Kế hoạch “mở”
Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của trường THCS, THPT đã trở thành yêu cầu bắt buộc, với những quy định “mở”, trong đó có việc cho phép HS sử dụng điện thoại trên lớp học để phục vụ học tập.
Ảnh minh họa/INT
Rất nhiều ý kiến bày tỏ tán thành và hoan nghênh tinh thần đổi mới, cởi mở của Bộ GD&ĐT khi đưa ra quy định này. Các ý kiến cho rằng, quy định phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và bối cảnh thực tiễn.
Không còn dập khuôn, cứng nhắc; tới đây, các trường được tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục, thậm chí giao quyền tự chủ đến từng giáo viên, tổ bộ môn trong thiết kế bài học, nhằm phát huy tinh thần sáng tạo trong mọi hoạt động giáo dục. Điều này sẽ tạo nên sự cộng hưởng và thăng hoa trong dạy – học của thầy – trò.
Thực tế cho thấy, các trường ngày càng chủ động và sáng tạo hơn trong tổ chức hoạt dộng giáo dục cũng như đổi mới phương pháp dạy – học. Minh chứng rõ nhất, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, điện thoại trở thành một trong những phương tiện hữu hiệu và là “cứu cánh” cho thầy – trò khi phải chuyển đổi sang phương thức dạy – học trực tuyến.
Một cô giáo vùng cao hồ hởi đón nhận thông tin: Học sinh được phép sử dụng điện thoại trên lớp học để phục vụ học tập – như vừa có được chiếc chìa khóa “vạn năng”. Bởi với cô, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và phát triển “lớp học thông minh”, “lớp học xuyên biên giới”. Còn học sinh tiếp nhận quy định này như vừa được mở cánh cửa tri thức mới.
Nhưng cần hiểu tường minh rằng, học sinh chỉ được dùng điện thoại trong giờ học nếu được giáo viên cho phép, đặc biệt phải dùng điện thoại vào mục đích học tập. Vì thế, việc sử dụng điện thoại được coi như thiết bị hỗ trợ hoạt động học tập; tất nhiên giáo viên sẽ có những quy ước về những điều học sinh không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp và trong giờ học.
Ai cũng hiểu, sách giáo khoa không còn là phương tiện duy nhất để thầy – trò dạy – học. Học sinh có thể học tập thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Chương trình mở, học liệu mở; do đó, điện thoại được xem như phương tiện hỗ trợ các em trong học tập.
Video đang HOT
Nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số giáo dục, xu hướng dạy học di động (mobile learning) đang là cơ hội học tập mở cho cả thầy và trò. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet là có thể dạy – học theo theo nhu cầu cá thể hóa, với không gian học tập không giới hạn. Qua đó, giúp các em hình thành và phát triển kỹ năng số – kỹ năng không thể thiếu trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0.
Tuy nhiên, cho phép học sinh sử dụng điện thoại với yêu cầu các em phải có điện thoại là hoàn toàn khác nhau. Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, không bắt buộc học sinh phải trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập. Việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học để hỗ trợ hoạt động học tập do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định. Việc này sẽ được giáo viên hướng dẫn cụ thể, phù hợp với nội dung học tập.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, cần vận dụng linh hoạt quy định trên và không nên áp dụng một cách hình thức và máy móc. Nói như ông Quách Tuấn Ngọc – nguyên Cục trưởng Cục công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT), cần đặt hiệu quả bài giảng của giáo viên, hiệu quả học tập, hiểu biết, áp dụng bài học của học sinh là trên hết; không nên mải mê trình diễn công nghệ mà quên đi điều này.
Vai trò "cố vấn" của người thầy trong đổi mới phương pháp dạy học
Đổi mới phương pháp dạy học là giải pháp then chốt thực hiện CTGDPT 2018. Trong đó giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà phải "cố vấn", tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học.
Trong giờ học tại Trường THCS Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Đại Quang
Yếu tố quyết định
Theo chia sẻ của nhiều GV cốt cán, đổi mới phương pháp dạy học được xem là giải pháp then chốt để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, GV vẫn gặp những khó khăn nhất định, như phải vượt qua rào cản từ thói quen cũ của bản thân.
Cô Nguyễn Thị Nguyệt, Trường Tiểu học và THCS Sơn Lâm, Bắc Bình (Bình Thuận) cho rằng: GV là yếu tố quyết định hàng đầu trong thực hiện đổi mới phương pháp. Thầy cô phải nhiệt tình, kiến thức, khả năng giảng dạy; phải có kỹ năng tổ chức hướng dẫn HS; kỹ năng khai thác và sử dụng các đồ dùng dạy học; năng lực tự thu thập thông tin phục vụ các yêu cầu dạy học.
GV cũng phải xác định được những vấn đề đổi mới, xây dựng mục tiêu của bài học, giảm lý thuyết, tăng thực hành; làm cho HS biết tự học, tự vận dụng, biết hợp tác và chia sẻ; luôn liên hệ với thực tiễn đang thay đổi; tận dụng sự hỗ trợ của phương tiện dạy học...
"Qua tập huấn triển khai chương trình mới, với các mô đun 2, 3, 4, sẽ định hướng cho GV cách sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; cùng với sử dụng hợp lý các phương pháp và công cụ để kiểm tra, đánh giá theo quan điểm hiện đại là đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động để thầy cô được trải nghiệm, nắm rõ hơn bản chất, nội dung của các phương pháp, kỹ thuật dạy học; phương pháp, công cụ kiểm tra, đánh giá và kết hợp một cách hợp lý trong quá trình dạy học.
Tuy nhiên, để thực hiện nhuần nhuyễn, ngoài những đợt tập huấn do các trường sư phạm tổ chức, bản thân GV ở phổ thông cũng cần có ý thức cao trong việc nâng cao nhận thức, nghiệp vụ sư phạm, tự đào tạo, tự bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới" - giảng viên Đặng Thị Thuận An, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) cho hay.
Trong giờ học đổi mới phương pháp theo Chương trình GDPT mới tại Trường Tiểu học Thăng Long (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Thế Đại
Vai trò của người thầy thay đổi
Để đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Giáo viên cần nắm được và vận dụng thật tốt logic của cách tiếp cận năng lực trong toàn bộ hoạt động dạy học theo chương trình môn học mới.
Trước hết, GV phải đọc và nắm thật chắc mục tiêu của chương trình, quan điểm xây dựng chương trình. Tiếp theo, thầy cô cần nghiên cứu kĩ để hiểu rõ cấu trúc và nội dung năng lực môn học; sau đó, tìm hiểu "yêu cầu cần đạt" của từng mạch nội dung, chủ đề, chuyên đề.
Đó là cơ sở để xác định nội dung và phương pháp dạy học cho từng bài. Trên cơ sở đó, GV mới xác định kịch bản dạy học, thu thập học liệu phù hợp, soạn giáo án và tổ chức hoạt động dạy và học.
Theo PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, điều GV cần lưu ý: Không "làm tắt" trong khi thực hiện chương trình môn học. Kinh nghiệm bước đầu cho thấy không ít GV thường bắt đầu tìm hiểu ngay các nội dung cụ thể của từng chủ đề, chuyên đề, xây dựng luôn giáo án rồi mới tìm học liệu và xác định mục tiêu cho từng chủ đề, chuyên đề. Đó là cách làm sai, theo "quán tính" của cách tiếp cận nội dung trong giáo dục trước đây.
Bên cạnh đó, là văn bản có tính pháp quy nên những mục tiêu, cấu trúc năng lực và yêu cầu cần đạt được xác định trong chương trình có giá trị như pháp lệnh. Tuy nhiên, chương trình môn học cũng có độ "mở" nhất định để tạo điều kiện phát huy cao độ vai trò chủ động, sáng tạo của GV và HS trong điều kiện cụ thể của địa phương.
GV và HS cần linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong việc tìm kiếm và sử dụng học liệu; xây dựng phương án, kịch bản dạy và học phù hợp, thậm chí hoàn toàn có thể thay đổi trình tự và thời lượng dành cho các mạch nội dung, hoạt động giáo dục...
Cần phải hiểu rằng, đổi mới phương pháp dạy học không phải là thay đổi mục tiêu, hay xóa bỏ mọi kinh nghiệm quý giá của các nhà giáo dục được đúc kết trong thực tiễn dạy học ở trường phổ thông từ trước đến nay, mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả thiết thực, bằng những quan niệm đúng đắn, với hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp.
Nhấn mạnh điều này, theo PGS Nghiêm Đình Vỳ, đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông là đổi mới cách thức tổ chức hoạt động nhận thức cho người học và triển khai nội dung dạy học để đạt được mục tiêu dạy học tốt nhất.
"Quá trình đổi mới cần tiến hành trên ba góc độ; Cải tiến, hoàn thiện các phương pháp dạy học đang sử dụng để góp phần nâng cao hiệu quả, tiến tới nâng cao chất lượng của việc dạy học; Bổ sung, phối hợp với nhiều phương pháp dạy học để khắc phục những mặt hạn chế của các phương pháp đang sử dụng nhằm đạt mục tiêu dạy học đề ra;
Từng bước thay đổi, tiến tới loại bỏ phương pháp dạy học cũ mang tính áp đặt, nhồi nhét kiến thức bằng các phương pháp mới, ưu việt để nâng cao hiệu quả dạy học. Trong đổi mới phương pháp, vai trò của người thầy cũng thay đổi. GV không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà phải "cố vấn", tổ chức, điều hành các hoạt động dạy học" - PGS Nghiêm Đình Vỳ nhận định.
Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển từ chương trình hiện hành sang Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho người học. Để thực hiện thành công, đội ngũ GV đóng vai trò quyết định. - Giảng viên Đặng Thị Thuận An
Quan tâm đặc biệt đến dạy và học lịch sử Lịch sử là một trong các môn thi bắt buộc trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội của kỳ thi, với số lượng học sinh đăng ký thi nhiều hơn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Ảnh minh họa/INT Cử tri tỉnh Thái Bình đề nghị: Ngành Giáo dục nghiên cứu đưa môn Lịch sử vào hệ thống các...