Liên kết trong tuyển sinh: Đôi bên cùng lợi
Thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD đại học, năm 2021, các cơ sở GD ĐH đã phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh với nhiều phương thức; trong đó có việc liên kết, hợp tác giữa các trường.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Ảnh: Sỹ Điền
Tạo nên sức mạnh chung
Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ trương của Bộ GD&ĐT trong giai đoạn 2021 – 2025, cơ bản giữ ổn định công tác tuyển sinh, tạo thuận lợi cho thí sinh và giáo viên dạy và học. Bộ cũng giao quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh cho các trường. Năm 2021, vẫn có kỳ thi THPT, các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để tuyển sinh, đồng thời đưa thêm tiêu chí về kết quả học bạ.
Khoảng 2 năm trước, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có định hướng xây dựng bài kiểm tra tư duy. Năm 2020, bài thi được tổ chức và có mã A19, A20. “Chúng tôi rất sẵn lòng và mong muốn 7 trường trong nhóm kỹ thuật sử dụng chung kết quả của bài thi để tuyển sinh, tiến tới có thể mở rộng ra các trường khác, nhất là trường có khối ngành khoa học kỹ thuật. Điều này phù hợp với nhu cầu lựa chọn của thí sinh có thiên hướng về khối ngành này” – PGS Huỳnh Quyết Thắng cho hay.
Tán thành với chủ trương giữ ổn định trong công tác tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025, PGS.TS Đoàn Quang Vinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng: Các trường ở phía Bắc có nhóm tuyển sinh chung, chia sẻ công tác tuyển sinh khi xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. Với nhóm trường phía Nam, cũng có liên kết trên 70 trường để cùng tham gia lọc ảo.
Riêng Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, bên cạnh xét tuyển từ nguồn thi THPT, tham gia lọc ảo chung của nhóm trường phía Nam, nhà trường có thêm phương án xét tuyển từ kết quả kỳ thi thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức. Đây cũng là phương thức tuyển sinh nằm trong nội dung mà nhóm 7 trường kỹ thuật vừa ký kết thỏa thuận hợp tác.
Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh, trong nhóm 7 trường kỹ thuật, mỗi trường có thế mạnh khác nhau. Việc hợp tác trong tuyển sinh đào tạo đã, đang và sẽ tạo nên sức mạnh chung. Chúng ta có thể sử dụng chung nguồn lực cả về tài liệu học tập, trang thiết bị cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên; nhất là trong thời kỳ giáo dục đại học Việt Nam chuyển mạnh sang số hóa. “Sử dụng chung nguồn tài nguyên (cơ sở vật chất, con người, bài giảng) là quan trọng và thuận lợi.
Video đang HOT
Trước đây, giảng viên phải đến dạy trực tiếp, bây giờ có thể qua hệ thống online. Chúng tôi đã triển khai rất hiệu quả dạy, học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Chúng tôi tin tưởng, sự hợp tác giữa các trường góp phần triển khai tốt chuyển đổi số, phục vụ đắc lực cho công tác tuyển sinh, đào tạo” – PGS.TS Đoàn Quang Vinh nhấn mạnh.
Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2020. Ảnh: Sỹ Điền
Khuyến khích hình thức liên kết
PGS.TS Mai Thanh Phong – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: Mục tiêu của các trường khi hợp tác trong công tác tuyển sinh là tuyển đúng đối tượng. Tức là bảo đảm tiêu chí về chất lượng của nhà trường. Hiện tại, các trường đều có nhiều phương thức tuyển sinh. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có 5 phương thức tuyển sinh. Tuy nhiên, chủ đạo vẫn là hai hình thức: Dựa vào kết quả Kỳ thi THPT và thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Cũng theo PGS.TS Mai Thanh Phong, phương thức tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường. Kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh thiết kế và tổ chức, thí sinh ở bất cứ đâu đều có quyền tham gia. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước đều có quyền lấy kết quả đó để xét tuyển. “Bất cứ kỳ thi đánh giá năng lực nào, nếu phù hợp với tiêu chí của cơ sở giáo dục đại học, chẳng hạn như Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chúng tôi sẵn sàng sử dụng kết quả đó để tuyển sinh” – PGS.TS Mai Thanh Phong cho hay.
Tại Hội nghị trực tuyến Giáo dục đại học do Bộ GD&ĐT tổ chức, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tới đây, Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ được tích hợp từng bước vào Cổng dịch vụ công quốc gia, tăng cường tiếp cận và tương tác với thí sinh trong cả nước. Nhằm tăng vai trò tự chủ và trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, với trường có yêu cầu bài thi riêng để đánh giá năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT khuyến khích hình thức liên kết tổ chức thi theo nhóm trường, đồng thời chuẩn bị điều kiện tiến tới thành lập trung tâm khảo thí độc lập.
Bộ cũng khuyến khích các trường tham gia xét tuyển và lọc ảo chung, tích hợp phương thức tuyển sinh khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký nguyện vọng theo nhiều phương thức tuyển sinh, đồng thời giảm tỉ lệ ảo khi sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau.
Mới đây, nhóm 7 trường ĐH kỹ thuật gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), ĐH Giao thông vận tải, ĐH Mỏ – Địa chất, ĐH Thủy lợi, ĐH Xây dựng đã ký kết biên bản hợp tác toàn diện, trong đó có công tác tuyển sinh. Theo đó, 7 trường sẽ phối hợp, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm triển khai công tác tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp và xây dựng nhóm tuyển sinh, sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, tiến tới cùng phối hợp tổ chức.
Nhiều sinh viên "rời" ĐH Bách Khoa do điều kiện học bạ: Mong cách giải quyết thấu tình đạt lý
Nhiều phụ huynh rất hoang mang khi con em mình hiện rơi vào trường hợp học được hơn một tuần ở ĐH Bách Khoa Hà Nội thì bị nhà trường "gạt bỏ" vì lý do không đủ điều kiện "học bạ" theo quy chế tuyển sinh mới.
Sự cố đáng tiếc với nhiều "tân sinh viên"
Chiều 28-10, các phụ huynh có con em rơi vào tình cảnh ngồi học được 1 tuần thì bị nhà trường thông báo trượt cho biết, gia đình họ vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào của nhà trường về hướng xử lý đối với trường hợp con em họ bị "gạt bỏ" nên hiện khá hoang mang.
Trao đổi với báo chí ngày 24-10, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội thừa nhận, một sự việc có phần đáng tiếc đang xảy ra tại trường khi có khoảng 40 sinh viên sau khi được nhà trường thông báo trúng tuyển, nhập học được 1 tuần thì bộ phận tuyển sinh qua rà soát và phát hiện ra các em không đủ điều kiện về xét tuyển học bạ 5 kỳ học bậc THPT của thí sinh khi đến làm thủ tục nhập học.
Về sự cố đáng tiếc với 40 sinh viên "trượt điều kiện học bạ", PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, quan điểm của nhà trường là tạo điều kiện tốt nhất cho các em theo phương châm, không một ai bị bỏ lại phía sau.
Cụ thể, điều kiện sơ tuyển học bạ với xét thi tốt nghiệp THPT và tham dự bài kiểm tra tư duy năm 2020 là: Điểm trung bình 6 học kỳ mỗi môn học THPT trong tổ hợp sơ tuyển đạt từ 7,0 trở lên (đối với thí sinh tốt nghiệp năm 2020 chỉ tính 5 học kỳ tới hết học kỳ 1 lớp 12, điểm các kỳ có thể bù trừ cho nhau nhưng trung bình chung phải đạt từ 7,0 trở lên).
Tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển cần phải trên 21,00 điểm. Nếu em nào có một trong ba môn Toán, Vật lí, Hóa học có điểm trung bình của 5 học kỳ đạt 6,98 điểm, tức dưới 7,0 thì vẫn là không đủ điều kiện và bị trượt.
"Về phương hướng giải quyết, ĐH Bách khoa Hà Nội đã làm báo cáo trình Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT để tạo điều kiện tốt nhất cho các em theo phương châm 'không một ai bị bỏ lại phía sau'. Nếu các em không đỗ nguyện vọng vào ĐH Bách khoa thì sẽ được xét đỗ ở các nguyện vọng tiếp theo phía sau", PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho biết.
Mong giải quyết thấu tình đạt lý
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ GD&ĐT cho hay, Bộ đã có công văn gửi các trường, trong đó có ĐH Bách khoa Hà Nội về hướng dẫn, tạo điều kiện để các thí sinh bị trượt nguyện vọng 1 do thiếu điều kiện đầu vào (điểm học bạ THPT) đỗ vào các nguyện vọng sau. Các trường mà thí sinh đăng ký nguyện vọng sau phải tạo điều kiện để tiếp nhận các em, cho dù có vượt quá 1 vài chỉ tiêu theo đề án TS trước đó.
Tuy nhiên, có một thực tế mà gia đình các sinh viên nằm trong số 40 trường hợp "trượt điều kiện học bạ" nói trên, rất băn khoăn cho rằng, cách xét điều kiện học bạ theo quy chế mới có phần "hà khắc" mà có thể bỏ lọt những học sinh có tố chất tiến bộ.
Ví dụ: Xét học bạ 5 học kỳ của thí sinh Nguyễn Văn A thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội theo khối (Toán, Vật lí, Hóa học). Môn Toán: Trung bình của 5 học kỳ là 7,5; Môn Vật lí: Trung bình của 5 học kỳ là 7,2; Môn Hoá học: Trung bình của 5 học kỳ là 6,9. Nếu theo quy chế mới năm 2020 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh này sẽ trượt vì điểm trung bình 5 học kỳ của môn Hóa học là 6,9 thấp hơn 7,0 (phải 7,0 mới đạt).
Nhưng nếu tính theo quy chế của năm 2019 thì thí sinh này sẽ đỗ vào trường, công thức tính như sau: (Toán Lý Hoá) chia cho 3 nếu cho kết quả 7,0 thì đạt. Cụ thể trường hợp này sẽ là 7,5 7,2 6,9) chia cho 3 = 7,2 đạt yêu cầu. Thực tế có những cháu học sinh có tố chất, nhưng trong quá trình học phổ thông có một giai đoạn học hành chểnh mảng dẫn đến một môn học kết quả kém đôi chút, nhưng sau đó được sự khuyên nhủ của bố mẹ, thầy cô em tập trung học hành, kết quả tiến bộ rõ rệt. Nay chỉ vì điều kiện "học bạ" mà đánh trượt các em này, thì không cho thấy được quá trình nỗ lực và cầu tiến của các em.
"Đó là chưa kể, có em tự tin vào khả năng của mình, nên chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng vào trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, nay bị "gạt ra" thì các trường khác cũng không có cơ sở xét tuyển vì các em này không đăng ký các nguyện vọng tiếp theo, như vậy tương lai của các em sẽ chững lại, đó là điều rất đáng tiếc", một phụ huynh băn khoăn.
Mặt khác, đối với trường hợp các em khác, khi bị buộc phải rời trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau khi học được 1 tuần cũng có phần lỗi sơ xuất của nhà trường, vì trước đó đã thông báo các em trúng tuyển. Gia đình các em đã động viên tổ chức cho con em nhập trường học tập, tốn kém kinh phí thời gian đi lại làm các thủ tục hồ sơ, đóng học phí, thuê nhà trọ, mua tài liệu học tập... nay rơi vào tình cảnh này cũng rất buồn tủi. Phải chuyển sang học trường khác, đồng nghĩa sẽ phải "lặp lại" việc tốn kém kinh phí thời gian đi lại làm thủ tục hồ sơ.
Nếu các gia đình ở gần trường còn đỡ, chứ nếu ở các địa phương xa xôi như miền Trung thì rất vất vả, đặc biệt trong thời điểm thiên tai bão lụt đang diễn biến phức tạp. Thế nên, các phụ huynh rất mong nhà trường có thể xem xét cho các em một cơ hội, và tạo điều kiện tốt nhất cho các em yên tâm học tập ở ngôi trường mơ ước của mình.
Nếu buộc ngày đến trường 8 tiếng, giáo viên dạy qua loa thì làm thế nào? Quản lý giáo viên bằng giờ hành chính nhưng lên lớp thầy cô chỉ dạy lớt phớt sẽ thế nào đây? Quản lý bằng chất lượng học sinh chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Câu chuyện nên quy định giáo viên làm giờ hành chính (8 tiếng/ngày) ở trường học đang thu hút sự tranh luận sôi nổi của giáo viên....