Không chủ quan với bệnh trầm cảm sau sinh
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một hotgirl nổi tiếng vừa bế con vừa có biểu hiện hoảng loạn: La hét, khóc, tự tát vào mặt mình… sau khi bị gia đình bạn trai bạo hành. Được biết, cô gái này đang điều trị bệnh trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần ở trẻ.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển về thể chất và tinh thần ở trẻ. Trường hợp tình trạng bệnh diễn biến nặng, người phụ nữ sẽ không làm chủ được suy nghĩ và hành động của mình gây ra hành vi bạo lực đối với trẻ ngay sau khi sinh.
Đây cũng là căn bệnh như “giả vờ” nhưng lại là bệnh tâm lý liên quan đến những cảm xúc rất mạnh như buồn, lo lắng, tuyệt vọng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Trầm cảm sau sinh thường gặp nhất vào thời điểm sau khi sinh em bé khoảng 1 – 3 tuần, nhưng cũng có thể xuất hiện từ sau khi sinh cho tới 1 năm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh sẽ khiến nhiều bà mẹ đối diện với tình trạng khủng hoảng tâm lý, thậm chí có ý định tự sát cả mẹ lẫn con. Đầu năm 2023, một sản phụ ở Nam Định tự sát bất thành nhưng làm 2 con gái mình tử vong và một sản phụ ở Phú Thọ nhảy lầu tự sát sau khi sinh con 2 tháng khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hiên, khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, trầm cảm sau sinh có thể xuất hiện do sự kết hợp của nhiều nguyên nhân như thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể. Trong những giờ đầu sau sinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể giảm mạnh, từ đó có thể kéo theo trạng thái trầm cảm. Điều này tương tự như việc căng thẳng và thay đổi tâm trạng do nồng độ hormone thay đổi nhẹ trước mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
Bệnh nhân có thể có tiền sử mắc bệnh trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai. Những người đang điều trị trầm cảm có nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau sinh cao hơn so với người bình thường. Ngoài ra, khi mang thai không theo kế hoạch hay ngoài ý muốn có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người mẹ trong thai kỳ. Những cảm xúc làm ảnh hưởng đến sự tự tin và gây áp lực lên người mẹ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây nên chứng trầm cảm.
Video đang HOT
Một nguyên nhân quan trọng khác là phụ nữ sau sinh thiếu sự giúp đỡ của người thân. Như trong trường hợp của hotgirl nổi tiếng nói trên, cô gái làm mẹ khi còn khá trẻ, sau khi sinh, cô và bạn trai sống chung nhưng chưa tổ chức đám cưới, lại phải chịu cảnh bị mẹ và bạn trai “tác động vật lý” vì những chuyện nhỏ nhặt trong sinh hoạt gia đình.
Trước đó, sau khi sinh con xong vài tháng, cô cũng có biểu hiện muốn bế con đi và uống thuốc trừ sâu tự tử nhưng bạn trai đã phát hiện và ngăn cản kịp thời. Cô cũng đã vào bệnh viện điều trị căn bệnh trầm cảm, tuy nhiên đây là căn bệnh rất cần sự đồng hành, hỗ trợ thông cảm từ phía gia đình. Thay vì sự cảm thông, nếu bệnh nhân lại rơi vào cảnh bị bạo hành gia đình, bệnh càng thêm trầm trọng.
Phát hiện muộn, hậu quả càng nghiêm trọng
Bác sĩ Huỳnh Thị Hiên cho biết, có thể sử dụng thuốc chống trầm cảm để điều trị trầm cảm sau sinh, thường kết hợp với liệu pháp điều trị tư vấn. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ dùng thuốc chống trầm cảm sau sinh khi có chỉ định của bác sĩ. Thuốc chống trầm cảm, gồm nhiều loại, đôi khi được sử dụng kết hợp nhằm tối ưu hóa hiệu quả. Đây là những loại thuốc có tác dụng cân bằng các chất hóa học có nhiệm vụ điều khiển tâm trạng trong não.
Hầu hết tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm chỉ là tạm thời và sẽ mất đi sau một thời gian ngắn. Trong trường hợp nặng hoặc bất thường, bệnh nhân cần báo ngay cho bác sĩ. Nếu bệnh nhân mắc trầm cảm sau sinh đang nuôi con bằng sữa mẹ thì cần tham khảo bác sĩ điều trị bởi thuốc chống trầm cảm có thể hấp thụ vào em bé với nồng độ thấp.
Cùng với phương pháp dùng thuốc, bệnh nhân có thể trải qua các buổi điều trị tư vấn (còn gọi là tâm lý trị liệu), người bệnh sẽ trò chuyện và thảo luận cùng bác sĩ trị liệu về những cảm xúc và cách điều khiển cảm xúc.
Trầm cảm sau sinh được phát hiện càng muộn, hậu quả càng nghiêm trọng. Do đó, nhu cầu được hỗ trợ, giúp đỡ và quan tâm của bà mẹ mới sinh, đặc biệt khi sinh con đầu lòng rất cao. Bên cạnh trách nhiệm rất quan trọng của người chồng, gia đình, người thân xung quanh, bệnh nhân còn cần sự hỗ trợ của bác sĩ điều trị, các tổ chức xã hội.
Phụ nữ trầm cảm sau sinh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ bị loạn thần, hoang tưởng dễ dẫn đến những hành vi bột phát có thể gây hại bản thân hoặc những người xung quanh. Tuy nhiên vì nhiều lý do, hiện nay việc phát hiện, điều trị bệnh này trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Bác sĩ Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn cho bệnh nhân -Ảnh: M.L
Chị N.T.H. ở huyện Gio Linh sau một thời gian điều trị bệnh trầm cảm nội trú tại bệnh viện thì được chuyển sang điều trị ngoại trú. Gần một năm nay, đều đặn hằng tháng, chị H. đến Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và lấy thuốc theo đơn bác sĩ về uống. Theo lời kể của chị H., nguyên nhân xuất phát từ việc chị sinh con nhưng ít sữa.
Vì thế, suốt ngày chị cứ day dứt không yên vì lo con đói nhưng lại không dám cho con bú sữa ngoài vì sợ không bảo đảm. Hằng đêm nhìn con quấy khóc chị cứ trượt dài với những cảm xúc tiêu cực. "Hơn một tháng trời tôi mất ngủ, sức khỏe sa sút, tâm trạng chán nản.
Sau đó tôi xuất hiện cảm giác đơn độc, có lỗi khi làm mẹ mà không đủ sữa cho con bú, không đủ sức chăm con. Vì thế tôi muốn tìm đến cái chết... Rất may là người thân đã phát hiện kịp thời đưa tôi đi viện điều trị bệnh", chị H. nhớ lại.
Theo bác sĩ Nguyễn Truyền, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người mắc bệnh trầm cảm đều có cơ địa thần kinh yếu nên những người tiền sử có vấn đề về tâm lý, người có yếu tố di truyền gia đình với chứng trầm cảm, lo âu hay người ở lần sinh đầu bị trầm cảm thì lần sinh sau dễ tái phát bệnh.
Đặc biệt, phụ nữ sau khi sinh đẻ thường thay đổi về thói quen sinh hoạt, tâm sinh lý, nồng độ hormone, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi... nên nguy cơ mắc bệnh này càng cao. Trung bình mỗi tháng tại khoa có khoảng 400 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị rối loạn tâm thần, trong đó bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm chiếm khoảng 15% - 20%.
Điều đáng lo ngại là hiện nay đa phần bệnh nhân mắc bệnh đến cơ sở y tế điều trị đều ở giai đoạn nặng, gia đình phải "áp tải" đến bệnh viện. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như nhận thức về các loại bệnh tâm lý, tâm thần của người dân còn hạn chế, chưa được quan tâm.
Hiện trên địa bàn tỉnh, điều kiện về cơ sở y tế, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực phục vụ khám, điều trị các loại bệnh tâm thần đều thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân cũng như sàng lọc, phát hiện bệnh sớm trong cộng đồng.
"Tôi công tác ở khoa 35 năm nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây khoa mới tuyển mới được 3 bác sĩ đa khoa về làm việc và đào tạo dần về chuyên khoa tâm thần học. Hiện khoa chỉ có 30 giường bệnh điều trị nội trú. Do năng lực khám, chữa bệnh tâm thần kinh trên địa bàn còn hạn chế nên nhiều bệnh nhân mắc các nhóm bệnh điều trị tại khoa, trong đó có bệnh nhân trầm cảm phải đi điều trị ở các cơ sở y tế ngoại tỉnh", bác sĩ Truyền cho biết.
Sau khi sinh con thứ 2 được 1 tuần thì chị L.T.O. ở huyện Hải Lăng bắt đầu buồn bã, hay cáu gắt, mất ngủ, mệt mỏi nên người thân trong gia đình đã đưa chị vào Khoa Tâm thần, Bệnh viện Trung ương Huế - nơi chị từng điều trị trước đây để khám.
Chị gái của O. cho biết, cách đây 4 năm, O. sinh con đầu lòng thì bị mất ngủ triền miên, người lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng. Thời điểm đó gia đình chỉ nghĩ đơn giản là do sau sinh, cơ thể O. mệt mỏi, căng thẳng nên mọi người cố gắng bồi dưỡng, động viên. Tuy nhiên, càng ngày O. càng có những biểu hiện bất thường như không muốn nói chuyện với những người xung quanh, không muốn cho con bú. Có khi cả đêm O. chỉ ngồi nhìn con chằm chằm mà không ngủ hoặc có những cơn nóng giận không kiểm soát được là la hét...
"Đi khám thì mới biết O. mắc bệnh trầm cảm sau sinh, phải nhập viện điều trị hàng tháng trời. May mắn là sau một thời gian điều trị O. trở lại cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, nay sinh con thứ 2 thì căn bệnh này lại quay trở lại và có dấu hiệu nặng hơn. Thế là cả 2 lần sinh con vừa tròn tháng, em gái tôi đều phải cai sữa cho con để nhập viện điều trị bệnh trầm cảm", chị gái O. chia sẻ.
Tại tỉnh Quảng Trị, năm 2022 dư luận cũng từng rúng động khi một phụ nữ người dân tộc thiểu số sát hại con mình trong cơn bột phát vì mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Phải đến sau khi vụ án xảy ra, người mẹ được đưa đi điều trị ở cơ sở y tế thì người thân trong gia đình cũng nhà người dân địa phương mới biết đến căn bệnh này.
Vì thế, rất cần nâng cao hiểu biết về bệnh trầm cảm sau sinh cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, để mọi người hiểu rằng, đây là một trong những loại bệnh tâm thần, cần phải điều trị.
Khi có dấu hiệu trầm cảm cần được khám sớm tại chuyên khoa tâm thần, tránh để tình trạng bệnh quá nặng gây khó khăn trong điều trị. Theo bác sĩ Truyền, 80% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức. Hiện nay, việc điều trị trầm cảm sau sinh có thể sử dụng liệu pháp tâm lý, điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, giải tỏa lo âu.
Bên cạnh đó, sự đồng hành của gia đình với phụ nữ sau sinh rất quan trọng để hỗ trợ kịp thời về mặt tâm lý. Những người thân trong gia đình nên dành thời gian quan tâm chăm sóc phụ nữ sau sinh, đặc biệt là người chồng cần lắng nghe, cảm thông, chia sẻ việc chăm con nhỏ và tạo điều kiện cho người vợ có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi cũng như có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Chế độ ăn hỗ trợ phụ nữ vượt qua trầm cảm sau sinh Trầm cảm sau sinh phát triển từ nhiều yếu tố khác nhau, từ các đặc điểm thể chất, các yếu tố gây căng thẳng về môi trường và cả sự thiếu hụt chất dinh dưỡng. Mặc dù nhận thức và nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của bà mẹ đã tăng lên đáng kể trong những thập kỷ gần đây nhưng tỷ...