Lớp học đặc biệt chuẩn bị cho viện dã chiến 500 giường
Đúng 1h30, y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã ngồi sẵn trước màn hình máy tính, tham gia buổi tập huấn kỹ năng điều trị bệnh nhân Covid-19.
Gần một tuần qua, ngày nào, vào giờ này, khoảng 800 nhân viên y tế Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng ngồi trước máy để tập huấn trực tuyến kiến thức về Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện, cho biết những nhân viên này sẽ là lực lượng nòng cốt, tham gia điều trị tại Bệnh viện dã chiến 500 giường đang được gấp rút xây dựng để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch tại Hà Nội.
Là người có mặt khá sớm, bác sĩ Đỗ Ngọc Minh, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, nói anh luôn cố gắng thu xếp công việc dang dở để đúng giờ vào lớp. Bàn làm việc ngoài chiếc laptop còn là danh sách câu hỏi anh chuẩn bị để trao đổi trước khi vào bài.
“Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia buổi họp trực tuyến lên đến 800 người, ai cũng tự giác, một tuần trôi qua nhưng quân số không hề giảm. Ai cũng xác định học để làm và sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào”, bác sĩ Minh nói.
Mỗi buổi học gồm hai nội dung, do bác sĩ từng có kinh nghiệm chống dịch đứng lớp. Khi học, mọi người gửi câu hỏi qua phần tin nhắn để giảng viên đọc và trả lời. Tùy thuộc vào nội dung buổi học, bác sĩ cân nhắc thời gian cho phần lý thuyết và giải đáp phù hợp. Ví dụ, ở buổi học để phân loại, sàng lọc bệnh nhân thì có thể kéo dài một tiếng còn buổi học khó như thở oxy dòng cao, thở máy xâm nhập thì số lượng câu hỏi ít hơn, khoảng 30 phút trong tổng thời gian dạy.
“Đối với những bác sĩ không thuộc chuyên ngành hồi sức sẽ chú trọng kiến thức đơn giản trước để tham gia điều trị tầng thấp, còn bệnh nhân nặng và nguy kịch phải cần thêm nhiều thời gian để trau dồi”, bác sĩ nói.
Bác sĩ Minh nhớ như in diễn tiến của bệnh nhân nặng, được kể lại trong buổi học, hôm 2/8. Bệnh nhân nam, đang ngồi thở, SpO2 chỉ còn 62 đến 65% trong khi một người bình thường phải từ 95 đến 100%. Anh được giảng viên giải thích đây là trường hợp thiếu oxy tiềm ẩn, “nếu vận động gắng sức, bệnh nhân có thể đột tử mất bất cứ lúc nào”.
“Nếu là trước đây, anh em ngoài chuyên ngành hồi sức sẽ không ai để ý cách xử trí cho tình huống này. Giờ thì khác, tôi hiểu ra nếu mình không phân loại tốt, không theo dõi đủ, không biết bệnh nhân chuyển biến nặng thì có thể mất bệnh nhân bất cứ lúc nào”, bác sĩ Minh nói.
Video đang HOT
Ý thức được điều này, anh và các bác sĩ khác học thêm cách phân loại và hiểu thêm “với bệnh nhân Covid-19 không gì có thể xảy ra, có khi đang khỏe mạnh bất ngờ diễn biến nặng”. Việc chẩn đoán, phân loại đúng bệnh nhân là cách để giảm bớt gánh nặng cho nhân viên tuyến sau.
Trong đợt tập huấn này, bệnh viện huy động các bác sĩ ở tất cả chuyên ngành như nội, ngoại, da liễu, nam khoa… tham gia học. Nội dung buổi tập huấn là đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân Covid-19, hướng dẫn liệu pháp thở oxy cho người bệnh, thở oxy dòng cao, thở máy không xâm nhập, cách cài đặt máy thở ban đầu, lọc máu ở bệnh nhân Covid-19, liệu pháp chống đông ở người nhiễm nCoV… Thời gian tập huấn dự kiến kéo dài đến 6/8.
“Đại dịch giúp nhân viên y tế chúng tôi trưởng thành và rèn giũa bản thân. Tất cả đang nhìn về một hướng là chiến thắng đại dịch. Mà muốn thắng thì phải chăm chỉ học hành”, bác sĩ nói.
Đoàn chi viện từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ ngành y tế Phú Yên trong điều trị bệnh nhân nặng và đào tạo thêm nhân lực nâng cao tay nghề. Ảnh: Bác sĩ cung cấp.
Trực tiếp tham gia giảng dạy, bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, từng là trưởng đoàn chi viện Phú Yên, cũng lo lắng, hồi hộp. Anh được thông báo trước một tuần để kịp triển khai nội dung nhưng không rõ về số lượng người tham dự.
“Tôi tưởng đây là buổi trao đổi cho các bạn sinh viên trẻ, bác sĩ trẻ nhưng không ngờ còn có cả nhiều trưởng khoa, phó khoa, có người từng là thầy giáo của tôi khi còn học tại trường nên cảm xúc có chút choáng ngợp”, anh Nguyên nói. Song, bác sĩ bày tỏ niềm tự hào khi được mang kinh nghiệm và hiểu biết để trao đổi và chia sẻ.
Trước khi lên lớp, anh dành 3-5 ngày để chuẩn bị, xem đi xem lại nhiều lần, có khi đến sát giờ học vẫn ngồi sửa để dễ bài học dễ hiểu nhất. Anh quan niệm, mỗi lần nói là một lần học bởi “khi bạn giảng cho người khác thì người thu được kiến thức nhiều nhất chính là bạn”.
Bác sĩ Nguyên cho biết, đợt tập huấn tập trung vào vấn đề hồi sức gồm thở oxy và lọc máu trước, sau đó sẽ có buổi học về kiểm soát nhiễm khuẩn, nguy cơ lây nhiễm chéo và thực hành trước khi các y bác sĩ vào điều trị bệnh nhân Covid-19.
Buổi học có rất nhiều câu hỏi thú vị của “học viên” về máy đo oxy, trữ oxy, thở oxy tại nhà, điều trị tại nhà, dự trữ thuốc. Nhiều người muốn “thầy” dạy cách thở đúng nên anh trực tiếp hướng dẫn hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, chu môi để phế nang giãn nở hay liệt kê một số dấu hiệu trở nặng cho F0, F1 cách ly tại nhà.
Khi được hỏi có khó khăn khi hướng dẫn cho bác sĩ trái chuyên ngành, anh Nguyên nói “không”. Với anh, bác sĩ điều trị tốt là khi hiểu bệnh. Anh tự tin thông qua buổi tập huấn, gần 800 y bác sĩ đủ kiến thức và hành trang để điều trị người bệnh.
Cùng quan điểm, bác sĩ Minh nói, nhiều người tưởng rằng bệnh nhân Covid-19 với phẫu thuật ngoại khoa hay nội khoa không liên quan nhưng thực tế rất khác. Theo anh, một người đến cơ sở y tế với vai trò là người bệnh chứ không chỉ riêng một cái bệnh. Ví dụ, bệnh nhân khớp gối có thể kèm có tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc có Covid-19. Hoặc một bệnh nhân bị gãy xương từ vùng dịch tễ, từng tiếp xúc F0, có nguy cơ mắc Covid-19, “nhưng vẫn phải chữa gãy xương chứ không chỉ chữa Covid”. Việc hiểu về Covid-19 giúp bác sĩ tự bảo vệ mình, tránh nguy cơ lây nhiễm khi làm việc.
Bệnh viện dã chiến 500 giường đang gấp rút xây dựng tại Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Thành Huyền
Hôm 30/7, Bộ Y tế quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 – Y Hà Nội). Đây là tuyến cuối trong điều trị người bệnh Covid-19 ở thành phố, thực hiện chức năng của Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia.
Bệnh viện huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế, trong đó lực lượng nòng cốt là từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số bệnh viện do Bộ Y tế hỗ trợ. Do đó, bệnh viện đang gấp rút vừa xây dựng cơ sở mới vừa đào tạo nhân sự chi viện. Dự kiến cuối tháng 8/2021, bệnh viện này sẽ đi vào hoạt động.
“Mọi người đùa nhau là chỉ muốn học không muốn hành, song ai cũng xác định nhiệm vụ trước mắt là chung tay chống dịch để cùng vượt qua giai đoạn này”, bác sĩ Minh nói.
Lập Trung tâm ICU 500 giường tại Bệnh viện Đại học Y
Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chuẩn bị nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực, để thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) quy mô 500 giường.
Cục trưởng Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê chiều 24/7 yêu cầu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khẩn trương lập kế hoạch và triển khai thiết lập Trung tâm ICU.
Quyết định lập Trung tâm ICU tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nằm trong Đề án Tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ lập 5 Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực Covid-19 TP HCM (cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP HCM). Mỗi trung tâm 500-1.000 giường bệnh.
Ngoài ra, gần 30 bệnh viện cũng thành lập Trung tâm ICU của vùng, mỗi trung tâm 50-100 giường bệnh.
Dự kiến Bộ Y tế sẽ hỗ trợ các bệnh viện 12 loại trang thiết bị hồi sức tích cực để thiết lập các Trung tâm ICU gồm: giường ICU, hệ thống ECMO, máy thở chức năng cao, máy lọc máu liên tục, HFNC (máy oxy dòng cao), monitor 5 thông số, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, máy X-quang di động, máy siêu âm Doppler màu từ 3 đầu dò trở lên, máy đo khí máu, máy điện tim 6 kênh trở lên.
Theo Bộ Y tế, việc thiết lập các trung tâm hồi sức nhằm đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố gia tăng nhanh số lượng, tốc độ và phạm vi lan truyền dịch.
Mắc giang mai do quan hệ nhiều bạn tình Nam thanh niên, 39 tuổi, chưa vợ, đi khám nam khoa vì xuất hiện nốt lạ ở dương vật, được chẩn đoán mắc bệnh giang mai. Bác sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Trưởng khoa Nam học và Y học Giới tính, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, ngày 21/7, cho biết bệnh nhân được xét nghiệm và khám tổng quát các bệnh lý...