Nhiễm lạnh giữa mùa nóng
Hàng năm, cứ vào những tháng oi bức là tỷ lệ trẻ khám bệnh và nhập viện vì các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp lại tăng đột biến. Theo hiểu biết thông thường, nhiễm trùng đường hô hấp dễ xảy ra khi bị nhiễm lạnh. Vậy tại sao lại có hiện tượng này?
Kín khi cần hở
Sợ con lạnh, nhiều bậc cha mẹ “vũ trang tận răng”cho bé giữa trời hè. Ảnh: Jake Jung
Thật ra, trẻ có thể bị nhiễm lạnh ngay cả khi thời tiết nóng. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ vẫn nghĩ là trẻ còn yếu ớt, mỏng manh nên dù trời nóng thế nào, cha mẹ vẫn trùm lên đầu con một cái mũ len dày, khoác một cái áo len ấm và quấn thêm một lớp khăn cho khỏi… lạnh! Tội nghiệp trẻ nhỏ chưa biết nói, chỉ còn biết chống nóng bằng cách… đổ mồ hôi. Khi cha mẹ cởi bớt đồ để thay tã cho trẻ, mồ hôi của trẻ có đường bốc hơi ra ngoài nếu có một cơn gió nhẹ thoảng qua, mồ hôi bốc hơi ào ào, thế là trẻ bị nhiễm lạnh. Còn trẻ lớn thì sao? Đang chơi giỡn hăng say mồ hôi túa ra đầm đìa, trẻ uống vội một cốc nước lạnh, hoặc ra quạt máy đứng, hoặc tắm nước lạnh… cũng bị nhiễm lạnh.
Khi bị nhiễm lạnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm, các vi trùng và siêu vi có sẵn trong đường hô hấp bùng lên tấn công cơ thể. Triệu chứng thường gặp là sốt, ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, khàn tiếng. Sốt có thể là sốt nhẹ hoặc sốt cao. Đối với cảm lạnh thông thường hoặc viêm họng cấp, triệu chứng thường lui dần và khỏi bệnh trong vòng một tuần. Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ bệnh lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là ở trẻ dưới ba tuổi. Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ phải luôn chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Vậy, dấu hiệu nào chứng tỏ bệnh trở nặng? Đó là khi trẻ bị khó thở, thở nhanh, thở co rút lồng ngực, thở có tiếng kêu bất thường, hoặc trẻ bị sốt cao co giật. Trẻ nhỏ hơn mà bỏ bú hoặc tím tái là phải cấp cứu ngay.
Xử trí thế nào?
Ho, sổ mũi, nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp. Chúng ta phải làm thông thoáng đường thở cho trẻ bằng việc lau mũi, hút mũi, nhỏ mũi thường xuyên. Thường là nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý trước, sau đó hút sạch bằng dụng cụ hút mũi. Nếu trẻ lớn thì bảo trẻ hỉ ra.
Video đang HOT
Ho là triệu chứng khiến rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng, sốt ruột và mong có được loại thuốc thần diệu khiến cho trẻ uống vào là dứt được ho ngay. Xin lưu ý các bậc phụ huynh rằng ho là một phản xạ của cơ thể nhằm tống dịch tiết và các chất lạ ra khỏi đường hô hấp. Nếu trẻ viêm phổi mà không ho được thì đàm nhớt cùng vi trùng sẽ nằm lại trong đường thở của trẻ, không bị tống xuất ra ngoài. Nên chỉ với ho khan gây kích thích nhiều thì mới sử dụng thuốc ức chế ho. Các thuốc giảm ho nên dùng loại chứa thảo dược vì không gây tác dụng phụ, nhưng tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nếu có sốt, cho trẻ uống thuốc hạ sốt và uống nhiều nước, sau đó đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. Trong thời gian trẻ bệnh, vẫn cho trẻ ăn bú như bình thường, chia nhỏ các cữ ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hoá và giảm ói ọc. Nếu bắt trẻ ăn kiêng, trẻ sẽ không được cung cấp đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng chống lại bệnh tật.
Biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp
- Tránh để trẻ bị nhiễm lạnh.
- Tránh ô nhiễm như khói bụi ngoài đường, khói thuốc lá trong gia đình.
- Rửa tay sạch sẽ cho trẻ và cả cho người chăm sóc trẻ trước khi ăn. Bỏ thói quen ho vào tay mà cần có khăn giấy khi ho và hỉ mũi.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để bản thân trẻ có sức đề kháng chống lại vi khuẩn gây bệnh.
TheoBS Bùi Ngọc Đoan Thư
Phó khoa hô hấp, bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM
Sài Gòn tiếp thị
Nguy cơ ngộ độc thực phẩm mùa nóng
Mùa nóng, vi khuẩn sinh sản rất nhanh trong môi trường giàu dinh dưỡng như thức ăn nên ngành y tế khuyến cáo mọi người cần đặc biệt cảnh giác với nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Năm nào cũng vậy, thời tiết các tỉnh Nam Bộ đặc biệt khó chịu vào khoảng tháng 4 và 5. Nắng nóng dữ dội khiến con người đuối sức do mất nước, không muốn ăn, khát nhiều và thích uống hơn ăn.
Vi khuẩn lúc này được dịp sinh sôi nảy nở, đặc biệt có thể sinh sản rất nhanh trong môi trường giàu dinh dưỡng như thức ăn. Vì vậy, ngành y tế khuyến cáo mọi người cần đặc biệt cảnh giác khi mùa nóng đến vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao.
Giữ thực phẩm đông lạnh
Môi trường nhiệt độ thấp sẽ hạn chế sự phát triển của vi khuẩn, giúp thực phẩm lâu hư. Khi thực phẩm đông đá, vi khuẩn không thể phát triển nên bạn có thể dự trữ thịt, cá sống trong tủ đông suốt nhiều tháng.
Mặt khác, nắng nóng làm cho thức ăn mau khô, héo ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng. Vì vậy, ngay sau khi từ chợ về, bạn hãy nhanh chóng làm sạch các loại thực phẩm tươi sống, phần nào chưa ăn ngay thì cho vào bao ni lông hay hộp đậy nắp và đưa vào dự trữ ở ngăn đá (với các loại thịt, cá, tôm sống) hoặc ngăn mát (với các loại rau, củ, quả).
Khi phải ăn ở quán vỉa hè, nên hạn chế rau trụng, rau sống vì một lần trụng qua không thể diệt hết vi khuẩn. Ảnh: XUÂN THẢO
Lưu ý: Nên phân chia sẵn thực phẩm ra những phần nhỏ vừa đủ ăn mỗi bữa hay mỗi ngày trước khi cho vào tủ lạnh. Tránh tình trạng lấy phần thịt lớn ra ngoài rã đông rồi chỉ cắt phần nhỏ để dùng, sau đó lại đưa phần còn lại vào tủ lạnh vì sẽ làm thực phẩm biến chất, mất dinh dưỡng và không an toàn.
Đối với các thực phẩm nấu ăn trong ngày, sau khi rửa sạch, bạn nên ướp, nấu rồi ăn sớm nếu có thể để thực phẩm còn giữ nhiều dinh dưỡng và chưa bị vi khuẩn xâm nhập. Nếu chưa nấu ngay thì có thể bọc kín lại và để tạm trong ngăn mát của tủ lạnh. Nhớ phân biệt và cách ly thực phẩm sống - chín trong tủ lạnh. Khi sử dụng, cần nấu chín kỹ thực phẩm để diệt hết các loại vi trùng.
Sau khi ăn, thức ăn còn thừa nên cho ngay vào tủ lạnh, lưu trữ tối đa từ 24 - 48 giờ, tùy loại khi lấy ra dùng phải hâm thật kỹ.
Hạn chế ăn rau sống
Mùa nóng thường đi kèm với mùa ngộ độc thực phẩm nên cần hạn chế ăn uống ở những nơi không bảo đảm vệ sinh. Trong trường hợp không thể từ chối việc ăn ở các quán vỉa hè hoặc nơi công cộng thì nên chú ý tìm chỗ nào có bàn ghế kê cao ráo, khoảng cách tối thiểu từ mặt đất đến bàn ăn là 60 cm để giảm bớt lượng bụi bay vào chén thức ăn.
Bên cạnh đó, nên chọn ăn ở nơi không có ruồi nhặng chén, bát, ly, muỗng sạch sẽ mặt bàn khô ráo nồi nấu trắng sạch thức ăn được gắp bằng kẹp hoặc bao tay ni lông người nấu thức ăn không cầm hay thối tiền... Chú ý hạn chế ăn các loại rau trụng, giá trụng vì một lần trụng qua không thể diệt hết vi khuẩn. Cảnh giác với những loại thức ăn, nước uống có nhiều màu sắc sặc sỡ vì hương liệu, phẩm màu.
Trong thời tiết nắng nóng, điều quan trọng là chúng ta không để cơ thể mất nước dẫn đến mệt mỏi, uể oải, dễ viêm họng. Có thể luôn mang theo người một chai nước lọc hoặc các thức uống ưa thích khác và nhớ thường xuyên uống nước, đặc biệt khi bị mất nhiều mồ hôi hoặc phải đi ngoài trời nắng.
Nếu qua khỏi mùa nóng mà không một lần đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, kiết lỵ... là có thể tạm tin rằng mình đã trang bị đủ kiến thức và kỹ năng thực hiện vệ sinh và an toàn ăn uống kỹ mùa nóng.
Theo người lao động
Những thói quen không tốt trong nhà vệ sinh Nhà vệ sinh là chỗ nương náu của hàng triệu vi khuẩn độc hại gây nên các căn bệnh nhiễm trùng hô hấp, tiêu hóa và hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm khác. Những thói quen trong nhà vệ sinh dưới đây bạn nên loại bỏ. 1. Cọ rửa nhà vệ sinh bằng xà phòng. Rất nhiều nhà cho rằng, vệ sinh bồn...