huyết áp, bệnh tiểu đường, tăng cholesterol, bệnh tim mạch, bệnh lý tăng đông máu…
Video đang HOT
Đồng thời, người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc kháng đông máu để phòng ngừa đột quỵ tái phát thực sự.
Dấu hiệu thứ hai là tăng huyết áp. Bác sĩ Thành cho biết, nếu huyết áp một người ở mức 180 mmHg (người bình thường dưới 140/90 mmHg) là tình trạng sức khỏe ở mức “báo động đỏ”. Hệ thần kinh, tim mạch, nội tạng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Người bệnh nếu xuất hiện các tổn thương cơ quan đích như đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu liệt chi, suy giảm ý thức, nói khó, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn thì đột quỵ đã cận kề. Đây được coi là tăng huyết áp cấp cứu, cần cấp cứu ngay trong 1-2 giờ. Nếu bỏ lỡ, nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sĩ Thành cảnh báo, tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ: “9/10 người đột quỵ ở Việt Nam có liên quan đến tăng huyết áp. Bị tăng huyết áp mà không biết là sai lầm lớn nhất, nguy hiểm nhất của con người”.
Sơ cứu sai làm tăng di chứng đột quỵ và tỷ lệ tử vong. Năm 2019 bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp nhận 1025 ca đột quỵ, nhưng chỉ 93 trường hợp đến cấp cứu trong khung thời gian có thể tái thông mạch máu. Tức là có đến 90% bệnh nhân đến viện quá muộn, tình trạng đột quỵ đã nặng, bác sĩ không thể can thiệp được nhiều.
Thời gian vàng cứu sống bệnh nhân đột quỵ là từ 0-6 giờ sau khi khởi phát triệu chứng. Song vì thiếu kiến thức, thân nhân người bệnh thao tác sai, thừa. Có trường hợp người nhà cạo gió, bệnh nhân đến tím người, bấm huyệt, châm cứu không hiệu quả, tình trạng nguy kịch hơn mới đưa đến bệnh viện. Nhiều người nhầm lẫn đột quỵ với tụt đường huyết, cho người bệnh ăn uống khiến thức ăn trào ngược vào đường thở rất nguy hiểm.
Bác sĩ Thành khuyên người dân nên chủ động phòng ngừa và tìm hiểu các dấu hiệu đột quỵ để sơ cứu đúng. Quan trọng nhất, phải gọi cấp cứu, đưa vào viện càng nhanh càng tốt khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ. Việc đưa bệnh nhân đến đúng cơ sở y tế có chuyên khoa điều trị đột quỵ ngay từ đầu sẽ rút ngắn thời gian não bị tổn thương.
Theo bác sĩ Thành, từ năm 2016, điều trị đột quỵ não bằng tái thông mạch máu đã rất phổ biến và được chứng minh hiệu quả cao. Phương pháp này bao gồm sử dụng thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và lấy huyết khối bằng dụng cụ, được áp dụng trong 6 giờ đầu tiên. Tất cả bệnh nhân đều hồi phục tốt, giảm thiểu di chứng đột quỵ tối đa.
Đột quỵ, hay tai biến mạch máu não là bệnh lý do tình trạng một phần não bị tổn thương đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Tại nước ta, ước tính hàng năm có khoảng 200.000 người bị đột qụy, khoảng 50% trong số đó tử vong.
Dự phòng và tầm soát sớm đột quỵ
Đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu ở mọi quốc gia. Đột quỵ có thể xảy ra tại mọi thời điểm trong cuộc đời và không loại trừ một ai. Vậy đột quỵ có dự phòng được không? Tầm soát và phát hiện sớm như thế nào?
Điều trị đột quỵ thành công chỉ 50%
Các bác sĩ đang cấp cứu can thiệp cho bệnh nhân.
PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh, Bệnh viện (BV) 115, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đột quỵ thường gặp ở lứa tuổi trên 60. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người trẻ không bị đột quỵ.
Không những thế, gần đây đột quỵ có xu hướng tăng ở người trẻ. Bệnh nhân bị đột quỵ lứa tuổi từ 20-30 tuổi cũng khá nhiều. Đột quỵ ở người trẻ liên quan đến bệnh lý bẩm sinh: tim, bất thường chức năng đông máu... Ở châu Á, có bệnh lý xơ vữa mạch máu trong não ở người trẻ, có em bé rất nhỏ nhưng mạch máu xơ vữa như bà cụ 90 tuổi và xảy ra nhiều hơn các nơi khác.
Hiện nay, có rất nhiều tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, dù bệnh nhân đến rất sớm, điều trị ở các trung tâm đột quỵ hàng đầu thì khả năng thành công chỉ 50%. Cứu sống bệnh nhân không phải là thành công. Thành công là bệnh nhân quay lại cuộc sống bình thường sau 3 tháng. Có 50% thất bại, trong đó có 10% tử vong, số còn lại được cứu sống nhưng đi lại với cây gậy.
Đột quỵ luôn có nguyên nhân, trong đó 90% từ cao huyết áp, tiểu đường không kiểm soát, hút thuốc lá (yếu tố nguy cơ quan trọng gây đột quỵ), tăng mỡ máu, béo phì... Theo bác sĩ, có "thủ phạm", tức là hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Nếu đã có những bệnh trên thì điều trị, kiểm soát các chỉ số ở mức bình thường. Đồng thời duy trì sống lành mạnh, không hút thuốc lá, uống ít rượu, bia thì khả năng bị đột quỵ rất thấp.
Đột quỵ chia làm 2 dạng: thiếu máu não (tắc, hẹp mạch máu não) chiếm 80% trường hợp và xuất huyết não (vỡ mạch máu não) chiếm 20% trường hợp. Nguyên tắc chung của điều trị đột quỵ là khai thông lại mạch máu bị tắc nghẽn hay bịt lại các điểm vỡ mạch máu trong não càng sớm càng tốt.
Ai cần tầm soát đột quỵ?
Theo TS.BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP Hồ Chí Minh, Giám đốc BV Đột quỵ tim mạch Cần Thơ, ĐBSCL có khoảng 10.000 trường hợp đột quỵ/năm. Riêng TP Cần Thơ có khoảng 1.000 trường hợp. Khi người dân ở khu vực ĐBSCL, nhất là các tỉnh xa, chẳng hạn như tỉnh Cà Mau có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ: nói khó, miệng méo, tê yếu tay chân... không nên chạy thẳng lên TP Hồ Chí Minh vì đường quá xa.
Nếu tại các tỉnh có đơn vị điều trị đột quỵ thì nên đến đó. Ở đó, bệnh nhân được chụp CT Scan, chẩn đoán ngay có bị đột quỵ không, xác định ngay bệnh nhân bị xuất huyết não hay nhồi máu não. Nhồi máu não, nếu mạch máu nhỏ, thì tiêm tiêu sợi huyết; tắc nghẽn mạch máu lớn thì chuyển đi ngay đến các cơ sở y tế có triển khai để bệnh nhân được cứu chữa tốt nhất trong thời gian vàng.
Đa số các BV tuyến tỉnh chưa triển khai cấp cứu tái thông do tắc nghẽn mạch máu lớn bằng dụng cụ lấy huyết khối trong lòng mạch. Do đó cần phối hợp chặt chẽ giữa các BV với nhau. Trong năm qua, nhiều bệnh nhân ở các tỉnh được chuyển đến BV Đột quỵ tim mạch Cần Thơ trong thời gian vàng.
Hiện nay, người dân có kiến thức về đột quỵ, giờ vàng điều trị. Tuy nhiên, mới chỉ có 22% bệnh nhân đến điều trị tại BV Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ trong giờ vàng. Những trường hợp này do người thân hiểu biết, đưa bệnh nhân đến sớm, được cứu chữa rất tốt. Trong thực tế, có bệnh nhân đến BV chỉ sau 1 giờ có dấu hiệu đột quỵ. Không phải là bác sĩ hay công nghệ, mà nhờ người thân đưa đến sớm đã cứu bệnh nhân.
Đáng tiếc vẫn còn tới 78% đến muộn do không hiểu biết, khi có dấu hiệu bị đột quỵ, vẫn để ở nhà. TS.BS Trần Chí Cường khuyến cáo: Khi có dấu hiệu bị đột quỵ thì gọi ngay số điện thoại 18001115 (tổng đài tư vấn, cấp cứu của BV) để được hướng dẫn cấp cứu, điều trị. Tùy theo vị trí, chúng tôi sẽ kết nối với BV gần nhất điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Về tầm soát sớm, để tránh lãng phí, nên tầm soát cho người có dấu hiệu đột quỵ như: méo miệng, nói khó, nói đớ, tê yếu tay chân... bệnh nhân từng bị đột quỵ, người có yếu tố nguy cơ, bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì, hút thuốc lá, nghiện rượu, bệnh tim mạch...
Tại BV Đột quỵ tim mạch Cần Thơ, BV trang bị CT 128 lát cắt, MRI 3 Tesla, can thiệp nội mạch DSA, ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ đã giúp nâng cao chất lượng điều trị cấp cứu đột quỵ. Cũng theo TS.BS Trần Chí Cường, với cam kết không để bệnh nhân bị đột quỵ còn có thể cứu mà không cứu. Để thực hiện cam kết này, BV đã tự huy động, từ nguồn thu nhập BV hỗ trợ 100 bệnh nhân với số tiền hơn 3 tỉ đồng.
Làm thế nào để biết một người bị đột quỵ? Đột quỵ não được xem là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Nếu không phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh thì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao hoặc để lại di chứng. Tử vong vì sơ cứu sai Ông N.B.T. (57 tuổi, Hà Nội) phải nhập viện do đột quỵ não. Kết quả chụp CT mạch máu...