Nguy hiểm methanol ‘đội lốt’ cồn sát trùng
Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo về nguy cơ kép khi các sản phẩm cồn sát trùng bị làm giả từ methanol.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ về nguy hiểm của methanol. Ảnh: Tùng Đinh.
Ngày 8/3/2020, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một ca ngộ độc nặng methanol sau khi uống cồn sát trùng.
Trước đó, bệnh nhân Lương Văn Ng. được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa Hải Dương trong tình trạng hôn mê cùng chai cồn sát trùng 90 độ đã dùng hết.
Xét nghiệm máu bệnh nhân cho thấy nồng độ cồn công nghiệp methanol 491,79 mg/dL, nồng độ ethanol âm tính. Bệnh nhân rơi vào tình trạng hôn mê sâu, tụt huyết áp, chụp cắt lớp não có tổn thương nhân bèo và phù não.
Xét nghiệm chai cồn gia đình mang tới cho thấy, nồng độ methanol là 81,88% và nồng độ ethanol chỉ có 1,01%.
Đây chỉ là một trong số hàng chục ca ngộ độc methanol mà Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận hàng năm.
Điều này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, không chỉ với những người dùng cồn thay rượu mà còn cả với các cơ sở y tế không kiểm soát chặt chẽ, để cồn giả len lỏi vào được quá trình điều trị.
Nguy cơ kép
Thông thường, cồn sát trùng có thành phần chính là ethanol và một số thành phần phụ trợ khác, trong đó nồng độ ethanol thường vào khoảng 70% hoặc 90%.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều bệnh nhân nhiễm độc methanol sau khi uống các loại cồn sát trùng mua ở hiệu thuốc. Điều này cho thấy, nạn nhân đã uống phải những chai cồn sát trùng bị làm giả, thành phần chủ yếu chỉ là methanol.
BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho rằng, việc pha cồn ra để uống là hoàn toàn sai lầm, dù đó có là cồn y tế ethanol chuẩn đi nữa, cũng có thể gây ra bỏng, loét hoặc nhiễm trùng đường tiêu hóa, chưa kể đến việc dùng phải methanol.
Không chỉ xuất hiện trong các chai cồn sát trùng giả, methanol hiện nay còn có trong các loại rượu trôi nổi, không nhãn mác.
Nhấn mạnh vấn đề này, BS cho biết, methanol không thể sinh ra trong quá trình nấu rượu thông thường, mà nó là phụ phẩm khi chế biến gỗ công nghiệp.
Video đang HOT
Do đó, việc methanol có trong rượu cho thấy người bán đã nhẫn tâm mua cồn công nghiệp về pha để bán cho người tiêu dùng, bất chấp những nguy hiểm của chúng với sức khỏe.
Với methanol, sau khi uống phải sẽ chuyển hóa thành axit formic, tấn công các cơ quan, gây mù mắt, tổn thương não, máu nhiễm axit, tụt huyết áp và hôn mê.
Hiện nay, tỷ lệ tử vong với các bệnh nhân ngộ độc methanol ở các cơ sở y tế tuyến dưới có thể lên đến 50%, ngay cả ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng là 30%, đa phần là do đưa vào khi đã quá muộn.
Não người ngộ độc methanol bị tổn thương, có thể dẫn đến hoại tử. Ảnh: Trung tâm chống độc.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn nữa mà BS Nguyên muốn đề cập, đó là trong y khoa, methanol không được công nhận là chất sát trùng. Việc methanol “đội lốt” cồn sát trùng, len lỏi vào quá trình điều trị của các cơ sở y tế có thể gây ra nhiều hậu quả khó lường.
Thứ nhất, khi dùng với vết thương hở, methanol hoàn toàn có thể hấp thu qua da, gây ngộ độc cho người được điều trị. Thứ hai, nguy hiểm hơn đó là không có tác dụng trong những công đoạn cần sát trùng.
BS Nguyên ví dụ: “Nếu dùng phải cồn sát trùng giả thì từ tiêm truyền, cho đến các thủ thuật rạch, mổ… sẽ không đảm bảo được sát trùng, dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn sau mổ cho bệnh nhân, đe dọa đến tính mạng”.
Theo Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, điều này cho thấy nạn cồn sát trùng giả đang trở thành mối lo ngại với cả ngành y tế và đe dọa đến tất cả các đối tượng cần được chăm sóc y tế.
Mẫu chai cồn trên nhãn ghi công dụng để tiệt trùng dụng cụ nhưng có đến 81,88% là methanol, không có tác dụng khử trùng. Ảnh: Tùng Đinh.
Xử lý thế nào
Hiện nay, các bệnh viện, cơ sở y tế lớn đều có quy trình kiểm tra rất nghiêm ngặt thiết bị y tế nên gần như không có hiện tượng methanol “đội lốt” cồn sát trùng len lỏi vào được.
Tuy nhiên, mặt hàng này vẫn trôi nổi ở các nhà thuốc, người dân dễ dàng mua phải, vừa có nguy cơ ngộ độc khi uống vừa gây nguy hiểm khi dùng để sát trùng nhưng không có tác dụng.
Về giải pháp, BS Nguyên cho biết một phương án đơn giản nhưng rất hiệu quả, đó là nhuộm màu cho cồn công nghiệp methanol. Khi đó, mọi loại cồn công nghiệp đều có màu xanh dễ nhận biết, không thể dùng để làm giả được cồn sát trùng hay pha với rượu đều là những chất không màu.
Hiện nay, điều đáng tiếc là nhiều người ngộ độc methanol nhưng không biết nên thường chỉ vào viện khi mắt đã mờ, não đã tổn thương, làm giảm khả năng cứu chữa, thậm chí không cứu được.
Nếu giải pháp này được áp dụng, không chỉ ngăn chặn được các nguy cơ nói trên mà trong trường hợp có người nghiện rượu hay có ý định tự tử cố tình uống thì thân nhân cũng dễ dàng nhận ra và đưa đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, các cơ sở y tế, nhà thuốc cần siết chặt hơn quá trình kiểm tra, kiểm định không để methanol lọt vào các giai đoạn điều trị.
Với người dân, cần nâng cao hiểu biết, sử dụng các loại cồn, rượu có nhãn mác cụ thể, rõ ràng và khi mua bán phải có hóa đơn, chứng từ, giảm nguy cơ dùng phải hàng giả. Để nhận biết, methanol gần như có đặc tính vật lý giống ethanol nhưng khi uống có vị ngọt hơn.
Nếu trong trường hợp phát hiện ngộ độc methanol, bệnh nhân đến viện càng sớm thì khả năng cứu sống càng cao.
“Trong 24 giờ đầu tiên, nếu được đưa đến cơ sở y tế cứu chữa kịp thời thì gần như sẽ cứu được mạng sống”, BS Nguyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, mọi giải pháp trên đây đều chỉ là xử lý ở phần ngọn của vấn đề. Do methanol rất khó sản xuất nên việc chất này xuất hiện trên thị trường là vì chưa có sự quản lý hóa chất đủ mạnh. Để xử lý được gốc rễ của vấn nạn này, cần có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, kiểm soát chặt chẽ methanol từ khi nó chưa bị phù phép thành các sản phẩn cồn sát trùng hay rượu giả.
Thông tin chai cồn bệnh nhân Lương Văn Ng. uống
Thông tin trên nhãn mác: CỒN 90, Công ty THNN Đầu tư Thương mại Dược Hải Nam. Địa chỉ: số 158, Quốc Bảo, Thanh Trì, Hà Nội, ĐT 0985448383, 0969172828.
Công dụng: Tiệt trùng dụng cụ.
Ngày sản xuất 01/02/2020.
HSD: 03 năm.
Barcode: 8938519370685.
728 người Iran tử vong vì uống cồn công nghiệp chữa Covid-19: Vì sao methanol cực độc?
Việc nhầm methanol là thuốc chữa Covid-19 và uống đã khiến 728 người ở Iran tử vong và hơn 5.000 người ngộ độc. Các chuyên gia cho rằng methanol là chất cực độc không thể làm thuốc.
Theo thông tin tại Iran, đã có 728 người tử vong sau khi uống cồn công nghiệp methanol vì nhầm tưởng đây là phương thuốc chữa Covid-19. Ngoài ra, Iran cũng ghi nhận 5.011 người khác bị ngộ độc rượu và 90 người bị mất thị lực hoặc tổn thương mắt sau khi sử dụng đồ uống chứa methanol độc hại này.
Theo PGS Trần Hồng Côn - giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, methanol là hoá chất lỏng và là nguồn năng lượng bắt nguồn từ khí thiên nhiên, than, chất thải sinh học và CO2. Được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hoá học và ứng dụng làm năng lượng sạch cho môi trường.
Methanol là dạng rượu cồn đơn giản nhất, là chất lỏng nhẹ, bay hơi, không màu, dễ cháy với mùi vị đặc trưng rất giống với Ethanol - là loại rượu thực phẩm để uống.
Methanol là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất rượu và chất lỏng đầu tiên ngưng tự khi rượu được nấu theo cách chưng cất truyền thống. Tuy nhiên, methanol là có độc tính cao và không thích hợp để uống.
PGS Côn cho biết khi uống Methanol vào cơ thể sẽ trở thành Formandehyd và tiếp đến là axit formic tấn công vào não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận bằng mô mềm khác như thận và gan. 10 ml trộn vào đồ uống là đủ gây ra mù vĩnh viên, 30 ml bằng 1 ngụm có thể gây chết người.
Nguy hiểm của Methanol là chuyển hoá sang Axit formic đây là độc tố cho thần kinh và võng mạc. Mức độ axit forrmic cao có thể gây suy đa tạng, toan chuyển hoá nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Methanol gây ngộ độc nặng
PGS Côn cho biết, các triệu chứng ngộ độc Methanol đó là nôn oẹ, tiêu chảy hoặc đau bụng. Người bệnh có cảm giác đau đầu, huyết áp thấp, chóng mặt hoặc mất phương hướng, niêm mạc môi, móng tay tím tái.
Ngoài ra, người ngộ độc có hành vi kích động, mắt nhìn mờ, nhìn không rõ, khó thở, co giật, hôn mê và tử vong.
Khi bị ngộ độc methanol, người bệnh có dấu hiệu buồn ngủ, bất tỉnh, cần tiến hành bảo vệ đường hô hấp bằng ống thở nếu có. Nếu không thể, cần cho bệnh nhân uống ethanol bằng đường uống một cách an toàn nhất có thể.
Nếu bệnh nhân hôn mê bất tỉnh hãy để bệnh nhân ở tình trạng hôn mê sâu và thu xếp chuyển ngay bệnh nhân tới bệnh viện gần nhất.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, methanol thường gây ngộ độc khi bệnh nhân uống nhầm rượu có chứa methanol.
Methanol là một chất cực độc, không phải thuốc chữa bất cứ bệnh gì, thậm chí nó không có tác dụng sát khuẩn thông thường.
Methanol uống vào nếu không tử vong cũng gây ra viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp, viêm thị giác dẫn đến mù.
Nhiều trường hợp nghiện rượu, với nồng độ rượu bình thường uống vào không khiến họ cảm thấy "phê" mà phải pha thêm cồn vào uống mới đã. Nếu là cồn ethanol thì sẽ gây ngộ độc rượu (say) rồi lại tỉnh nhưng nếu là cồn methanol thì say là chết.
Những người sử dụng thường bị nghiện rượu, ham rượu rẻ nên thường mua phải rượu có lẫn tạp chất là methanol, uống nhiều có thể gây chết người.
Ngộ độc nặng do uống methanol Trong 2 ngày 7 và 8-7, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa liên tiếp tiếp nhận 2 bệnh nhân là vợ chồng quốc tịch Kazakhstan bị ngộ độc nặng do uống methanol. Theo lời khai của bệnh nhân, nhóm gồm 4 người đi câu cá, có mua bia để uống. Do nồng độ cồn...