Mỹ hứng thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất trong hơn 100 năm
Số người chết trong vụ cháy rừng ở Hawaii đã tăng đến mức khiến vụ này trở thành thảm họa thiên nhiên gây chết người nhiều nhất ở Mỹ trong hơn 100 năm.
Số người chết có thể còn tăng
Tính đến hôm qua (13.8) đã có ít nhất 93 người chết và hàng trăm người còn mất tích trong trận cháy rừng đã san bằng thị trấn nghỉ mát Lahaina trên đảo Maui ( bang Hawaii, Mỹ), theo Reuters. Giới chức cảnh báo số thương vong có thể sẽ tăng lên trong những ngày tới khi các đội tìm kiếm cùng chó nghiệp vụ tiếp tục tìm kiếm trong những đống đổ nát của thị trấn Lahaina, với hơn 12.000 dân. Thảm họa bắt đầu ngay sau nửa đêm 8.8, khi một đám cháy được báo cáo xảy ra ở thị trấn Kula, cách Lahaina khoảng 55 km.
Cháy rừng ở Hawaii là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất ở Mỹ trong 100 năm
Số người chết khiến vụ cháy rừng trở thành thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử ở Hawaii, vượt qua trận sóng thần cướp đi sinh mạng của 61 người vào năm 1960, một năm sau khi Hawaii trở thành tiểu bang của Mỹ, theo Reuters. Con số mới nhất còn vượt qua 85 người thiệt mạng trong vụ cháy rừng năm 2018 ở thị trấn Paradise thuộc bang California, và là số người chết cao nhất do một vụ cháy rừng kể từ năm 1918, khi đám cháy Cloquet ở hai bang Minnesota và Wisconsin cướp đi sinh mạng của 453 người.
Những ngôi nhà và tòa nhà bị cháy còn lại sau trận cháy rừng ở thị trấn Lahaina
Reuters
Ngoài thương vong, cháy rừng ở đảo Maui còn khiến hơn 2.200 công trình bị hư hại hoặc phá hủy và 850 ha bị cháy rụi, với chi phí tái thiết Lahaina ước tính khoảng 5,5 tỉ USD, theo Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA). Trong đó có nhiều khách sạn và nhà hàng biến thành đống tro tàn.
Thống đốc Hawaii Josh Green cho hay giới chức đã đảm bảo 1.000 phòng khách sạn cho những người mất nhà và đang sắp xếp những bất động sản cho thuê để làm nơi ở miễn phí cho các gia đình bị ảnh hưởng. Hơn 1.400 người đã được đưa vào nơi trú ẩn khẩn cấp.
Tranh cãi về cách đối phó thảm họa
Chính quyền Hawaii đã bắt đầu điều tra việc xử lý đám cháy và tuyên bố sẽ kiểm tra các hệ thống thông báo khẩn cấp của bang sau khi một số cư dân hỏi liệu có thể làm gì thêm để cảnh báo cho họ trước khi ngọn lửa bao trùm ngôi nhà của họ hay không. Một số người dân đã buộc phải nhảy xuống Thái Bình Dương để tránh đám cháy. “Ngọn núi phía sau chúng tôi bốc cháy và không ai nói với chúng tôi về vụ cháy”, AFP dẫn lời bà Vilma Reed (63 tuổi), có nhà bị lửa thiêu rụi. Bà Reed cho hay giờ đây bà sống nhờ vào lòng tốt của những người lạ.
Đảo Maui bị mất điện nhiều lần trong lúc thảm họa xảy ra, khiến nhiều cư dân không thể nhận được cảnh báo khẩn cấp trên điện thoại di động của họ, tình trạng mà Hạ nghị sĩ Mỹ Jill Tokuda cho rằng các quan chức đáng lẽ đã có sự chuẩn bị để đối phó, theo CNN. Không có còi báo động khẩn cấp nào vang lên và nhiều cư dân Lahaina cho hay họ biết về đám cháy vì những người hàng xóm chạy xuống đường la lên để mọi người rời đi.
Trong khi đó, giới chức lập luận rằng có nhiều yếu tố khiến cho việc phối hợp trong thời gian thực gần như không thể với cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp, vốn thường đưa ra các cảnh báo và lệnh sơ tán. Những yếu tố đó bao gồm sự cố mạng lưới thông tin liên lạc, gió giật lên đến 130 km/giờ từ một cơn bão ngoài khơi và một đám cháy rừng khác cách đó hàng chục ki lô mét.
Thống đốc Green đã bảo vệ cách phản ứng về đám cháy, nói rằng tình hình đã trở nên phức tạp do có nhiều đám cháy và gió mạnh. Dù vậy, ông Green đã cho phép xem xét lại việc phản ứng khẩn cấp đối với đám cháy. Tổng chưởng lý Hawaii Anne Lopez cho hay bà đang tiến hành đánh giá việc ra quyết định trước và trong khi xảy ra vụ cháy rừng ở Maui.
Cảnh sát Maui hôm qua cho hay các thành viên của cộng đồng sẽ không được phép vào thị trấn Lahaina, ngay cả khi một số người có thể chứng minh họ sống ở đó, theo AFP.
“Nếu nhà của bạn nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, bạn sẽ không được phép vào cho đến khi khu vực bị ảnh hưởng được tuyên bố là an toàn. Bất kỳ ai đi vào khu vực xảy ra thảm họa… đều có thể bị xử một năm tù và bị phạt 2.000 USD”, cảnh sát Maui cho hay trong một thông báo.
Thảm họa cháy rừng ở Hawaii: Nhà chức trách điều tra về cách thức ứng phó với cháy rừng
Ngày 11/8, Tổng chưởng lý bang Hawaii Anne Lopez cho biết chính quyền đang mở cuộc điều tra về cách thức xử lý các vụ cháy rừng kinh hoàng xảy ra ở bang này khi ngày càng có nhiều chỉ trích về cách ứng phó của chính quyền.
Hiện số người thiệt mạng do cháy rừng tại đây đã tăng lên 80 người và 1.418 người vẫn đang phải tạm trú tại các nơi trú ẩn khẩn cấp.
Nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi trong thảm họa cháy rừng tại đảo Maui, bang Hawaii, Mỹ, ngày 10/8/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Bà Anne Lopez đưa ra thông báo này và cập nhật con số thương vong khi những người dân đầu tiên được phép quay trở lại thị trấn Lahaina, nhưng hầu hết nhà của họ đã bị thiêu trụi.
Bà cho biết thêm văn phòng của bà sẽ xem xét các cách thức ứng phó được đưa ra trước và trong các vụ cháy rừng xảy ra ở Hawaii và sẽ thông báo kết quả cho công chúng.
Ít nhất 3 đám cháy lớn bùng phát cuối ngày 8/8 ở bờ biển phía Tây đảo Maui thuộc bang Hawaii và nhanh chóng lan rộng, bao trùm thị trấn ven biển Lahaina. Ba ngày sau thảm họa, hiện vẫn chưa rõ người dân ở đây có nhận được bất cứ cảnh báo nào trước khi ngọn lửa lan vào các ngôi nhà của họ. Hệ thống còi báo động dường như đã không được kích hoạt trong thảm họa cháy rừng lần này. Nhiều người sống sót ở Lahaina nói rằng họ không nghe thấy bất kỳ tiếng còi cảnh báo nào và chỉ nhận ra mình đang gặp nguy hiểm khi nhìn thấy khói bốc lên và nghe thấy các tiếng nổ gần đó.
Cơ quan quản lý thảm họa ở Hawaii cho biết thời điểm đó, các cảnh báo khẩn cấp đã được gửi qua điện thoại di động, ti vi và đài phát thanh. Tuy nhiên, không rõ liệu những cảnh báo đó có kịp thời đến được với người dân hay không, bởi ngay lúc đó, tình trạng mất điện và mất sóng di động trên diện rộng đã cắt đứt hầu hết liên lạc ở bên trong Lahaina.
Đây là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Hawaii kể từ năm 1960. Vào thời điểm đó, một trận sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 61 người. Thành phố Lahaina là một trong những điểm thu hút du lịch của đảo Maui, với 2 triệu du khách/năm, tương đương khoảng 80% du khách đến đảo.
Hiện chưa xác định được nguyên nhân cháy rừng ở Maui, song Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho rằng thảm thực vật khô, gió mạnh và độ ẩm thấp đã gây ra cháy rừng. Theo ông Thomas Smith, giáo sư địa lý môi trường tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, cháy rừng xảy ra hằng năm ở Hawaii, nhưng đám cháy năm nay bùng phát nhanh và lớn hơn bình thường.
Hệ thống cảnh báo thảm họa ở Maui không hoạt động, 80 người chết oan? Số người chết trong các vụ cháy rừng ở Maui (Hawaii, Mỹ) đã tăng lên 80, tuy nhiên, con số này có thể tiếp tục tăng khi các đội tìm kiếm với chó nghiệp vụ đang làm việc xuyên ngày đêm để tìm kiếm các thi thể. Những chiếc xe bị ngọn lửa thiêu cháy bên cạnh bờ biển Maui. Ảnh AP. Theo...