Nhiễm trùng tai do xỏ bông
Sau vài ngày bấm lỗ tai với giá 100.000 đồng ở một tiệm vàng, bệnh nhân Đ.N.M.P (17 tuổi; ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) bị đau tai, sưng mọng, vết bấm lỗ có mủ vì nhiễm trùng.
Bệnh nhân P. cho biết do muốn đeo bông làm đẹp nên được bạn chở đi bấm lỗ tai. Tại cửa hàng, P. được nhét 2 cây kim loại để thông lỗ tai. Tuy nhiên, sau vài ngày, tai bắt đầu sưng mọng, đau và chảy mủ nên được gia đình đưa đến bệnh viện.
Một trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng sau khi bấm khuyên tai ở nơi không có chuyên môn. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Bác sĩ Kim Phúc Thành, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết những năm gần đây, nhiều bạn trẻ muốn tạo cá tính nên bấm khuyên ở vành tai, khi bị sưng, mưng mủ không đi bác sĩ mà tự mua thuốc về nhà uống.
Video đang HOT
Riêng với trường hợp của P., bác sĩ Thành cho biết P. bấm khuyên tai nhưng không bảo đảm vô trùng, bị mưng mủ nên cần điều trị bằng thuốc uống.
Tại bệnh viện cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp bị nhiễm trùng nặng, không giữ được vành tai nguyên vẹn. Những trường hợp này, bệnh nhân phải phẫu thuật tái tạo vành tai.
Theo bác sĩ Thành, biến chứng thường gặp nhất sau khi bấm lỗ tai, xỏ khuyên là viêm sụn vành tai. Đây là một biến chứng nguy hiểm với những bạn trẻ thích xỏ lỗ trên vành tai. Bấm lỗ tai có thể bị nhiễm trùng ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, khuyên đi qua sụn tai có nhiều khả năng bị nhiễm trùng và khó điều trị hơn nhiễm trùng ở các mô mềm như dái tai.
“Điều trị viêm sụn vành tai rất phức tạp vì vi khuẩn gây viêm sụn phải dùng kháng sinh dài ngày, nạo vét sụn hoại tử dễ để lại di chứng. Nếu bệnh nhân đến bệnh viện muộn, dẫn tới hoại tử hết vành tai khiến vành tai bị biến dạng, gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng” – bác sĩ Thành thông tin.
Bác sĩ Thành khuyến cáo: Việc bấm khuyên tai ở những tiệm làm tóc, gội đầu hay bấm tai dạo… rất nguy hiểm vì người thực hiện không có chuyên môn, không đeo găng tay, không vệ sinh dụng cụ, không thuốc sát trùng nên có nguy cơ cao dẫn đến nhiễm trùng. Chưa kể việc sử dụng dụng cụ không bảo đảm vô trùng, dùng nhiều lần từ người này sang người khác còn có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, uốn ván, viêm gan B, thậm chí lây nhiễm HIV.
“Nếu muốn bấm lỗ tai, xỏ lỗ ở vành tai nên đến cơ sở y tế để bác sĩ có chứng chỉ chuyên môn thực hiện, không nên giao tính mạng ở những cơ sở bấm lỗ tai dạo, nơi không có chuyên môn và dụng cụ không bảo đảm vô trùng” – bác sĩ Thành tư vấn.
Bé trai bị chó cắn vào vùng kín
Bé trai 6 tuổi ở Phú Thọ bị chó tấn công khi sang nhà hàng xóm chơi và phải nhập viện cấp cứu.
Theo thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), đơn vị này vừa tiếp nhận bé L.T.Đ.A., 6 tuổi, ở TP Việt Trì, Phú Thọ, nhập viện với vết thương vùng dương vật do bị chó cắn.
Các bác sĩ phẫu thuật tạo hình dương vật cho bệnh nhi. Ảnh: BVCC.
Khi A. nhập viện, các bác sĩ phát hiện vùng dương vật của bé bị thương nham nhở, lóc da phức tạp, nhưng rất may không có tổn thương tinh hoàn và niệu đạo.
Bác sĩ Bùi Văn Quang, Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết sau khi làm các xét nghiệm cần thiết, bệnh nhi được phẫu thuật cắt lọc làm sạch và tạo hình dương vật.
Sau 12 ngày nằm viện, vết mổ ổn định, bé A. được xuất viện. Chó của hàng xóm đã được tiêm phòng dại và tiếp tục theo dõi.
Thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Hoàng Giang, Phó giám đốc Trung tâm Nam học, cho biết nếu không được cấp cứu kịp thời, bé A. có nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử da dương vật, gây khó khăn trong phẫu thuật và điều trị sau này.
Bác sĩ Giang khuyến cáo nếu gặp những trường hợp tương tự, người bệnh cần được sơ cứu tại chỗ, cầm máu, đưa đến cơ sở y tế để xử lý riêng từng tổn thương.
Ăn nhiều muối làm suy yếu hệ miễn dịch Các nhà khoa học Đức mới đây phát hiện muối ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình sản xuất ty thể (mitochondria) - "nhà máy năng lượng" của tế bào. Tác động gây mất cân bằng năng lượng này gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn và virus....