Hướng dẫn phục hồi phổi tại giường cho bệnh nhân Covid-19
Những bệnh nhân mắc Covid-19 có thể trạng tốt hoặc đã âm tính với SARS-CoV-2 được các bác sĩ hướng dẫn tập vận động, phục hồi chức năng phổi ngay tại giường bệnh.
Hướng dẫn phục hồi phổi tại giường cho bệnh nhân Covid-19
Mỗi buổi sáng, hàng chục bệnh nhân đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp ( Quận 8, TPHCM) được bác sĩ chuyên Khoa hướng dẫn tập vận động, phục hồi chức năng phổi khi tiến triển bệnh ngày càng tốt.
Những động tác đưa hai tay thẳng qua đầu, hít chậm, sâu và đều, hạ tay xuống xuôi theo thân… được các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân làm đúng kỹ thuật.
Mỗi buổi chỉ khoảng 3 động tác, chủ yếu co giãn lồng ngực. Buổi tập ngắn, kéo dài khoảng 10 phút nhưng có bệnh nhân cũng không thể thực hiện vì sức khỏe kém, bệnh nhân dễ hụt hơi khi nồng độ oxy trong máu (SpO2) xuống thấp.
Bác sĩ chỉnh lại động tác để hai tay sau gáy và gập liên tục như cánh bướm, giúp bệnh nhân vận động lồng ngực.
Các bệnh nhân có thể thực hiện trôi chảy các động tác đa phần đã cai được oxy. Các động tác tập trung vào việc giãn nở lồng ngực, khi họ đã trải qua quá trình tập tại giường. Độ khó tăng dần lên, bệnh nhân được yêu cầu bước ra khỏi giường để tập luyện.
Ngày vào viện, ông Võ Hữu Danh, ngụ phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân có chỉ số SpO2 thấp (84%), khiến ông thường xuyên đau ngực và khó thở.
“Hôm hai vợ chồng trở nặng, may có người quen đưa số tổng đài “F0, Chúng tôi bên bạn”, qua liên lạc thì có xe cứu thương xuống tận nhà đón hai vợ chồng vào bệnh viện. Nay đã 13 ngày, tôi đứng tập thể dục, có sức cột dây rèm như thế này là tốt lắm rồi. Lúc mới vô, ngồi còn không nổi”, ông Danh phấn khởi.
“Em âm tính rồi, giờ ở lại đây chăm bà ngoại. Sau khi tập vận động, em ngồi phơi nắng một chút để diệt khuẩn”, em Lê Hoàng Anh Tuấn (19 tuổi) ngụ phường 5, Quận 8 chia sẻ.
Bên trong khu vực điều trị các ca nặng, bác sĩ Phạm Ngô Lộc đến hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân ngay tại giường.
Do nằm một chỗ hai tuần nên khả năng vận động cơ các bệnh nhân hạn chế, bác sĩ phải hỗ trợ vận động thường xuyên cho bệnh nhân.
Nhờ được hướng dẫn cũng như theo sát, bệnh nhân này cải thiện khá tốt nồng độ oxy trong máu cũng như khả năng vận động các cơ khi nằm trên giường.
Bà Nguyễn Thị Hạnh không cầm được nước mắt khi thấy các bác sĩ chăm sóc cho mẹ mình là bà Nguyễn Thị Viên (90 tuổi) đang tụt SpO2 và huyết áp xuống thấp.
“Các bác sĩ ở đây rất thân thiện, xem bệnh nhân như những người thân, cả nhà tôi có bốn F0 nhưng các bác sĩ thay nhau chăm sóc 24/24h. Mẹ bệnh, chỉ có tôi và cháu (chị Nguyễn Thị Thu Thảo, áo hoa) vào chăm do cũng là F0. Bị bệnh này rồi, con cái có muốn vào chăm cũng không được”, bà Hạnh nghẹn ngào.
Bệnh nhân sau khi xác định khỏi bệnh, xét nghiệm hai lần âm tính sẽ đưa đến phòng đo chức năng hô hấp để đánh giá khả năng thu nạp oxy trong cơ thể.
Máy đo chức năng hô hấp sẽ cho ra kết quả mức độ tổn thương hô hấp, sự trao đổi khí như thế nào, kết hợp kết quả chụp X-quang để các bác sĩ đưa ra chương trình tập nặng nhẹ khác nhau cho bệnh nhân.
“Tổn thương phổi có thể nhận thấy rõ nhất là khả năng vận động của người bệnh sau khi phục hồi giảm đi đáng kể. Lúc bình thường có thể nâng bình nước 20 lít. Nhưng sau khi khỏi bệnh, khả năng nâng bình nước sẽ giảm vì lượng khí trao đổi không tốt”, bác sỹ Hồng Khánh Sơn – Chuyên Khoa Phục hồi chức năng- Vật lý trị liệu cho biết.
Trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, việc phục hồi chức năng, nhất là chức năng hô hấp đóng vai trò quan trọng khi bệnh nhân khỏi bệnh. Đối với những bệnh nhân có chỉ số SpO2 dưới 92%, nhịp thở 30 lần/phút hạn chế vận động, đa phần đều cần sử dụng bình oxy. Chính vì thế bác sỹ sẽ can thiệp bằng các bài tập hồi phục chức năng, tránh teo cơ, cứng khớp, nhiễm trùng tiểu… do bệnh nhân nằm một chỗ quá lâu.
“Với những bệnh nhân chưa đi lại được thì bác sĩ đến tập thụ động tại giường. Chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhóm bệnh nhân nặng, nguy kịch đã xuất viện để hỗ trợ tập phục hồi. Bên cạnh đó, phục hồi chức năng về mặt tinh thần cũng là yếu tố quan trọng. Nhìn chung, nếu phục hồi chức năng can thiệp sớm sẽ giúp đỡ bệnh nhân lấy lại trạng thái bình thường sau khi khỏi bệnh”, Bác sỹ Đinh Quang Thanh – Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp nói.
F0 nặng vừa về nhà kể chuyện rưng rưng lần đầu tiên ăn ổ bánh mì của bác sĩ
Khi biết mình bị nhiễm COVID-19 cũng không hoang mang lắm. Nhưng khi bệnh chuyển nặng, phải đi chữa bệnh thì việc tự tin đã hết hẳn, tôi cảm nhận được việc phổi mình bị ảnh hưởng nặng nề và tình hình sức khỏe chuyển biến xấu.
"Anh xét nghiệm" đẩy xe dọc hành lang - Ảnh: THANH TÙNG
Câu chuyện của anh Thanh Tùng, một F0 nặng ở TP.HCM và vừa được về nhà sau 16 ngày điều trị COVID-19 ở bệnh viện.
Tôi bắt đầu nhận ra mình bị nhiễm COVID-19 vào ngày 12-7, ngày đó sốt liên tục và rất khó hạ sốt dù dùng thuốc hạ sốt liên tục.
Bác sĩ đi khắp viện tìm oxy cho tôi thở
Khi biết mình bị nhiễm COVID-19 tôi cũng không hoang mang lắm, vì thứ nhất, lúc đó TP.HCM đang bùng dịch mạnh, việc đi ra ngoài hằng ngày hoặc tiếp xúc với người khác nguy cơ nhiễm cũng cao; thứ hai là tôi vẫn nghĩ mình sẽ ở trong phạm vi 80% ca F0 triệu chứng nhẹ, vì mình còn trẻ và sức đề kháng tốt, mình có thể tự khỏi được.
Nhưng khi bệnh chuyển nặng, phải đi chữa bệnh thì việc tự tin đã hết hẳn, tôi cảm nhận được việc phổi mình bị ảnh hưởng nặng nề và tình hình sức khỏe chuyển biến xấu.
Trong những lúc lo lắng nhất thì cứ nghĩ về gia đình, vợ và các con, về niềm tin và sự yêu thương, sự cố gắng vượt qua căn bệnh này để về với gia đình là động lực lớn nhất để cố gắng.
Khi bệnh trở nặng cần oxy để thở thì các y bác sỹ Bệnh viện quận 7 hỗ trợ rất nhiều. Những ngày đầu oxy khan hiếm, tôi đã từng thấy các bác sĩ đi khắp bệnh viện cố gắng tìm oxy cho tôi thở, xin lại từ các bệnh nhân khác đã đỡ hơn. Điều đó thật sự hết sức đáng quý.
Ngoài ra còn về tinh thần, y bác sĩ động viên liên tục mỗi khi thăm khám, tôi vẫn nghĩ căn bệnh này vượt qua được là nhờ tinh thần ổn định nhiều.
Cảm ơn Nhà nước
Trong những ngày căng thẳng, cố gắng vượt qua bệnh tật, tôi lo cho sức khỏe nhiều nhất, nhưng những ngày đã tạm hồi phục lại lo lắng nhất về viện phí. 16 ngày trong viện liên tục, vào rất nhiều thuốc, 3 lần xét nghiệm PCR, chi phí giường bệnh, oxy sử dụng những ngày đầu liên tục...
Mọi thứ làm việc hân hoan khi sắp được ra viện thêm phần lo lắng vì "cái hóa đơn sắp nhận". Nhưng khi nhận được hóa đơn thanh toán, thật sự nhẹ nhõm, Nhà nước hỗ trợ người bệnh COVID-19 rất rất nhiều.
Trước hết là về chi phí sinh hoạt trong viện. Trong bệnh viện bạn sẽ ở khu cách ly, khu này sẽ không có người nhà hay bất cứ ai vào chăm sóc người bệnh (cách ly hoàn toàn mà), nên mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều tự thực hiện.
Việc ăn uống sẽ có hai giai đoạn, khi bạn chưa có kết quả xét nghiệm PCR dương tính (chỉ test nhanh dương tính) bạn sẽ phải tự chi trả 3 bữa ăn, mỗi bữa 35.000 đồng, cái này căngtin bệnh viện sẽ phục vụ tận khu cách ly cho các bạn.
Sau từ 2-3 ngày, khi các bạn đã có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, bạn sẽ được hỗ trợ 3 bữa ăn mỗi ngày, hoàn toàn miễn phí mà anh em chung phòng hay gọi là "cơm nhà nước" (trong hình ảnh tôi có chụp thông báo này của bệnh viện dán trong khu cách ly).
Về chi phí khám chữa bệnh, như trong hóa đơn thanh toán cuối cùng, các đợt xét nghiệm PCR với chi phí hơn 700.000 đồng mỗi lần, cũng được ghi chú "ngân sách nhà nước chi trả". Tôi thuộc dạng nặng, xét nghiệm 3 lần mới đạt, và cả 3 lần đó đều không tốn tiền xét nghiệm.
Tổng kết lại hết chi phí chữa bệnh cho tôi từ khi nhập viện cho tới khi xuất viện, tổng cộng là 6.907.533 đồng. Tôi không có bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước chi trả - bệnh nhân COVID-19 - cuối cùng số tiền mình phải đóng chỉ là 953.284 đồng, xem như "anh nhà nước" chi trả gần 95% chi phí cứu sống một mạng người như mình.
Quá tuyệt vời, vì vậy các bạn đang chữa trị, hoặc đang là F0 hoàn toàn có thể yên tâm về chi phí khám chữa bệnh khi chúng ta phải nhập viện. Việc của chúng ta cần làm chỉ là cố gắng hết sức đánh bại COVID-19, việc chi phí đã có Nhà nước lo giúp chúng ta.
Yêu lắm, anh đẩy xe
Trong những hình tôi đăng, có những bữa ăn miễn phí tại bệnh viện, đa phần là đủ ăn, đủ chất, tất nhiên ngon thì về nhà vẫn là nhất. Nhưng với đứa cơm hàng cháo chợ đó giờ như tôi thì những bữa ăn này hoàn toàn là đầy đủ cả chất và lượng.
Tiếp trong hình, anh nhân viên y tế đang đẩy cái xe nhỏ được mọi người trong viện gọi là "Anh xét nghiệm". Anh luôn bắt đầu công việc từ 9h sáng, theo danh sách đi từng phòng và gọi những người cần xét nghiệm ra để xét nghiệm, vì theo quy trình.
Sau thời gian chữa bệnh, cứ xét nghiệm đủ các lần đạt âm tính là được về, nên mỗi khi anh đẩy xe vào, đi từng phòng và gọi tên ai thì người đó khả năng cao là xét nghiệm đạt sẽ về. Anh rất được sự quan tâm của mọi người.
Anh gọi tên ai, người đó vui như tết, bắc ghế ra ngồi chờ test. Còn anh đi ngang mà không gọi tên thì xem như chưa đủ điều kiện để test, sẽ khá buồn và thất vọng.
Ngoài ra, điều tôi muốn cho các bạn xem ở đây là về thuốc tiêm và thuốc uống khi mình nằm viện. Không phải khi bị suy hô hấp chỉ cần thở oxy là vượt qua được. Theo chi phí khám chữa bệnh, tôi được tiêm kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, uống thuốc hằng ngày theo toa và được xét nghiệm rất nhiều để theo dõi tình trạng sức khỏe.
Nên nếu là F0 tự thấy mình bị suy hô hấp, các bạn hãy cố gắng tìm và nhập viện để được sự hỗ trợ của đội ngũ y bác sĩ, việc thở oxy tại nhà chỉ là biện pháp tạm thời.
Cách đây 4 ngày, nam thanh niên đã khỏe và chờ xét nghiệm để được về nhà, thấy y bác sĩ nhiều việc quá nên xin y bác sĩ bộ đồ bảo hộ để phụ một tay mà bác sĩ không cho. Bác sĩ bảo anh cố khỏe xuất viện là ổn rồi.
Lần đầu tiên trong đời ăn ổ bánh mì của bác sĩ. Hôm vừa rồi căngtin cấp đồ ăn sáng sao mà thiếu, nằm chờ thì nghe bên ngoài bác sĩ nói với điều dưỡng: đưa phần ăn của mình cho bệnh nhân đi, lát anh ăn mì gói cũng được. Rưng rưng.
Chỉ mong rằng chúng ta sẽ khống chế được dịch bệnh, để TP.HCM quay lại được bình thường như ngày trước.
Bạn biết gì về "Ngón chân COVID"? Nhiều quốc gia trên thế giới đã trải qua các làn sóng đại dịch COVID hơn một năm rưỡi kể từ cuối năm 2019, ghi nhận một triệu chứng được các nhà chuyên môn y học và cộng đồng khá quan tâm, đó là cụm từ "Ngón chân COVID - COVID Toes". Sự gia tăng số lượng bệnh nhân bị sưng và đổi...