Mỹ cảnh báo nhiễm độc hóa chất sau thảm họa cháy rừng Hawaii
Theo các quan chức y tế Mỹ, thảm họa cháy rừng ở đảo Maui thuộc bang Hawaii đã khiến nguồn nước và đất đai tại đó bị nhiễm độc nghiêm trọng.
Tờ Bưu điện New York dẫn lời các quan chức y tế bang Hawaii hôm 15/8 cho biết, tro bụi từ hàng nghìn ngôi nhà bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng trên đảo nghỉ mát Maui hồi tuần trước có thể chứa nhiều chất độc hại đối với cơ thể con người như chì và Amiăng, thậm chí cả thạch tín – một thành phần trong thuốc diệt cỏ – từng được sử dụng tại đây.
Anh Anthony M. La Puente, người dân ở Maui, dọn dẹp nơi từng là nhà. Ảnh: Bưu điện New York
Theo chuyên gia về chất độc bang Hawaii Diana Felton, nguy cơ người dân nhiễm độc khi quay trở lại thị trấn Lahaina trên đảo Maui rất cao, bởi nhiều công trình được xây dựng tại đây trước thập niên 1970 đã sử dụng các vật liệu có chứa chất độc hại.
“Những chất độc hại như chì và Amiăng, trước đây thường được dùng làm thành phần cho các loại sơn, hiện ở dưới dạng tro bụi. Thảm họa cháy rừng này cũng có thể làm ‘xáo trộn’ lượng thạch tín còn sót lại trong đất ở đảo Maui, bởi thạch tín là thành phần của loại thuốc diệt cỏ từng được sử dụng tại đây vào đầu thế kỷ 20″, chuyên gia Felton nói.
Video đang HOT
Theo bà Felton, tro bụi có chứa chì hay Amiăng sẽ tiếp tục gây nhiễm độc cho đảo Maui, khi những cơn mưa khiến tro bụi lan tỏa khắp đảo.
Cơ quan Y tế Hawaii trong một thông cáo đưa ra hôm 15/8 đã gửi lời cảnh báo tới người dân đảo Maui, yêu cầu người dân địa phương nên sử dụng loại khẩu trang y tế N95 với lý do “các loại khẩu trang y tế bình thường chỉ có thể bảo vệ phần nào sức khỏe”.
Theo nhận định từ bác sĩ Rosalind Wright làm việc tại Trường Y khoa Icahn ở thành phố New York, tình trạng nhiễm độc môi trường tại đảo Maui sẽ chỉ có thể kết thúc khi toàn bộ tro bụi và những đống đổ nát ở thị trấn Lahaina được xử lý triệt để.
“Việc dọn sạch môi trường sẽ cần nhiều thời gian. Không chỉ không khí mà tất cả mọi thứ ở đó như đất đai và nguồn nước. Mỗi khi có gió nổi lên, thì tro bụi chứa chất độc lại phát tán”, bác sĩ Wright nói.
Giới chức Maui giải thích lý do không bật còi báo động trong thảm hoạ cháy rừng
Khi được hỏi về việc vì sao không có còi cảnh báo người dân khi các vụ cháy rừng xảy ra khiến nhiều người thiệt mạng, người đứng đầu Cơ quan Xử lý Khẩn cấp Maui (MEMA) Herman Andaya cho biết còi báo động ở phía Tây Maui được sử dụng chủ yếu trước thảm hoạ sóng thần.
Cảnh đổ nát sau thảm họa cháy rừng tại thị trấn Lahaina, đảo Maui, Hawaii, Mỹ, ngày 14/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đài NBC, người đứng đầu MEMA hạt Maui ngày 16/8 đã lên tiếng bảo vệ quyết định không bật hệ thống còi báo động trong thảm hoạ cháy rừng xảy ra tại thị trấn du lịch Lahaina, bang Hawaii vào tuần trước. Các đám cháy đã cướp đi sinh mạng của 111 người và phá huỷ nhiều nhà cửa, cơ sở hạ tầng.
Khi được hỏi tại một cuộc họp báo liệu ông có hối hận vì đã không kích hoạt hệ thống còi báo động hay không, Giám đốc Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quận Maui Herman Andaya trả lời: "Tôi không".
Theo ông Andaya, hệ thống còi báo động nằm ở ven biển, chủ yếu được sử dụng để cảnh báo sóng thần.
"Người dân được hướng dẫn sẽ đi lên phía vùng đất cao hơn trong trường hợp còi báo động vang lên. Nếu chúng tôi bật còi vào đêm hôm đó, chúng tôi sợ rằng mọi người sẽ lên phía sườn núi. Và nếu đúng như vậy, thì họ đã lao đầu vào lửa rồi", vị quan chức nhấn mạnh.
Theo danh sách thử nghiệm Hệ thống Còi báo động Cảnh báo Ngoài trời Toàn Tiểu bang đăng trên trang web của hạt Maui, cháy rừng là một trong những mối nguy hiểm mà chúng có thể được sử dụng, cũng như các cơn bão và núi lửa phun trào.
Đối với thảm hoạ cháy rừng vừa qua, MEMA đã triển khai 2 hệ thống cảnh báo khác, bao gồm Cảnh báo Khẩn cấp Không dây và Hệ thống Cảnh báo Khẩn cấp. Những hệ thống này gửi tin nhắn văn bản đến điện thoại, cũng như tin nhắn qua truyền hình và đài phát thanh.
Tuy nhiên, người dân ở phía Tây Maui cho biết họ gặp cảnh mất điện trước khi ngọn lửa bùng phát. Vào thời điểm đó, gió giật với tốc độ gần 100 km/h vào và các đường dây điện đã bị phá hủy.
"Họ không đưa ra bất kỳ cảnh báo nào cho chúng tôi. Không có gì hết, không có còi báo động" Lisa Panis, một người dân sống tại Lahaina, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại vào tuần trước.
Đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân của vụ cháy rừng vẫn chưa được xác định. Các quan chức cho biết ngọn lửa tàn phá Lahaina là một trong ba ngọn lửa bùng phát trên đảo vào ngày 8/8.
Tổng chưởng lý bang Hawaii Anne Lopez cho biết văn phòng của bà sẽ tiến hành "đánh giá toàn diện các chính sách ra quyết định" trước và trong các vụ cháy rừng.
Thảm họa cháy rừng ở Hawaii: Nhà chức trách điều tra về cách thức ứng phó với cháy rừng Ngày 11/8, Tổng chưởng lý bang Hawaii Anne Lopez cho biết chính quyền đang mở cuộc điều tra về cách thức xử lý các vụ cháy rừng kinh hoàng xảy ra ở bang này khi ngày càng có nhiều chỉ trích về cách ứng phó của chính quyền. Hiện số người thiệt mạng do cháy rừng tại đây đã tăng lên 80 người...