Nhu cầu tuyển dụng ngành kinh tế, ngân hàng, luật ra sao trong dịch Covid-19?
Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu tuyển dụng khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật? Sinh viên học các ngành này ra trường còn nhiều cơ hội hay không? Sự thay đổi của công nghệ tác động ra sao trong đào tạo khối ngành này?…
Đại diện các trường trao đổi nhiều thông tin về cơ hội việc làm khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật tại chương trình tư vấn của Báo Thanh Niên ngày 4.3 – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Các chuyên gia đã giải đáp cặn kẽ những vấn đề liên quan khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật tại chương trình Tư vấn tuyển sinh trực tuyến “ Chọn ngành học cho tương lai” do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 4.3, diễn ra đồng thời trên các kênh của Báo Thanh Niên : thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube, TikTok Báo Thanh Niên .
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Nhu cầu cao
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, cho biết đây là khối ngành có lượng thí sinh đăng ký xét tuyển hằng năm khá đông. Hầu hết các trường đều có xét tuyển khối ngành này. Hiện nay, tổng số sinh viên (SV) cả nước khoảng 1,7 triệu; trong đó khối ngành kinh tế, luật, ngân hàng chiếm 18,35%.
“Vì dịch Covid-19, liệu thí sinh chọn học khối ngành này có bị ảnh hưởng công việc trong tương lai không? Theo xu thế chung của thế giới từ trước tới nay, sau khủng hoảng thì kinh tế phát triển rất mạnh. Sau đợt dịch này, theo chu kỳ như vậy thì các em học ngành này sẽ có cơ hội cao, khi 3 – 4 năm nữa nền kinh tế phục hồi và phát triển”, tiến sĩ Hải nhận định.
Có phải ngành này chỉ dành cho người có điểm thi cao ?
Trong chương trình trực tuyến, rất nhiều học sinh băn khoăn về mức điểm có thể đậu vào các ngành thuộc khối kinh tế – ngân hàng – luật, học lực trung bình khá liệu có khả năng trúng tuyển?
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết trong những năm qua, điểm trúng tuyển khối ngành này tại trường là từ 18 – 22 tùy mỗi ngành.
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Quốc tế Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, thông tin mức điểm để có thể trúng tuyển vào khối ngành kinh tế trường mình năm 2020 rơi vào khoảng 18 – 22, riêng ngành marketing và logistics là 23 – 24 điểm. Có thể nói đây là một mức điểm phù hợp với phần lớn thí sinh.
Theo thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, nhu cầu việc làm của các ngành kinh tế, ngân hàng và luật rất nhiều tương ứng với số lượng các doanh nghiệp (DN) được thành lập tại Việt Nam.
Riêng về lĩnh vực ngân hàng, theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cả nước có hơn 10.000 chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng, thu hút khoảng 300.000 lao động. Ngoài ra, còn có các công ty tài chính, bảo hiểm nhân thọ, thị trường chứng khoán và hàng triệu DN cần nhân lực khối ngành kinh tế, ngân hàng nên nhu cầu việc làm của các đơn vị này luôn phát triển.
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, trong lịch sử phát triển của loài người, kinh tế là hoạt động nền tảng cho sự phát triển, hoạt động quản lý kinh tế là xương sống để thúc đẩy sự phát triển của xã hội… Việc lựa chọn ngành học cần cân nhắc, không chỉ cho hiện tại mà nên tính việc làm trong 4 – 5 năm sau. Không vì dịch bệnh, các cơ sở, DN đóng cửa, công nhân mất việc làm… mà không chọn học ngành này.
Nắm lấy cơ hội
Nhưng để nắm bắt được cơ hội, theo thạc sĩ Thái, các đơn vị sử dụng nhân lực luôn khát nhân sự nhưng phải là nhân sự chất lượng cao. Tức là nhân sự có được kiến thức tốt, có được kỹ năng linh hoạt và đặc biệt là có thái độ sẵn sàng phụng sự. Do đó, SV cần phải trau dồi thêm kỹ năng, rèn luyện thái độ để đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng.
Thạc sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng ở tất cả ngành khối kinh tế tại trường thì tỷ lệ SV có việc làm trong 6 tháng là trên 95%, một số ngành cao hơn như quản trị kinh doanh 98%, quản trị nhân lực 100%. “Để giúp SV có việc làm, trường chú trọng khâu hỗ trợ SV trong quá trình học. Ngay từ năm nhất, các em đã được tiếp cận với DN, năm 2 thực hành nghề nghiệp, năm 3 thực tập tốt nghiệp…”, thạc sĩ Thời chia sẻ.
Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thạc sĩ Hoàng Thị Thoa cho hay tỷ lệ SV có việc làm là 98%. “Ngoài kiến thức chuyên ngành, trường còn được tăng cường hoạt động trải nghiệm DN cho SV. Trường đầu tư hệ thống thực hành cho khối ngành kinh tế, đặc biệt trung tâm mô phỏng các sàn giao dịch, hệ thống phần mềm về kế toán kiểm toán, được cập nhật thường xuyên và mời chuyên gia, doanh nhân tham gia đồng hành đào tạo hướng dẫn SV ngay tại trung tâm”, thạc sĩ Thoa thông tin thêm.
Theo tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính thống kê có 30% SV có việc làm ngay từ năm 3. Tiến sĩ Lộc lý giải: “Chúng tôi hỗ trợ các bạn rèn giũa các kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, thấu hiểu…, khuyến khích các bạn ra ngoài tích lũy kinh nghiệm sống. Vì chương trình đào tạo của trường là song ngữ hoặc đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh nên tốt nghiệp các em có thể làm việc tại các công ty trong lẫn ngoài nước”.
Thay đổi đào tạo để thích ứng
Tiến sĩ Hà Thúc Viên cũng cho biết, trong nền kinh tế mới, cách làm việc trực tuyến vẫn sẽ tiếp tục phát triển. Vì vậy, người học cần trang bị khả năng về công nghệ. Bên cạnh đó, ngoại ngữ vẫn luôn là điều cần thiết trong nền kinh tế hiện tại và tương lai. Vì vậy, dịch Covid-19 cũng đang làm cho các trường thay đổi cách đào tạo của khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật.
Tiến sĩ Ngô Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, cho rằng dịch Covid-19 bùng phát đã đặt nền kinh tế vào tình thế mà những năm trước đây chưa từng có. Nó đặt cho các trường một câu hỏi lớn là đào tạo trong tương lai sẽ như thế nào, vì khi công nghệ thay đổi thì tư duy về nền kinh tế và cách vận hành cũng thay đổi.
“Những ngành nghề mới vì thế xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây như Game Streamer, Vlogger… Một số ngành cũ cũng mất đi. Vì vậy, hiện nay tất cả các trường đào tạo phải gắn liền với DN, nhất là với khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật”, tiến sĩ Hải nhận định.
Theo thầy Võ Ngọc Nhơn, Phó ban Tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, các trường ĐH đào tạo có mục đích chính là đáp ứng thị trường lao động nên luôn phải thay đổi liên tục.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết: “SV được tham gia thực hành tại các DN, ra trường hoàn toàn có khả năng đáp ứng yêu cầu của DN để có việc làm ngay”.
Tiến sĩ Trần Nam Quốc, Khoa Kinh tế – Quản trị Trường ĐH Hoa Sen, cho hay nhu cầu lao động của khối ngành kinh tế đang tăng trưởng rất nhanh. Các trường ĐH luôn chú ý cập nhật chương trình phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, giúp người học đạt được chất lượng tốt nhất.
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, khẳng định kinh tế luôn là ngành tốp đầu trong tuyển sinh của trường, là một trong những khối ngành luôn được thí sinh lựa chọn nhiều nhất. Năm nay, một trong những ngành mới là thương mại điện tử nhằm đáp ứng xu thế.
Thông tin cần biết về khối ngành kinh tế - ngân hàng - luật
Chương trình 'Chọn ngành học cho tương lai' với khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật diễn ra đồng thời ở thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube, Tiktok Báo Thanh Niên và báo in hôm sau.
Vào 14 giờ 30 hôm nay 4.3 diễn ra chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai" với khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật.
Tuyển sinh 2021: Nên chọn ngành, nghề như thế nào?
Đánh giá về xu hướng đăng ký nguyện vọng năm 2020, Bộ GD-ĐT cho biết bên cạnh những ngành luôn có mức độ cạnh tranh cao như các ngành của trường thuộc khối công an, quân đội hay y dược thì gần đây, ngành công nghệ thông tin hay một số ngành kỹ thuật công nghệ cao, khối ngành kinh tế luôn được nhiều thí sinh lựa chọn.
Vì sao thí sinh qua tâm nhiều đến nhóm ngành kinh tế - ngân hàng - luật? Nhu cầu nhân lực cho khối ngành kinh tế giai đoạn sắp tới ra sao, nhất là khi người ta nói nhiều đến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trên mọi lĩnh vực ? Các trường thay đổi gì trong đào tạo, tuyển sinh khối ngành này?
Thí sinh cần lưu ý gì khi vào học khối ngành kinh tế? Học khối ngành này ra trường cơ hội việc làm ra sao? Trong quá trình học cần những lưu ý gì? Làm thế nào để có lựa chọn đúng đắn khi xét tuyển vào khối ngành này?... Những vấn đề này sẽ được giải đáp trong chương trình tư vấn hôm nay với chủ đề khối ngành KINH TẾ - NGÂN HÀNG - LUẬT
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn , Fanpage Facebook, kênh YouTube và Tik Tok Báo Thanh Niên .
Phần 3 có sự tham gia của các khách mời:
- Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Quốc tế Trường ĐH Kinh tế tài chínhTP.HCM
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing
- Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
- Thạc sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
14:36
Thưa các bạn, điểm chuẩn năm 2020 có nhiều biến động do tình hình của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc học của học sinh khiến tác động đến việc ra đề thi. Tuy nhiên, điểm các khối ngành cao vẫn thuộc về y dược, công nghệ thông tin, kinh tế.
Đánh giá về xu hướng đăng ký nguyện vọng năm 2020, Bộ GD-ĐT cho biết, bên cạnh những ngành luôn có mức độ cạnh tranh cao như các ngành của trường thuộc khối công an, quân đội hay y dược thì gần đây, ngành công nghệ thông tin hay một số ngành kỹ thuật công nghệ cao, khối ngành kinh tế luôn được nhiều thí sinh lựa chọn.
Vì sao thí sinh qua tâm nhiều đến nhóm ngành kinh tế - ngân hàng - luật? Nhu cầu nhân lực cho khối ngành kinh tế giai đoạn sắp tới ra sao, nhất là khi người ta nói nhiều đến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trên mọi lĩnh vực ? Các trường thay đổi gì trong đào tạo, tuyển sinh khối ngành này? Thí sinh cần lưu ý gì khi vào học khối ngành kinh tế? Học khối ngành này ra trường cơ hội việc làm ra sao? Trong quá trình học cần những lưu ý gì? Làm thế nào để có lựa chọn đúng đắn khi xét tuyển vào khối ngành này?... Những vấn đề này sẽ được giải đáp trong chương trình tư vấn hôm nay với chủ đề khối ngành KINH TẾ - NGÂN HÀNG - LUẬT.
Chương trình đang được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn , Fanpage Facebook, kênh YouTube và Tik Tok Báo Thanh Niên. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua các địa chỉ trên.
Phần 3 có sự tham gia của các khách mời:
- Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó hiệu trưởng kiêm Viện trưởng Viện Quốc tế Trường ĐH Kinh tế tài chínhTP.HCM
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing
- Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM
- Thạc sĩ Bùi Văn Thời, Phó trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
Khách mời tham gia chương trình - ĐÀO NGỌC THẠCH
14:50
Thạc sĩ Bùi Văn Thời: Khối ngành kinh tế luôn có đông sinh viên theo học, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có 9 ngành liên quan khối ngành này. Ngoài ra, trường còn đào tạo thêm kinh tế số và công nghệ tài chính. Đối với khối kinh tế, trường rút ngắn thời gian đào tạo trong 3 năm.
14:52
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa: Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm nay tuyển sinh thêm 6 ngành mới, trong đó có 2 ngành mới thuộc nhóm ngành kinh tế là quản trị kinh doanh thực phẩm và kinh doanh thời trang dệt may.
Trường vẫn giữ 4 phương thức tuyển sinh: xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ (đã bắt đầu nhận hồ sơ từ 1.3), kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng.
14:54
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc: Về khối ngành kinh tế, quản trị tài chính luôn là ngành số 1 được lựa chọn không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới. Hiện tại, nền kinh tế Việt Nam rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao thuộc khối ngành này. Theo đó, Trường ĐH ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM đang đào tạo khối ngành kinh tế theo hệ song ngữ, tiếng Anh và tiếng Việt.
14:56
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Đối với Trường ĐH Tài chính-Marketing thì khối ngành kinh tế là chủ lực. Năm nay trường đào tạo 14 ngành trong khối kinh tế và tăng 2 ngành mới là toán kinh tế và luật kinh tế. Trường có các chương trình đào tạo là đại trà, chất lượng cao, đặc thù và chương trình đào tạo quốc tế. Trường có 4 phương thức xét tuyển là: xét tuyển theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ (có 2 diện: ưu tiên xét tuyển thẳng và học bạ), xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM, tuyển thẳng.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng - ĐÀO NGỌC THẠCH
15:00
Học sinh hỏi: "Khối ngành kinh tế thường được thí sinh lựa chọn nhiều, nếu có học lực khá thì có cơ hội không? Những ngành mới thì cơ hội trúng tuyển có cao không?"
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa: Qua các năm cho thấy mức điểm chuẩn khối ngành kinh tế của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM từ 18-22 điểm, nên với học lực trung bình khá, các em vẫn có thể đăng ký xét tuyển. Nhưng quan trọng là các em chọn ngành học theo đam mê và sau đó là chọn trường.
Năm nay trường có thêm ngành kinh doanh thực phẩm để vừa đáp ứng nhu cầu của xã hội, vừa đáp ứng mong muốn của sinh viên.
15:09
Học sinh hỏi: " Thấy các trường nghề đào tạo các khóa ngắn hạn về đầu bếp vậy ở bậc đại học thì những ngành thiên về lĩnh vực ẩm thực được đào tạo như thế nào?"
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Nếu theo những ngành này thì các bạn có nhiều lựa chọn như theo học trường nghề, trung cấp, cao đẳng hoặc đại học. Ở bậc đại học thì có ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, các bạn sẽ học được quản trị để có thể quản trị toàn bộ nhà hàng... Khi học được cách thức quản trị thì các bạn sẽ làm tốt hơn và nâng cao giá trị bản thân nhiều hơn nữa, để có thể trở thành người quản lý tốt.
Các ngành này sẽ được đào tạo theo chương trình đào tạo đặc thù, tức là là 50% lý thuyết và 50 %thực hành.
15:15
Bạn đọc hỏi: Để quản lý một cơ sở kinh doanh ở nhà nên học ngành gì?
Thạc sĩ Bùi Văn Thời: Ngành quản trị kinh doanh rất rộng phù hợp nhất với câu hỏi trên. Trong ngành này có rất nhiều môn học như: quản trị tài chính, quản trị chất lượng... sẽ có đầy đủ về quản trị. Về các chuyên ngành hẹp trong kinh doanh thì các bạn có thể học chuyên sâu hơn về ngành nghề kinh doanh cụ thể.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn giữ 4 phương thức xét tuyển.
Thạc sĩ Bùi Văn Thời - ĐÀO NGỌC THẠCH
15:18
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc: Nếu bạn chọn kinh doanh truyền thống thì thương mại điện tử là một lựa chọn.
Về việc liên quan đến khối ngành luật, trường cũng có 3 ngành liên quan như: Luật kinh tế, luật tài chính và luật doanh nghiệp. Sau khi sinh viên ra trường có thể làm ở các công ty có thể giải đáp thắc mắc, tư vấn về luật kinh tế.
Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM bắt đầu tiến hành nhận hồ sơ từ ngày 1.3. Khoa kinh tế tại trường luôn có số lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển.
15:19
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa: Mọi người thường nghĩ Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM chỉ đào tạo các lĩnh vực công nghiệp thực phẩm nhưng thực tế thì trường đào tạo đa ngành. Trong những năm vừa qua, khối ngành kinh tế thuộc nhóm thứ 2 sau khối ngành về thực phẩm của trường, số lượng thí sinh đăng ký cũng tăng qua các năm.
15:24
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Trường chưa mở cổng thông tin để đăng ký xét tuyển học bạ như các trường. Nếu bạn thuộc diện ưu tiên thì cứ mạnh dạn nộp hồ sơ (vì chỉ tiêu cho diện này là 40%). Giữa các phương thức thì xét học bạ sẽ mở hơn, để tăng cơ hội cho thí sinh. Nếu các bạn thuộc diện ưu tiên mà vẫn lo thì xét thêm phương án học bạ. Nếu xét học bạ vẫn cảm thấy chưa an tâm thì tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, các còn có thể xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
15:29
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa: Với Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhóm ngành kinh tế thì 98% sinh viên ra trường có việc làm. Trong quá trình đào tạo, ngoài học kiến thức thì trường còn tăng cường các hoạt động kỹ năng, trải nghiệm doanh nghiệp (học kỳ doanh nghiệp 6 tháng, có lương tại doanh nghiệp và đa phần đều được nhận làm luôn tại doanh nghiệp sau khi hoàn thành xong học kỳ 6 tháng), nên đây cũng là một vài lợi thế cho sinh viên theo học khối ngành này.
Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa - ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong những năm qua, trường cũng đầu tư rất nhiều cơ sở vật chất cho khối ngành này, đặc biệt là trung tâm mô phỏng về các sàn giao dịch, hệ thống phần mềm, mời chuyên gia để trực tiếp hướng dẫn các em tại trung tâm mô phỏng.
15:33
Thạc sĩ Bùi Văn Thời: Việc làm là một sự quan tâm lớn của học sinh và phụ huynh. Ở Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã thống kê các khối ngành kinh tế sau khi sinh viên tốt nghiệp 6 tháng có việc đạt 95%. Một số ngành quản trị nhân lực cũng đạt 100%,...
Hiện nay, trường chú trọng đến khâu hỗ trợ sinh viên vừa học vừa làm, vì vậy trong năm nhất sinh viên đã tiếp cận doanh nghiệp, việc làm.
Bên cạnh đó, trường còn có câu lạc bộ có 2.000 doanh nghiệp, ký hợp đồng với 2.000 giảng viên doanh nhân tham gia giảng dạy.
Trường thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng là một lợi thế cho sinh viên khối ngành kinh tế theo học tại trường.
15:35
Tiến sĩ Đo Huu Nguyen Loc: Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM hiện nay còn có tham vọng cho sinh viên làm việc trong môi trường đa quốc gia. Trường tập trung đào tạo tiếng Anh, kỹ năng mềm. Khi vào trường, sinh viên sẽ được đào tạo thêm tiếng Anh.
Tiến sĩ Đo Huu Nguyen Loc - ĐÀO NGỌC THẠCH
Trong quá trình học, sinh viên có thể rèn luyện kỹ năng mềm. Sinh viên được trải nghiệm học kỳ quốc tế, đi các nước hoặc tham gia các khóa hè với sinh viên quốc tế.
15:36
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Các bạn theo học bất cứ ngành nghề nào thì các trường vẫn luôn mong muốn sinh viên ra trường có việc làm.
Các doanh nghiệp và cơ hội việc làm có đó nhưng các bạn có vượt qua được các vòng phỏng vấn hay không? Nên vấn đề ở đây là các bạn học gì và học như thế nào trong ngành học mà bạn theo học để ra trường đáp ứng được theo yêu cầu của nhà tuyển dụng. Vì vậy khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển thì các bạn nên xem mình thích, đam mê cái gì và năng lực của mình có phù hợp với ngành học đó hay không?
15:37
** Thưa quý độc giả, quý phụ huynh, chúng tôi hy vọng quý vị đã có được những thông tin, hiểu biết cần thiết về khối ngành kinh tế để có thể quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH trong năm 2021. Chương trình Tư vấn truyền hình trực tiếp Lựa chọn ngành học trong tương lai sẽ tiếp tục diễn ra trong tuần sau vào ngày thứ ba (9.3) với khối ngành Du lịch - dịch vụ. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi cũng tại địa chỉ này. Xin chào và hẹn gặp lại.
Vì sao nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển vào khối ngành kinh tế? Chương trình 'Chọn ngành học cho tương lai' với khối ngành kinh tế, ngân hàng, luật diễn ra đồng thời ở thanhnien.vn , Facebook.com/thanhnien, YouTube, Tiktok Báo Thanh Niên và báo in hôm sau. Vào 9 giờ hôm nay 4.3 diễn ra chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai" với khối ngành kinh tế, ngân hàng,...