Lo con mất gốc khi học online, phụ huynh chi tiền triệu mỗi tuần cho con học thêm
Lo lắng con bị hổng kiến thức khi học online, nhiều phụ huynh gấp rút tìm các lớp học thêm, mời gia sư dạy kèm cho con trong mùa dịch.
Chị Nguyễn Thanh Hiền (Hà Đông, Hà Nội) có 3 con nhỏ cho biết, ngoài các tiết trê học trực tuyến n lớp, hàng ngày chị đều dành thời gian để dạy thêm cho con gái đang học lớp 1. Riêng với 2 con đang học lớp 8 và lớp 10, chị Hiền phải mời giáo viên và gia sư đến tận nhà kèm thêm cho con. Học phí để mời cô giáo dạy riêng là 400.000 đồng/1,5 giờ, học phí học cùng gia sư là sinh viên khoảng 200.000 đồng/2 giờ, mỗi tuần học từ 3-4 buổi. Tính trung bình, mỗi tuần chị Hiền chi hơn 2 triệu đồng cho con học thêm để củng cố kiến thức.
“Việc học trực tuyến thời gian qua với các con thực sự chưa hiệu quả, thời gian học online kéo dài, nếu không có cách bổ trợ kiến thức thì con rất dễ bị mất gốc. Hơn nữa lớp 8 là năm quan trọng chuẩn bị cho lớp 9 và kỳ thi vào lớp 10, còn với lớp 10 lại là năm đầu tiên tại bậc THPT nên việc có một nền tảng vững chắc rất quan trọng. Tôi thực sự chưa yên tâm khi con chỉ học online theo chương trình trên lớp, có rất nhiều nội dung con không hiểu, bố mẹ lại không thể giảng. Nếu chương trình học online chính khóa đã đảm bảo, có lẽ phụ huynh cũng không muốn con phải vất vả học thêm, cha mẹ gánh thêm chi phí”, chị Hiền cho biết.
Ảnh minh họa.
Tương tự, chị Nguyễn Hoàng Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho hay, dù không muốn con học hành vất vả, song chị vẫn lựa chọn cho con học thêm mùa dịch bởi lo ngại con bị thiếu quá nhiều kiến thức khi học online kéo dài.
“Với những con không có ý thức tự học rất dễ sa đà vào mạng internet. Buổi chiều thường là thời gian con tự học, nhưng khi không có bố mẹ thì con không học, thậm chí nhiều bạn trong lớp còn rủ nhau không làm bài tập vì cô không có thời gian kiểm tra. Cuối tuần cô vẫn yêu cầu phụ huynh ký vào vở bài tập gửi cô kiểm tra nhưng thực tế cô giáo cũng không có thời gian kiểm tra hết các con. Nhiều khi bố mẹ xem bài vở mới phát hiện con không ghi bài hoặc không ghi chép đầy đủ. Nhiều phụ huynh trong lớp bởi vậy đã đề nghị cho các con được học thêm 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh. Phụ huynh thực sự lo lắng rằng khi trở lại học chính khoá con sẽ bị hổng kiến thức”, chị Thanh nói.
Còn theo chị Nguyễn Thị Hiền (Long Biên, Hà Nội), trong thời gian dịch bệnh, giáo viên chủ nhiệm có đề xuất cho các con học thêm online dựa trên tinh thần tự nguyện. Chị Hiền là một trong số nhiều phụ huynh đồng ý cho con học thêm online. “Biết chắc học online không hiệu quả, nhưng hiện nay các con vẫn học trực tuyến, bố mẹ vẫn phải đi làm nên việc con chơi game, vào mạng internet tự do rất khó kiểm soát. Nếu con học thêm sẽ bớt được thời gian chơi game”.
Học thêm đừng vì thành tích, phải xuất phát từ nhu cầu của trẻ
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, học thêm cần xuất phát từ nhu cầu của mỗi học sinh và khả năng đáp ứng của mỗi gia đình. Việc học thêm hiệu quả là khi hoạt động đó mang lại giá trị cho trẻ, bố mẹ phải hiểu được nhu cầu và khả năng của con từ đó tìm được chương trình học phù hợp. Việc học thêm hoàn toàn chính đáng khi học sinh và phụ huynh ở thế chủ động.
“Học thêm cần có sự lựa chọn tinh tế để đạt được hiệu quả. Chương trình học, điều kiện học, tất cả đều phải hướng đến sự phát triển năng lực của con, các con phải tự học, ham học chứ không phải học một cách cưỡng ép, nhồi nhét, để lấy thành tích. Đặc biệt việc học thêm cũng cần cân nhắc đến sức khỏe. Không ít cha mẹ vì mong muốn con có thành tích cao mà bắt học thêm quá nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Video đang HOT
Chuyên gia này cũng cho rằng, chuyện cấm dạy thêm học thêm đã được ngành giáo dục nói đến từ nhiều năm nay, tuy nhiên rất khó cấm tuyệt đối dạy thêm học thêm, bởi thực tế nhiều phụ huynh, học sinh vẫn có nhu cầu. Hơn nữa, khi hướng đến mục tiêu giáo dục suốt đời, mọi dịch vụ giáo dục cũng sẽ được sinh ra để đáp ứng nhu cầu xã hội. Về công tác quản lý, để hạn chế tiêu cực, cần phân biệt rõ việc giáo viên dạy thêm những kiến thức đáng ra học sinh đã được học trong hệ thống giáo dục quốc dân và việc học thêm dựa trên mong muốn thực sự của từng em.
Đặc biệt, cũng cần xác định rõ để không bị đánh tráo giữa 2 khái niệm trên khiến các em phải học thêm dưới mác tự nguyện một cách vô tội vạ và không được hưởng những gì đáng ra được học trong nhà trường.
“Nhu cầu của mỗi học sinh rất đa dạng, bởi vậy hãy quan tâm đến thực tế nhu cầu của các em, khả năng đáp ứng của mỗi em và gia đình để tìm những chương trình giáo dục phù hợp vì sự phát triển năng lực của trẻ”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói.
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, một số đại biểu Quốc hội cho biết, dù Bộ GD-ĐT đã nghiêm cấm việc dạy thêm, học thêm trong mùa dịch, nhưng thực tế vẫn xuất hiện các lớp dạy thêm trực tuyến. Thậm chí học sinh bị ép học thêm.
Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng cần nhìn nhận khách quan nguyên nhân của việc dạy thêm, học thêm, ý nghĩa của việc dạy thêm, học thêm để có cách ứng xử phù hợp với vấn đề này, không chỉ đơn giản không quản được thì cấm.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đồng quan điểm cho rằng, việc học thêm và dạy thêm phải xuất phát từ chính nhu cầu của học sinh, phụ huynh, dựa trên năng lực của từng em.
“Việc dạy thêm nếu xuất phát từ nhu cầu của người học, có em muốn học thêm vẽ, học thêm nhạc, học thêm tiếng Anh… thầy dạy dựa trên mong muốn của các em là điều chính đáng. Học thêm không chính đáng cần dẹp bỏ là khi chương trình chính khóa cơ bản đã đủ kiến thức, nhưng giáo viên vẫn ép, gợi ý cho học sinh học thêm vì mục đích kinh tế. Thậm chí có những nơi việc ép học sinh học thêm vẫn núp dưới mác tự nguyện, nhà trường cho phụ huynh ký vào đơn đồng ý xin học thêm để né việc xử lý của cơ quan chức năng”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, việc học thêm dạy thêm ngày càng nhiều có nguyên nhân chính xuất phát từ chính mong muốn của cha mẹ, nhiều bậc phụ huynh vì muốn con đỗ đạt nên đăng ký học thêm hết lớp này đến lớp kia. Nhiều khi chính cha mẹ cũng chưa nhận thức được đầy đủ con đang cần những kiến thức, kỹ năng gì. Bên cạnh đó, vấn đề lương thưởng của nhà giáo hiện nay còn quá thấp, khiến nhiều người buộc phải dạy thêm để có thu nhập.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, muốn hạn chế tình trạng học thêm, dạy thêm phụ thuộc rất lớn vào đạo đức của người thầy, giáo viên phải vì học sinh thân yêu, dạy học với mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục. Các bậc phụ huynh cũng cần nhận thức đúng đắn về năng lực và nhu cầu của chính con em mình./.
Cha mẹ chật vật chuẩn bị cho con học online lớp 1
Trước buổi học đầu tiên của học sinh lớp 1, nhiều phụ huynh lo lắng rằng các em không tiếp thu được kiến thức vì phải học online.
Thời điểm này, nhiều học sinh (HS) lớp 1 tại TP.HCM bắt đầu làm quen với lớp học online. Để các em học tốt trong học kỳ đầu tiên, nhiều phụ huynh đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng học cùng con.
Lo lắng con không theo kịp chương trình
Chị Nguyễn Thị Mỹ, 29 tuổi, có con học lớp 1 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp). Chị cho biết sau khi trường thực hiện khảo sát về việc có hay không cho con học online, phụ huynh đa phần đều đồng ý. Tuy nhiên, chị cho rằng học online đối với HS lớp 1 chỉ ở mức độ làm quen, không đạt hiệu quả cao.
Trước đó, chị cũng đã cho con xem video dạy lớp 1 trên mạng. Chị cho biết bé đã nắm mặt chữ và cầm bút đúng cách. Chị kể: "Thời gian đầu bé thích học lắm. Cô giáo hỏi là dạ, vâng vui lắm. Nhưng được mấy lần không có ai đáp lại nên bé chán rồi".
Chị lo lắng gia đình không thể đưa con đi vào nề nếp như ở lớp học. Vì con không ngồi yên một chỗ được lâu, bắt buộc phải có người kèm ngay bên cạnh. "Tuổi của con chủ yếu là thấy các bạn làm và sẽ làm theo. Nhưng học trực tuyến không có các bạn tương tác cùng nên việc làm bài tập chỉ làm được một, hai lần đầu, về sau tôi lo con sẽ không theo được" - chị trải lòng.
Nguyễn Phương Lam, 22 tuổi, cũng có cháu là HS lớp 1 Trường Tiểu học Tân Nhựt (huyện Bình Chánh). Lam cho biết gia đình dự định mua laptop để tiện cho việc học của cháu. Nhưng TP đang thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" nên Lam vẫn chưa mua được những dụng cụ cần thiết cho cháu. Trước mắt, cháu sẽ học bằng điện thoại. Khi tình hình dịch ổn, Lam sẽ bổ sung những cái cần thiết.
Cũng giống chị Mỹ, Lam lo lắng cháu khó tập trung và khó tiếp thu được kiến thức khi học trực tuyến. Lam nói thêm: "Nếu bé học online thì phải có sự hỗ trợ của phụ huynh mà tôi thì đang làm việc tại nhà, cha mẹ cháu thì đang "ba tại chỗ" trong công ty. Sắp tới tôi sẽ hỗ trợ việc học của cháu nên cũng sợ ảnh hưởng đến chất lượng công việc".
Chị Lê Thị Tình, 32 tuổi, có con học tại Trường Tiểu học An Hạ (huyện Bình Chánh), có cùng nỗi lo giống chị Mỹ và Lam. Chị cho biết mình không đồng tình với việc cho HS lớp 1 học trực tuyến. Chị lo lắng con còn quá nhỏ để tập trung vào việc học trên máy vi tính.
"Học online thì giáo viên (GV) không kiểm tra chi tiết được nét chữ đúng ô ly cho HS. Các con sẽ sai dần mà không thể sửa kịp thời. Nếu cho tôi lựa chọn, tôi thà cho con học trễ vài tháng. Khi TP ổn định, các con đến trường, có thể là không nghỉ hè cũng được" - chị Tình khẳng định.
Được chuẩn bị kỹ về tâm lý, các con sẽ thoải mái hòa nhập cùng thầy cô và các bạn trong lớp học online. Ảnh: LÂM THÔNG
Cha mẹ học cùng con
Trước khi con vào lớp 1, chị Tình đã dạy trước chữ cái và số cho con. Bé có thể đọc bảng chữ cái và làm những phép toán đơn giản (cộng, trừ tới số 20). Chị cho rằng chương trình mới đòi hỏi con phải có kiến thức trước khi vào lớp 1. Vì vậy, chị cho con làm quen trước với chữ và số để con không bị áp lực.
Trong buổi gặp mặt đầu tiên, cô giáo có gửi video hướng dẫn viết chữ để bé làm quen với việc viết. Chị cho biết con rất thích và đã làm theo video hướng dẫn của cô. Chị mong rằng khi học chính thức, con cũng phát huy tinh thần đó.
"Con học thì cha mẹ học theo. Hiện giờ tôi cũng không bận việc nên không gặp khó khăn trong việc học cùng con" - chị nói. Khi TP hết giãn cách, vợ chồng chị sẽ đi làm trở lại. Lúc đó, hai con của chị đều có thể tự học online với cô giáo. Với bài tập cô giáo giao cho bé, sau khi đi làm về, chị sẽ kiểm tra và chụp ảnh gửi cho cô.
Chị Mỹ cũng nói vợ chồng chị sẽ kèm con trong suốt thời gian học online và làm bài tập. Chị cười: "Bằng mọi biện pháp, từ dụ dỗ, nhẹ nhàng đến nghiêm khắc để con dần dần học theo khung giờ của nhà trường. Có thể sẽ đưa ra một số điều kiện như bánh kẹo hoặc xem phim hoạt hình để con đồng ý. Chứ phụ huynh không có kỹ năng sư phạm để bé tự giác giống cô giáo được".
Nói về việc học trực tuyến cho HS lớp 1, Lam cho rằng với tình hình dịch bệnh thì đây là cách tốt nhất để HS theo kịp chương trình đào tạo. "Phụ huynh cũng không yên tâm cho con mình đến trường ngay. Trẻ con thì không được tiêm vaccine như người lớn. Học online đảm bảo an toàn cho bé và có thể giúp trẻ tiếp thu với công nghệ sớm hơn" - Phương Lam nói.
Không nên quá căng thẳng, ảnh hưởng tâm lý học tập đầu đời của trẻ
Việc học từ xa, trực tuyến nhằm duy trì việc học của trẻ, không chỉ về kiến thức, kỹ năng mà còn là thói quen học tập, sự tương tác xã hội với thầy cô, bạn bè, do đó phụ huynh nên ủng hộ và hỗ trợ việc học trực tuyến, học tập từ xa của con.
Thói quen và nề nếp học tập rất quan trọng. Phụ huynh nên yêu cầu con đi ngủ đúng giờ (trẻ lớp 1 nên ngủ trước 9 giờ tối, đủ 10 tiếng/ngày) để buổi sáng thức dậy thật sảng khoái. Trẻ cần được ăn sáng đủ, vệ sinh, thay đồ và ngồi vào bàn học ngay ngắn, sẵn sàng cho việc học. Nếu trẻ không có giờ học trực tuyến gặp GV thì buổi sáng vẫn nên dậy đúng giờ như thường lệ và ngồi vào bàn học 30 phút với các nhiệm vụ GV giao trước. Phụ huynh cũng lưu ý rằng trách nhiệm giảng dạy chuyên môn vẫn là GV, do đó nếu lúng túng về nội dung học thuật, phụ huynh nên liên hệ với GV để được trợ giúp.
Trách nhiệm chính của phụ huynh là tạo không gian, thời gian thuận lợi, cung cấp thiết bị (nếu không có, hãy báo với nhà trường để nhận được sự hỗ trợ), động viên, khuyến khích và giám sát con duy trì việc học đều đặn.
Hiện các sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT đang xây dựng rất nhiều tư liệu bài dạy và cung cấp miễn phí qua truyền hình, phát lại trên kênh YouTube. Do đó nếu đường truyền yếu lúc này, chúng ta có thể học lại lúc khác. Phụ huynh không nên quá căng thẳng mà ảnh hưởng tâm lý học tập đầu đời của trẻ.
TS giáo dục học NGUYỄN THỊ THU HUYỀN
Chia sẻ "bí kíp" con học tại nhà, phụ huynh nhận nhiều giải thưởng giá trị Chia sẻ những khoảnh khắc con vui học tại nhà, các phụ huynh có cơ hội nhận nhiều giải thưởng hấp dẫn với tổng giá trị đến 100 triệu đồng. Cuộc thi gắn kết dành cho phụ huynh với chủ đề "Con vui học - Bố mẹ đồng hành" dành cho các phụ huynh có con đang là học sinh tiểu học và...