Nhiều giải pháp giúp học sinh lớp 5 bắt nhịp chương trình GDPT mới
Để học sinh lớp 5 bắt nhịp với chương trình GDPT mới ở lớp 6, TP Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp sáng tạo. Trong đó, chú trọng chuyển giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS đảm bảo thực hiện Chương trình mới…
HS Tiểu học tham quan môi trường học tập tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Tham quan, giao lưu trường THCS
Để đảm bảo triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ chỉ đạo thực hiện việc bàn giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS. Từ đó giúp giáo viên giảng dạy lớp 6 Chương trình mới chuẩn bị nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với các em học sinh.
Qua đó, tạo điều kiện cho các trường THCS chủ động và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với cấp THCS từ năm học 2021 – 2022; Giúp cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS tìm hiểu về công tác quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục, phương pháp giảng dạy và học tập của cấp Tiểu học.
Ông Lê Thanh Long, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: Để chuẩn bị thực hiện chương trình GDPT mới, Sở đã có chủ trương chuyển giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS bằng nhiều hình thức như: Tạo điều kiện cho các em học sinh lớp 5 đến tham quan môi trường học tập ở các trường THCS; Để các em giao lưu các anh chị cấp THCS, tìm hiểu nơi học tập trong năm học tới.
Ngoài ra, Sở chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho giáo viên dạy ở các trường THCS, đặc biệt là giáo viên tham gia giảng dạy lớp 6 mới sẽ xuống dự giờ, thăm lớp các trường tiểu học đặt gần trường THCS trên địa bàn quận/huyện.
Đây là năm đầu tiên ngành Giáo dục Cần Thơ có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể công tác bàn giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS. Nhờ đó các thầy cô giáo THCS tìm hiểu, biết được tình hình các em học ở tiểu học như thế nào, để sau khi các em chuyển sang cấp học mới sẽ không bị bỡ ngỡ và dễ tiếp cận hơn.
Thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện bàn giao chất lượng với cấp Tiểu học. Thời gian tới, nhà trường sẽ tổ chức đưa tất cả các Tổ trưởng bộ môn và giáo viên tham gia giảng dạy lớp 6 đến các Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, Tiểu học Ngô Quyền và Tiểu học Mạc Đĩnh Chi để dự giờ và học tập kinh nghiệm.
Video đang HOT
Bà Nguyễn Kiều Phương, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Bình Thủy cho biết thêm: Quận có 13 trường Tiểu học và 6 trường THCS, vừa qua Phòng chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng các kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện bàn giao chất lượng cấp Tiểu học và THCS. Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông về tổ chức bàn giao chất lượng, công tác chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình mới đối với lớp 6, tạo tâm thế sẵn sàng đối với học sinh, sự đồng thuận của cha mẹ học sinh lớp 5 và người dân trên địa bàn…
Giáo viên cấp THCS tham dự giờ học tại Trường TH Ngô Quyền, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ).
Hiệu quả thiết thực
Được tham dự những tiết học của các em học sinh lớp 5, cô Nguyễn Thị Hoàng Oanh, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi khi được tham gia lớp học cùng các em học sinh khối lớp 5. Qua đó giúp tôi nắm bắt được tâm sinh lý, nhịp học và năng lực học tập của các em, làm nền tảng cho việc xây dựng cách thức tổ chức lớp, phương pháp giảng dạy mới phù hợp hơn, tránh sự bỡ ngỡ khi chuyển giao cấp học mới”.
Ngoài những tiết dự giờ thăm lớp, tìm hiểu học sinh lớp 5, các giáo viên cấp tiểu học và THCS cũng có những buổi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong công tác tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp, công tác quản lý học sinh khối lớp 5.
Nhờ giải pháp này, đội ngũ giáo viên hiểu được tâm sinh lý của các em học sinh lớp 5, các em đang học gì, đang có được gì và cần được cung cấp kiến thức, kỹ năng gì trong năm học tiếp theo, giúp học sinh tiểu học có được tâm thế sẵn sàng về mặt tâm lý cũng như hiểu được môi trường học tập của các em trong năm học tiếp theo…
Thầy Lâm Đạo Hùng, Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều cho biết: Được sự hướng dẫn của Sở GD&ĐT, nhà trường đã mạnh dạn tổ chức cho giáo viên khối THCS tiếp cận các hoạt động tổ chức lớp học của giáo viên và học sinh lớp 5. Từ đó giúp giáo viên có định hướng khi tiếp nhận các em trong năm học mới.
“Khi được tham gia lớp học cùng các em lớp 5, được tiếp cận cách các em học tập, cách tham gia hoạt động giáo dục như thế nào, đội ngũ giáo viên bước đầu định hình và xây dựng các phương pháp dạy học phù hợp với tâm sinh lý của học sinh. Đồng thời đáp ứng yêu cầu Chương trình mới lớp 6″, thầy Hùng chia sẻ.
Cô Mạch Lệ Xuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều cho biết: Từ đầu năm học, Sở đã có hướng dẫn, chỉ đạo công tác phối hợp với các trường THCS trên địa bàn trong việc chuyển giao chất lượng giữa lớp 5 lên lớp 6. Trường tạo điều kiện cho giáo viên THCS trên địa bàn đến dự giờ, tham quan, thăm hỏi và nắm tình tình hình học tập, tâm sinh lý các em học sinh lớp 5 để chuẩn bị cho công tác bàn giao. Đồng thời, nhà trường cũng chủ động phối hợp đưa các em học sinh lớp 5 đi tham quan, tìm hiểu môi trường học tập ở các trường THCS trong năm học tới.
Để thực hiện tốt công tác tuyên truyền Chương trình GDPT và SGK mới, các trường THCS còn chủ động phối hợp với lãnh đạo các trường Tiểu học tổ chức gặp gỡ cha mẹ học sinh lớp 5 để thông tin đầy đủ, chính xác về SGK mới, công tác giảng dạy, chuẩn bị các điều kiện nhập học, hình thức, nội dung các hoạt động giáo dục… của cấp THCS, bảo đảm cha mẹ học sinh hiểu đúng, đầy đủ các thông tin.
Hoạt động ngoại khóa trong trường học hòa nhịp chương trình mới
Triển khai Chương trình GDPT mới, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa được các trường chú trọng thực hiện. Vừa học tập, vừa được trải nghiệm thực tế, giáo viên, học sinh chủ động, hào hứng nhập cuộc...
HS Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) hào hứng trải nghiệm "Vườn sinh vật".
Hoạt động ngoại khóa "hút" học sinh
Cho HS trải nghiệm trồng, chăm sóc rau xanh; làm bánh dân gian hay cùng nhau học sử tại di tích... là hoạt động ngoại khóa được nhiều trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long triển khai. Sau mỗi giờ học, GV, HS sẽ trải nghiệm thực tế khiến cho không khí học tập thêm sôi nổi, tích cực. Theo nhiều GV, đây cũng là tín hiệu tích cực khi Chương trình GDPT mới được áp dụng. Giờ đây, việc học không chỉ bó buộc trong lớp mà có thể tổ chức lớp học mở, học ngoài thiên nhiên để trải nghiệm kiến thức thực tế.
Khu "Vườn sinh vật" của thầy, trò Trường THCS Đoàn Thị Điểm, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) mới đưa vào sử dụng nhưng phát huy hiệu quả tích cực. Sau mỗi giờ học môn Sinh học, Hóa học, Kỹ thuật... thầy, trò đều tìm đến khu vườn để trải nghiệm. Mục tiêu nhà trường hướng tới là ngoài dạy chính khóa cho HS trên lớp, còn định hướng dạy kỹ năng với nhiều hoạt động thực tế.
Từ vườn rau, HS trải nghiệm các khâu trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch. Khu làm bánh dân gian tại trường là nơi thầy cô, phụ huynh, nghệ nhân hướng dẫn HS trải nghiệm các món ăn truyền thống. Đặc biệt là mô hình Công viên giao thông trong sân trường vừa giúp HS vui chơi, vừa giáo dục an toàn giao thông một cách trực quan, sinh động.
Vườn sinh vật còn là nơi thầy, trò cùng trải nghiệm, khám phá, nằm trong kế hoạch xây dựng Trường điển hình đổi mới năm 2020 của Trường THCS Đoàn Thị Điểm. Vườn trồng xen lẫn các loại cây cảnh, hoa kiểng và cây thuốc nam, vừa tạo cảnh quan vừa phục vụ cho bộ môn học theo khối lớp.
Theo thầy Trương Vĩnh Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm: Khu vườn sinh vật được đưa vào hoạt động sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho công tác giảng dạy, học tập của GV và HS. Đồng thời giúp các em học và thực hành thực tế như tìm hiểu, quan sát môi trường sống của thực vật trong thiên nhiên để khắc sâu kiến thức và kỹ năng trong các môn học. Đây cũng là bước chuẩn bị phục vụ cho hoạt động ngoài giờ lên lớp Chương trình GDPT mới.
Khu trải nghiệm "Công viên giao thông" tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) cũng thu hút đông đảo HS tham gia. Đây là nơi để GV, HS giáo dục an toàn giao thông và trang bị kỹ năng cần thiết về an toàn giao thông cho HS cấp tiểu học.
Khu trải nghiệm được thiết kế như hoạt động giao thông thật, có làn đường, đèn tín hiệu giao thông, hệ thống biển báo, vạch kẻ đường người đi bộ... HS tham gia trải nghiệm được trang bị xe đạp để tham gia giao thông. Các em sẽ tham gia, xử lý các tình huống với sự hướng dẫn của thầy cô giáo và cán bộ cảnh sát giao thông.
Học sinh thích thú với hoạt động ngoại khóa. Ảnh minh họa/INT
Theo cô Lê Trần Minh Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, nhiều năm qua, nhà trường tổ chức giảng dạy lồng ghép chính khoá về an toàn giao thông cho HS. Đặc biệt là chuyên đề dạy trẻ khối 4, 5 tham gia giao thông bằng xe đạp.
Năm học 2020 - 2021, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho HS. Tại "Công viên giao thông", các em được hướng dẫn thực hiện và trải nghiệm hoạt động tham gia giao thông ngay tại trường, giúp nhận thức được kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông...
Những giờ trải nghiệm bổ ích
Mô hình "Nhà nông tí hon" là điểm sáng hoạt động ngoại khóa của thầy, trò Trường Tiểu học Nha Mân 2, huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Với hoạt động này, HS được trải nghiệm làm nhà nông với hoạt động trồng cây, tưới nước, thu hoạch... Nhà trường mong muốn các em nâng cao kỹ năng sống và mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Trường Tiểu học Nha Mân 2 nằm ở vùng ven của huyện Châu Thành (Đồng Tháp). Những năm gần đây, trường nâng cao chất lượng giáo dục với nhiều mô hình rèn luyện kỹ năng sống cho HS, tạo khu giải trí bổ ích, lành mạnh.
Năm học 2019 - 2020, tiến hành xây dựng khu trải nghiệm "Nhà nông tí hon". Khoảng sân được ngăn thành nhiều luống nhỏ, mỗi lớp trồng và chăm sóc một luống với đa dạng chủng loại cây trồng. Thời gian cận Tết, HS chọn trồng cải làm dưa, bắp cải và một số cây hoa để chưng Tết. Những luống cải tươi xanh, khóm hoa đủ sắc màu đã tô điểm cho ngôi trường một màu áo mới. Việc này không chỉ mang lại niềm vui sau mỗi tiết học cho HS mà còn là cách khuyến khích các em biết san sẻ công việc với gia đình, kỹ năng làm việc nhóm và biết yêu thương bạn bè.
Nhà trường hỗ trợ phân bón và cây giống, đồng thời bao tiêu đầu ra các sản phẩm rau củ, hoa quả. Từ sau đợt thu hoạch Tết, trường còn hướng dẫn các em trồng tiếp các loại cây rau để cung cấp cho bếp ăn của trường. Số tiền sau vụ thu hoạch một phần được mua cây giống trồng vụ tiếp theo, một phần sẽ hỗ trợ các HS hoàn cảnh khó khăn mua bảo hiểm y tế. Mô hình này vừa giúp HS trải nghiệm, vừa tạo cho các em việc làm có ý nghĩa nên phần lớn cha mẹ HS ủng hộ và tham gia thu mua sản phẩm của các em...
Nhìn hình ảnh mỗi ngày các em cùng nhau ra thăm vườn rau, làm cỏ, bắt sâu, trong lòng chúng tôi cảm nhận được một niềm hạnh phúc khó tả. Đáng quý biết bao nhiêu sự nhiệt tình, lòng nhân hậu, tinh thần tương thân, tương ái của HS. Mong các em sẽ trưởng thành hơn, có nhiều kỹ năng để hòa mình thật tốt vào cuộc sống, lao động, học tập... - Cô Phạm Thị Bích Liễu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nha Mân 2
Chủ động đón nhận chương trình, SGK lớp 6 tại Cần Thơ Bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho Chương trình GDPT mới lớp 6, ngành Giáo dục TP Cần Thơ đang chủ động mọi công việc nhằm thực hiện chương trình hiệu quả. Ngành Giáo dục Cần Thơ chủ động chuẩn bị điều kiện thực hiện Chương trình GDPT mới. Chuẩn bị con người, cơ sở vật chất Các trường THCS trên địa...