Ngày xưa có món… tép khô
Một trong những món ăn luôn gợi tôi nhớ về ngày xưa – đó là tép khô rang khế.
Cái món ăn của ngày thơ bé, của những hôm nhiều rau mà không có thịt, những ngày trái nắng trở trời hay bận bịu mẹ không đi chợ được. Món ăn đạm bạc đơn sơ nhưng thấm đượm vị quê.
Buổi chiều cuối xuân, trời nồm ẩm thấp, mẹ đi làm về muộn, ngả nón xuống là tất bật vào bếp nhóm lửa nấu cơm. Nhìn vào rổ rau đầy ắp trong tay mẹ, tôi và đứa em buồn thỉu buồn thiu, nghĩ thế là hôm nay lại phải ăn cơm “chán” rồi.
Cho đến khi mùi tép rang dậy lên, chúng tôi mới hít hà, thấy bụng đói cồn cào, mà lòng mừng rỡ vì cơm lại “ngon”, lại hấp dẫn.
Thì ra mẹ có hũ tép khô để sẵn từ khi nào. Những con tép mong mỏng màu nâu nhạt, trông khô khan, chẳng tươi nhảy tanh tách, cũng chẳng mập mạp đầy thịt như tôm, nhưng với bàn tay khéo léo của mẹ lại trở thành món ăn thật thơm ngon, đủ vị.
Đầu tiên, mẹ rửa tép qua một lượt nước ấm cho sạch, cũng là để con tép mềm ra. Rồi mẹ lấy mỡ nước để rang tép. Ngày xưa chưa dùng dầu ăn, nhà nào cũng dự trữ những hũ mỡ để chiên, xào nấu, nên món ăn có phần thơm, béo ngậy hơn.
Riêng đối với món tép khô rang, thì mẹ còn vớt ra thìa tóp mỡ, để đó, lát cho vào rim lên cùng, để món ăn có “điểm nhấn” thú vị. Món tép rang làm khá nhanh, đơn giản. Khế chua mẹ thái lát mỏng như hình ngôi sao năm cánh, vắt nhẹ cho bớt nước chua. Củ hành xắt mỏng cho vào phi thơm, rồi trút tép vào đảo đều cùng chút nước mắm, chút đường.
Video đang HOT
Tép thấm gia vị, con tép trở nên bóng căng, trông niêu tép như rộn ràng tươi mới hẳn. Trước khi bắc niêu ra, mẹ cho khế và tóp mỡ vào, đảo lên vài lượt, thêm chút hành lá xanh xanh. Còn những hôm không có khế chua, mẹ hay cắt lát chanh, khi ăn vắt vào tép, làm món ăn trở nên khác biệt.
Ăn một miếng cơm trắng, với rau xanh, gắp nhúm tép rang giờ đã thành màu nâu đỏ bóng bẩy, vị ngọt của tép sông, của gia vị đậm đà khiến lũ trẻ chúng tôi quên hẳn chuyện cơm không có thịt. Nhớ ba tôi, mỗi hôm ăn cơm tép khô, cứ hay ngầm nhìn mẹ, tủm tỉm cười, thắc mắc: “Cũng con tép này mà sao ba làm không bao giờ ngon như mẹ được nhỉ”.
Đúng là mỗi khi mẹ đi công tác, ba phải vào bếp, cũng lấy lọ tép ra, cũng mỡ, cũng hành… mà sao không thơm, không bùi, không ngậy ngọt, “bắt” cơm bằng mẹ. Phải chăng cái bí quyết của mẹ là sự khéo léo tinh tế đến từng miligam gia vị, sự đủ độ, kinh nghiệm của người nấu nướng trong một thời vất vả, khốn khó, để con tép vốn là thứ thức ăn dự trữ giản đơn nhất vẫn có một sức hấp dẫn riêng.
Giờ thì món tép khô được chế biến thành nhiều món ngon khác, có khi nằm trong thực đơn những nhà hàng món quê sang trọng, không chỉ là tép rang, mà còn trộn gỏi, được thực khách lựa chọn bởi không ngán, bởi thích được thưởng thức hương vị quê dân dã, mộc mạc. Với riêng tôi, tép khô luôn gợi về một tuổi thơ xa lắc, vất vả nhưng đầm ấm, thân thương.
Theo Thanhnien
Savoy, món Việt thăng hoa
Cà tím, rau rừng, cổ hũ dừa, thốt nốt... những nguyên liệu dân dã qua bàn tay tài hoa của bếp trưởng nhà hàng Savoy đã giới thiệu đến thực khách tinh túy nhất của ẩm thực Việt, các món ăn dân dã mà sang cả.
Món ăn ba miền hội tụ
Các món dưa chua, cà mắm của người Bắc bộ cũng được bài trí trang trọng, rất bắt cơm trong mâm tiệc thuần Việt. Miền Trung yêu thương góp thêm món bắp bò ngâm nước mắm. Với người miền Trung ngày xưa, bắp bò ngâm chỉ được làm trong những ngày tết, trong mâm cỗ nhà, dấu hiệu của năm mới sung túc. Đừng quên thử bánh mì chả Hội An, một trong những món bánh mì ngon nhất thế giới, cùng với chả bò Đà Nẵng cũng là những món nhâm nhi rất đáng mong chờ.
Hương vị miền Nam vẫn là lạp xưởng có vị ngòn ngọt, khi nướng mỡ từ trong tươm ra vàng óng, cắn một miếng bao thơm lừng. Kiệu chua tôm khô trứng bắc thảo, món ăn đặc trưng trong mâm cỗ tết khiến không chỉ người Việt, mà cả du khách một lần tới đây cũng mê đắm khó quên.
Cái hay của người làm thực đơn tại nhà hàng còn ở sự phối trộn nguyên liệu tài tình, những nguyên liệu tưởng bình thường như trái thốt nốt, cà tím, tép đồng, mắm ruốc... nhưng có sự chuyển mình, rực rỡ, sáng ngời lung linh sánh ngang với những món Tây cầu kỳ. Thực đơn đậm đà tình quê với gỏi tép nhảy trộn hoa theo mùa khai vị, gỏi dừa thốt nốt Bến Tre, cá chua Bình Định hấp xốt mắm ruốc đậm đà, cua lột xốt xí muội, cà tím nướng xốt mắm ngò... Cách bài trí trang nhã, tinh tế, món ăn dân dã nhưng thay đổi đẳng cấp, sang cả đúng phong cách fine-dinning, nhà hàng 5 sao.
Vẫn là những nguyên liệu đặc sản, món chả giò vi cá cho thực khách trải nghiệm mới, giòn giòn sựt sựt của vi cá, bọc qua lớp áo của bánh tráng mỏng, trải qua sự tôi luyện của dầu ăn, người ăn chỉ biết khen ngon và khéo.
Cua Hoàng đế nổi tiếng thịt ngọt và chắc, nhưng chỉ chọn mỗi phần càng cua nướng trên than hồng, rưới thêm xốt tiêu đen, sự kết hợp của mùi biển cả quyện chút hương nồng của tiêu sọ, như bản hòa ca của ẩm thực khơi gợi cảm giác thèm ăn.
Tương đậu nành, một loại "bột ngọt" tự nhiên được xay nhuyễn, làm thành xốt rưới lên món cồi sò điệp áp chảo, món ăn tưởng lạ mà quen, sò điệp tươi kết hợp tương đậu thơm, món ăn không thể bỏ qua khi đến nhà hàng này. Những người mê ăn tôm sẽ có sự đồng điệu, thử nếm qua tôm sú hấp lòng trắng trứng nóng hổi, tôm sú rang me, tôm càng rang tỏi, tôm hùm áp chảo xốt XO... bữa tiệc tôm đa sắc.
Nhiều người từng ăn bông bí, bông thiên lý, bông súng, nhưng ít người biết, bông huệ chỉ chưng trên bàn lễ gia tiên cũng là món ngon. Một cành huệ chỉ lấy phần búp nõn phía trên, xào chung với vỏ mướp hương trên chảo nóng. Xào nhanh tay, màu xanh nõn nà của hoa huệ của mướp hương khiến bao người vương vấn. Cũng phải, món hoa huệ xào này chỉ có trong thực đơn cung đình dâng cho vua ngự dụng nên ít người biết đến.
Dành một góc nhỏ cho những thực khách ăn chay với gỏi nấm rau rừng, súp ngũ sắc, đậu hũ non chưng tương nấm... nếu muốn ăn ngon mà vẫn no thì gọi thêm phần cơm chiên hạt sen kiểu cung đình hay cà ri chay là đủ đầy, cả khai vị, món nhẹ, món ăn chính.
Thực đơn món Việt được làm đầy thêm với món bánh quê như bánh bò thốt nốt rưới nước cốt dừa, bánh chuối hấp rưới nước cốt dừa, bánh flan, quy linh cao xốt mật ong... vẫn xa hoa, hào nhoáng. Như bước kế thừa, sự giao thoa văn hóa ẩm thực, pudding dừa tổ yến cho món tráng miệng kết thúc bữa tiệc hoàn hảo cho cả thực khách và chủ tiệc, như lời chào nồng hậu của món ăn bổ dưỡng, lành và sạch, đậm đà phong vị Việt xưa và nay.
Theo Thanhnien
4 món chè ngon - đặc trưng ẩm thực ba miền Việt Nam Chè nổi tiếng là món ăn dân dã có hương vị thơm ngon và làm say lòng thực khách bốn phương. Dưới đây là 4 món chè ngon nổi tiếng, đặc trưng ở ba miền Việt Nam. Chè cốm - hương vị của mùa thu Hà Nội: Cốm là món ăn khá phổ biến ở Việt Nam. Thế nhưng, chẳng nơi đâu cốm...