Món cá nội kho ngon tuyệt đỉnh trong mâm cỗ Tết
Cá dùng để kho có thể là cá chép, cá trắm, cá mè…, nhưng ngon nhất vẫn là loài trắm đen. Loài cá này kho tuyệt đỉnh, ăn ngon, chắc thịt lại không tanh.
Cá trắm nội kho là món yêu thích của tôi dịp Tết – Ảnh: TRỊNH VIẾT HIỆP
Quê tôi là một vùng ngoại thành với rất nhiều ao, hồ, nên ngoài các thứ ngon vật lạ đặc trưng của ngày Tết Bắc ra như bánh chưng, thịt lợn, giò chả, nem cuốn, thịt gà…, hầu như nhà ai cũng phải có thêm món cá kho trong mâm cỗ mới được xem là thịnh soạn đủ đầy.
Cá sẵn ở ao, hồ vớt lên, nên cứ vào thời điểm sau ngày Ông Táo về Trời, nhà nhà đều lo sửa soạn chuẩn bị chế biến vài niêu cá kho để ăn Tết. Nhà tôi neo người, bố mẹ thường phải lo việc ruộng đồng, việc kho cá để ăn Tết thường được bà nội tôi đảm đương. Nội là người có thâm niên và kinh nghiệm kho cá mấy chục năm từ hồi còn trẻ.
Cá dùng để kho có thể là cá chép, cá trắm, cá mè…, nhưng ngon nhất vẫn là loài trắm đen. Loài cá này kho tuyệt đỉnh, ăn ngon, chắc thịt lại không tanh.
Năm nào nội cũng chọn mua một con trắm đen to đến 5-7kg để kho. Cá phải tươi rói, vừa vớt ở dưới ao, hồ lên. Cách chế biến cũng khá cầu kỳ. Cá được thái khúc ngang thân độ 5-7cm, rửa sạch, để ráo nước trên chiếc rổ tre mắt thưa, sau đó cho vào chậu ướp gia vị là mắm, muối, mì chính, chút đường phèn để gia vị ngấm đều và sâu vào trong thân cá.
Tôi luôn là người được nội sai cạo riềng, rửa sạch rồi thái lát mỏng. Ngoài riềng thái mỏng, một chút riềng giã nhỏ và nắm củ sả, ớt tươi cũng được chuẩn bị đủ đầy.
Sau khi các khúc cá ngấm gia vị độ hơn 1 tiếng đồng hồ, nội bỏ riềng thái lát vào đáy chiếc niêu đất to tướng được thửa chuyên để kho cá. Lớp riềng lót đáy chống cháy xém cá, tiếp đến các khúc cá được xếp nghiêng có độ thoáng cách xa nhau, đủ để các lớp riềng giã nhỏ và sả, ớt chèn ở giữa.
Các lớp cá cứ được xếp đan chồng lên nhau như thế cho tới khi hết.
Ngoài các gia vị là riềng, sả, ớt, đường, mì chính, mắm ngon, mỡ nước, không thể thiếu chút tiêu nguyên hạt và chút nước cốt dừa (nước hàng) để cá có màu vàng sẫm đẹp mắt. Cũng có năm, nội tôi vẫn cho thêm một chút thịt ba chỉ vào niêu cá cho thêm phần hấp dẫn.
Video đang HOT
Cách ước lượng để nêm nếm gia vị sao cho không nhạt quá, cũng không mặn quá là cả một nghệ thuật, và việc này thì kinh nghiệm của nội có thừa. Chẳng vậy mà niêu cá năm nào cũng ngon, cũng vừa vặn y như nhau.
Sau khi đã nêm nếm đủ đầy gia vị, nước được đổ ngập cá và việc nhóm lửa kho cá bắt đầu. Niêu cá kho nội bắc ở góc sân gạch khuất gió, với củi rắc lẫn vỏ trấu âm ỉ suốt mấy tiếng đồng hồ.
Nội thường nhắc tôi canh chừng, không được để lửa cháy quá to, bởi sôi ùng ục và nát cá. Lúc nào cũng phải để lửa cháy nhỏ, liu riu. Thời gian kho cá lâu hay chóng tùy thuộc vào lượng nước đổ vào ban đầu, vì khi nào nồi cá kho cạn nước sền sệt bắt đầu sém mùi riềng thơm lừng là được.
Niêu cá kho được nội hoàn thành trong ngày 28, hoặc 29 giáp Tết, vì vậy bữa cơm Tất niên sum họp năm nào trên mâm cỗ luôn cũng có sự hiện diện của đĩa cá kho của nội.
Niêu cá kho ấy được ăn trong mấy ngày lễ Tết, và cũng không thể thiếu được trên bàn thờ tiên tổ những khi làm cơm cũng lễ.
Tết đang tới rất gần, và năm nào cũng vậy, cứ gần đến Tết Nguyên Đán, tôi lại nôn nao nhớ về quê mong ngày sum họp, để được ăn món cá kho ngon tuyệt của nội, bởi dù đã già nua, nội vẫn luôn tranh phần việc kho cá để thết khách, đãi con cháu…
Theo Tuoitre.vn
Thấy cá kho tộ là thấy Tết
Cá kho từ xưa được coi là một trong "tứ món" không thể thiếu trong mâm cỗ tết cổ truyền Việt Nam (ba món còn lại là thịt gà, thịt lợn, bánh chưng). Món cá kho không quá cao sang về nguyên liệu, nhưng nhờ cách chế biến đơn giản hay cầu kỳ mà được nâng lên hàng công phu.
Ba miền chung mẻ cá kho
Bao đời vẫn thế, Tết đến, Xuân về, trên mâm cỗ cúng tổ tiên, cạnh đĩa bánh chưng xanh bao giờ cũng có đĩa cá kho. Món ăn này mang đến sự ấm cúng, sum vầy. Sự hoà hợp các nguyên liệu thể hiện tình cảm gia đình hòa thuận, yên vui. Ba miền đất nước tuy văn hóa từng vùng có khác nhau, nhưng đều chung truyền thống này.
Miền Bắc kho cá hay kho cạn, chỉ chừa lại tí xíu nước, có thể ăn suốt mấy bữa mà không cần hâm lại. Với đặc trưng thời tiết giá lạnh, người Bắc hay chọn các loại cá béo ngậy và đầy năng lượng như cá chép, cá trắm, cá mè... Ngon nhất vẫn phải khen ngợi loài trắm đen. Loại cá này đem kho là tuyệt đỉnh, ăn ngon, chắc thịt lại không tanh.
Cá kho ở Huế thì dùng cá bống thệ kho rim ánh màu hổ phách. Con cá ưỡn cong mình như những dấu hỏi cách điệu, thơm lừng, đắm đuối. Kho lối Huế sẽ ít nước, mặn và cay xè. Nhưng cá lại có độ béo bùi thanh tân và mềm rục.
Cá kho miền Nam chan chứa tình quê vì mảnh đất này được bà mẹ thiên nhiên ban phát nhiều đặc ân. Nước kho cá thường xâm xấp hoặc nhấn chìm cả phần cái, chứ không khô như miền Bắc. Món ăn lấy nền ngọt mà chua thanh của nước dừa xiêm làm cốt liệu. Cá cóc, cá nâu, cá éc là các ứng viên sáng giá cho món này.
Cá kho mục xương
Quê tôi ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những ngày cận Tết, năm nào miền Bắc cũng rét ngọt nhưng vẫn có nắng hanh hao. Chắc ông trời đãi người phương Bắc nhiều nắng để phơi mứt, phơi hành nhâm nhi ba ngày Tết. Ngày trước chuẩn bị cho mâm cỗ cúng tổ tiên, nhà nào cũng phải có đĩa cá kho tộ. Mà đúng phải là cá trắm đen mới sang, mới thích. Miếng cá nằm khoanh nửa vòng tròn trên đĩa, được kho cùng nước mắm ngon, mật mía, riềng, nghệ thái mỏng... rất thơm và ngọt. Năm nào mất mùa cá, thì họ nhà chép mới có dịp "lên mâm" thay thế.
Đầu tháng Chạp, thậm chí mới giữa tháng 11 Âm lịch, nhiều nhà trong vùng đã lo chuẩn bị nồi cá kho. Các đầm, ao, sông, hồ... quanh xóm làng bắt đầu thấy cảnh mọi người thay nhau tát nước cho đến cạn để bắt cá. Những con trắm đen to đến năm bảy cân, hoặc con chép to trên 3 kg tươi roi rói, vừa đánh lên đều được tuyển chọn cho nồi cá tết.
Kỹ thuật kho cá ở quê tôi được đánh giá khá cầu kỳ. Tôi vẫn nhớ rõ cách kho cá trắm của bà nội. Con cá tươi rói vừa vớt trong bể nước ra được bà đánh vảy gọn gàng, dùng ít muối trắng sát bên ngoài cho hết mùi hôi tanh rồi sắt nhỏ từng khúc 5 - 7 cm. Cá được ướp với gừng, riềng, ớt, hành khô, nước dừa, nước cốt cua đồng, nước mắm, mì chính, hạt tiêu, chanh. Khi kho chỉ cần thiếu một trong những loại gia vị trên là niêu cá kho ra vị khác hẳn.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ thịt cá nằm nghỉ cho ngấm gia vị, bà nội bắt đầu bỏ những miếng riềng thái lát mỏng vào đáy chiếc nồi đất. Lớp riềng này đóng vai trò rất quan trọng giúp thịt cá không bị cháy xém khi kho trong thời gian dài. Nhà nào không có om đất chuyên dụng, thì dùng nồi gang với điều kiện đáy phải dày ít nhất 10 mm mới chịu nổi sức nóng hừng hực suốt cả chục tiếng đồng hồ của củi lửa.
Tiếp đến là các khúc cá được xếp nghiêng hoặc so le với nhau, đủ chỗ cho riềng, sả, ớt, đường, mì chính, mỡ nước, mắm ngon len lỏi quyện vào giữa. Cứ một lớp cá một lớp gia vị đến khi hết thì thôi. Nồi cá kho hiện đại miền Bắc bây giờ có thể có thêm hạt tiêu, ớt sừng cắt lát điểm thêm cho đẹp mắt, hoặc miếng ba chỉ cho ngậy. Nhưng thời xưa các cụ không cần thế.
Nồi cá bắc lên bếp chỉ đun lửa nhỏ, để hỗn hợp gia vị đủ thời gian len sâu vào từng thớ thịt cá. Củi nhãn, củi tre, trấu ủ xung quanh, bếp đượm lửa hồng. Món kho có tiếng hao cơm tốn dưa cải này, tựa như một phép thử tính kiên nhẫn người thợ nấu. Tuy bình dị, nhưng nó đòi hỏi sự tinh tế cao độ. Khi nước cá sôi, phải chỉnh lửa riu riu khoảng 12 tiếng, để xương cá mềm rục. Khi cạn nước phải đổ thêm ngay.
Để "đánh phấn tô son" cho màu miếng cá đẹp mắt, bà tôi không dùng những loại nước màu đóng chai công nghiệp, mà dùng đường hoa mai thắng lên dưới lửa nhỏ, lấy màu vàng thơm với chút hậu vị chua thanh nhẹ.
Bên nồi cá kho, cả gia đình quây quần trò chuyện. Bà kể chuyện xa xưa, chuyện thời con gái, chuyện tình yêu ông bà, chuyện thần linh ở làng. Ông nội hút thuốc lào, trầm ngâm đánh cờ một mình. Bố pha trà nghe radio. Còn mẹ tranh thủ đan lát vài cái rổ đi chợ phiên bán lấy tiền. Mấy đứa trẻ nhà hàng xóm thấy nhà còn sáng đèn, đem chia cho chị em tôi củ khoai, hoặc mấy bắp ngô thơm vàng óng. Mẹ cời thêm trấu rồi vùi chúng cho tôi.
Những làn khói trắng bàng bạc quyện vào ngọn cây, tán lá, mang theo hương vị thơm nức của niêu cá kho khiến người ta có cảm giác Tết đã đến rất gần.
Ăn vào vấn vương
Một đêm trắng trôi qua. Nồi cá kho đã đạt tiêu chuẩn về thời gian. Giờ là lúc cần đánh giá về hình thức và chất lượng. Bố bắc nồi ra khỏi bếp, mở vung cho chóng nguội. Động tác nhanh nhẹn nhưng rất cẩn thận.
Bên trong nồi, nước cá kho đã cạn. Mùi cá thơm tỏa khắp bốn gian nhà. Kích thích cả vị giác lẫn khứu giá. Cá thơm mùi riềng, nghệ, mùi béo, mùi ngọt, mùi tết. Miếng cá sau một đêm nằm gai nếm mật đã ngấm đủ nước mắm và gia vị. Quanh chúng có một lớp nhựa sền sệt, thơm thấu trời xanh, chỉ ngửi thôi cũng đủ thấy đã rồi. Bao giờ mẹ cũng cho chúng tôi vét đáy nồi cái thứ nhựa sền sệt đó ăn với cơm nóng. Cảm giác ngon và sung sướng ngỡ ngàng.
Mâm cỗ cúng tổ tiên bày ra, đứng nhìn đĩa cá trắm kho tộ thơm nức, chị em tôi thường nuốt nước bọt ừng ực. Sau khi hạ lễ, được mẹ trao cho bát cơm trắng kèm khúc cá kho, tôi thường nhẩn nha ăn từng chút một.
Xương cá mục hẳn nên trẻ em, người già ăn đều không lo hóc, lại tăng thêm được lượng canxi. Mùi cá đã thơm, vị cá lại càng quyến rũ. Vị cá thơm mùi khói, thịt đậm đà, quánh, dẻo như bánh chưng. Lại thanh thoát, hài hòa cung bậc ngọt - béo - mặn. Một miếng cá kho hết nồi cơm to.
Tôi không dám ăn miếng to, vì sợ mau hết mất cái mùi thơm rất đặc trưng của cá quyện với mùi sả, riềng. Sợ mau hết mất vị mặn ngọt đậm đà, beo béo quyến rũ trên mặt lưỡi. Tôi còn không dám mở miệng khi nhai vì sợ mùi vị miếng cá thoát ra ngoài không nuốt được hết cả vào bụng thì phí lắm.
Đúng là một món ngon tuyệt, ít có món kho nào sánh kịp, nhất là sau những ngày tiệc tùng, trà dư tửu hậu, chất béo dư thừa. Đó là hồn quê mà những người con xa xứ không bao giờ quên được.
Cứ Tết về là nhớ ơi là nhớ!
Theo Tinnhanhchungkhoan
9 món nên kiêng ăn ngày mùng 1 Tết để tránh gặp vận xui cả năm Theo quan niệm dân gian, mùng 1 Tết Nguyên đán là ngày đầu tiên của năm mới. Nếu làm những điều may mắn thì cả năm "vạn sự hanh thông", "đầu xuôi đuôi lọt". Bởi vậy đối với một số loại thực phẩm nhiều người cho rằng phải kiêng ăn ngày mùng 1 Tết để cả năm không gặp xui xẻo. Mực là...