Nhớ mãi món cháo lươn quê nhà
Cảm giác vừa no lại vừa ấm dường như cái lạnh đã bị đẩy dạt ra ngoài, thật sung sướng, hạnh phúc và “ngon” biết bao khi hơn hai mươi năm mới có dịp trở về quê hương, được thưởng thức lại hương vị độc đáo của món cháo lươn quê nhà.
Xa quê đã lâu lắm, vừa rồi mới có điều kiện về thăm bố mẹ, bạn bè, người thân, thăm lại quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn. Ngày trở về, mẹ đón tôi với nồi cháo lươn nóng hổi, toả hương thơm lừng.
Sau một chặng bay dài nhiều giờ liền, bụng đã đói cồn cào vì không ăn miếng gì, mùi hương gạo tẻ thơm ngào ngạt, những miếng thịt lươn béo ngậy, lai thai mấy hạt sen bùi bùi, chỉ một loáng tôi đã làm “gọn” 3, 4 bát cháo.
Cảm giác vừa no lại vừa ấm dường như cái lạnh đã bị đẩy dạt ra ngoài, thật sung sướng, hạnh phúc và “ngon” biết bao khi hơn hai mươi năm mới có dịp trở về quê hương, được thưởng thức lại hương vị độc đáo của món cháo quê nhà.
Cháo lươn là một món ăn dân dã của các làng quê, một món ngon “nổi tiếng” trong làng ẩm thực Việt từ lâu đời. Trong thực đơn các nhà hàng hiện nay, cháo lươn là món khai vị được nhiều thực khách trong nước cũng như nước ngoài lựa chọn.
Riêng xứ Nghệ quê tôi, cháo lươn cũng là món không thể thiếu trong bữa tiệc đãi khách, đặc biệt là khách từ xa tới. Thiếu món gì chứ món “đặc sản” đó là không thể. Sẵn nguồn nguyên liệu rất dồi dào lại dễ kiếm, người dân thường tự “bẫy” được rất nhiều lươn, chia cho cả xóm cùng ăn.
Lại nghe dân gian “kháo nhau” lươn là liều thuốc bổ rất hữu hiệu, “ăn lươn không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”, vừa ngon lại dễ chế biến, nên các gia đình thường xuyên nấu món cháo lươn vào bữa sáng dùng điểm tâm và ví như đó là liều “thuốc bổ dưỡng” cho cả ngày hôm đó.
Video đang HOT
Mà có điều “chắc chắn”, chính nhờ những con lươn nơi chốn đồng sâu sình lầy đó, mà người dân quê tôi vất vả một nắng hai sương, nhưng sức khỏe vẫn dẻo dai bền bỉ. Những đứa trẻ con nhà nghèo vẫn mạnh khỏe “đùi đụi”, hay ăn chóng lớn và ít khi bị bệnh lặt vặt.
Theo Đông y, thịt lươn là một vị thuốc bồi dưỡng sức khỏe có tính ôn, vị ngọt, có tác dụng bổ khí dưỡng huyết và làm mạnh gân cốt nên rất tốt cho người thể trạng nhiệt, thiếu máu, suy nhược cơ thể, gầy còm mệt mỏi. Lươn còn là món ăn bổ dưỡng cho người già ốm yếu, trẻ em suy dinh dưỡng, còi cọc. Lươn kết hợp cùng với các vị dược liệu chữa được rất nhiều bệnh.
Lươn, hầm chung với sả và rau ngổ trị phong thấp, đau nhức xương sống rất hiệu quả. Trị kiết lỵ trĩ nội, bệnh huyết trắng ở phụ nữ, bổ máu sinh khí huyết, tăng cường dương khí, giúp máu huyết lưu thông.
Theo âm dương ngũ hành, máu lươn còn gọi là thiện ngư huyết, giúp tăng cường khả năng tình dục, chữa chứng bất lực. Máu lươn tương khắc với kim loại, do đó khi làm thịt lươn không nên dùng dao bằng sắt, tốt nhất là dùng cật tre vót mỏng.
Thịt lươn
Những ngày lưu lại quê nhà, hầu như ngày nào tôi cũng theo Bố ra vườn bắt một “mớ” giun đất băm nhỏ rồi cho vào ống trúm (ống lồ ô to, thẳng) làm hom một đầu, đầu kia để mắt cây lồ ô lại.
Bố con tôi đem số ống trúm đó ra ruộng hoặc mấy chỗ sình lầy nơi có lươn sống cắm xuống nước. Lươn đánh hơi nghe mùi giun chui vào ống rồi không ra được nữa vì có hom giữ lại. Ngoài đặt ống trúm bố còn dùng cần câu lươn, hoặc tìm hang lươn nơi nước cạn để đào.
Ngày nào hai bố con cũng bắt được những con lươn vàng ươm nhìn hết sức ngon mắt, nên thức ăn cho bữa cơm hằng ngày đều có món lươn, món ăn mà suốt mấy chục năm qua bây giờ tôi mới được thưởng thức lại.
Mẹ tôi cũng khéo léo “vận dụng” tài nấu nướng để chế biến đủ kiểu, hết nấu cháo, nấu lẩu, um chuối đến xào sả ớt, xào lăn,… ăn hoài ăn mãi vẫn không thấy chán.
Thỉnh thoảng mẹ tôi muốn thay đổi thực đơn buổi sáng bằng những món ăn nhẹ khác. Nhưng tôi “đòi” mẹ đừng thay thế món lươn, vì tôi chỉ còn một thời gian ngắn nữa là “hết phép”, quay về hải ngoại nơi tôi đang công tác, nơi mà món cháo lươn là món vô cùng “xa xỉ”.
Mấy chục năm sinh sống ở đó, tôi chưa bao giờ được thấy bóng dáng một con lươn nào. Những ngày lưu lại quê hương với nồi cháo lươn mẹ nấu chưa mang ra khỏi bếp mùi thơm đã lan tỏa khắp xóm sẽ đọng lại mãi trong ký ức của tôi và không biết đến bao giờ mới được thưởng thức lại hương vị của món ăn “độc đáo” này.
Trên bước đường “tha phương” trên đất khách quê người, với bao công việc bộn bề, lắm nỗi lo toan, bươn chải nhằm mưu cầu cuộc sống, nhưng trong tâm trí tôi vẫn nhớ như in “dư vị” của nồi cháo lươn mẹ nấu cho cả nhà ăn bữa sáng. Như hồi chị em tôi còn thơ bé, mặc dầu thời gian đã đi qua rất lâu nhưng tôi vẫn không thể nào quên được mùi “đặc trưng” thơm phức đến “ngạt cả mũi” của nồi cháo lươn đó.
Sống cách xa nhau hơn nửa vòng trái đất, hai khung trời cách biệt, nhưng “cái mùi” hành tăm và rau răm thơm “quyến rũ” cùng với vị ngọt đậm đà của thịt lươn hòa lẫn các gia vị khác quyện lại thấm sâu vào từng tế bào vị giác, nhớ mãi những bát cháo nóng hổi vừa thổi vừa ăn ngon đến muốn “quéo” cả lưỡi, luôn chảy tràn trong trí nhớ và đeo đẳng trong ký ức của tôi đi suốt cuộc đời này.
Cho dù có ở nơi chân trời hay góc biển, nhưng lòng những người con xa xứ vẫn luôn hướng về quê cha đất tổ, đó là chiếc nôi quan trọng của mỗi con người từ khi sinh ra và lớn lên, ví như một mạch ngầm, âm ỉ cháy trong tâm trí. May mắn và hạnh phúc biết bao cho những người con đi xa còn có gia đình, quê hương, nguồn cội mà quay trở về .
Ghé Huế nhớ thưởng thức đặc sản Lào
Khi thành phố Huế trở về nhịp sống bình thường, nhiều dịch vụ được mở lại, tôi liền theo chân những người bạn hào hứng đi "đổi gió". Chúng tôi không về biển Thuận An hướng QL49, mà ngược lại leo dốc Phủ Cam lên vùng đồi Thủy Xuân hướng Tây. Anh bạn trưởng đoàn nói "mình đi ăn món Lào!".
Món "khao lao" truyền thống của ẩm thực Lào. Ảnh: Pasgo
Điều kiện địa lý giữa Lào và Thừa Thiên Huế có những tương quan nhất định về đời sống, kinh tế, văn hóa. Thông qua cửa khẩu Lao Bảo và đường 9 Nam Lào, hiện nay người Huế sang Lào làm việc, buôn bán nhiều và ở chiều ngược lại lao động hay du học sinh người Lào ở Huế cũng không ít.
Thế nên, trong sinh hoạt, dường như có sự tương đồng giữa khẩu vị ẩm thực Huế và nước Lào láng giềng: đó là sở thích ăn cay, món nào cũng phải có ớt. Từ năm 2001, các nhà hàng bán món ăn Lào ở Huế mọc lên như nấm, chủ yếu ở phía bờ Nam sông Hương, bởi đây là khu vực có nhiều người Lào cư trú.
Ẩm thực Lào phong phú và đa dạng, giá lại bình dân. Chủ quán đều là vợ chồng người Lào - Việt hay ngược lại. Chủ quán Savanakhet đường Đặng Huy Trứ là anh Quanoy Philavong, người Việt sang Lào làm việc rồi cưới vợ Lào và nhập quốc tịch. Khi con cái đã lớn họ đưa về Huế học. Hai vợ chồng quyết định về Việt Nam để tiện cho việc chăm sóc con cái và mở quán ăn Lào kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, đặc sản và gia vị được mua dễ dàng về Huế, qua cửa khẩu Lao Bảo.
Savanakhet rộng khoảng 150m2, hơn chục bàn ăn, luôn đông nghịt khách. Khách đến đây được thưởng thức hơn 20 món ăn truyền thống của Lào. Mới đến lần đầu, khách sẽ cảm thấy hơi bỡ ngỡ bởi chủ quán và các tiếp viên đều mặc trang phục truyền thống của người Lào, tiếng nhạc dập dìu của điệu Lămvong, Bunxa (điệu múa truyền thống của Lào).
Các món ăn có hương vị độc đáo do sử dụng các loại gia vị, nước chấm đặc sản Lào như "xụm" (được làm từ đu đủ xanh, thái nhỏ dầm với mắm). Lạ mắt với các loại rau tươi như lá mưng, lá đào non... Nước "đắng" chế biến từ ruột non của con bò là món ăn khoái khẩu của người Lào; mới thưởng thức lần đầu khách cảm thấy vị đắng chát đầu lưỡi nhưng lâu dần sẽ ghiền. Trong các món được ghi trên thực đơn, chân gà xiên que nướng giá rẻ nhất, chỉ 5.000 đồng/chiếc hay gà nướng kẹp giá 30.000 đồng/kẹp. Món lạp Lào cũng được nhiều người ưa thích, chế biến bằng thịt bò nướng rồi băm nhỏ, trộn với sả, hành, gia vị. Dồi heo cũng nướng, gà nướng, bò nướng - món nướng thật đa dạng.
Xôi luôn là món ăn kèm thường thấy trong ẩm thực Lào. Ảnh: Pasgo
Đặc biệt ở đây có món "mút", 8.000 đồng/phần; "mút" được làm từ các nguyên liệu như trứng, cánh, mề và lòng gà cùng với hành, sả, gia vị. Đang còn nóng hôi hổi, "mút" thơm phức mùi chuối bởi nó được gói trong lá chuối mật, hấp cách thủy, các nguyên liệu vẫn nguyên chất. Cá trê nướng cũng ăn kèm dưa môn, chấm với mắm tôm. Tất cả các món ấy ăn kèm với xôi, nấu bằng nếp Lào đen hoặc trắng, dẻo và thơm.
Với thái độ niềm nở, hiếu khách, hiền lành vốn có, y hệt tính cách con người xứ sở Chămpa, nên các quán ăn Lào thu hút du khách đến Huế. Đắt khách nhất là quán 32 - 33 An Dương Vương, 74 Đặng Huy Trứ, 227 Phan Bội Châu, 18 Trần Xuân Soạn; đều có nhận đặt hàng và đưa đến tận nhà nghỉ, khách sạn trong phạm vi thành phố Huế.
Tôi hỏi làm sao quán vẫn đông khách giữa thời đại dịch này, cô chủ quán ăn 227 Phan Bội Châu chia sẻ, dù giá cả rau, thịt, cá các loại lên xuống thế nào, những món ăn đã ghi trong thực đơn đến giờ vẫn giữ nguyên chuẩn mực và giá cả. Nhà bếp của cô không thay đổi bất kỳ một công đoạn hay nguyên liệu gì.
Thịt gác bếp- Dư vị của mùa xuân Mảnh đất Tây Bắc xinh đẹp được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều điều độc đáo riêng. Cảnh quan tươi đẹp, con người chân tình cùng ẩm thực phong phú đã níu chân, núi lòng người phương xa. Riêng về văn hóa ẩm thực, quả thật sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến các món thịt gác bếp thơm lừng....