Thách thức bủa vây đảo nghỉ mát ở Hawaii sau thảm họa cháy rừng
Chính quyền Maui thuộc Hawaii, Mỹ, đang đau đầu trong việc cân bằng giữa những nhu cầu thiết yếu của người dân sau thảm họa với tình hình tài chính dài hạn của hòn đảo.
Đối với người dân sinh sống ở phía tây đảo Maui, họ hiện không còn tâm trí để phục vụ khách du lịch tới nghỉ dưỡng sau khi thảm họa cháy rừng đã thiêu rụi thị trấn Lahaina và khiến 106 người thiệt mạng. Những hình ảnh và đoạn video ghi cảnh du khách tới đảo Maui tận hưởng kỳ nghỉ dưỡng được đăng trên mạng xã hội, đối lập với hình ảnh thảm họa vừa xảy ra, đã khiến nhiều người dân Hawaii không hài lòng.
Cảnh hoang tàn ở thị trấn Lahaina. Ảnh: Bưu điện New York
“Cộng đồng chúng tôi cần thời gian để tiếc thương người thân, chữa lành và hồi phục vết thương”, diễn viên nổi tiếng người Hawaii Jason Momoa chia sẻ trên Instagram khi kêu gọi khách du lịch hãy hủy chuyến thăm quan đảo Maui.
Trong khi đó, chính quyền Hawaii lại đau đầu trong vấn đề cân bằng giữa những nhu cầu thiết yếu của người dân Maui sau thảm họa với tình hình tài chính dài hạn của hòn đảo. Bởi ngành du lịch ở thời điểm hiện tại chính là ‘động năng phát triển kinh tế’ của đảo này, do nguồn tiền kiếm được từ khách du lịch tạo ra 80% của cải trên đảo.
Video đang HOT
“Trước đây, đại dịch Covid-19 đã buộc chúng tôi phải cân nhắc về những rủi ro khi cho phép khách du lịch tới đây, đồng thời phải xem xét giữa nguy cơ về một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng có thể xảy ra và những yếu tố tiêu cực tác động đến nền kinh tế Hawaii nếu cấm du khách tới. Người dân cần phải tồn tại, và chúng tôi không thể không có việc làm hoặc khiến con cháu chúng tôi không có tương lai”, Thống đốc Hawaii Josh Green nói trong cuộc họp báo được tổ chức vào cuối tuần trước.
Theo Thống đốc Green, việc hạn chế du khách đến với một điểm du lịch nào đó “giống như đang tàn phá cuộc sống của người dân địa phương theo nhiều cách khác nhau, và nghiêm trọng hơn bất kỳ yếu tố nào”.
Dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê dân số Mỹ (USCB) và Cục Du lịch Hawaii cho thấy, đã có 2,9 triệu lượt khách tới đảo Maui trong năm 2022 và chi hơn 5,69 tỷ USD cho các dịch vụ du lịch tại đây. Do thị trấn Lahaina chịu thảm họa cháy rừng khiến cơ sở hạ tầng ở đây bị tàn phá nặng nề, nên cơ quan quản lý du lịch đảo Maui đã phải kêu gọi du khách nên tới những địa điểm khác trên hòn đảo.
“Chúng tôi kêu gọi khách du lịch hãy tới những nơi không bị lửa thiêu rụi như Kahului, Wailuku, Kihei và Wailea. Đảo Maui không đóng cửa với du khách. Nhiều người dân trên đảo kiếm sống thông qua các hoạt động du lịch”, Trưởng hạt Maui Richard Bissen cho hay.
Mỹ: Thảm họa cháy rừng ở Hawaii khiến ít nhất 67 người thiệt mạng
Theo hãng tin Reuters, tính đến sáng 12/8 (theo giờ Việt Nam), số người thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng tại đảo Maui (bang Hawaii của Mỹ) đã tăng lên 67.
Con số này khả năng cao vẫn chưa dừng lại khi đám cháy chỉ mới được kiểm soát 80%.
Nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi trong vụ cháy rừng tại Maui, Hawaii, Mỹ, ngày 10/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Thống đốc bang Hawaii Josh Green cho biết hỏa hoạn đã biến phần lớn thị trấn Lahaina, trung tâm du lịch và kinh tế phía Tây đảo Maui, thành đống đổ nát và trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử bang. Các ngọn lửa lớn đã san bằng 1.000 tòa nhà. Ước tính, việc tái thiết sau thảm họa có thể mất nhiều năm và tốn tới hàng tỉ USD.
Nhiều người dân đã quay trở về ngôi nhà bị đổ nát để đánh giá thiệt hại. Ngoài việc tìm kiếm những người mất tích, chính quyền thị trấn Lahaina đang lên kế hoạch cho những người vô gia cư vào ở trong các khách sạn và nhà cho thuê dành cho khách du lịch. Hòn đảo hiện có 4 nơi trú ẩn đang hoạt động cho những người đi sơ tán.
Hàng nghìn khách du lịch và người dân địa phương đã được sơ tán khỏi khu vực phía Tây quận Maui, nơi có dân số quanh năm khoảng 166.000 người, một số trú ẩn trên đảo và số khác sơ tán sang đảo Oahu lân cận. Khách du lịch cắm trại ở sân bay Kahului, chờ chuyến bay trở về nhà.
Ba ngày sau thảm họa, hiện vẫn chưa rõ người dân ở đây có nhận được bất cứ cảnh báo nào trước khi ngọn lửa lan vào các ngôi nhà của họ. Hệ thống còi báo động dường như đã không được kích hoạt trong thảm họa cháy rừng lần này. Nhiều người sống sót ở Lahaina nói rằng họ không nghe thấy bất kỳ tiếng còi cảnh báo nào và chỉ nhận ra mình đang gặp nguy hiểm khi nhìn thấy khói bốc lên và nghe thấy các tiếng nổ gần đó. Khi đám cháy ập đến, một số người đã nhảy xuống biển để tránh bị thiêu rụi.
Cơ quan quản lý thảm họa ở Hawaii cho biết thời điểm đó, các cảnh báo khẩn cấp đã được gửi qua điện thoại di động, ti vi và đài phát thanh. Tuy nhiên, không rõ liệu những cảnh báo đó có kịp thời đến được với người dân hay không, bởi ngay lúc đó, tình trạng mất điện và mất sóng di động trên diện rộng đã cắt đứt hầu hết liên lạc ở bên trong Lahaina.
Giới chức địa phương cũng đang nỗ lực giải quyết các vấn đề về cung cấp điện và nước trên diện rộng trong cộng đồng. Hiện hàng chục nghìn ngôi nhà và doanh nghiệp vẫn bị mất điện.
Thảm họa cháy rừng ở Hawaii: Nhà chức trách điều tra về cách thức ứng phó với cháy rừng Ngày 11/8, Tổng chưởng lý bang Hawaii Anne Lopez cho biết chính quyền đang mở cuộc điều tra về cách thức xử lý các vụ cháy rừng kinh hoàng xảy ra ở bang này khi ngày càng có nhiều chỉ trích về cách ứng phó của chính quyền. Hiện số người thiệt mạng do cháy rừng tại đây đã tăng lên 80 người...