Lời kể của bố 2 anh em tử vong vì bệnh Whitmore
Gia đình nghi ngờ có thể vi khuẩn từ nguồn nước xâm nhập vào vết thương hở của cả ba đứa trẻ trong quá trình tắm rửa dẫn đến nhiễm khuẩn bệnh Whitmore.
Chỉ chưa đầy tám tháng, vợ chồng anh Trần Văn C. (32 tuổi) và chị Trần Thị Như Q. (27 tuổi, cùng trú thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã mất đi cả ba đứa con bảy tuổi, năm tuổi và một tuổi. Đau lòng hơn, hai trong số ba đứa trẻ tử vong vì căn bệnh Whitmore, đứa bé còn lại cũng trong diện nghi ngờ vì biểu hiện bệnh giống nhau nhưng chưa kịp xét nghiệm máu thì cháu đã ra đi.
Cả ba trẻ đều có vết thương hở trước bệnh
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, anh C. cho biết trước khi có biểu hiện bệnh, cả ba đứa con của anh đều có vết thương hở. Trường hợp đầu tiên là con gái đầu lòng của vợ chồng anh, cháu TQT, SN 2012, là học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Bắc Sơn C. Trước đó vài tháng, cháu T. bị ngã, phải khâu bốn mũi ở vùng cằm. Đến ngày 6-4, sau khi cùng gia đình đi chơi ở Sơn Tây về thì tối đó cháu T. bị sốt kèm đau bụng. Vợ chồng anh C. tưởng cháu bị say xe nên bôi dầu và cho ra phòng khám tư kiểm tra. Tuy nhiên, khi đó đang có dịch sốt virus nên vợ chồng anh nghĩ rằng con bị sốt virus và cho cháu đi truyền nước. Sau truyền nước thì cháu hạ sốt, tình trạng đỡ hơn. Thế nhưng đến sáng hôm sau cháu lại sốt cao nên gia đình quyết định đưa đi bệnh viện.
Sau một ngày điều trị tại BV đa khoa Sóc Sơn, cháu T. tiếp tục được chuyển đến Khoa cấp cứu của BV Xanh Pôn. Nhưng đến 7 giờ ngày 9-4 thì cháu T. tử vong với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết hoại tử đường ruột.
Trường hợp thứ hai là đứa con thứ hai, cháu TCV, năm tuổi. Sau vài tháng chị mất vì nhiễm khuẩn thì cháu V. cũng có biểu hiện sốt cao vào ngày 27-10. Trước đó tròn một tháng, cháu V. phải trải qua ca phẫu thuật mổ ruột thừa. Tại bệnh viện, các bác sĩ kiểm tra thì thấy vết mổ không nhiễm trùng, xét nghiệm máu không ra bệnh. Vì sốt không rõ nguyên nhân nên các bác sĩ chỉ điều trị sốt thông thường. Đến 21 giờ tối 31-10 thì cháu tử vong. Sau khi cháu qua đời thì BV có kết quả xét nghiệm máu cháu dương tính với vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore.
Đứa con út của vợ chồng anh C., cháu TQH, mới hơn một tuổi cũng có biểu hiện sốt cao 38,5 độ C. Lo lắng giống như trường hợp của hai đứa con trước, ngay trong đêm vợ chồng anh C. vội vàng bắt taxi đưa con đi BV Nhi Trung ương. Tại bệnh viện, các bác sĩ cũng biết bệnh sử của gia đình nên ngay lập tức cho đi xét nghiệm vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Kết quả xét nghiệm đầu tiên âm tính với vi khuẩn, đến khi lấy mẫu cấy lần hai và lần ba thì liên tiếp dương tính với vi khuẩn Burkholderiapseudomallei. Các bác sĩ vội vàng điều trị cho cháu H. với phác đồ nặng nhất nhưng cuối cùng cháu cũng không qua khỏi.
“Cả ba đứa con của tôi đều có vết thương hở. Một đứa bị tai nạn phải khâu bốn mũi, một đứa mổ ruột thừa, cháu bé nhất thì sau khi xảy ra chuyện với hai đứa con đầu, vợ chồng tôi đưa cháu đi lấy máu xét nghiệm kháng thể. Có thể chính mũi kim để lại trên da sau khi lấy máu đã nhiễm vi khuẩn trong quá trình các cháu tắm rửa” – anh C. nghi ngờ.
Hiện tại gia đình anh C. và các hộ dân khác tại xã Bắc Sơn và nhiều xã lân cận vẫn chưa được dùng nước sạch mà phải dùng nước giếng khoan bơm từ dưới lòng đất lên.
Video đang HOT
Giếng nước khoan mà gia đình anh C. nghi ngờ là nguồn lây vi khuẩn Whitmore cho các con qua vết thương hở. Ảnh: AH
Khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cho biết sau khi sự việc xảy ra, trung tâm đã phối hợp với Trạm Y tế xã Bắc Sơn và cộng tác viên y tế thôn tiến hành điều tra tại gia đình bệnh nhân và các hộ gia đình xung quanh. Cán bộ hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, đun sôi nước trước khi sử dụng, sử dụng đồ bảo hộ trong khi làm việc như mang ủng, đeo găng tay…, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất, tránh tiếp xúc ngoài trời với mưa lớn và mây bụi.
Cạnh đó, Trung tâm Y tế phân công cán bộ hằng ngày theo dõi tình hình các bệnh nhân đang điều trị, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc tại khu vực có bệnh nhân và báo cáo.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội, cho biết trung tâm này sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, các viện, cục để tiến hành điều tra kỹ lưỡng các yếu tố dịch tễ cũng như nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn, theo dõi sát tình hình diễn biến của bệnh để có khuyến cáo kịp thời cho người dân.
Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Cảm cũng khẳng định hiện chưa có bằng chứng bệnh Whitmore lây từ người sang người, chưa có bằng chứng các cháu lây bệnh cho nhau. Tuy nhiên, việc trong thời gian ngắn các cháu cùng bị bệnh, tại cùng địa điểm là điều đáng quan tâm.
Chưa phát hiện bất thường khu vực gần nhà các trẻ tử vong
Cơ quan chức năng địa phương đã và đang tiến hành điều tra tại các hộ gia đình xung quanh nhà bệnh nhân nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nghi mắc bệnh tương tự. Hiện nay điều tra ban đầu chưa có gì bất thường, đặc biệt.
Ông NGUYỄN NHẬT CẢM, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội
AN HIỀN
Theo PLO
Cảnh giác với vi khuẩn Whitmore lan rộng bất thường
Cục Y tế dự phòng cho biết, các bác sĩ cần cảnh giác với căn bệnh Whitmore, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện giống với bệnh.
Vi khuẩn Whitmore đang lan rộng
Thời gian gần đây, liên tiếp phát hiện ra nhiều ca bệnh Whitmore khiến người dân lo lắng. Mới đây, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 1 tháng có tới 4 bệnh nhân tử vong vì bệnh Whitmore, đến nay, đã có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh được phát hiện tại một số địa phương trong cả nước như: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Nguyên, Yên Bái.
Một bệnh nhân mắc bệnh Whitmore ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết, trực khuẩn Whitmore là một loại vi khuẩn gram âm, có thể tồn tại trong bùn, đất và lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Bệnh Whitmore có thể lây qua đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số địa phương.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, vi khuẩn Whitmore khi xâm nhập vào cơ thể, có thể ủ bệnh kéo dài trung bình từ 2- 21 ngày. Nguy hiểm của bệnh là khi khởi phát bệnh tiến triển rất nhanh, có thể tử vong chỉ sau 48 giờ nhập viện.
GS Kính cũng cho biết, bản chất của vi khuẩn Whitmore không gây ra dịch bệnh mà nó gây ra các ca bệnh tản phát nhưng dẫn tới những bệnh cảnh lâm sàng rất nặng như nhiễm trùng huyết, tổn thương tại chỗ và đặc biệt là tổn thương vào phổi.
"Virus này gây ra tổn thương ở phổi giống như là tụ cầu, hoặc bệnh lao khiến cho các bác sĩ nhầm lẫn về chẩn đoán. Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, với những người lao động có tiếp xúc với bùn đất, đặc biệt là người có vết thương ngoài da cần hết sức lưu ý vấn đề an toàn lao động"- GS Kính nêu rõ.
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng, việc phát hiện và chẩn đoán bệnh Whitmore phải dựa vào các yếu tố vi sinh vật học. Những năm qua, Việt Nam đã phát triển được bộ KIT để chẩn đoán bệnh Whitmore được tốt hơn, vì vậy đã phát hiện được nhiều ca bệnh hơn.
Tuy nhiên, quá trình điều trị cho bệnh nhân Whitmore hết sức khó khăn do phải sử dụng kháng sinh tấn công liều cao trong ít nhất khoảng 2 tuần và sau đó duy trì tiếp tục từ 3 đến 6 tháng. Các chuyên gia cho rằng, nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ, bệnh dễ tái phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bệnh nhân và có thể dẫn đến tử vong.
Đừng nghĩ căn bệnh đã bị "lãng quên" không có nguy cơ bùng phát trở lại
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, bệnh Whitmore không phải là bệnh hiếm, bệnh thường xuyên có mặt nhưng không gây ra dịch. Nước ta là nước nhiệt đới, sản xuất nông nghiệp nên người nông dân thường "chân lấm, tay bùn". Vi khuẩn Whitmore luôn có trong bùn đất, vì vậy những người nào không có miễn dịch đủ mạnh thì rất dễ mắc bệnh. mới có thể gây bệnh.
Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa tập trung từ tháng 7 đến tháng 11. Người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính có nguy cơ dễ mắc bệnh này với các biểu hiện lâm sàng đa dạng: sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi...
Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, Cục đang tiếp tục theo dõi thông tin về các ca bệnh Whitmore. Căn bệnh này chủ yếu liên quan đến vấn đề vệ sinh, đất, cát, do xây xước mà nhiễm phải. "Chúng tôi khuyến cáo người dân đề phòng, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt khi cơ thể có vết thương hở, trầy xước tránh để chỗ trầy xước tiếp xúc bùn đất. Khi có những biểu hiện viêm nhiễm phải đi khám để được điều trị kịp thời"- ông Đặng Quang Tấn cho biết.
Cũng theo ông Tấn, mặc dù bệnh Whitmore đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị "lãng quên". Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xuất hiện một số trường hợp mắc bệnh, thậm chí đã có những ca tử vong. Vì vậy, đây là một vấn đề bất thường, cần phải được chú ý.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm hiểu, nghiên cứu, đánh giá để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này. Hiện, bệnh Whitmore chưa có vaccine phòng bệnh, và cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, do đó, điều quan trọng là tập trung vào việc phát hiện ca bệnh và điều trị các ca bệnh theo đúng phác đồ. Ông Đặng Quang Tấn cũng cho rằng, các bác sĩ trong bệnh viện cũng cần cảnh giác với căn bệnh Whitmore, đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân có những biểu hiện giống với bệnh. "Chúng ta đừng nghĩ rằng căn bệnh đã bị "lãng quên", bệnh ít gặp thì không có nguy cơ bùng phát trở lại" - ông Tấn nói./.
Theo VOV
2 trẻ chết do bệnh Whitmore: Hà Nội điều tra kỹ các yếu tố dịch tễ Hai trường hợp trẻ tử vong cùng chung kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh Whitmore trong một gia đình tại Hà Nội bị bệnh cách nhau thời gian ngắn là điều đáng lưu tâm. Phó giáo sư Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: T.G/Vietnamplus) Một sự việc đau lòng vừa xảy ra trong...