Món ngon từ lòng lợn có thể chế biến tại nhà
Dịch giã, hàng quán đóng cửa, những món ăn quen thuộc vốn xưa nay không bao giờ thiếu bỗng… vắng bóng. Nếu muốn ăn, chẳng có cách nào khác ngoài tự thân vận động, tức là “lăn vào bếp”.
Nếu biết rồi thì khỏi nói, nhưng nếu nấu nướng vốn không phải thế mạnh, thì thời đại 4.0 này thiếu gì “công cụ hỗ trợ”. Chỉ cần một vài thao tác đơn giản là có thể tìm được cả tá clip dạy nấu ăn, kỹ đến từng chi tiết. Và sau phở bò, phở gà, bún riêu, bún ốc…. thì lòng lợn luôn là món ăn được nhiều người “không thể quên” dù cho xung quanh nó biết bao thị phi về chuyện thừa chất, thừa cân và thừa cả… mỡ máu.
Đặc sản bình dân
Ở Hà Nội không thiếu gì hàng lòng lợn ngon. Nhắm mắt nhẩm tính sơ sơ dễ có đến mấy chục lựa chọn. Mặc dù là món ăn được xếp vào loại bình dân, vỉa hè, nhưng một mẹt lòng lợn ngon nhiều khi lại được tính với giá “cắt cổ”. Tất nhiên, thực khách cũng không bao giờ thắc mắc giá cả, bởi họ thừa biết thế nào là chuẩn, là ngon, và “đắt xắt ra miếng”.
Lại nói chuyện giãn cách xã hội. Hàng quán tuy đóng cửa cả, nhưng mà hàng thịt lợn thì vẫn bán, tim, gan, cật, lòng non, lòng già, dạ dày, thịt dải… đủ cả. Nếu muốn mua về nấu, điều kiện cần và đủ là phải dậy sớm đi chợ. Bởi lẽ, đây là loại thực phẩm mà nhiều khi chỉ chưa qua 9h sáng, ngoài chợ đều đã bán hết rồi. Thịt lợn có thể ế chứ các chi tiết của bộ lòng thì không bao giờ. Thật lạ!
Một đĩa lòng lợn luộc thường bao gồm lòng non, dạ dày, dồi, gan, tràng, thịt dải… Nếu tách ra, tất cả các thứ kể trên đều có thể đứng độc lập và làm được nhiều món ăn khác, không cứ phải xếp chung với nhau trong một đĩa. Ví dụ, lòng già có thể làm dồi hoặc xào với nhiều nguyên liệu khác. Người miền Bắc hay xào lòng già với dưa cải bẹ chua, xào với nghệ củ, lá nghệ, hành răm hoặc ướp tỏi rồi nướng. Công đoạn khó khăn và ngại nhất khi sơ chế lòng già là làm sạch và tẩy mùi hôi. Tùy theo món ăn mà đi chợ chọn đoạn lòng cho hợp lý. Nếu xào thì có thể chọn phần nõn đuôi hay đoạn nào cũng được. Nhưng nếu làm dồi, nhất thiết phải chọn đoạn nhỏ nhất có thể.
Lòng mua về thường được rửa sạch bằng dấm hoặc nước cốt chanh tươi cho hết nhớt rồi lộn mặt bên trong ra, bóc hết mỡ bám rồi tiếp tục bóp muối, xả lại thật sạch và lộn lại. Cẩn thận hơn thì bóp muối thêm lần 2 rồi xả lại thật sạch với nước lạnh là có thể mang ra nhồi được rồi. Phần để nhồi gồm có tiết. Ở công đoạn này, để khiến cho tiết không đông, người ta thường pha vào một lượng muối lớn. Do đó, khi mua tiết từ chợ về, muốn nó đông lại thì phải pha loãng ra theo tỷ lệ 1 tiết pha với 1 nước (hoặc 1,5 nước). Ngoài tiết còn có hành hoa, rau răm thái nhỏ, giá đỗ, mỡ lá băm nhỏ… Tất cả nhồi vào bên trong khúc lòng, buộc chặt bằng chỉ và luộc. Khi luộc thi thoảng lấy que nhọn châm vào khúc lòng để lượng nước thừa bên trong thoát ra, như thế khi lòng chín mới không vỡ.
Video đang HOT
Nếu là lòng để xào, sau khi làm sạch nên chần qua với nước sôi và thái miếng vừa ăn, ướp cùng chút tỏi, hành khô, gừng. Phi thơm tỏi và hành khô đã đập dập, cho lòng vào xào, để lửa to, đảo đều tay chừng 3-4 phút là lòng chín. Lòng xào nghệ thì nên ướp nghệ trước đó, khi lòng chín thì rắc hành lá, rau răm thái nhỏ. Xào lòng với lá nghệ thì chọn lá nghệ non, thái nhỏ, đảo đều trên bếp 1 phút là có thể cho thêm hành lá rồi tắt bếp. Nếu làm món nướng thì ướp sa tế hoặc xả, nướng trên than hoa hoặc nồi chiên không dầu. Món này nên nướng cả khúc, khi ăn mới thái.
Phong phú thực đơn
Ở Huế có món lòng xào nghệ với bún rất hấp dẫn. Tuy nhiên, món ăn này không xào riêng lòng già mà lại thập cẩm mỗi thứ một ít, từ lòng già, lòng non, tim, gan… Món ăn rất hấp dẫn và hoàn toàn có thể làm tại nhà.
Lòng non thì công đoạn rửa và làm sạch đơn giản hơn chút ít. Dùng 2 ngón tay, ken cho sạch bên trong rồi chỉ việc bóp muối hoặc bóp chanh cho thật sạch rồi xả sạch với nước. Luộc lòng non là thao tác khó nhất. Tức là phải luộc sao cho lòng chín nhưng vẫn đảm bảo giòn chứ không dai, lòng luộc xong phải trắng chứ không thâm. Thường là khi nồi nước sôi sẽ thả lòng vào, chờ sôi bùng lên thì vớt ra thả lòng vào một chậu nước lạnh (có đá thì càng tốt). Ngâm chừng vài phút cho lòng nguội thì lại thả vào nồi nước sôi, chờ sôi bùng lên, tiếp tục vớt ra thả vào nước lạnh. Cứ vớt ra, thả vào như thế chừng 3 lần, cách luộc này khiến lòng chín nhưng vẫn giòn.
Ngoài luộc, lòng non cũng có thể làm dồi. Ngoài kiểu làm dồi tiết thì nó còn được nhồi hỗn hợp thịt, sụn, lá mơ băm nhỏ với tên gọi là dồi sụn. Đây từng là món ăn một thời “gây bão” từ hàng ăn vặt vỉa hè đến mạng xã hội. Cũng đều là lòng, nhưng dồi làm từ lòng non hay lòng già lại cho vị rất riêng, không giống nhau. Lòng non cũng có thể nướng, xào dưa chua như lòng già, hoặc thả lẩu (lẩu lòng).
Có một món ăn nữa, không thể thiếu khi nhắc đến lòng lợn, ấy là dạ dày. Món này dễ làm nhất trong các món kể trên, đồng thời cũng có thể chế biến được nhiều phiên bản nhất có thể. Cũng giống như lòng, dạ dày khi mua về buộc phải làm sạch nhớt, tẩy rửa mùi hôi bằng dấm hoặc chanh. Cách luộc cũng giống lòng non, tức là cứ vớt ra thả vào nước đá cho giòn. Ngoài luộc, danh sách chế biến dạ dày tương đối dài bao gồm: dạ dày om tiêu, xào sả ớt, om nước dừa, ướp ngũ vị hương nướng, trộn cay hay hầm nấm…
Trong tổng hợp các món gọi chung là lòng lợn còn có thịt dải. Đây là phần thịt nằm xen kẽ giữa các phần nội tạng, nó mềm, béo, ngọt và thơm. So với các phần thịt của con lợn, thịt dải thường đắt giá và cũng đắt khách. Các bà nội trợ mà không mua từ buổi sớm thì hiếm khi còn. Thịt dải được dùng để nướng, luộc, thậm chí nếu để ăn cơm thì rim mắm cũng ngon.
Bún nghệ xào lòng xứ Huế: Món ngon chữa bệnh thời thơ ấu
Ở xứ Huế, có một món ăn nổi tiếng mà nó không chỉ đơn thuần là món ngon, nó còn được gọi là phương thuốc chữa bệnh thời thơ ấu: Bún nghệ xào lòng.
Món ngon nổi tiếng xứ Huế
Vùng Huế thưở xưa được gọi là Thuận Hoá. Vùng đất này đã tham gia vào lịch sử Việt Nam từ lâu và vào thế kỉ XVIII, đây chính là là thủ phủ của chúa Nguyễn, là kinh đô của nhà Tây Sơn. Sang thế kỷ XIX thành kinh đô nhà Nguyễn thì Huế dần xác lập lại vị trí là trung tâm văn hoá của nước ta.
Dù bạn là người "sành ăn" hay không thì đều sẽ mê mẩn với những món ăn Huế ngay từ lần đầu tiên. Có thể nói, người Huế đến với ẩm thực không theo cái nghĩa sinh học giản đơn, mà thưởng thức bằng cả khứu giác, thị giác và cả... thính giác. Món ăn Huế có hương vị rất rõ ràng và đậm đà, từ mặn, ngọt, béo, bùi đến chua, chát, đắng, cay, vị nào luôn rõ vị ấy.
Bún nghệ xào lòng là món ngon nổi tiếng của xứ Huế
Bún nghệ xào lòng là món ngon nổi tiếng của xứ Huế mà ai có dịp đến đây thì đều không nên bỏ lỡ. Vì có sự kết hợp nguyên liệu và cách chế biến rất khác lạ nên món ăn cũng đem đến hương vị rất đặc biệt. Sợi bún và lòng, gan lợn được xào chung với nghệ tươi nên món ăn vừa có màu vàng bắt mắt vừa sở hữu hương vị thanh mát rất ngon miệng.
Một tô bún nghệ xào lòng thơm ngon
Món này tuy không nhiều nguyên liệu, nhưng phải chọn khá kỹ và mất thời gian sơ chế. Theo lời một người bán hàng kể, lòng heo phải chọn loại tươi ngon, làm sạch cho hết mùi hôi, rồi thái miếng và ướp gia vị kỹ. Nghệ phải chọn củ có độ già vừa phải, xay ra có màu vàng cam đậm. Để chiều ý thực khách, nồi xào gồm nhiều thứ cả gan, lòng non, lòng già và tiết heo luộc. Tất cả được ướp với mắm, muối, tiêu hành và nước nghệ cho thấm rồi xào riêng. Chảo còn lại, họ xào bún với gia vị và nước nghệ, cho màu vàng óng. Nghệ tươi được giã nhỏ, thêm chút gia vị xào chín rồi cho vào âu riêng.
Khi khách gọi tô bún nghệ, chủ hàng gắp một vắt bún, lấy muôi múc lòng xào, xúc thìa nghệ và thêm nhúm rau răm. Khách nhẩn nha trộn đều bát bún rồi vừa ăn vừa hít hà. Một tô nhỏ xinh đầy ắp cái béo béo dai dai của lòng heo, vị nồng của nghệ, thơm của rau răm, dẻo mềm của sợi bún và vị cay của ớt, tiêu...
Là phương thuốc chữa bệnh thời thơ ấu
Ngày còn bé, hễ lúc nào ho hay ốm vặt, bà thường cho tôi ăn món bún nghệ. Bà kể, ngày xưa không có thuốc, ho thì đi chợ mua vài khúc núm đuôi hoặc lòng già, bún, mấy củ nghệ. Về nhà, bà giã nghệ, ướp lòng với gia vị, xào với bún, thái thêm rau răm rồi cho tôi ăn ngay khi chảo còn trên bếp. "Ăn vài lần là hết ho", bà nói. Lớn lên xa quê đi học đi làm, hiếm lắm tôi mới có dịp được ăn bún nghệ xào lòng.
Bún nghệ xào lòng không chỉ là món ăn chữa bệnh, mà còn là thức quà chiều phổ biến ở Huế
Bây giờ, bún nghệ xào lòng không chỉ là món ăn chữa bệnh, mà còn là thức quà chiều phổ biến ở Huế. Từ 13h, chủ hàng đã bắt đầu soạn đồ đón khách. Buổi sáng là thời gian họ ra chợ chọn lòng ngon về sơ chế, giã nghệ, rửa rau răm, làm tương ớt, gia vị ăn kèm.
Mỗi tô bún nghệ thường có giá 10.000 - 20.000 đồng. Bạn có thể ghé một số hàng bún nghệ được nhiều người lựa chọn như trước cửa chợ Đông Ba, chợ An Cựu, 10/154 đường Bà Triệu, 19 Trần Quang Khải... Bún nghệ còn một phần rất ngon mà không phải ai cũng thích, đó là "cháy nồi". Đây là phần bún sát dưới đáy nồi, xào lâu nên hơi cháy. Thứ này ăn vào giòn giòn, vừa lạ vừa vui miệng. Nhưng thực khách phải đợi lúc chủ hàng bán vơi hơn nửa nồi mới được thưởng thức.
Ngồi chờ bún, nghe tiếng khách nói chuyện râm ran xen lẫn tiếng cạo đáy nồi, đảo bún của chủ hàng, tôi bất giác nhoẻn miệng cười, nghĩ bụng: "Nay cháu không ho vẫn ăn bún nghệ, mà ngon thật bà ạ". Đối với nhiều người, bún nghệ xào lòng được coi là nỗi nhớ xa quê của người con xa xứ. Nếu có dịp ghé năm đất Huế, bạn hãy thử một lần thưởng thức món ngon nổi tiếng này.
Muốn chế biến lòng lợn ngon phải nắm được bí quyết này Không phải ai cũng biết cách chế biến lòng lợn ngon, giòn, thơm, nếu không có bí quyết lòng sẽ bị thâm đen, dai. Dưới đây là cách chế biến lòng lợn ngon và giòn sần sật. Lòng lợn là một món ăn dân dã được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách chế biến lòng lợn ngon,...