Không kỷ luật giáo viên dạy thêm
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình cho biết như trên sau khi có thông tin giáo viên Trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) bị kỷ luật vì dạy thêm.
Ông Huy cho biết những ngày qua tinh thần của giáo viên này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do có thông tin đăng tải về việc giáo viên bị kỷ luật do vi phạm dạy thêm. Thực tế, Trường tiểu học Bành Văn Trân không hề xử lý kỷ luật, trường chỉ họp hội đồng sư phạm và yêu cầu cô giáo tường trình về sự việc, đồng thời chỉ ra cái sai để rút kinh nghiệm chung.
Tại cuộc họp hội đồng sư phạm, 65/65 thành viên cũng thống nhất đồng ý không xử lý kỷ luật cô giáo. Hình thức xử lý cuối cùng sau cuộc họp chỉ là không xét thi đua cho giáo viên này trong năm học 2016-2017.
“Xét cho cùng, cô giáo chỉ sai là do tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường mà không báo cáo với hiệu trưởng, và địa phương nơi tổ chức dạy theo quy định của thông tư 17 của Bộ GD&ĐT. Cái sai này không nghiêm trọng”, ông Huy nói.
Tranh minh họa: Lao Động.
Cũng theo ông Huy, hình thức xử phạt cụ thể đối với trường hợp giáo viên vi phạm quy định dạy thêm hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào của Bộ GD&ĐT cũng như Sở GD&ĐT TP.HCM. Vì vậy, khi trường báo cáo với phòng GD&ĐT về trường hợp này, phòng giao cho trường tự xử lý với tinh thần thận trọng, đồng thời rút kinh nghiệm chung để nhắc nhở các giáo viên khác. Quan điểm của ngành là chỉ khi nào có tình trạng ép học sinh phải đi học thêm thì mới xử lý mạnh tay.
Trước đó, một giáo viên của Trường tiểu học Bành Văn Trân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường cho 10 học sinh lớp 4 và lớp 5, với mục đích rèn kỹ năng ngoại ngữ để thi chứng chỉ Movers, Flyers và có thông tin cô bị nhà trường xử lý kỷ luật.
Theo báo cáo giải trình, cô giáo đã thừa nhận việc tổ chức dạy thêm cho 10 học sinh, không có chuyện ép học sinh đi học thêm. Tuy nhiên, cô giáo này cũng đã nhận lỗi vi phạm các quy định của Thông tư 17/2012/TT-BGD-ĐT.
Mặc dù không dạy thêm học sinh chính khóa, cô thừa nhận việc tổ chức dạy thêm học sinh tiểu học ngoài nhà trường mà chưa xin phép các cấp quản lý là sai. Từ ngày 17/9, cô giáo này đã ngưng ngay việc dạy thêm sai quy định và đã hoàn trả học phí cho phụ huynh.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, giáo viên này không dạy thêm những học sinh mà mình đang đứng lớp trực tiếp ở nhà trường. Giáo viên chỉ sai theo thông tư 17 của Bộ GD&ĐT là chưa xin phép hiệu trưởng nhà trường.
Qua sự việc này, các giáo viên khác khi dạy một nhóm học sinh ở ngoài nhà trường phải xin phép hiệu trưởng và báo cáo với chính quyền địa phương, dưới sự tự nguyện của học sinh để tránh xảy ra trường hợp như trên.
Theo Đặng Trinh / Người Lao Động
Video đang HOT
'Nên cho dạy thêm trong trường và thu thuế'
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nghề giáo viên cũng như bác sĩ, kỹ sư, kế toán..., không luật nào cấm họ hết giờ làm ở trường học, bệnh viện, công ty được làm việc để tăng thêm thu nhập.
- Không phải đến bây giờ câu chuyện cấm dạy, học thêm mới được bàn đến. Nhưng, quyết định cấm dạy thêm, học thêm của TP.HCM có thể nói đang tạo nên một làn sóng tranh luận. Quan điểm của ông thế nào?
- Việc học sinh đi học thêm là nhu cầu bình thường của các em. Những em học yếu thì cần thời gian và có người hướng dẫn để các em học đuổi kịp chúng bạn. Các em giỏi có nhu cầu học thêm để thi vào các trường điểm, các trường ĐH top trên. Tôi cho đó là nhu cầu chính đáng.
Về phía phụ huynh, nhiều người bận quá không trông nom được con, nhất là các em cấp tiểu học, THCS nên họ gửi con vào các lớp học thêm để thầy cô quản lý giúp. Đó cũng là một cách được nhiều người lựa chọn hơn là để các cháu ở nhà làm các việc phụ huynh không kiểm soát được.
GS Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Đại Đoàn Kết.
Về phía giáo viên, dạy thêm là cách tăng thêm thu nhập, đảm bảo cho cuộc sống do đồng lương chính thức khá thấp. Không có bộ luật nào của Việt Nam cấm dạy thêm, học thêm.
Người lao động sau giờ làm việc cho cơ quan, công ty, người nào có thời gian rảnh rỗi thì có thể làm thêm. Không ai cấm bác sĩ hết giờ làm ở bệnh viện khám chữa bệnh cho người dân tại nhà, vừa có thêm thu nhập, vừa giúp đỡ bệnh nhân. Luật sư, kỹ sư, kế toán... nhận việc làm thêm sau giờ hành chính cũng không ai có quyền cấm. Vậy sao lại cấm giáo viên dạy thêm?
- Hình thức kỷ luật cao nhất đối với giáo viên bị phát hiện dạy thêm học sinh chính khóa của mình, trong bất kỳ trường hợp nào, dù dạy trong hay ngoài nhà trường là đuổi việc. Quyết định này của Sở GD&ĐT TP.HCM theo ông có cấm được tiêu cực trong việc học thêm, dạy thêm?
- Nếu việc này xảy ra thì hoàn toàn sai pháp luật. Việt Nam không có luật nào quy định như thế. Hiện nay, HĐND TP.HCM chưa ra Nghị quyết nên chưa thể dựa vào đó để thực hiện.
Nhưng dù có Nghị quyết cũng phải phù hợp luật. Vấn đề là chúng ta chống cái gì? Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã phát biểu rất rõ, đó là chống việc giáo viên ép học sinh đi học thêm, chống hiện tượng cắt xén nội dung giảng dạy trên lớp để bắt học sinh đi học thêm, chống học thêm tràn lan...
Nếu ai vi phạm quy chế, đạo đức nhà giáo thì phải kỷ luật. Với biện pháp TP.HCM đưa ra là học sinh muốn học thêm thì phải học ở các trung tâm bồi dưỡng văn hoá, không được học ở nhà thầy cô. Cũng cấm giáo viên đến nhà học sinh để dạy.
Nhưng điều này cũng không khả thi. Có trường hợp thế này, giáo viên không kéo học sinh đến trung tâm bồi dưỡng học mà giới thiệu học sinh đến học lớp do thầy cô khác giáo dạy. Việc hoán đổi học trò cho nhau thì chẳng ai làm gì được. Quy định cũng chẳng để làm gì!
Hoặc có trường hợp giáo viên đến gia đình A. kèm cho vài cháu học sinh, trong đó có cháu học lớp họ dạy chính khoá thì chẳng lẽ lại bắt? Họ dạy kèm cho con em, con cháu, con người bạn... thì sao?
Tóm lại, tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp nhưng tính khả thi sẽ khó. Cũng không chống được hiện tượng tiêu cực.
- Vậy theo ông làm thế nào để việc dạy thêm, học thêm đúng người, đúng đối tượng?
- Tôi cho rằng nên giao việc tổ chức dạy thêm cho nhà trường. Nhà trường, cụ thể là ban giám hiệu sẽ nắm rõ tỷ lệ học sinh giỏi kém trong một lớp là bao nhiêu. Nếu giáo viên dạy cả lớp thì không thể được.
Nếu chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi thì cả lớp có bao nhiêu học sinh giỏi? Nếu là củng cố kiến thức cho học sinh trung bình yếu thì lớp có bao nhiêu? Phân tách rạch ròi như thế sẽ quản lý được.
Thứ hai, Nhà nước dùng biện pháp tài chính. Ví dụ dạy thêm thì phải đóng thuế. Ai mở lớp cũng có thu nhập. Nếu số lượng học sinh ít, đúng là bồi dưỡng học sinh kém hoặc giỏi thì tôi miễn thuế cho anh.
Nếu dạy nhiều học sinh một lớp thì thu thuế cao theo kiểu luỹ tiến, giáo viên sẽ không mặn mà với chuyện dạy thêm ngay. Vấn đề là phải nghĩ ra những biện pháp thông minh để quản lý chứ không phải không quản được thì cấm.
Nhìn sang các nước, ở Châu Á, chẳng có nước nào học sinh không đi học thêm, từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc...
Lớp học thêm tiếng Anh tại nhà một giáo viên ở quận Phú Nhuận, TP.HCM
- Căn nguyên của việc bỏ học thêm, dạy thêm, theo ông có phải ở chương trình dạy của Việt Nam đang quá nặng, bệnh thành tích trong học tập, thi cử?
- Phải hiểu là với bất kỳ chương trình giáo dục nào, bất kỳ thời điểm nào cũng sẽ có những học sinh kém hơn so với các bạn khác. Các em kém phải đi học thêm và các em giỏi hơn cũng muốn đi học thêm.
Vì vậy, vấn đề không hoàn toàn do chương trình. So với các nước, Việt Nam đúng là có phần dạy hơi quá nhưng có phần dạy còn "non" hơn người ta nhiều.
Ở Việt Nam, con đường tương lai của thế hệ trẻ hơi hẹp. Các bạn ấy chỉ có khả năng có việc làm tốt, cuộc sống ổn định, thu nhập tạm đủ sống nếu có bằng cấp cao nên cứ phải lao vào cuộc cạnh tranh là vì thế.
Chỉ khi thị trường lao động phát triển tốt, miễn là người ta có tài, có năng lực thì có thu nhập cao, khi đó mới hết được chuyện dạy thêm, học thêm này.
Chẳng hạn ở Đức, học sinh sẵn sàng đi học nghề không vào ĐH nếu thấy không triển vọng. Nếu học nghề ra có công ăn việc làm, thu nhập không kém người học đại học, được làm công việc phù hợp, đóng góp cho đất nước thì sẽ không ai quyết tâm vào ĐH bằng được.
Đó nguyên nhân xã hội. Một nguyên nhân nữa, theo tôi là vì thu nhập của giáo viên. Giáo viên trường tư ở Hà Nội và TP HCM, có ai đi dạy thêm đâu.
Vì thu nhập của người ta cao, hơn giáo viên trường công rất nhiều lần, tất nhiên không so với các nước khác, nhưng như vậy cũng đủ để trang trải đời sống rồi, không cần phải dạy thêm.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, trong đó, quy định không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.
Điều 4 của Thông tư nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm:
1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên
Theo Thu Hương/ Đại Đoàn Kết
'Giá mà lương nghề giáo được cải thiện hơn' Bài viết của tác giả Diễm Trần, giáo viên sống tại TP HCM, khiến nhiều người suy nghĩ về những hoàn cảnh của thầy, cô giáo trong xã hội hiện đại. Mới đây, cô giáo Diễm Trần đăng tải bài viết trên mạng xã hội khiến nhiều người đồng cảm. Những mẩu chuyện từ đồng nghiệp đã lột tả về đời sống giáo...