Mẹ đảm “chinh phục” người thương bằng món canh dân dã giữa phố thị: Ăn một lần rồi chẳng thể nào quên!
Tình yêu ẩm thực là chưa đủ để chị Song Anh, sống tại vùng đất Hải Phòng thân thương làm nên món canh trứ danh của vùng quê Bắc Bộ.
Món canh quê làm nức lòng bao người giữa phố thị
Có lẽ nhiều người nghĩ rằng điều làm nên một món ăn tuyệt vời thường đến từ những nguyên liệu đắt đỏ, hiếm có. Ấy vậy mà, chỉ với một loại rau dân dã, mẹ đảm Hải Phòng lại có thể dùng những bí quyết riêng để tạo nên món canh quê ngọt mát, làm sống lại ký ức tuổi thơ của biết bao người.
Canh bồng khoai là một món ăn dân dã mà đậm đà tình quê như vậy. Bồng khoai, nhiều nơi gọi là ngó khoai, dải khoai. Đây là những thân khoai non mọc ra từ gốc mẹ. Bồng khoai mọc ở bờ ao, bờ rộng và sinh tồn cả giữa những bờ đất hoang ẩm nước.
Ở thành phố ít khi gặp được bồng khoai bày bán, nhưng ở chợ quê, loại rau này được nhiều chị em mua về để chế biến món canh giải nhiệt cho mùa hè, làm ấm bụng những ngày đông. Bồng khoai mang nấu canh chọn những dải non, đầu chưa nảy lá, múp míp như búp măng và xanh non mỡ màng.
Từng được mệnh danh là thức ăn cứu đói cho “nhà nghèo”, nay lại trở thành món ăn đặc sắc trong mỗi bữa cơm gia đình, hẳn là loại rau này phải ẩn chứa điều gì đặc biệt lắm.
Là món dân dã gợi cả một bầu trời thương nhớ, canh bồng khoai từ lâu vẫn được nhiều chị em nội trợ tìm mua về để chế biến. Cũng với những cảm xúc ấy, mẹ đảm 7x sinh sống tại Hải Phòng – chị Song Anh đã sớm trở thành một đầu bếp tại gia “lão luyện” với món canh này.
Vì bồng khoai hơi ngứa, phải biết cách sơ chế rồi nêm nếm, nấu một cách khéo léo thì bát canh mới tròn vị. Muốn loại bỏ được cảm giác ngứa lại dậy được hương vị thanh mát dân dã, bùi bùi thơm thơm của bồng khoai cần có bí quyết cả. Đâu chỉ vậy, chỉ lỡ một chút, đọt bồng khoai sẽ chuyển sang thâm đen, không giữ được vẻ xanh non mỡ màng nữa, món ăn vì thế mà cũng mất mỹ quan.
Mẹ đảm 7x thành thạo chế biến bồng khoai đã nhiều năm
Thời nay, ẩm thực ngày càng nhiều sơn hào hải vị. Nhưng người ta chẳng bao giờ quên được món canh bồng khoai thơm ngon nức lòng, sưởi ấm lại trong tâm thức mỗi người những kỷ niệm từ thuở xưa, lưu giữ và kết nối những điều đẹp đẽ của quá khứ với hiện tại. Đồng thời, canh bồng khoai cũng là một thức quà giản dị, giữ người ta lại với những gì thanh tao và chân phương nhất.
Để nấu được bát canh bồng khoai có dư vị khó quên nhất, người nấu hẳn phải thấu hiểu và đượm tình quê lắm. Bởi bồng khoai không hợp “sánh duyên” với những nguyên liệu sang trọng, đắt đỏ. Ngoài tình yêu nấu nướng, người ta còn phải đặt cả sự tinh tế và thấu tường cách kết hợp hài hòa các nguyên liệu với nhau.
Chị Song Anh chia sẻ, chị là “kẻ nghiện” món canh bồng khoai suốt bốn mùa trong năm. Từ khi giọt sương xuân đọng trên cành lá đến ngày hè nắng hay đất trời lạnh giá, chị vẫn không nín nổi cơn thèm những đọt bồng khoai mỡ màng trên các sạp rau ngoài chợ.
Là một người mẹ 7x giàu đam mê nấu nướng, đã nhiều năm nay, chị Song Anh hun đúc nên cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc của mình bằng tài năng ấy. Những món ăn chị làm, những công thức mới chị nấu mỗi ngày, đều đầy ắp tình yêu và sự hạnh phúc. Phải chăng vì thế mà mỗi món ăn của chị nấu cho người mình yêu thương luôn mang lại cảm giác đong đầy ấm áp và trọn vẹn?
Hãy cùng xem chị Song Anh đã biến tấu bồng khoai thành những món canh đặc sắc như thế nào nhé.
Để nấu được bát canh bồng khoai ngon, ngay từ lúc mua nguyên liệu và sơ chế, chị Song Anh đã rất chu đáo. Bồng khoai mua về chỉ cần cạo nhẹ, tước khẽ là lớp thân xanh non sẽ lộ ra. Dùng thêm một vốc muối biển cho vào bóp đến khi nhựa nhớt của bồng khoai được loại bỏ thì dừng. Chị em nên nhớ, lúc này phải rửa bồng khoai thật sạch.
Bồng khoai sau khi làm sạch nhìn tinh tươm, màu xanh sáng, không bị thâm đen. Bí quyết cả chị Song Anh là nấu bồng khoai với bất kể thứ gì đều không thể thiếu lá lốt, tía tô, xương sông, có khi thêm cả rau ngổ. Các loại rau này được thái nhỏ, cho vào khi canh nấu đã tươm.
Kể cả với những người nấu canh bồng khoai nhiều năm chưa chắc đã biết bí quyết để có bát canh đặc sắc, hương vị khó quên.
Video đang HOT
Đối với chị Song Anh, mùa hè là mùa quả chay, thứ quả dân dã có vị chua đặc biệt không lẫn với nguyên liệu tạo chua khác. Dù nấu bồng khoai với thứ gì, chị đều dùng chay, ớt, tỏi và thêm mắm tôm đặc. Chỉ cần nghe chừng ấy thôi là có thể cảm nhận được mùi thơm của bát canh bồng khoai phảng phất đâu đây rồi.
Khi nấu bồng khoai với ốc, chị Song Anh có thêm mẻ để vị chua hài hòa hơn.
Theo chị Song Anh, tôm để nấu bồng khoai ngon nhất chính là loại tôm biển. Khi nấu với tôm biển, cũng thêm chút mẻ để loại cân bằng hương vị, loại bỏ vị tanh của tôm.
Bống mũn nhỏ nhưng thơm và bùi, sinh trưởng trong tự nhiên nên nấu canh mang lại vị ngọt khó quên.
Với bồng khoai nấu bống mũn, chị Song Anh sẽ thêm cà chua. Tỏi, ớt băm nhỏ cùng chay thái sợi,… xào cùng mỡ cho dậy mùi rồi thêm bống mũn vào xào cùng. Thêm mắm chắt, mắm tôm và mẻ vào từ lúc này để các nguyên liệu quện vào nhau.
Món canh bồng khoai nấu bống mũn ăn “mát ruột” lắm, ngày hè nóng nực, oi bức này có bát canh này giải nhiệt thì còn gì bằng!
Có lẽ, tình yêu ẩm thực là chưa đủ để chị Song Anh có thể nấu được những bát canh bồng khoai dân dã trở nên tuyệt diệu. Bên cạnh tình yêu ấy còn là bàn tay khéo léo và khả năng nêm nếm tinh tế giúp chị tạo nên món ăn có thể “bỏ bùa” bất cứ ai thưởng thức dù chỉ một lần.
Với những kinh nghiệm nấu canh bồng khoai ngon, nếu có dịp, bạn hãy trổ tài thực hiện món canh bồng khoai cho cả nhà thưởng thức nhé!
GÓC TÁC GIẢ
Chị Song Anh sinh năm 1977 sống tại Hải Phòng, hiện công tác trong ngành xây dựng. Trái với suy nghĩ về công việc làm nghề “khô khan”, chị Song Anh lại sở hữu cho mình một trái tim đầy nhiệt huyết và nung nấu bao ý tưởng với đam mê ẩm thực.
Chị là thành viên rất tích cực chia sẻ những món ngon, kinh nghiệm nấu ăn của mình tại các hội nhóm cùng đam mê về ẩm thực. Cảm ơn chị về những chia sẻ quý giá về món canh dân dã đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ.
Phải là loại trứng gà này đem nấu các món ăn với trứng mới thơm ngon, nổi vị nhất
Những quả trứng gà quê được sáng tạo thành nhiều món ăn, trong đó nhiều người ngậm ngùi nhớ tới nồi canh trứng vàng, hành hoa xanh, cà chua đỏ... và những món trứng ở đâu cũng thích.
Quý lắm quả trứng gà quê
Quê chồng tôi ở Tiền Hải (Thái Bình), mỗi lần về quê hành trang ít là vài chục, nhiều thì đến vài trăm quả trứng gà quê của họ hàng, xóm giềng thơm thảo cho nên không thể chối từ. Hà Nội trứng gà, trứng vịt đầy, giá vừa phải, nhưng trứng gà quê vẫn có giá trị riêng, rất cần cho trẻ nhỏ, người ốm, bà đẻ... vì thơm ngon và an toàn.
Quả trứng gà quê làm món gì cũng ngon. Ảnh minh họa.
Thế mới biết bát cháo hành Thị Nở nấu cho Chí Phèo nó thần diệu như thế nào.
Món trứng gà quê kết hợp với món gì cũng dễ ăn. Ảnh minh họa.
Những kỷ niệm về quả trứng
Quả trứng ngày xưa là thực phẩm quý trong mâm cơm gia đình cả nông thôn lẫn thành thị. Ở nông thôn trứng gà quê (cả trứng vịt quê) không phải là để ăn, mà để ấp nở thành gà con, vịt con rồi nuôi chúng lớn lại ấp nở. Gà vịt đẻ quả nào còn lấy bút mực đánh dấu quả đấy, ghi rõ ngày tháng, chả ai dám ăn vụng.
Có lần tôi theo đám trẻ chăn trâu rong ngoài đồng, vớ được quả trứng vịt nào đẻ rơi dọc bờ mương đem bọc đất nướng tại chỗ thì ngon hơn trứng nướng Đà Lạt, Sapa bây giờ.
Bất ngờ nhà có khách - thời bao cấp không có đồ ăn dự trữ (ngoài muối vừng, cá mắm), cũng chẳng có điện thoại để khách báo trước khi đến. Vậy là chọn vội mấy quả trứng bị loại khỏi ổ ấp, chưng với mấy quả cà chua ương bứt vội ngoài vườn, thêm tí muối là thành món ngon đãi khách.
Ở thành thị thì đập vài ba quả trứng đánh lẫn với thìa nước mắm, dúm hạt tiêu, thái thêm mấy cọng hành hoa thái nhỏ, rồi phi hành mỡ rán trứng lên. Dầu mỡ rán trứng còn thừa thì xào mướp với nắm giá đỗ - thành mâm cơm đãi khách.
Có đợt nhà tôi tích được dăm quả trứng. Sáng chủ nhật mẹ sai ra mua mớ rau muống xơ mới, nắm hành, củ tỏi về "cải thiện" bữa ăn với rau xào, trứng rán thơm nức mũi.
Thời bao cấp các chị thèm ăn trứng nhưng không có thì sáng tạo ra cách rán trứng trộn thêm bột mỳ (lấy khối lượng), và bột nghệ (lấy màu vàng). Cũng cho hành mỡ, tiêu mắm, nhưng ăn bở và bứ mà vẫn phải ăn.
Chị em tôi thèm ăn món trứng đúc thịt, nhưng mẹ bảo sang tháng nhà có giỗ ông, nên tem phiếu phải để dành.
Tôi hay thắc mắc sao đám giỗ phải có bát cơm quả trứng - mãi sau này học hành, hiểu biết mới hiểu về quả trứng trong tâm linh người Việt.
Mẹ hay dạy các con câu tục ngữ: " Trách người bỏ giỗ, không trách người cỗ bé". Đám giỗ lúc gia cảnh khó khăn chỉ cần chén nước, bát cơm, quả trứng, đĩa muối, lòng thành kính dâng là được các cụ chứng giám, không cầu kỳ mâm cao cỗ đầy".
Nói thế nhưng đám giỗ kị nào mẹ cũng chuẩn bị đủ đầy để làm nem, cuốn bóng, cuốn tôm chứ chưa bao giờ đơn bạc.
Món canh trứng gà quê nấu đơn giản nhưng thơm ngon bổ dưỡng. Ảnh minh họa.
Trứng gà quê sáng tạo thành nhiều món ngon tên tuổi
Có nghệ sĩ từng ngậm ngùi nhớ về nồi canh trứng vàng, hành hoa xanh, cà chua đỏ trong 12 ngày đêm bắn phá của B52. Hà Nội mùa đông năm ấy rét, khói mồm hòa lẫn khói canh, mấy chị em xì xụp. Ngày ấy được thế là sang đấy! Đó là món canh trứng ngon, mát và bổ dưỡng vô cùng.
Mẹ tôi hay nấu canh trứng cà chua rắc rau mùi hạt tiêu đổi bữa. Chỉ độ ba quả trứng đánh bồng lên thả vào với đôi lạng cà chua đã xào qua hành mỡ là xong. Món này ăn kèm mấy viên lạc rang muối, bát cà mặn, thế là bay cả nồi cơm.
Trứng gà quê còn làm được nhiều món ngon, như trứng tráng ngải cứu cả người ốm và dân nhậu đều thích. Cũng trứng tráng nhưng ngon và hơi ngấy là trứng đánh óc lợn hành hoa rán rồi chấm nước mắm hạt tiêu ngon tuyệt vời. Hoặc trứng tráng cá cùng thìa là hành hoa, thêm chút mỡ hạt lựu thì ăn quên sầu.
Trứng gà quê còn dùng chữa bệnh. Có lần em tôi bị kiết lỵ lâu ngày, mẹ đập quả trứng gà, trộn với nắm lá mơ lông tam thể thái chỉ và vài hạt muối, rán lên cho ăn vài bữa là khỏi.
Cuối thu mẹ tôi tự tay vào bếp làm món củ niễng xào trứng ăn chắc giòn bùi béo. Hay món củ cải (hoặc su hào, mướp đắng) xào trứng gà, rắc hạt tiêu, rau mùi. Bố tôi rất thích món này, bữa cơm chiều ông khề khà thêm chén rượu thuốc thì chị em tôi có "ăn trứng ngỗng" ở trường bố vẫn không nhấc cây phất trần như mọi khi.
Thích nhất là món bún thang truyền thống hay làm vào dịp lễ hóa vàng mùng 3 Tết hàng năm. Trứng gà được đánh với chút nước sạch, rượu trắng, muối tinh.
Bắc cái chảo nóng non non, di miếng mỡ thăn quanh lòng chảo. Rồi rót một muôi nhỏ trứng đã đánh kỹ, lắc chảo thật nhanh cho trứng kín lòng chảo và mỏng tang như lá bánh cuốn - rồi xếp chồng từng lớp, thái nhỏ như sợi tơ tằm để cho vào bát bún thang truyền thống.
Hà Nội có quán cà phê trứng nổi tiếng, ông chủ sáng tạo ra món cà phê trứng nổi danh trong và ngoài nước.
Món này sáng tạo trên nền món kem trứng đánh đường phương Tây truyền vào Việt Nam rất thành công.
Người Hà Nội thời bao cấp còn làm món kem trứng tuyệt ngon, nhưng không phải ai cũng biết cách làm để món kem ngon mát lạnh thơm ngon chứ không còn chút mùi vị tanh của trứng.
Quả trứng gà quê (là gà ri càng tốt) mới chế biến được những món ẩm thực thơm ngon đặc sắc. Loại trứng gà công nghiệp thì không có được hương vị hơn đời đó.
Ngày nay nhiều người đi tới chỗ lạ, không quen khẩu vị Tây, Tầu, và cả nơi ăn nhiều cao lương mỹ vị, cua bể tôm hùm... thì nhiều người "khôn ăn" vẫn gọi món ngồng cải luộc chấm trứng luộc dầm nước mắm (hay xì dầu) cho dễ ăn và an toàn.
Nhà có trẻ nhỏ đi chơi xa đến nhà hàng, quán xá giữa ê hề món ăn thì nhiều trẻ nhỏ và bố mẹ chúng vẫn chọn món trứng tráng hành tươi cho dễ ăn. Còn trên đường thiên lý Bắc Nam qua mấy quán Thanh Còi (Thanh Hóa), Hải Lùn (Ninh Bình), Hải Lùn (Hà Nam)... dù phê gà đồi, cá sông, thịt dê... thì cuối bữa thế nào cũng có ai đó gióng lên: "Cho thêm đĩa trứng tráng hành hoa, chủ quán ơi"!
Đứng hình khi thấy nàng dâu cắt lát ngang măng cụt bỏ vào tủ lạnh chứ không ăn ngay, nhưng khi bỏ ra trộn món này cả nhà khen ngon ngất ngây Nàng dâu không cho cả nhà ăn măng cụt tươi thông thường, mà cắt lát ngang bỏ vào tủ lạnh khiến mẹ chồng là tôi vô cùng thắc mắc. Thơm ngon lạ miệng với gỏi măng cụt tôm thịt chua ngọt Nàng dâu mới nhà tôi về nhà chồng đúng những ngày nắng nóng, nhưng đã trổ tài làm món ăn khiến cả...