‘Kẻ đốt đền’ trường Ams: Trường chuyên đang tồn tại không mục đích
Là cựu học sinh THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, những ngày qua, TS Nguyễn Đức Thành bị coi là “ kẻ đốt đền” với đề xuất bán trường Ams gây xôn xao dư luận, “châm ngòi” cho cuộc tranh luận về mô hình trường chuyên hiện nay.
Trước hết, tôi không phê phán chất lượng của trường Ams. Tôi vốn là cựu học sinh chuyên Lý. Quãng thời gian học ở trường Ams những năm 1992-1995 luôn là thời kỳ đẹp đẽ nhất của đời tôi.
Tôi được học ở ngôi trường trong điều kiện vật chất ưu việt thời ấy, có bạn bè tốt và giỏi, thầy cô tuyệt vời như thể thuộc về tầng lớp tinh hoa vậy. Và hẳn bây giờ, trường Ams vẫn là có chất lượng đào tạo tốt hơn một trường công trung bình và là niềm mơ ước của nhiều học sinh, gia đình.
Nhưng chúng ta cần đánh giá sự tồn tại của mô hình trường Ams trong tổng thể xã hội hiện nay có hợp lý hay không. Ở đây, tôi chỉ làm rõ thêm một phần trong những lập luận của tôi về sự bất cập của mô hình trường Ams và các trường chuyên khác.
TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) (Ảnh: Thúy Nga)
Chi tiền cho “nhân tài” làm gì?
Là một người làm chính sách kinh tế-xã hội, tôi quan tâm tới việc các trường chuyên sử dụng nguồn lực và tài chính của nhà nước để phục vụ cho mục đích gì?
Nếu như những ngôi trường này được tài trợ bởi tư nhân – nơi cha mẹ có điều kiện trang trải đầy đủ mọi chi phí để con họ trở thành người mà họ muốn, điều đó không có gì để bàn.
Hoặc nếu như những trường này là trường công thuần túy, nhận tiền từ ngân sách nhà nước như mọi trường công khác và giảng dạy với chất lượng vượt trội, thì điều đó càng không có gì để bàn, nếu không muốn nói là cần khuyến khích.
Nhưng có một vấn đề, trường Ams hiện nay (cũng như mọi “trường chuyên” khác) đang nhận ngân sách tính trên đầu học sinh cao hơn khoảng 2,5-2,7 lần các trường công khác.
Video đang HOT
Ở đây, tôi chỉ muốn làm rõ logic của vấn đề, chứ tôi không quan tâm lắm đến số tiền cao hơn 2-3 lần hay 5 lần. Vấn đề chỉ là, nếu đã được tài trợ cao hơn thì phải có một mục đích rõ ràng cho việc đó.
Có mấy mục đích được nêu ra nhằm biện minh cho sự tồn tại của các trường chuyên.
Thứ nhất, có người nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra những người ưu tú đi thi quốc tế nhằm cải thiện hình ảnh đất nước, mang lại sự vẻ vang cho tổ quốc. Nếu thế thì có cần thiết phải xây dựng tốn kém một hệ thống dàn trải các trường chuyên trên khắp cả nước như vậy hay không?
Thứ hai, có người lại nói mục đích của trường chuyên là để đào tạo ra “nhân tài”. Tôi thấy hoài nghi về mục đích này.
Nếu nhà nước thực sự đã bỏ tiền ra để phát hiện và bồi dưỡng “nhân tài” và tiền ấy là của những người dân bình thường đóng góp, thì những “nhân tài” ấy phải có nhiệm vụ phục vụ nhân dân – những người đã đóng tiền cho họ ăn học.
Còn nếu không, chúng ta chi tiền cho “nhân tài” làm gì? Bản thân những người có tài đã có thể tự lo liệu cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn những người bình thường rồi, sao phải đầu tư thêm cho họ?
Nhiều người viện dẫn, các nước vẫn đang có những ngôi trường đặc biệt để rèn luyện người có năng lực. Tôi cho rằng, đó là trường đào tạo những người ở độ tuổi lớn hơn tuổi học phổ thông.
Nếu có đào tạo ở độ tuổi phổ thông thì cũng rất hãn hữu và trong những hoàn cảnh đặc biệt. Điểm cốt yếu là những người ấy sau khi được đào tạo xong thì phải phục vụ bộ máy nhà nước.
Điều này giống như trong các trường công an, quân đội hiện nay. Khi nhận sự tài trợ đặc biệt từ nhà nước để phát triển, họ đã chấp nhận một thỏa ước rằng phải phục vụ cho nhà nước, phục vụ cho những người đã đóng thuế để tài trợ cho việc học của họ.
Vậy những học sinh ở Ams hoặc các trường chuyên, học xong họ có chấp nhận như vậy không?
Tôi nghĩ rằng những học sinh muốn vào Ams chỉ vì ở đó có chất lượng giáo dục cao hơn trung bình mà tiền học thì lại thấp. Như vậy, mục đích “đào tạo nhân tài” theo đúng nghĩa không hề tồn tại và nếu tồn tại, cũng chưa bao giờ được thực hiện.
Thứ ba, có người nói mô hình trường Ams hoặc các trường chuyên ở các tỉnh thành là để thử nghiệm một loại trường tiên tiến, chất lượng cao trong giảng dạy. Mục đích của thí điểm là để nhân rộng ra nhằm giúp toàn bộ hệ thống giáo dục cũng có chất lượng cao như thế.
Nếu vậy, trường ấy phải nhận các học sinh đa dạng về thành phần (trí tuệ, thu nhập,…), tức phải có em giỏi, em dốt, em ngoan, em chưa ngoan, em có điều kiện, em không có điều kiện,… Có như thế mới bảo đảm đó là một thí nghiệm trên một môi trường giống như môi trường thực tế và khi thành công mới có thể nhân rộng.
Nếu chúng ta xây dựng một ngôi trường kiểu mẫu mà chỉ dạy các em học sinh ngoan, giỏi trên mức trung bình thì làm sao có thể bảo đảm mô hình ấy sau này áp dụng cho toàn xã hội được.
Như vậy, với những mục đích nêu trên, tôi thấy không cần thiết phải dùng tiền của số đông để tài trợ cho một nhóm nhỏ học sinh ở trường Ams hay trường chuyên, trường điểm.
Cá nhân tôi đã từng được học ở trường Ams. Trường Ams đã không đạt được mục đích nào trong số các mục đích nêu trên khi đào tạo tôi. Thế nhưng, tôi vẫn được hưởng một sự giáo dục rất tốt với chi phí cao do người khác – những người có con không học trường Ams – chi trả.
Tôi thấy đó là điều không công bằng và muốn điều ấy chấm dứt. Tôi nghĩ đây là cách tôi trả ơn những người đã tài trợ cho tôi trong những năm tháng đẹp đẽ học ở trường này.
Hà Nội sàng lọc học sinh trường chuyên: Sẽ có cuộc đua giành ghế trống?
Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, học sinh 4 trường chuyên trên địa bàn, nếu không đáp ứng được yêu cầu về học lực, đạo đức sẽ bị chuyển sang trường THPT không chuyên, hoặc qua lớp thường (không chuyên) của trường đó để tuyển bổ sung học sinh khác. Thông tin này khiến nhiều phụ huynh lo lắng.
Năm học 2019 - 2020, Hà Nội sẽ sàng lọc học sinh lớp 10 trường THPT chuyên. Ảnh minh họa: Chí Cường
Học lực trung bình sẽ bị loại khỏi lớp chuyên
Theo ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đầu học kỳ II năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức chuyển trường và tuyển bổ sung học sinh vào các lớp 10 chuyên và lớp 11 chuyên của các trường: THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây.
Cụ thể, trường chuyên (hoặc trường có lớp chuyên) tổ chức sàng lọc học sinh chuyên lớp 10, lớp 11 và chuyển sang trường THPT không chuyên hoặc lớp không chuyên của trường những học sinh thuộc một trong các trường hợp sau: Phải lưu ban; xếp loại hạnh kiểm từ trung bình trở xuống; xếp loại học lực từ trung bình trở xuống. Đối với việc chuyển học sinh chuyên sang trường chuyên khác, nếu trường chuyển đi và trường chuyển đến đã tiến hành tuyển sinh bằng kỳ thi chung, học sinh phải đạt đủ tiêu chuẩn trúng tuyển chuyên và không thuộc diện phải chuyển ra khỏi lớp chuyên các năm học tương ứng của trường chuyển đi và trường chuyển đến.
Nếu trường chuyển đi và trường chuyển đến không tuyển sinh bằng kỳ thi chung (chung đề thi, sử dụng cùng một hướng dẫn chấm thi), học sinh phải tham dự thi tuyển bổ sung theo quy định tại Quy chế trường chuyên. Học sinh các trường THPT đã hoàn thành xong chương trình học kỳ I lớp 10 (đối với tuyển bổ sung vào lớp 10 chuyên) hoặc lớp 11 (đối với tuyển bổ sung vào lớp 11 chuyên) năm học 2019-2020 có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của một trong bốn trường trên sẽ có cơ hội được tuyển bổ sung với các lớp chuyên.
Cũng theo ông Phạm Văn Đại, điều kiện dự thi đối với các thí sinh cụ thể như sau: Cuối học kỳ I lớp 10 (đối với tuyển bổ sung vào lớp 10 chuyên) hoặc cuối học kỳ I lớp 11 (đối với tuyển bổ sung vào lớp 11 chuyên) năm học 2019-2020 học sinh có học lực xếp loại giỏi và hạnh kiểm xếp loại tốt. Học sinh muốn dự thi vào môn chuyên nào thì phải có điểm trung bình cuối học kỳ I lớp 10 (đối với tuyển bổ sung vào lớp 10 chuyên) hoặc cuối học kỳ I lớp 11 (đối với tuyển bổ sung vào lớp 11 chuyên) năm học 2019-2020 của môn đó từ 8,0 trở lên.
Không nên chạy đua chỉ vì "mác" trường chuyên
Trước thông tin mới của Sở GD&ĐT Hà Nội, nhiều phụ huynh có con học tại các trường THPT tại Hà Nội mà không phải trường chuyên, lớp chuyên tỏ ra đặc biệt quan tâm bởi đây sẽ là cơ hội để con em mình thêm một lần nữa tham gia kỳ thi để thực hiện "giấc mơ" trường chuyên bấy lâu nay. Tuy nhiên, với các phụ huynh có con học trường chuyên, lớp chuyên, đây lại là sự lo lắng bởi con em mình có thể không đạt yêu cầu để "trụ lại", ngậm ngùi tìm trường học khác sau một, hai năm là trường chuyên.
Khá lo lắng cho chuyện học của con, phụ huynh Lê Thanh Hương có con học lớp 10 trường chuyên tại Hà Nội cho biết: "Đúng là trường chuyên đòi hỏi nỗ lực không ngừng của học sinh, nếu không theo kịp, tốt nhất là nên chuyển trường khác để không làm ảnh hưởng đến lớp, trường. Tuy nhiên, khi đã học rồi có thể chưa quen với cấp học mới nên sẽ có nhiều bỡ ngỡ, vì thế khảo sát để loại học sinh cần phù hợp với quá trình làm quen của học sinh. Chứ không may mắc lỗi bị hạnh kiểm trung bình trở xuống, hoặc đạt loại học lực trung bình trở xuống buộc phải chuyển lớp, chuyển trường không khác nào đuổi học".
"Chắc chắn con sẽ bị sốc nếu buộc phải chuyển lớp, trường nếu không may chưa vượt qua tiêu chí để ở lại. Cách thức sàng lọc có thể thúc đẩy học sinh cố gắng học tập, nhưng ở lứa tuổi còn đang trên ghế nhà trường, sẽ có thời điểm học sinh lơ là, mất tập trung cũng có thể trở thành học sinh trung bình hoặc mắc lỗi kỷ luật nào đó dẫn đến hạnh kiểm ở mức trung bình trở xuống. Nhà trường nên tạo điều kiện để học sinh tiến bộ, chứ không nên loại bỏ một cách nghiệt ngã như vậy", phụ huynh Trần Thu Hà chia sẻ.
Nhiều năm công tác là quản lý trường THPT, chứng kiến nhiều phụ huynh luôn đòi hỏi, mong muốn con em mình vào trường nổi tiếng, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, nhu cầu chuyển trường hiện nay sau một học kỳ, một năm học của học sinh có một lượng nhất định. Chủ yếu là các học sinh trường gần nhà nhưng lại không đủ điểm thi vào, nên nay muốn chuyển về trường gần, một nguyên nhân khác nữa là từ các gia đình đó là cho con đi học ở các trường THPT có đội ngũ giáo viên tốt, cơ sở vật chất tốt, trường nổi tiếng để có cơ hội phát triển.
Trước ý kiến cho rằng sẽ có hiện tượng học sinh "đổ xô" thi vào các suất còn trống từ các học sinh bị chuyển đi tại trường chuyên, thầy Nguyễn Quốc Bình đưa ra lời khuyên: "Trước khi chuyển trường cho con em mình, phụ huynh hãy xem nguyện vọng của con. Đừng vì mong muốn của mình mà ép con em mình đã thi không đỗ rồi, nay lại tìm cách cho con thi khảo sát nữa mà không quan tâm đến năng lực thật sự của con. Hiện nay, nhiều trường có cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên không có sự chênh lệch nhiều. Chẳng may thi một lần nữa không đỗ, sẽ bị áp lực, thậm chí trầm cảm... Do đó, nếu thấy con em mình đang ở môi trường không nhiều bất cập, con thích học và quý mến bạn bè thì nên tôn trọng nguyện vọng của con. Đâu phải những người trưởng thành, thành công là từ các trường chuyên đâu?".
Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường THPT phải chịu trách nhiệm triển khai và kiểm tra việc thực hiện các văn bản hướng dẫn về công tác chuyển trường học sinh THPT, chuyển trường và tuyển bổ sung học sinh vào các lớp chuyên đợt đầu học kỳ II, năm học 2019 - 2020; Thành lập Hội đồng xét duyệt học sinh chuyển trường học sinh THPT và tuyển bổ sung học sinh vào lớp chuyên đợt đầu học 2019 - 2020 (nếu có); Các trường chuyên, có lớp chuyên báo cáo số lượng học sinh đăng ký dự thi, số lượng học sinh hiện có của các môn chuyên sau khi kết thúc học kỳ I.
Quang Anh
Theo giadinh.net
Tung học bổng 'khủng' để hút thí sinh giỏi vào đại học Để thu hút thí sinh giỏi, nhiều trường đại học sẵn sàng tung ra nhiều suất học bổng lên đến hàng chục tỉ đồng. Năm 2020 được xem là năm thể hiện rõ sự tự chủ tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. Để thu hút những thí sinh giỏi và để giảm gánh nặng tài chính cho các sinh viên (SV), nhiều...