Lạm phát giá thực phẩm ‘nút chặn dưới’ của lãi suất tại châu Á
Đà tăng giá thực phẩm ở châu Á đang đẩy lùi triển vọng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương trong khu vực này.
Nông dân tách vỏ trấu khỏi hạt gạo ở ngoại ô thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN
Triển vọng giá thực phẩm leo thang
Ngoại trừ Trung Quốc, nơi giá thịt lợn giảm mạnh đã kéo giá thực phẩm nhìn chung đi xuống, giá thực phẩm ở châu Á đã tăng 7,3% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 4,8% trong tháng Sáu và gần mức đỉnh 7,4% ghi nhận hồi tháng Chín năm ngoái.
Ấn Độ đóng vai trò lớn trong sự gia tăng này. Mùa mưa gió mùa đến muộn và không đồng đều đã tác động tiêu cực đến sản lượng vụ mùa và đẩy lạm phát thực phẩm theo năm lên đến 10,6%.
Đà tăng giá thực phẩm còn tăng tốc mạnh mẽ ở Nhật Bản và “neo” ở các mức cao tại Singapore và Philippines. Trong khi đó, đà tăng giá ở Indonesia và Thái Lan lại giảm tốc nhờ nguồn cung ổn định hơn, quản lý hoạt động phân phối thực phẩm tốt hơn và theo dõi giá cả sát sao hơn. Nhưng còn chưa rõ liệu những hiệu ứng này có thể kéo dài hay không.
Nhìn chung, giá thực phẩm vẫn có nguy cơ tiếp tục leo dốc. Hiện tượng thời tiết El Nino, có thể dẫn đến hạn hán và mất mùa ở Nam Á và Đông Nam Á, xảy ra đồng thời với sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và quyết định hạn chế xuất khẩu gạo và hành tây của Ấn Độ.
Video đang HOT
Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu trên toàn thế giới và lệnh cấm xuất khẩu một số loại gạo của nước này đã giáng một đòn lên các nước nhập khẩu như Philippines và Indonesia vốn đang tìm cách tăng cường mua gạo để tránh khả năng thiếu hụt nguồn cung. Sau động thái này của Ấn Độ, chỉ số giá gạo của Hội đồng ngũ cốc quốc tế đã chạm mức cao nhất kể từ năm 2008, trong khi giá các loại ngũ cốc khác và giá các loại hạt lấy dầu đã cắt đứt đà giảm.
Bên cạnh đó, triển vọng giá thực phẩm leo thang hơn nữa còn được củng cố bởi những đồn đoán về khả năng các nước xuất khẩu thực phẩm sẽ ban hành thêm nhiều biện pháp hạn chế nữa, trong khi các nước nhập khẩu sẽ tăng cường đặt hàng để đề phòng trường hợp thiếu hụt nguồn cung.
Một quầy bán gạo tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Chính sách tiền tệ không phải là công cụ hữu hiệu nhất
Giá thực phẩm tăng cao sẽ đặt ra một vấn đề với hầu hết các nền kinh tế châu Á. Gạo là loại ngũ cốc chủ đạo đối với người dân châu Á, và giá gạo ổn định trong năm ngoái đã giúp khu vực này chống chịu tác động từ sự gia tăng trong giá lúa mỳ và các loại thực phẩm nhất định khác tốt hơn so các khu vực khác. Nhưng giờ đây, gạo lại đang trên đà tăng giá.
Các nước nhập khẩu ròng thực phẩm, trong đó có tất cả các nền kinh tế phát triển ở châu Á và Philippines, sẽ chịu nguy cơ cao hơn. Nhưng kể cả các nước xuất khẩu thực phẩm ròng như Indonesia và Thái Lan cũng không miễn nhiễm hoàn toàn, vì các nước này vẫn phụ thuộc nặng nề vào việc nhập khẩu lúa mỳ, đậu tương và các mặt hàng thực phẩm khác cũng có khả năng tăng giá nếu việc vận chuyển qua Biển Đen vẫn không đảm bảo. Sản lượng vụ mùa của các nước này cũng có thể chịu ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino. Thái Lan cho biết nước này có thể giảm trồng lúa trong năm nay để tiết kiệm nước.
Các ngân hàng trung ương ở châu Á chắc chắn đang theo dõi các nguy cơ lạm phát kể cả khi đã dừng tăng lãi suất. Thực phẩm chiếm 27% chỉ số giá tiêu dùng chung của châu Á, và tỷ lệ này ở từng quốc gia giao động từ 14% với Hàn Quốc đến 46% với Ấn Độ. Tỷ trọng cao như vậy đồng nghĩa với việc những thay đổi trong giá thực phẩm ở châu Á có thể ảnh hưởng lớn đến lạm phát.
Trong khi đó, các đồng tiền suy yếu và giá dầu thô gia tăng cũng làm dấy lên những lo ngại về lạm phát giá hàng nhập khẩu. Giá dầu Brent Biển Bắc đã quay lại mức trên 80 USD/thùng sau khi giảm xuống mức thấp 71,60 USD/thùng trong tháng Sáu.
Dù tác động trực tiếp của giá dầu đến lạm phát nhỏ hơn nhiều so với ảnh hưởng của giá thực phẩm, nhưng nó có thể tạo hiệu ứng lan tỏa đảng kể đối với các mặt hàng khác trong giỏ mua sắp của người tiêu dùng. Giá dầu tăng sẽ làm tăng chi phí đầu vào nông nghiệp và khiến cho thực phẩm đắt đỏ hơn. Liên hợp quốc cho rằng giá dầu thô toàn cầu là một yếu tố góp phần khiến giá dầu thực vật tăng đến 12,1% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái.
Chung quy lại, các điều kiện này sẽ khiến các ngân hàng trung ương ở châu Á khó có thể “nối gót” các ngân hàng trung ương ở phương Tây và đồng loạt hạ lãi suất trong năm nay. Trên thực tế, một số ít nước còn có thể phải tiếp tục nâng lãi suất trước những áp lực mới về giá cả, sau khi đã lao đao với sự leo thang của lạm phát trong năm ngoái.
Dưới thời của tân Thống đốc Eli Remolona, Ngân hàng trung ương Philippines đã quay lại với lập trường thiên về ủng hộ tăng lãi suất và có khả năng sẽ nâng lãi suất thêm ít nhất hai lần nữa trong năm nay. Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa. Còn các ngân hàng trung ương khác trong khu vực có thể phải đến năm 2024 với có thể hạ lãi suất.
Điều này là hợp lý, vì chính sách tiền tệ không phải là công cụ hữu hiệu nhất để giải quyết tình trạng lạm phát thực phẩm. Giải pháp tốt hơn đến từ việc tăng cường nguồn cung, và chính sách tài khóa vẫn nên là “vũ khí tự vệ” đầu tiên của châu Á trước sự gia tăng của giá thực phẩm.
ECB cảnh báo chuyển biến trong nền kinh tế toàn cầu làm tăng nguy cơ lạm phát
Ngày 25/8, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bà Christine Lagarde nhận định những thay đổi sâu sắc trong cách thức vận hành của nền kinh tế toàn cầu, từ chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đến quá trình chuyển đổi năng lượng, có thể làm tăng nguy cơ lạm phát và sức ép giá cả dai dẳng hơn.
Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Christine Lagarde . Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch ECB đưa ra ý kiến trên trong bối cảnh đa số các nước phát triển phải ứng phó với tình trạng giá cả tăng cao kỷ lục trong 2 năm qua và sức ép lạm phát dai dẳng hơn dự đoán ban đầu của các chuyên gia. Từ thực tế mới này, bà Lagarde nhận định thị trường lao động đang trải qua những thay đổi sâu sắc, quá trình chuyển đổi năng lượng tạo ra nhu cầu đầu tư mới trong khi sự chia rẽ địa chính trị ngày càng sâu sắc sẽ dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại Hội nghị chuyên đề kinh tế thường niên do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed-ngân hàng trung ương) tổ chức tại bang Wyoming, bà Lagarde cho rằng môi trường mới hiện nay tạo tiền đề cho những cú sốc về giá mạnh hơn so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Hiện chưa rõ tất cả những thay đổi này có kéo dài hay không, song rõ ràng những tác động đang dai dẳng hơn dự kiến ban đầu của giới chuyên gia.
Bà Lagarde cảnh báo nhu cầu đầu tư tăng cao hơn và nguồn cung căng thẳng hơn có thể dẫn đến sức ép giá cả mạnh hơn. Một vấn đề khác có thể làm tăng sức ép giá cả là các lao động hiện có lợi thế hơn về đàm phán lương trong bối cảnh nhu cầu lao động tăng và các công ty khẩn trương điều chỉnh giá. Những thay đổi này có thể vẫn được cho là tạm thời, song các ngân hàng trung ương cần đề phòng khả năng một số thay đổi sẽ kéo dài.
Cũng tại hội nghị này, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương này có thể tăng thêm lãi suất và dự định duy trì chính sách này ở mức hạn chế cho đến khi lạm phát giảm dần xuống mức mục tiêu 2% của Fed.
Mặc dù vậy, ông Powel nhấn mạnh cần thận trọng trong vấn đề này, cũng như đánh giá kỹ lưỡng các triển vọng và rủi ro của nền kinh tế.
Sau 11 lần tăng lãi suất trong chưa đầy 18 tháng, lãi suất cho vay của Mỹ hiện trong khoảng 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong 22 năm. Tuy nhiên, chu kỳ tăng lãi suất nhanh không ngăn được đà tăng của lạm phát và đã lên tới mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Dù đã giảm trong thời gian gần đây, lạm phát của Mỹ vẫn cao hơn mục tiêu của Fed.
Kịch bản Fed ngừng tăng lãi suất có thể xảy ra sớm Quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang cân nhắc kịch bản ngừng tăng lãi suất. Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington DC. Ảnh: AFP/TTXVN Chủ tịch Fed tại Philadelphia Patrick Harker cho biết Fed có thể ngừng tăng lãi suất nhằm ngăn ngừa các vấn đề bất ngờ đối với nền kinh tế nhưng lãi...