Hậu trường thi Olympic quốc tế – những chuyện chưa kể – Kỳ 2: Thước đo niềm say mê
Quyết định bỏ qua bài dễ để ‘chiến’ bài khó nhất, một bài hình có 6 cách giải khác nhau và đều đúng, hay bỏ ra cả tiếng chỉ để tìm cách giải tối ưu. Đó là những chuyện lạ mà rất bình thường ở các kỳ Olympic quốc tế.
Đội tuyển Olympic toán quốc tế năm 2017 vui mừng về kết quả cao đưa đội tuyển lên thứ hạng cao nhất trong lịch sử thi Olympic toán quốc tế của Việt Nam – Ảnh: NVCC
TS Lê Bá Khánh Trình, người nhiều năm gắn bó với đội tuyển học sinh giỏi, cho rằng kỳ thi Olympic quốc tế chỉ có thể là kỳ thi của những người có niềm say mê.
Kích hoạt sự sáng tạo
Yêu cầu của kỳ thi Olympic toán quốc tế là học sinh sẽ phải trải qua hai ngày thi. Mỗi ngày chỉ làm 3 bài toán, trong thời gian 4,5 tiếng. Khả năng tập trung cao độ, sự quyết đoán trong việc lựa chọn hướng đi và tìm ra cách đột phá để đến đích là những thứ mà những học sinh tham gia cuộc thi đẳng cấp này phải có.
Và để giải bài toán kéo dài vài tiếng, nếu không xuất phát từ đam mê thì sẽ khó lòng làm được. Chỉ từ đam mê mới có thể rèn luyện, hình thành năng lực đặc biệt.
Võ Anh Đức, học sinh đoạt huy chương vàng Olympic toán quốc tế năm 2013, chia sẻ: “Khởi đầu tôi học toán không phải để đi thi quốc tế, cũng không hề đặt ra mục tiêu phải có huy chương, giải thưởng. Mà xuất phát điểm là sự đam mê, thích khám phá, vì đam mê mà lao vào học.
Kỳ thi Olympic quốc tế chỉ là hệ quả của đam mê đó. Dĩ nhiên, thành quả đó đem lại tạo động lực và những cơ hội để tôi và các thành viên khác theo đuổi tiếp toán học”.
Và để “xứng” với sự đam mê, người ra đề thi ở các kỳ Olympic quốc tế luôn đề cao ý tưởng sáng tạo. Một bài toán có thể có nhiều cách giải, giống như nhiều con đường để đến đích. Con đường nào ngắn nhất, đẹp nhất, có phong cách nhất sẽ là con đường tạo ấn tượng, có thể ghi điểm nhiều hơn.
PGS.TS Nguyễn Vũ Lương, chủ tịch Hội đồng khoa học Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN), có khái niệm “văn hay” trong làm toán để nói về những lời giải đẹp, mạch lạc, ngắn gọn, sáng sủa, thậm chí gây bất ngờ cho người chấm.
Và theo ông, nhiều học sinh tài năng không chỉ đặt cho mình mục tiêu tìm ra lời giải mà phải là lời giải hay nhất, sáng tạo, độc đáo nhất.
Lê Quang Dũng, học sinh từng đoạt huy chương vàng trong kỳ Olympic toán quốc tế năm 2017, cho biết trong kỳ thi năm 2017 cũng có những bài mà đội Việt Nam mỗi người có một cách giải, trong đó có cách giải bất ngờ với chính các thầy trong đoàn và ban giám khảo.
Dũng dùng từ “cách giải đẹp” để nói về bài của Hoàng Hữu Quốc Huy (đoạt huy chương vàng có số điểm cao nhất trong đội tuyển toán năm 2017) vì ý tưởng rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu.
“Đề khó nhưng hợp phong cách với đội Việt Nam nên xử lý tốt” – Lê Quang Dũng chia sẻ và phân tích kết quả của đội tuyển toán 2017 theo góc nhìn của những người đam mê toán.
Những chia sẻ của Dũng cho thấy kết quả thi, giải thưởng cũng quan trọng, nhưng cái để lại dấu ấn cho các bạn trong một kỳ thi đẳng cấp lại là cách giải đẹp, xử trí thông minh. Những trải nghiệm đó sẽ đọng lại ở những học sinh sẵn có đam mê và đang tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học cơ bản.
Video đang HOT
Ông Mai Văn Trinh, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT (bìa phải), thăm phòng thi trực tuyến của học sinh Việt Nam trong kỳ thi Olympic toán quốc tế trước giờ thi – Ảnh: NVCC
Trải nghiệm của những người “dò đường”
“Thường thì cả đội đều cố gắng thi ngày đầu tốt nhất để có tâm lý tốt cho ngày thứ hai. Phan Nhật Duy, một thành viên của đội năm đó, đã làm không tốt bài thi ngày đầu, nhưng ngày thứ hai bạn ấy lại bứt phá” – Dũng nói về đồng đội khi nhận xét tinh thần thi đấu, nỗ lực trong thời điểm quan trọng để đạt mục tiêu. Và bản thân Dũng cũng có một lựa chọn mà theo em là sáng suốt.
“Về độ khó của đề thi năm 2017, bài thi số 5 dễ hơn số 6. Nhưng thay vì làm lần lượt từng câu theo độ khó tăng dần, tôi quyết định bỏ bài 5 để tập trung hết sức vào giải quyết bài 6. Đây là bài khó, nhiều học sinh nước khác không làm được nhưng lại là thế mạnh của tôi. Tôi quyết tâm dồn sức làm trọn vẹn bài đó” – Dũng nói.
Điều này cho thấy việc chọn đúng sở trường, tập trung cao độ là một “bí quyết”. Kỳ thi đẳng cấp không phải chỉ là nơi để giải đáp án của những bài thi mà là cuộc thi của bản lĩnh, sự quyết đoán.
Về kết quả của Lê Quang Dũng, GS.TS Lê Anh Vinh, trưởng đoàn học sinh dự Olympic toán quốc tế năm đó, nhớ lại: “Dũng bỏ bài 5, bài 6 thì làm quá ngắn, chỉ một trang rưỡi viết tay trong khi đáp án của ban giám khảo là một trang rưỡi đánh máy nên chúng tôi khá lo. Nhưng khi đọc bài thì thật bất ngờ. Cách Dũng làm rất đơn giản, dùng một bước chuyển là giải quyết xong”.
Cách “đơn giản” như GS Vinh nhận xét, nhưng Dũng phải bỏ ra 3 tiếng đồng hồ trong khi thời gian quy định cho cả bài thi là 4,5 tiếng. Những chuyện như thế này chỉ có thể diễn ra ở một cuộc so tài đỉnh cao.
Võ Anh Đức khi đã đi qua thời học sinh để dấn sâu hơn vào nghiên cứu khoa học cho rằng toán học chỉ hấp dẫn đối với những người có sự tò mò, thích khám phá. Và với những người này thì việc tìm ra một con đường, khám phá ra một ẩn số là hạnh phúc.
Một trường hợp khác khi nói về hành trình khám phá của mình, Nguyễn Mạc Nam Trung, học sinh đoạt huy chương bạc trong đội tuyển Olympic toán quốc tế năm 2020, cho rằng: Vấn đề cốt lõi để vượt qua thách thức của đề thi là phải biết cách cảm nhận đề. Có nghĩa mình quan sát xem ý của đề hướng mình đến điều gì.
Chẳng hạn một bài toán hình học yêu cầu chứng minh tính chất, mình nhìn tính chất đó và phải phán đoán, liên hệ với những cái đã học, vận dụng nó để tìm ra hướng đi. Thế nên “cảm nhận đề” rất quan trọng, nếu không cảm nhận được thì chẳng khác nào lạc trong mê cung không tìm được đường ra và cứ chơi vơi trong các bài toán đó.
“Trong đề thi toán năm 2020, tôi mất một tiếng với bài bất đẳng thức có mũ, mũ chứa biến – một câu rất lạ và “cái bẫy” nằm ở câu cuối. “Đề phát biểu rất đẹp nhưng tôi đã tính sai, chọn một hướng đi không đột phá nên không ra kết quả” – Trung nuối tiếc.
Bù lại Nam Trung kể về một “con đường” khác: “Một bài tổ hợp dễ so với tôi, nhưng tôi lại tốn khá nhiều thời gian vì muốn tìm ra cách đi tối ưu nhất cho bài toán của mình và phải chứng minh được đó là cách tối ưu nhất”.
Ai đó sẽ nói “con đường” mà Nam Trung chọn có phần bay bổng quá so với tính thực tế của một kỳ thi đầy ganh đua mà tấm huy chương là cái đích cuối cùng. Nhưng những người thực sự đam mê thì sẽ luôn có sự thôi thúc để đi tìm sự “tối ưu”.
GS.TS Lê Anh Vinh, trưởng đoàn học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế trong nhiều năm, kể từng có những bài toán trong kỳ thi mà 6 thành viên của Việt Nam, mỗi em có một cách giải và các cách đều đúng. Đó là điều thú vị của đề thi và cũng chỉ thấy xuất hiện ở cuộc thi hội tụ những học sinh thực sự tài năng.
“Từng có bài giải của một học sinh trong đoàn Việt Nam phải chấm đến 6 lần vì quá dài. Có những bài giải chỉ ngắn gọn trong nửa trang giấy nhưng có bài giải dài đến một trang, vài trang” – GS.TS Lê Anh Vinh cho biết.
Chính sự đa dạng này đã làm cho các kỳ thi Olympic quốc tế trở thành “ngày hội của sự sáng tạo” chứ không đơn thuần là cuộc thi với những điểm số. Và sau những vầng hào quang, cái hay của những sân chơi đẳng cấp quốc tế là ở chỗ đó, nó khai mở, nuôi dưỡng, phát triển đam mê.
——————————
Chỉ có ở các kỳ thi Olympic quốc tế thì mới có chuyện lục tung cả giấy nháp của học sinh để tìm thêm điểm cho bài thi…
Kỳ tới: Chấm thi và cuộc “đấu trí” của các thầy
TS Lê Bá Khánh Trình: 'Tôi chưa lý giải được thành tích năm nay'
"Đúng là thực lực của đội tuyển Olympic Toán năm nay khá mạnh. Tôi cũng chưa thể lý giải được vì sao thành tích năm nay thấp hơn các năm", TS Lê Bá Khánh Trình nói.
Năm 2020, đoàn Việt Nam "văng" khỏi top 10, xếp thứ 17 tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO). Trước đó, năm 2017, đội tuyển Olympic Toán Việt Nam xếp vị trí thứ ba. Năm 2018, chúng ta xếp thứ 20. Năm 2019, thành tích này được cải thiện, đoàn Việt Nam xếp thứ 7.
Nhiều người đặt câu hỏi về thành tích không đều qua các năm của đội tuyển Olympic Toán.
PGS Lê Anh Vinh (ngoài cùng bên trái) và TS Lê Bá Khánh Trình (ngoài cùng bên phải) cùng 6 thành viên đội tuyển năm nay. Ảnh: MOET.
Thành tích không đều
Nhận xét về thành tích năm nay của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình, Phó trưởng đoàn phụ trách đội tuyển Olympic Toán Việt Nam, cho biết nếu xét thành tích từ xưa đến nay của đội tuyển, ông chưa thấy hài lòng.
"Đúng là thực lực của đội tuyển năm nay khá mạnh. Chuyện thi cử có rất nhiều yếu tố, tôi cũng chưa thể lý giải được vì sao thành tích năm nay thấp hơn các năm. Có thể, một số em không đạt được phong độ tốt nhất trong những ngày thi hoặc gặp vấn đề tâm lý", thầy Trình nhận định.
Phó đoàn Olympic Toán quốc tế của Việt Nam cho biết thầy giáo bồi dưỡng cho đội tuyển luôn muốn phát huy tốt nhất năng lực của mỗi thí sinh.
Có thể, một số em không đạt được phong độ tốt nhất trong những ngày thi hoặc gặp vấn đề tâm lý.
TS Lê Bá Khánh Trình
"Có thể là với vai trò phụ trách đoàn, chúng tôi đã chưa làm hết sức mình, không xem xét hết tình huống nên học trò không đạt được phong độ tốt nhất. Tôi không suy nghĩ nhiều về kết quả, chỉ nghĩ có phải mình chưa giúp được học trò phát huy hết năng lực trong 2 ngày thi", TS Trình tâm sự.
Mặt khác, theo ông, thí sinh thường làm bài tốt khi cảm nhận được không khí, khí thế của cuộc thi, sự cạnh tranh giữa các nước. Năm nay, cuộc thi được tổ chức online, thí sinh sẽ giảm đi mức độ hưng phấn khi làm bài.
Một vài năm gần đây, TS Lê Bá Khánh Trình nhận thấy thành tích của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế đi theo quy luật năm chẵn, năm lẻ.
"Nhiều năm dẫn đoàn, tôi để ý cứ năm chẵn thì kết quả lại không tốt, năm lẻ thành tích lại tốt hơn. Như thành tích năm 2016 (xếp 11 toàn đoàn), năm 2018 (xếp 20) và năm 2020 (xếp 17). Trong khi các năm 201, 2017, 2019, chúng ta đều nằm trong top 10. Thành tích của chúng ta không đều", Phó trưởng đoàn nhận định.
Mặc dù đây chỉ là nhìn nhận về mặt cá nhân, TS Trình cho biết ông sẽ đưa ra phân tích, bàn bạc cùng những người phụ trách công tác bồi dưỡng đội tuyển Toán.
Nói về 2 thí sinh đoạt huy chương vàng năm nay, TS Trình chia sẻ Ngô Quý Đăng đi thi với tinh thần rất vô tư, ngây thơ. Có lẽ vì không có nhiều áp lực tâm lý, Quý Đăng đã thể hiện tốt.
"Quý Đăng rất thông minh, nhất là những bài toán mà không cần quá nhiều kiến thức, em làm rất tốt. Trương Tuấn Nghĩa là một bạn trầm, nghiêm túc, chín chắn, phong độ ổn định, tinh thần vững", thầy Trình nhận xét.
Ông cho rằng ở nước ta, trường hợp của Ngô Quý Đăng tham gia thi Olympic từ năm lớp 10 là hiếm. Nhưng với nhiều nước, thí sinh đã đi thi từ lớp 9, 10. Những em này thường đóng góp rất nhiều cho đội tuyển và phong trào học sinh giỏi Toán. Ngô Quý Đăng cũng được hy vọng là trường hợp như vậy.
Phòng thi Olympic Toán quốc tế 2020 của đội tuyển Việt Nam tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh: PGS Lê Anh Vinh.
Coi thi chính học trò mình cũng "rất khổ"
Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Olympic Toán quốc tế năm 2020 được tổ chức theo cách đặc biệt nhất trong lịch sử kỳ thi - thí sinh thi online ngay tại quê nhà của mình.
PGS Lê Anh Vinh, TS Lê Bá Khánh Trình tiếp tục giữ nhiệm vụ trưởng đoàn và phó đoàn phụ trách đội tuyển. Cùng một số thành viên khác của đoàn Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình - người từng được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam" - có nhiệm vụ gác thi.
"Nhiều năm dẫn đoàn thi thi quốc tế, đây là lần đầu tiên tôi được phân công gác thi. Mọi năm đến giờ thi, tôi chỉ được đứng ở ngoài mà hồi hộp, trông mong. Năm nay, tôi được quan sát quá trình làm bài của các em ở cự ly gần. Đây là cơ hội hiếm có", thầy Trình chia sẻ.
Dù vậy, thầy giáo này cho biết việc gác thi đối với chính học trò của mình cũng "rất khổ".
"Vừa là người dẫn đoàn lại vừa coi thi, cảm giác rất khó tả. Tôi cố gắng giữ mình hết sức vô tư, dù rất nóng lòng. Thấy các em cau có, vò đầu bứt tai, uống nước hay đi ra đi vào là tôi cũng thót tim. Những lúc đấy, tôi nghĩ bụng, không biết các em có vấn đề gì, phát huy ổn không. Hai ngày thi, mỗi ngày 4, giờ, tôi rất sốt ruột", TS Trình kể.
Phó trưởng đoàn IMO Việt Nam cho biết phòng thi được bố trí chỗ ngồi, 2 camera, theo yêu cầu của ban tổ chức. TS Lê Anh Vinh chịu trách nhiệm giữ liên lạc với ban tổ chức. TS Lê Bá Khánh Trình và một thành viên khác của đoàn cùng quan sát viên người Nga chịu trách nhiệm coi thi.
Theo quy định, trước thời gian thi 3 giờ, nước chủ nhà Nga gửi đề về cho trưởng đoàn để dịch. Trưởng đoàn phải dịch đề dưới sự giám sát của người nước ngoài. Dịch xong, trưởng đoàn đăng đề lên trang web của ban tổ chức.
Tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) 2020, đoàn Việt Nam giành được 2 huy chương vàng, một huy chương bạc, 2 huy chương đồng và một bằng khen. Huy chương vàng thuộc về Trương Tuấn Nghĩa và Ngô Quý Đăng, cùng là học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), đoạt huy chương vàng. Trong đó, Quý Đăng còn là học sinh lớp 10.
Nguyễn Mạc Nam Trung, học sinh lớp 12, trường THPT Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM), giành huy chương bạc.
Chu Thị Thanh, học sinh lớp 12, trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và Trần Nhật Minh, học sinh lớp 12, trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), cùng giành huy chương đồng.
Đinh Vũ Tùng Lâm, học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận được bằng khen của ban tổ chức.
Năm nay, Trung Quốc đứng thứ nhất toàn đoàn, tiếp sau là Nga và đứng thứ ba là Mỹ. Việt Nam xếp thứ 17 toàn đoàn.
Những gương mặt Vàng tại các kỳ thi Olympic quốc tế 2020 Năm 2020, Việt Nam có 24/24 lượt thí sinh tham dự thi Olympic khu vực và quốc tế đạt giải (gồm 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen). Trong đó, đội tuyển Olympic Hóa học quốc tế đạt thành tích ấn tượng với 4/4 thí sinh giành Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế...