Những căn bệnh đe dọa khả năng làm mẹ của người phụ nữ
Chị em mắc các bệnh như tắc vòi trứng, viêm vùng chậu, u nang buồng trứng… cũng có thể gặp khó khăn trong việc thụ thai và đe dọa khả năng làm mẹ.
Chào bác sĩ, em năm nay 27 tuổi, đã lập gia đình được 2 năm. Trong suốt 2 năm qua, “chuyện vợ chồng” của chúng em rất thuận lợi, vợ chồng em không dùng biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn chưa thể đậu thai.
Trước khi cưới, em cùng chồng đã đi khám sức khỏe sinh sản thì được biết cả 2 đều khỏe mạnh, không gặp trục trặc gì. Sau đó chúng em không đi khám lại nữa mà vẫn hi vọng có thể thụ thai thành công theo cách tự nhiên. Sau khi cưới đến nay, một phần vì công việc quá bận rộn, một phần do tâm lý chưa muốn có con ngay thời gian này nên vợ chồng em không quan tâm lắm lý do tại sao 2 năm vẫn chưa có con.
Nay nghe bạn bè nói sau một năm không thụ thai là bị vô sinh, chồng em đã “dũng cảm” đi khám lại thì bác sĩ nói hoàn toàn bình thường, tinh trùng tốt. Vậy là nguyên nhân có thể xuất phát từ phía em. Em đang rất lo lắng, không biết trong 2 năm không đi khám, em có bị bệnh gì ảnh hưởng khả năng sinh sản không? Bác sĩ cho em hỏi, những bệnh nào có thể đe dọa khả năng làm mẹ của người phụ nữ? Em xin cảm ơn (Ng. Thoa)
BS. Hoa Hồng tư vấn:
Bạn Ng. Thoa thân mến,
Đúng là theo các chuyên gia sức khỏe, các cặp vợ chồng có quan hệ tình dục không sử dụng bất kì biện pháp tránh thai nào liên tục trong 1 năm mà không đậu thai thì có thể được xếp vào diện hiếm muộn, vô sinh. Thông thường, sau khoảng thời gian này, các cặp vợ chồng nên đi khám để biết nguyên nhân từ ai và nguyên nhân đó là gì.
Video đang HOT
Sau 1 năm “quan hệ” liên tục không dùng biện pháp tránh thai nào mà không thụ thai thì bạn nên nghĩ đến nguy cơ vô sinh (Ảnh minh họa).
Chồng bạn đã “dũng cảm” đi khám nam khoa và kết quả bình thường, như vậy, có nhiều khả năng trục trặc trong chuyên sinh con xuất phát từ bạn. Để biết được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng đó, tốt nhất bạn nên đi khám ở các bệnh viện có uy tín. Trên thực tế, chị em mắc các bệnh sau đây cũng có thể gặp khó khăn trên con đường được “làm mẹ”. Bạn hãy tham khảo để xem mình có biểu hiện của bệnh nào trong số các bệnh này không nhé.
- Tắc vòi trứng: Tắc vòi trứng, có thể do nhiễm khuẩn hoặc do lạc nội mạc tử cung và chiếm tỷ lệ khoảng 40-50% trường hợp hiếm muộn, vô sinh. Bệnh thường được phát hiện chính xác nhất nhờ chụp tử cung – vòi trứng. Tắc vòi trứng khiến cho nhiều khi trứng đã gặp tinh trùng ở vòi trứng nhưng không thể di chuyển về tử cung để làm tổ mà phát triển ngay tại vòi trứng, gây ra chửa ngoài tử cung.
Một số triệu chứng có thể gặp khi bị tắc vòi trứng bao gồm: Kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, khí hư nhiều hơn bình thường, đau khi quan hệ tình dục, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, lao động làm việc không tập trung, những triệu chứng tâm lý hay ức chế tâm lý…
- Bệnh viêm vùng chậu: Bệnh viêm vùng chậu (PID) là một bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh sản nữ. Nó thường xảy ra khi vi khuẩn lây lan qua đường tình dục từ âm đạo vào tử cung và đường sinh dục trên.
Nhiều phụ nữ phát triển bệnh viêm vùng chậu có thể không gặp triệu chứng nào đặc biệt hoặc là có các dấu hiệu sau: Đau vùng bụng dưới, sốt, tiết dịch âm đạo bất thường kèm có mùi, đau khi giao hợp, ra huyết âm đạo giữa chu kỳ…
Bệnh viêm vùng chậu có thể dẫn đến vô sinh hoặc thai ngoài tử cung. Bệnh chỉ được phát hiện sau khi gặp vấn đề mang thai hoặc nếu phát triển đau vùng chậu kinh niên.
Có một số bệnh khiến chị em khó có thể thụ thai. Ảnh minh họa
- U xơ tử cung:U xơ tử cung là bệnh khá phổ biến ở chị em. Đây là loại u lành tính thường thấy nhất trong tử cung, nó có thể nằm ở thành hoặc trong lòng dạ con.
Mặc dù là bệnh phổ biến và không làm tăng nguy cơ ung thư tử cung nhưng u xơ tử cung lại có thể làm cho chị em rất khó chịu và gây khó khăn cho việc trứng gặp tinh trùng. Đặc biệt, bệnh không có biểu hiện rõ ràng nên trong nhiều trường hợp, người bệnh có những triệu chứng có thể nhầm với mang thai.
Nếu u ở vị trí gần niêm mạc thì có thể gây chảy máu, băng huyết… Trong trường hợp này cần được can thiệp để xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các khu vực lân cận, cản trở việc thụ thai.
- Bệnh viêm răng lợi: Các bệnh liên quan đến răng miệng xảy ra khi vi khuẩn trong miệng tạo thành một ổ viêm nhiễm quanh một chiếc răng và có thể lây lan vào hệ tuần hoàn. Bệnh này cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Theo nhiều nghiên cứu thì phụ nữ bị bệnh răng lợi phải mất trung bình 7 tháng mới có thai, dài hơn 2 tháng so với những phụ nữ không mắc bệnh này.
- U nang buồng trứng: Buồng trứng có chức năng sản xuất trứng. U nang buồng trứng hình thành bên trong buồng trứng và là bao nang chứa đầy dịch. Cũng giống như nhiều bệnh phụ khoa khác, u nang buồng trứng có các triệu chứng rất mơ hồ, khó phán đoán từ sớm. Đa số trường hợp chỉ phát hiện được khối u buồng trứng một cách tình cờ khi siêu âm bụng kiểm tra hay khi khám phụ khoa định kỳ.
Khi bị u nang buồng trứng, chị em có thể gặp các triệu chứng như: Đau vùng bụng, kinh nguyệt thất thường, cảm giác đầy bụng, khó chịu ở âm đạo…
90% u nang buồng trứng là u lành nhưng cũng có tới 10% là ác tính. Nếu không kịp thời chữa trị có thể chuyển sang ung thư buồng trứng, đe dọa rất lớn đến khả năng phát triển và rụng trứng, từ đó gây khó khăn trong quá trình thụ thai và có con của chị em.
Mặc dù với mỗi bệnh lại có phương pháp điều trị khác nhau nhưng các bệnh lại có triệu chứng tương tự nhau nên các bác sĩ cũng có thể chẩn đoán nhầm nếu chỉ được nghe qua mô tả chứ không khám xụ thể. Vậy nên, để biết nguyên nhân chính xác thì bạn nên đi khám.
Chúc vợ chồng bạn sớm có tin vui!
Theo VNE