Nam thanh niên 16 tuổi bị mù cả hai mắt sau 3 tháng nhỏ corticoid chữa viêm kết mạc
Vốn bị viêm kết mạc, mắt luôn cộm, khó chịu, chàng trai 16 tuổi (Hải Dương) tự nhỏ thuốc chứa corticoid. Khi nhỏ loại thuốc này, cậu thấy mắt dễ chịu, hết cộm nhưng cứ dừng là bị lại nên cậu dùng một lèo 3 tháng.
Đến khi nhìn mờ chỉ thấy bóng bàn tay, bác sĩ cũng đành bất lực không có cách nào lấy lại thị lực bình thường cho bệnh nhân.
Chiều 12/3, TS.BS Vũ Anh Tuấn, BV Mắt Hà Nội 2 chia sẻ ca bệnh rất đáng tiếc ở người trẻ mà ông vừa gặp phải. Hiện bệnh nhân mới được phẫu thuật một mắt, sau 3 ngày thị lực có khá hơn nhưng vẫn ở mức nhìn thấy bóng tay mờ mờ.
Các bác sĩ sẽ cố gắng phẫu thuật mắt còn lại, làm sao để thị lực cậu bé có thể đủ phục vụ các nhu cầu cá nhân tại nhà, còn không có cách nào để mắt sáng như trước đây.
TS Tuấn cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán glôcôm, đến viện khi đột ngột không nhìn thấy gì, nhãn áp tăng cao.
Đáng nói, trước khi bị tình trạng này, 3 tháng liên tiếp bệnh nhân tự ý nhỏ mắt bằng thuốc chứa coirticoid để chữa viêm kết mạc. Đang dùng thuốc bệnh nhân đột ngột nhìn mờ, thấy bóng bàn tay, đến viện trong tình trạng bị glôcôm.
Bệnh glôcôm là một cấp cứu nhãn khoa. Khi đến viện trong tình trạng đau nhức mắt, giảm thị lực, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay bằng tra mắt và uống thuốc hạ nhãn áp. Các thuốc này phải được sử dụng theo chỉ định, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ nhãn khoa. Còn khi thuốc điều trị không đạt hiệu quả mong muốn, người bệnh cần phẫu thuật.
Theo TS Tuấn, trường hợp người trẻ mắc bệnh lý này thường do lạm dụng thuốc chứa corticoid thuốc nhỏ mắt hoặc do có bệnh lý di truyền. Vì nguyên sinh bệnh chưa rõ ràng nên không thể phòng ngừa mắc bệnh glôcôm. Tuy nhiên, có thể phòng tránh được mù loà do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị thích hợp và theo dõi thường xuyên.
Nhưng trên thực tế, đa phần người bệnh chỉ đến viện khi đau nhức mắt không thể chịu nổi, không nhìn thấy gì. Lúc này, dù điều trị cũng không lấy lại được ánh sáng cho người bệnh nhưng họ vẫn buộc phải điều trị để giải quyết tình trạng đau nhức mắt. Bệnh có các triệu chứng đặc hiệu như: đau nhức mắt, đau lan lên đầu cùng bên, có thể gây buồn nôn hoặc nôn, nhìn mờ, quầng xanh đỏ…
“Tuy nhiên có nhiều hình thái bệnh glôcôm không có biểu hiện rõ ràng, không có hiện tượng tăng nhãn áp nên rất dễ bỏ qua. Vì thế, tôi khuyến khích mỗi người, từ 40 tuổi trở lên, những người có nguy cơ cao nên khám mắt định kỳ 1 năm một lần để kịp thời phát hiện bệnh glôcôm. Còn với bệnh nhân đã được chẩn bệnh glôcôm cần tuyệt đối tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, bởi đây là bệnh có nguy cơ tái phát cao”, TS Tuấn khuyến cáo.
Video đang HOT
Theo đó, những người có nguy cơ như: người trên 40 tuổi; tiền sử gia đình có người mắc bệnh glôcôm; người có nhãn áp cao; tật khúc xạ viễn, cận thị; có tiền sử mắt bị chấn thương; dùng corticoid kéo dài; đái tháo đường, béo phì; tăng huyết áp, rối loạn tuần hoàn hệ thống… nên thường xuyên đi khám mắt, ít nhất 1 năm một lần.
Nhân tháng hành động bảo vệ mắt cho bệnh nhân mắc glôcôm, Bệnh viện mắt Hà Nội 2 sẽ khám mắt miễn phí cho các đối tượng có nguy cơ thời gian từ 14-15 giờ các ngày 11 đến 16/3/2019 để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý glôcôm cho người bệnh.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Phân biệt đau mắt đỏ và dị ứng thường gặp vào mùa xuân
Đỏ, ngứa và chảy nước mắt thường là những dấu hiệu đặc trưng của tình trạng dị ứng theo mùa. Tuy nhiên, viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ cũng có những triệu chứng tương tự như vậy.
Nhìn chung, các dấu hiệu như đỏ mắt, chảy mủ và đau đều ảnh hưởng xấu tới sức khỏe chúng ta. Do sở hữu những triệu chứng rất giống nhau này, không ít người gặp phải khó khăn khi phân biệt tình trạng dị ứng theo mùa với bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc).
Sự nhầm lẫn rất dễ khiến bạn đưa ra hướng điều trị sai lầm, thậm chí còn làm cho vấn đề sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là một số thông tin cơ bản nhằm giúp bạn dễ dàng phân biệt tình trạng dị ứng theo mùa với bệnh đau mắt đỏ:
Do sở hữu những triệu chứng rất giống nhau, không ít người gặp phải khó khăn khi phân biệt tình trạng dị ứng theo mùa với bệnh đau mắt đỏ.
Nguyên nhân gây đau mắt đỏ
Về cơ bản, bệnh đau mắt đỏ xuất hiện khi kết mạc chịu ảnh hưởng và bị kích thích bởi các vi khuẩn hoặc chất gây dị ứng. Người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như khó chịu, sưng đau, mắt đỏ và chảy mủ. Trên thực tế, nguyên nhân chính dẫn tới đau mắt đỏ bao gồm virus, vi khuẩn và dị ứng.
Mắt đỏ do tiếp xúc với virus là tình trạng vô cùng phổ biến. Theo Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, virus rất dễ gây lan và có thể gây rát, đỏ và chảy mủ ở mắt. Ngoài ra, hiện tượng lây nhiễm này có xu hướng giống với virus gây cảm lạnh thông thường.
Nếu tiếp xúc với môi trường không hợp vệ sinh, mọi người đều có nguy cơ bị vi khuẩn tấn công mắt. Tình trạng này cũng gây đau và chảy mủ ở khu vực quanh mắt.
Mắt đỏ do tiếp xúc với virus là tình trạng vô cùng phổ biến.
Hầu hết mọi người đều cho rằng các triệu chứng về mắt không liên quan tới tình trạng dị ứng theo mùa. Trên thực tế, dị ứng hoàn toàn có thể khiến mắt bạn ngứa, chảy nước và sưng húp. William Reisacher, chuyên gia y khoa kiêm trưởng khoa dị ứng tại Bệnh viện New York-Presbyterian và Weill Cornel Medicine cho biết, các triệu chứng này xảy ra do sự giải phóng của hợp chất histamine khi bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng. Khác với viêm kết mạc, đau mắt đỏ do dị ứng không có khả năng lây lan và truyền nhiễm.
Cách phân biệt đau mắt đỏ và mắt bị đỏ do dị ứng
Quan sát các triệu chứng là việc làm quan trọng trong quá trình xác định nguyên nhân gây bệnh. Ray Chan, tiến sĩ kiêm bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Memorial Arlington Health Arlington giải thích, mắt đỏ do dị ứng có xu hướng gây ngứa, đau nhức và rát nghiêm trọng. Tình trạng này thường nằm ở cả hai mắt cùng một lúc và xuất hiện nhanh chóng sau vài phút hoặc vài giờ kể từ lúc bạn tiếp xúc với chất gây dị ứng.
Mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn gây nên có xu hướng bắt đầu ở một mắt rồi dần dần lây nhiễm qua mắt còn lại vài ngày sau đó. Tình trạng này lây lan qua đường tiếp xúc như bắt tay hoặc dùng chung khăn mặt với người nhiễm bệnh. Howard R. Krauss, tiến sĩ kiêm bác sĩ phẫu thuật thần kinh tại Trung tâm Y tế Providence St. John ở Santa Monica, California cho biết, bạn có thể phải mất 7-10 ngày để nhận ra các triệu chứng đầu tiên.
Mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn gây nên có xu hướng bắt đầu ở một mắt rồi dần dần lây nhiễm qua mắt còn lại vài ngày sau đó.
Cách trị đau mắt đỏ
Biện pháp điều trị đau mắt đỏ phụ thuộc vào mỗi cá nhân. Nếu tình trạng này bắt nguồn từ dị ứng, bạn nên kiểm soát các triệu chứng bằng cách dùng thuốc nhỏ mắt và hạn chế tiếp xúc với môi trường gây kích ứng.
Nếu bị đau mắt đỏ, mọi người hãy đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Họ có thể giúp bạn kiểm soát sự lây lan của virus và vi khuẩn trong mắt. Đồng thời bác sĩ cũng sẽ kê thuốc nhỏ mắt và kháng sinh nhằm giúp sức khỏe mắt phục hồi nhanh hơn. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), mọi người sẽ mất khoảng 1-2 tuần để bệnh tự khỏi.
Liên lạc với bác sĩ ngay nếu nhận thấy các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng dù đã dùng thuốc kháng sinh cũng là việc làm vô cùng cần thiết.
Nếu bị đau mắt đỏ, mọi người hãy đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Biện pháp khắc phục tại nhà khi bị đỏ mắt
Dù không sử dụng thuốc, bạn vẫn có thể hạn chế đau mắt bằng một vài biện pháp đơn giản. Theo bác sĩ Chan, đắp một miếng vải lạnh hoặc ấm lên mắt và sử dụng nước mắt nhân tạo 2-3 lần một ngày có thể làm giảm bớt sự khó chịu.
Tránh virus hoặc vi khuẩn lây lan cũng là việc làm vô cùng cần thiết. Nếu nhiễm trùng chỉ xuất hiện ở một bên, bạn hãy cố gắng dùng một miếng vải hoặc khăn riêng để làm sạch mắt bị nhiễm trùng. Hơn nữa, hãy kết hợp hãy rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc trực tiếp với mắt nhất có thể.
Nguồn: Pre
Tai nạn hy hữu khi đóng đinh Những ngày tết cận kề, một tai nạn hy hữu đã xảy ra mà sau khi phẫu thuật thành công, các bác sĩ đã thở phào nhẹ nhõm. Phim X Quang hiện rõ cây đinh trong hốc mắt - Ảnh: Bệnh viện cung cấp Bệnh nhân là anh N.V.H., 32 tuổi, trong quá trình sửa chữa nhà ở H.Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang,...