Lươn om củ chuối
Những ngày trời se lạnh chỉ thèm được thưởng thức món lươn om củ chuối. Mùi thơm lan tỏa từ căn bếp nhỏ, vị mẻ nấu với lươn, hòa quyện với mùi thơm của lá lốt, thêm chút ớt hiểm cay nồng.
HOÀNG YẾN
Sinh ra ở vùng đất chiêm trũng, có lẽ không ai mà không biết món lươn om củ chuối. Sau trận mưa rào, bố tôi thường mang ống lươn đi đặt ở ruộng. Bố bảo: “Lươn háu ăn mồi tanh tanh của giun đất còn sống. Chỉ cần băm nhỏ giun ra bỏ một ít vào ống (được làm bằng tre) kiểu gì cũng dính ngay”. Mỗi lần về, chiếc giỏ tre của bố đầy những chú lươn đồng tươi.
Đầu tiên, phải làm sạch lươn, cho ít muối hột vào để nó nhả hết nhớt. Sau đó, lấy chiếc nồi sạch, cho ít nước vào, cắt lươn để lấy tiết. Lọc xương lươn, để lại đuôi khi quấn cho đẹp. Trong lúc lọc thịt lươn, tôi thường được phân công làm phần nhân. Phần nhân gồm: thịt ba chỉ, mộc nhĩ băm nhỏ cùng gia vị (nước mắm, hạt nêm, tiêu, hành lá, hành củ, băm nhỏ) quấn đều. Bố tôi một khi đã vào bếp, nấu món lươn om củ chuối đã ngon lại còn đẹp mắt, cầu kỳ hơn ông gói phần nhân vào lá lốt, xong cuốn lươn bên ngoài, rồi dùng lá hành hoa để “định vị” miếng lươn cho chắc chắn.
Video đang HOT
Món lươn om củ chuối đậm chất quê nhà ẢNH: HOÀNG YẾN
Nhưng để món lươn om củ chuối thành công, thì công đoạn chọn củ chuối non (phải là chuối hột) mới là bài toán khó. Nếu bạn là người vội vã thì khó lòng nấu ngon món này vì nó rất tốn công. Phải mất cả tiếng đồng hồ mới thái củ chuối và băm sợi nhỏ. Bí quyết của bố là bỏ một ít mẻ vào chậu nước sạch rồi cho sợi chuối đã băm nhỏ vào ngâm. Như vậy sợi chuối đỡ chát và sẽ trắng hơn. Ngâm khoảng 30 phút thì vớt ra rửa sạch để ráo và ướp gia vị. Cho phần lươn cuốn và củ chuối vào nồi, ướp khoảng 3 – 4 phút thì mẻ đã thấm. Sau đó cho ít mắm tôm, nước mắm, muối, hạt nêm, tiêu cùng ít lá lốt thái nhỏ cùng vài thìa mỡ lợn, ướp độ 15 phút và bắt đầu bật bếp. Nấu lửa to cho phần lươn và chuối sôi sền sệt. Lúc này cho tiết lươn, nước xương của lươn vào nấu. Nếu bạn thích nhiều nước hơn, thì cho thêm nước hầm xương vào để nồi lươn ngọt thanh.
Mùi thơm là sự thức tỉnh của các giác quan. Sự cộng hưởng kỳ lạ giữa mẻ chua chua và mắm thơm thơm nồng nàn hoặc mùi thơm của lá lốt lan tỏa làm ngây ngất không gian bếp. Thịt lươn cuốn với nhân thịt ba chỉ ăn mềm, béo ngậy. Chuối chín mềm ăn bùi bùi không thấy ngán.
Hôm nay, trời cũng đang se se lạnh. Giữa phố xá Sài thành vắng lặng trong một cái tết đặc biệt, tôi lại nhớ da diết mùi vị đồng quê, bữa cơm nhà bố nấu. Giản dị thôi nhưng chan chứa tình yêu thương của người đàn ông lam lũ suốt một đời vì con. Tôi cầm máy gọi cho bố giọng run run: “Bố à, tự dưng con thèm dấm lươn om củ chuối quá!”. Bố hiền hậu cười bảo: “Về nhà đi con! Bố nấu cho mà ăn”.
Những món ngon độc đáo từ trứng lộn
Trong nghệ thuật ăn uống, ông cha ta đã trải nghiệm và sáng tạo ra nhiều món ăn vừa ngon vừa lạ miệng, lại hợp với quy luật âm dương và thuật dưỡng sinh, chẳng hạn như món trứng lộn (hột vịt, hột gà hoặc trứng cút).
Trứng lộn hay hột vịt lộn là món ăn vừa thơm ngon vừa giàu dinh dưỡng. Cũng giống như như heo sữa, nhộng ve, ong non, chim bồ câu ra ràng, đuông chà là, đuông dừa...đều là những con vật đang trong thời kỳ chuyển hóa từ âm sang dương ở một trạng thái cân bằng tốt nhất. Theo kinh nghiệm dân gian, trứng lộn có tác dụng bồi bổ cơ thể, trị chóng mặt và tăng cường sinh lực.
Trứng lộn có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, đơn giản nhất là luộc chấm muối tiêu. Thế nhưng, các bà nội trợ, các đầu bếp không ngừng sáng tạo ra nhiều món ăn ngày càng khoái khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách. Ngoài trứng luộc, nấu lẩu, kho mắm, hiện nay nhiều nhà hàng, quán ăn còn biến tấu thêm món ngon độc đáo như trứng lộn chiên giòn, trứng lộn sốt me, le le ấp trứng, món nào cũng bùi bùi, tỏa hương thơm phức.
Le le ấp trứng (gà nấu với trứng lộn) (ảnh Phúc Lộc)
Trứng lộn (hột vịt lộn) sốt me (ảnh Phúc Lộc)
Muốn có món trứng lộn sốt me, trước hết các tay đầu bếp phải chuẩn bị một chén me dầm lấy nước, đậu phộng rang, rau răm...Trứng lộn nên chọn con còn nhỏ, đem luộc vừa chín rồi lột vỏ. Xong ướp trứng với nước sốt me, bột ngọt, tiêu, đường, tỏi phi và bột nêm cho thấm trước khi đem chiên. Đợi khi nào trứng chuyển sang màu vàng, bốc thơm phưng phức là lấy ra cho vào đĩa, rắc thêm đậu phộng và rải lên vài cọng rau răm cho bắt mắt.
Còn như muốn chiên giòn phải dụng công tỉ mỉ hơn. Ngoài gia vị như tiêu, tỏi, muối, bột ngọt, các đầu bếp còn phải lăn trứng vào bột giòn trước khi cho vào chảo dầu chiên.
Để nấu lẩu mắm, lẩu thịt hoặc kiểu "le le ấp trứng" thì chỉ cần đập trứng bỏ vỏ, cho nguyên con vào nồi súp đang sôi là chúng ta sẽ có món ngon hảo hạng, ngay cả lẩu hải sản cũng phải chào thua.
Trứng lộn (hột vịt lộn) chiên giòn. (ảnh Phúc Lộc)
Gần đây, nhiều nhà hàng, quán ăn đã đưa các món le le ấp trứng (gà nấu với hột vịt lộn); lẩu hột vịt lộn; hột vịt lộn sốt me; hột vịt lộn chiên giòn vào bảng thực đơn...món nào cũng có đẳng cấp về khẩu vị và giá trị dinh dưỡng.
Món trứng lộn chiên giòn hay trứng lộn sốt me đều được chăm chút kỹ lưỡng từ phụ liệu đến phong cách trình bày. Đặc biệt món ăn này nhất định không thể thiếu rau răm, không thể thiếu hành, tỏi, tiêu, ớt, ngoài tác dụng kích thích vị giác, làm dậy mùi thơm ngon còn có tác dụng bảo quản thức ăn, hạn chế sự phát triển của vi sinh vật.
Ngẫm nghĩ ông bà mình xưa kia đã biết sử dụng thức ăn như một vị thuốc để điều chỉnh quân bình âm dương trong cơ thể. Thật đáng phục! Chẳng hạn như trứng lộn thuộc tính hàn (âm) thì lại ăn với rau răm thuộc loại nhiệt (dương) để cân bằng âm dương, tương ứng theo ngũ hành (hàn, nhiệt, lương, ôn, bình).
Điều thú vị là khi đưa miếng trứng vào miệng, người ăn sẽ cảm nhận ngay vị béo, bùi của trứng và vị cay chua mặn nồng của thức chấm. Món này không những ngon bằng miệng mà còn no bằng mắt. Dân sành điệu luôn coi món trứng lộn chiên giòn là món nhậu hết ý.
Đậm đà đĩa bánh bột lọc Trong kí ức của mỗi người, đều có một khoảng thời gian gợi cho mình bao nỗi nhớ riêng... Có nỗi nhớ để lại cho ta bao cũng bậc cảm xúc, xen lẫn niềm yêu đời. Có nỗi nhớ để lại cho ta bao nỗi rùng mình, sợ hãi như mỗi khi nhớ về cơn đại dịch Covid toàn cầu. Có người thích...