Người Việt béo phì vì thích ăn thịt, ngại món cá
“Xu hướng ngày càng thích ăn thịt, khẩu phần thịt trong bữa ăn tăng vọt trong khi lượng cá ăn vào tăng rất ít là một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng béo phì, thừa cân của người Việt hiện nay”, các chuyên gia Viện Dinh dưỡng cảnh báo.
Ngày càng nhiều người béo phì
Tại hội thảo Xây dựng các Lời khuyên dinh dưỡng hợp lý giai đoạn 2011 – 2020, Tiến sỹ Lê Danh Tuyên, Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ngoài việc đối mặt với tình trạng SDD trẻ em thì hiện nay, vấn đề thừa cân, béo phì ở lứa tuổi này cũng khiến các nhà dinh dưỡng đau đầu.
Tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi quá mức 5% (trong đó béo phì là 2,8%) – mức đặt ra khống chế trong Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 – 2010. Ở các vùng thành thị, tỉ lệ này còn cao hơn, với mức trung bình là 6,5%.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho biết, trước kia chủ yếu chỉ người trưởng thành trên 40 tuổi bị thừa cân thì nay trẻ bị nhiều hơn, tăng nhanh hơn trước (tăng 85% so với 1 thập kỷ trước). Hiện khoảng 1/4 trẻ tiểu học tại TPHCM đang bị thừa cân béo phì.
Bà Lê Thị Hợp, Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết, ước tính hiện cả nước có khoảng 460.000 trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì. Tỷ lệ này gia tăng rất nhanh, đặc biệt ở TPHCM và Hà Nội. Không chỉ trẻ thành phố và cả trẻ nông thôn cũng bị thừa cân. Hậu quả là làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như tiểu đường, cao huyết áp, một số bệnh ung thư…
Không chỉ ở trẻ em, mà nhóm từ 5-60 tuổi, tình trạng béo phì cũng rất cao. Cụ thể, năm 2010, thừa cân ở nam giới lứa tuổi 54-59 chiếm tới 7,8%, còn nữ là 10,7%.
Nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng có tới 8,2% người có tình trạng thừa cân, béo phì. Trong 10 năm, từ năm 2000 – 2010, trong khi tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ giảm rất chậm (6,5%) thì tỷ lệ thai phụ quá khổ lại tăng hơn gấp đôi (lên 6,4%).
Video đang HOT
Ăn nhiều thịt – “vết xe đổ” của các nước phương Tây
Xu hướng bữa ăn truyền thống người Việt ngày càng thay đổi. Trước chúng ta ăn gạo, ăn rau là chính thì hiện nay tiêu thụ các loại thịt, cá tăng lên. Đây là một dấu hiệu tốt vì cơ cấu bữa ăn như vậy cung cấp được các loại protein cần thiết, chất khoáng trong các loại thịt cá cho cơ thể. Tuy nhiên, tại một số vùng, nhất là các vùng thành phố, mức tiêu thụ thịt tăng quá mức, đặc biệt là xu hướng xuất hiện loại thức ăn nhanh, xu hướng ăn nhiều thực phẩm chất béo.
Xu hướng ăn nhiều thịt, nhiều thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo… là một phần nguyên nhân gây béo phì cho nhiều người Việt.
Theo TS Lê Doanh Tuyên, lượng thịt người Việt dùng ngày càng có xu hướng tăng lên. Trong khi đó, lượng cá tăng lên không nhiều trong khẩu phần ăn. Cụ thể, giai đoạn 1091 – 1985, lượng thịt tiêu thụ một ngày là 11,1g, năm 2000 đã tăng gần 5 lần và đến năm 2010 là tăng gần 8 lần. Trong khi đó, lượng cá mỗi ngưởi tiêu thụ trong giai đoạn 1981 – 1985 là 35 gram/ngày lại chỉ tăng rất chậm (45,5g/người/ngày năm 2000 và đến 2010 tăng chưa được gấp đôi).
Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng, 10 năm qua, khẩu phần ăn của các gia đình Việt Nam có biến đổi đáng kể. Đến nay, gạo chỉ chiếm 66,4% khẩu phần ăn, giảm gần 20% thay vào đó thịt, sữa, trứng chiếm gần 25% khẩu phần ăn, tăng gần 17% so với 10 năm trước. Trong đó, trung bình mỗi người Việt Nam ăn hơn 30 kg thịt một năm, thấp hơn 16kg so với mức trung bình của thế giới, nhưng do chế độ dinh dưỡng có sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo đặc biệt chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý nên tỷ lệ người béo phì có chiều hướng tăng.
So với thế giới, mức tiêu thụ thịt của Việt Nam còn thấp, trung bình hơn 30kg/năm, trong khi ở Trung Quốc là 54,2kg, Mỹ là 84kg, Australia là 109,9kg. Những nước có mức tiêu thụ thịt cao này đều có tỉ lệ dân số béo phì đến mức báo động. Trong khi đó, Nhật Bản, Hàn Quốc có mức tiêu thụ thịt rất thấp, họ ăn nhiều cá. Như tại Nhật, trung bình mỗi năm một người chỉ tiêu thụ khoảng 26,9kg thịt.
“Hiện chúng ta đang ở ngưỡng bước vào giai đoạn tăng nhanh tỉ lệ người thừa cân, béo phì. Những nhà khoa học thế giới ở các nước có tình trạng béo phì nhiều khi làm việc với Việt Nam đều cảnh báo cần tránh “vết xe đổ” này. Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển tiếp về kinh tế, bữa ăn thay đổi. Các nước này cũng đã từng như vậy. Và việc thiếu kiểm soát đã dẫn đến tỉ lệ béo phì tăng vọt, không thể khắc phục được như Mỹ, Trung Quốc…”, TS Tuyên nói.
Ông Tuyên khẳng định không nói toàn bộ người dân Việt ăn nhiều thịt vì có nhiều vùng còn thiếu nhưng quả thực mà một bộ phận dân chúng thành phố tiêu thịt cao hơn. Để chặn trước nguy cơ, theo ông Tuyên, tấm gương thành công trong việc khống chế số lượng thịt trong bữa ăn của người Nhật Bản, Hàn Quốc… đặc biệt giá trị. Khống chế mức thịt vừa phải sẽ giúp giảm béo phì, từ đó phòng chống được một loạt bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp cao, tim mạch…
Dinh dưỡng hợp lý cho từng giai đoạnTS Hoàng Kim Thanh,Viện Dinh dưỡng cho biết, kết quả đánh giá việc tuyên truyền và áp dụng 10 lời khuyên dinh dưỡng giai đoạn 2006 – 2010 tại 3 tỉnh (Hà Nội, Cao Bằng và Kiên Giang) của Viện Dinh dưỡng cho thấy tỷ lệ người dân áp dụng 10 lời khuyên này tại gia đình chiếm từ 20,1 – 74,2%. Tỷ lệ này cũng không đồng đều giữa các vùng đánh giá. Một số người dân tuy đã có kiến thức về 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý nhưng chưa áp dụng được vì nhiều lý do như tập quán ăn uống của gia đình và địa phương, điều kiện về kinh tế và thời gian để đầu tư cho bữa ăn…Trong việc chăm sóc trẻ, hiểu biết và thực hành ăn dặm của nhiều người chăm sóc trẻ còn kém. Trẻ tròn 6 tháng mới được khuyên cho ăn dặm nhưng thực tế nhiều trẻ 3 – 4 tháng đã cho ăn thức ăn cứng. Hệ tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, ăn đồ cứng sớm sẽ khiến đường tiêu hóa bị trục trặc, dễ suy dinh dưỡng, béo phì…
Hồng Hải
Theo Dân trí
Bệnh thường gặp khi bị mỡ máu cao
Trong số bệnh tật do mỡ máu bị rối loạn gây ra, bệnh về tim mạch là đáng sợ nhất.
Mỡ máu cao thuộc nhóm các bệnh rối loạn chuyển hóa. Bệnh còn có tên khác là rối loạn mỡ máu.
Các thành phần chính của mỡ máu gồm: cholesterol toàn phần, triglycerides, LDL - C, HDL - C,... Khi bị rối loạn mỡ máu sẽ làm ảnh hưởng đến sức khoẻ, thậm chí còn gây ra một số bệnh nguy hiểm.
Bệnh tim mạch: Chỉ số triglycerides cao kết hợp với tăng lipoprotein tỉ trọng thấp (LDL - C) và lipoprotein tỉ trọng rất thấp (VLDL - C) tăng gấp đôi nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch nhất là động mạch vành tim, động mạch não, các bệnh của động mạch ngoại biên...
Đây là những bệnh có nguy cơ gây tử vong hàng đầu trong số các bệnh lý thường gặp.
Tiểu đường type 2: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng: triglycerides cao kết hợp với tăng huyết áp và giảm lipoprotein tỉ trọng cao (HDL - C) làm tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường type 2 lên từ 2-5 lần.
Đột quỵ: Đột quỵ là tổn thương não xảy ra khi nguồn cung cấp máu tới các tế bào não bị giảm. Tăng triglycerides là một trong những nhân tố gây đột quỵ do triglycerides làm tăng nguy cơ bị các bệnh lý tim mạch và đái tháo đường type 2.
Bệnh gan: Mỡ tích tụ trong gan là một trong các nguyên nhân của bệnh gan mãn tính. Ví dụ: gan nhiễm mỡ, xơ gan, suy gan... Trong số các trường hợp gan nhiễm mỡ thì nguyên nhân phổ biến nhất là đái tháo đường type 2, béo phì và triglycerides cao.
Viêm tụy: Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng, có chức năng sản xuất dịch tiêu hóa cần thiết để hấp thụ thức ăn. Lượng mỡ máu triglycerides rất cao (>13mmol/l) có thể gây viêm tụy cấp. Nếu dịch tiêu hóa bị rò rỉ bên ngoài tuyến tụy, nó có thể đe dọa đến tính mạng.
Sa sút trí tuệ: Là một chứng bệnh ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ và hành vi. Tuổi tác là một nguy cơ lớn đối với chứng mất trí, nhưng chỉ số mỡ máu triglycerides cao cũng vậy. Nguyên nhân là do triglycerides cao có thể gây hại cho mạch máu bên trong não, góp phần tạo nên một protein độc hại được gọi là amyloid. Chính amyloid làm tăng nguy cơ bị sa sút trí tuệ.
Tóm lại, rối loạn mỡ máu có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe cũng như tính mạng của người bệnh.
Do đó nếu bị rối loạn mỡ máu, người bệnh cần hạn chế dùng các loại thực phẩm có chứa các chất béo và cholesterol như bơ, sữa, thịt xông khói, dầu dừa, dầu quả cây cọ, các phủ tạng động vật, da gà, da vịt...
Với người bị béo phì nên có chế độ giảm béo. Nếu không bị tăng huyết áp, sức khỏe tốt thì có thể tập một số động tác nặng như đi bộ với tốc độ nhanh, chạy với tốc độ vừa phải vài ba trăm mét...
Với người nghiện thuốc lá, bia, rượu thì cần giảm dần để đi tới bỏ hẳn.
Khi đã bị rối loạn mỡ máu nên khám bệnh định kỳ theo chỉ định của bác sĩ. Trong một số trường hợp, bác sĩ khám bệnh cho chỉ định dùng thuốc làm giảm mỡ máu. Tuyệt đối không tự động mua thuốc dùng khi không có đơn của bác sĩ. Bởi vì dùng thuốc giảm mỡ máu cần phải theo dõi chặt chẽ men gan (SGOT và SGPT) và một số chỉ số sinh hóa khác.
Theo TTVN
Phòng nóng trong, hạn chế 8 loại thực phẩm Ngoài sử dụng quạt, điều hoà để làm mát bên ngoài cơ thể, để phòng nóng trong người và giữ cho tâm trạng ổn định, nên hạn chế dung nạp những thực phẩm sau: Ít ăn hoa quả nhiệt, nóng Hoa quả hàm chứa vitamin, vì vậy rất nhiều người sẽ lựa chọn ăn nhiều hoa quả bổ sung lượng nước và vitamin,...