Kê đơn: Thực phẩm chức năng chính, thuốc chỉ là phụ
Chìa đơn thuốc cho tôi xem, anh Hùng cho biết với hộp “thuốc” có tên Glu 500mg, anh đã phải trả 1,2 triệu đồng, bởi hộp thuốc có 30 viên được tính giá 40.000 đồng/viên.
Các loại TPCN hiện rất phong phú nhưng người tiêu dùng nên cân nhắc, không nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh
Tại một hiệu thuốc trên phố Hai Bà Trưng, Hà Nội, anh Trần Văn Hùng cứ thắc mắc không hiểu sao đơn thuốc bác sĩ vừa kê chỉ vẻn vẹn có 2 loại mà anh phải trả tới gần 1,3 triệu đồng. Thấy vậy, nhân viên bán hàng giải thích “đây là vitamin tổng hợp có tác dụng tăng sức đề kháng”. Chìa đơn thuốc cho tôi xem, anh Hùng cho biết với hộp “thuốc” có tên Glu 500mg, anh đã phải trả 1,2 triệu đồng, bởi hộp thuốc có 30 viên được tính giá 40.000 đồng/viên.
Thuốc ít, thực phẩm thì nhiều
Chị Hằng, nhân viên một hiệu thuốc ở TPHCM, cho biết không chỉ các phòng khám, bệnh viện tư mà thực phẩm chức năng (TPCN) cũng hiện diện trong toa thuốc của nhiều bác sĩ ở những bệnh viện lớn, từ những TPCN có giá vài chục ngàn đồng/hộp đến những loại có giá cả triệu đồng như các sản phẩm tuần hoàn não.
Theo tiết lộ của một dược sĩ có thâm niên trong kinh doanh dược phẩm, mỗi viên TPCN có giá 30.000 đồng – 35.000 đồng, các bác sĩ kê đơn sẽ được hưởng từ 12.000 đồng – 20.000 đồng/viên. Với một hộp thuốc 30 viên có giá 1,2 triệu đồng thì bác sĩ kê đơn bỏ túi ít nhất 400.000 đồng. Chính vì thế, có những đơn thuốc mà giá trị của thuốc chỉ bằng 1/20 lần giá TPCN.
Video đang HOT
Chúng tôi thắc mắc đơn thuốc viết tay, người bệnh không mua trong bệnh viện mà mua ở ngoài thì làm sao trình dược viên biết được để chi hoa hồng? Nhân viên này cho biết là bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân đến mua ở những hiệu thuốc quen biết và nhà thuốc phải ghi tên bác sĩ vào một quyển sổ riêng để thanh toán. Nếu không làm thế thì những lọ TPCN đắt tiền, bệnh nhân nào dám mua.
Cấm vẫn kê
Quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế ban hành ngày 1/2/2008 có quy định cấm kê TPCN vào đơn thuốc. Cuối tháng 4 vừa qua, Cục Khám chữa bệnh tiếp tục có văn bản chấn chỉnh đồng thời yêu cầu các bệnh viện thường xuyên kiểm tra và có biện pháp xử lý. Để “né” quy định này, thay vì thẳng tay kê TPCN vào đơn thuốc, một số bác sĩ đã dùng thủ thuật kê ra một tờ giấy phụ và gạch chân dưới tên thuốc để nhắc nhở bệnh nhân rằng loại “thuốc” này quan trọng chẳng kém gì các thuốc kia!
Qua khảo sát thực tế, một thanh tra trong ngành y tế nhận định tình trạng kê TPCN vào đơn thuốc là khá phổ biến. Đó thường là các sản phẩm tăng cường chức năng miễn dịch, tăng tuần hoàn và lưu thông máu, chống ôxy hóa, bổ sung vitamin tổng hợp và các vi chất… được kê đơn cho đủ loại bệnh từ kém ăn uống, hắt hơi, sổ mũi đến các bệnh tiểu đường, tim mạch, tai biến mạch máu não…
Theo quy định, người kê đơn thuốc sai quy chế có thể bị xử phạt hành chính từ 5 – 10 triệu đồng. Liệu có mấy bệnh nhân phân biệt được đâu là thuốc, đâu là TPCN để khiếu nại? Sự nhập nhằng trong kê đơn thuốc lâu nay khiến người bệnh không chỉ gánh “hoa hồng” giá thuốc mà còn chịu thêm “hoa hồng” TPCN.
Theo Dân Trí
Đưa thực phẩm chức năng vào đơn thuốc là "móc túi" người bệnh!
Không chỉ cán bộ quản lý, người bệnh mà ngay cả nhiều bác sĩ có tâm cũng phẫn nộ trước thực trạng nhiều đơn thuốc kê thêm không ít những loại thực phẩm chức năng đắt tiền, một hành vi móc túi người bệnh, đang diễn ra khá phổ biến.
Hôm 29/3/2011, bà Nguyễn Thị T., 71 tuổi vào Bệnh viện BM (Hà Nội) khám bệnh. Với chẩn đoán nhồi máu não, tăng huyết áp, hen phế quản, bác sỹ đã kê cho bà đơn thuốc 4 loại, trị giá khoảng 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên điều bà T. bức xúc là sản phẩm giá cao nhất trong đơn- trị giá tới 700.000đ/20 viên - lại là thực phẩm chức năng P. -vốn có tên hoạt chất gốc là glutathione, tác dụng chưa rõ với căn bệnh nhồi máu não, hen phế quản.
Càng cấm, càng kê
Quy chế kê đơn thuốc điều trị ngoại trú được Bộ Y tế ban hành năm 2008 đã quy định rõ không kê đơn thuốc không nhằm mục đích phòng, chữa bệnh; không kê thuốc theo yêu cầu không hợp lý của người bệnh; không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc.
Tuy nhiên, trên thực tế tại nhiều bệnh viện, nhất là bệnh viện khối nhi, nội khoa... thực phẩm chức năng xuất hiện ở rất nhiều đơn thuốc, với giá tiền cao gấp nhiều lần giá thuốc điều trị bệnh. Điển hình là ở khối bệnh viện nhi, đơn thuốc có thực phẩm chức năng dạng si-rô bổ sung vitamin, kích thích trẻ ăn ngon miệng xuất hiện ở hầu hết các đơn thuốc, bất kể trẻ mắc căn bệnh gì, có suy dinh dưỡng hay cần kích thích ăn uống hay không!
Trong đơn thuốc được kê cho bệnh nhân B.M.Đ sinh năm 2009 ở Sóc Sơn, Hà Nội, bác sỹ Bệnh viện Nhi TƯ đã kê HP siro, một loại thực phẩm chức năng bổ sung vitamin B1, vitamin D và lysine, giá tới 95.000đ/chai, trong khi tương tự sản phẩm này, thị trường có loại giá chỉ 16.000đ/chai cùng dung tích. Đơn thuốc kê tại Bệnh viện B.M cho bệnh nhân Nguyễn Thị H., 56 tuổi ở Vĩnh Phúc có thực phẩm chức năng S. giá tới 28.000đ/viên, tính ra chi phí thực phẩm chức năng gấp 3 lần chi phí thuốc điều trị. Đành rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng ở đây bệnh nhân đã bị bệnh rồi và đang đi chữa bệnh, nhưng bác sỹ vẫn cứ lờ quy chế kê đơn và ấn thêm thực phẩm chức năng vào đơn thuốc.
Mới đây, trong đợt thanh tra tại bệnh viên N., thanh tra Bộ Y tế đã tìm thấy trong đơn thuốc lưu tại máy tính của bệnh viện có rất nhiều loại thực phẩm chức năng đã được kê cho bệnh nhân. Điển hình là thực phẩm chức năng P. có tác dụng bổ sung vitamin giá 200.000đ/chai, mặc dù quy định đã cấm kê thực phẩm chức năng nhưng cứ thấy cha mẹ các bé "khai" bé lười ăn là đưa vitamin và lysine vào đơn thuốc, thực phẩm chức năng Lacto tăng cường miễn dịch, thực phẩm chức năng C. giá tới tới 420.000đ/chai hay thực phẩm chức năng P 100 kê cho bệnh nhân sau phẫu thuật chấn thương sọ não có giá tới 35.000đ/viên. Theo một thanh tra viên Bộ Y tế, loại thực phẩm chức năng giá đắt đỏ 35.000đ/viên này, đã từng có bác sỹ kê cho bệnh nhân 10 hộp/lần mua. "Tinh vi" hơn, có trường hợp bác sỹ không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, tránh bị "soi", mà kê vào phần ghi chú. Khi in ra, sản phẩm thực phẩm chức năng chỉ khác các loại thuốc khác là có chữ "ghi chú" ở đầu.
Kê đơn sai
Qua khảo sát đơn thuốc tại bệnh viện, có chuyên gia cho hay tình trạng đưa thực phẩm chức năng vô tội vạ vào đơn thuốc đã dẫn đến nhiều đơn thuốc sai. Đơn cử bệnh nhân bị viêm họng cấp, bác sỹ kê kháng sinh kèm men vi sinh, trong khi giáo trình y khoa đã hướng dẫn uống kháng sinh kèm men vi sinh, men vi sinh sẽ phá huỷ làm kháng sinh mất tác dụng, khiến đơn thuốc cũng mất luôn tác dụng. Nhưng không hiểu vì sao, bác sỹ ở bệnh viện tuyến TƯ vẫn ung dung kê những đơn thuốc sai nguyên tắc như vậy.
Sau khi phát hiện tình trạng kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc, tháng 5/2011, thanh tra Bộ Y tế đã tới làm việc với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng HP đã được bán tại bệnh viện với giá 95.000đ/chai, kết quả cho thấy giá thành sản xuất sản phẩm chỉ... 10.000đ/chai. Từ cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam đến bệnh viện, giá sản phẩm đã được đội lên tới 9 lần. Có thông tin cho hay để sản phẩm này được đưa vào đơn thuốc, doanh nghiệp sản xuất và phân phối cũng đã phải chi khoản hoa hồng không nhỏ. Thông tin này hoàn toàn có cơ sở bởi điều rõ ràng là không ai đi kê sản phẩm bị cấm vào đơn thuốc mà hoàn toàn vô tư và không được hưởng lợi!
Theo đúng quy định hiện hành, trường hợp kê đơn thuốc sai quy chế có thể bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng. Mới đây, một bệnh viện quốc tế có trụ sở tại TPHCM đã bị xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Tuy nhiên, cũng giống như tình trạng hoa hồng cho thầy thuốc kê đơn, việc đưa thực phẩm chức năng vào đơn thuốc cũng rất khó xử lý do bệnh nhân không biết đâu là thuốc, đâu là thực phẩm chức năng, khi thấy bác sỹ kê đơn là đi mua vội mua vàng vì khi đã có bệnh, ai còn tiếc tiền mua thuốc?
Một quan chức ngành y tế cũng thừa nhận, nếu để cạnh tranh bình thường thì có rất nhiều thực phẩm năng không thể bán được do giá thành quá cao mà tác dụng lại không rõ ràng, chính vì vậy đưa sản phẩm vào đơn thuốc là một cứu cánh. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng cũng tỏ ra "bức xúc" vì một số thuốc, nước sản xuất coi là thuốc, nhưng chiếu theo quy định Việt Nam thì lại là thực phẩm chức năng và thuốc nhóm cấm kê đơn, khiến hàng bán ra trở nên rất khó khăn.
Hiện tại, do công nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng đã phát triển, thị trường có hàng ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng và không hiếm trong đó có những sản phẩm có tác dụng thật sự. Tuy nhiên, kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc vẫn là hành vi "ép" người bệnh mua loại sản phẩm chưa hoặc không cần thiết với họ. Tại các bệnh viện, đơn thuốc phần lớn đã được lưu trong máy tính và không khó để phát hiện những đơn thuốc và người vi phạm. Vấn đề còn lại là việcthực hiện nghiêm một quy chế đã ban hành 3 năm nay và cũng là lập lại phần nào kỷ cương của việc kê đơn, vốn hết sức nhập nhằng trong những năm qua.
Theo Dân Trí
Làm sạch cơ thể mỗi ngày bằng cách nào? Thời điểm nào bạn nên tiến hành làm sạch cơ thể đây? Những bộ phận cơ thể cần làm sạch là gì? Và có thể làm sạch cơ thể bằng cách nào? Những bộ phận cơ thể cần làm sạch mỗi ngày? Khi làm sạch và khử trùng cho cơ thể nhiều người chỉ chăm chăm làm sạch bộ phận quan trọng nhất...