Hai nữ thủ khoa người Mường ngành Sư phạm Văn
Ánh Quyết và Khánh Huyền cùng đạt 31,25 điểm, là tân thủ khoa ngành Sư phạm Văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức.
Hôm 14/9, nhận được điện thoại thông báo trúng tuyển từ Đại học Hồng Đức, Phạm Thị Ánh Quyết, cựu học sinh lớp 12A2, trường THPT Cẩm Thủy 3, huyện Cẩm Thủy, vui mừng khi đỗ vào ngành học mơ ước.
Ngành Sư phạm Văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức chỉ tuyển 15 thí sinh, điểm chuẩn cao nhất cả nước với 30,5 điểm.
Ánh Quyết (ngoài cùng bên trái) cùng cô giáo dạy Văn (giữa) trong lần đi thi học sinh giỏi Văn của tỉnh năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nữ sinh xét tuyển khối C19 với ba môn Văn, Sử, Giáo dục công dân và chỉ đăng ký một nguyện vọng vào Đại học Hồng Đức. Nhận xét đề thi năm nay vừa sức, nhưng Quyết vẫn có chút tiếc nuối ở môn Văn. Nữ sinh ôn tập trung vào văn xuôi nên lúc đọc đề có bài Sóng đã rất lo lắng.
“Em đã không ôn bài này, nhưng trên lớp cô giáo giảng khá kỹ nên trong phòng thi cố gắng nhớ rồi viết ra. Em viết được khoảng bốn tờ giấy thi nhưng không thực sự ưng ý lắm và nghĩ chỉ được 7 điểm”, Quyết kể.
Khác với môn Văn, Quyết tự tin giành điểm 10 Sử. Tuy nhiên, ra khỏi phòng thi, em phát hiện đã chủ quan, làm sai một câu dễ nhất. Nữ sinh dự tính được khoảng 30 điểm ba môn, gồm cả điểm ưu tiên. Cuối cùng, Quyết được 28,5 điểm, trong đó Văn 9,25, Sử 9,75 và Giáo dục Công dân 9,5. Cùng với 2,75 điểm ưu tiên đối tượng và khu vực, Quyết trở thành thủ khoa của ngành.
Quyết cho hay chỉ thực sự học tập trung một tháng trước khi thi tốt nghiệp. Em từng trong đội tuyển thi học sinh giỏi Văn lớp 12 của trường nên ôn môn này nhẹ nhàng. Bên cạnh kiến thức trên lớp và nâng cao khi học đội tuyển, Quyết tham khảo thêm nhiều tài liệu trên mạng. Năm cuối cấp, Quyết còn đam mê môn Sử. Em học theo sách giáo khoa và xem thêm video về sự kiện lịch sử trên mạng.
Nhà cách trường khá xa nên Quyết đăng ký ở trong ký túc xá và đang háo hức khám phá chặng đường sắp tới ở trường đại học.
Khánh Huyền có sự bứt phá ở cuối năm lớp 12 và trở thành thủ khoa ngành Sư phạm Văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cùng với Quyết, Hà Thị Khánh Huyền, cựu học sinh lớp 12A6, trường THPT Cẩm Thủy 1, cũng là thủ khoa ngành Sư phạm Văn chất lượng cao của Đại học Hồng Đức năm nay. Mấy hôm nay, Huyền ngập tràn hạnh phúc khi nhận được những lời chúc mừng của thầy cô và bạn bè. Cô gái thấy may mắn vì đã thực hiện được ước mơ và định hướng của gia đình.
Được trường gọi điện báo trúng tuyển trước, nhưng hôm 15/9 Huyền vẫn hồi hộp đợi điểm chuẩn. Lúc biết ngành mình chọn lấy 30,5 điểm, Huyền sốc. “Em nghĩ điểm chuẩn tăng khoảng 0,5 hoặc 0,75, nhưng không ngờ năm nay lại cao như vậy. Lúc đầu, em tính chắc chỉ đủ điểm đỗ”, Huyền chia sẻ.
Video đang HOT
Nữ sinh ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, cho biết đăng ký 8 nguyện vọng và mong đỗ vào ngành Sư phạm Văn. Là học sinh chuyên Văn nhưng trong ba môn tổ hợp C20 (Văn, Địa, Giáo dục công dân), Huyền tự tin nhất ở môn Địa vì tham gia đội tuyển học sinh giỏi.
Đề thi Văn khiến Huyền khá bất ngờ, còn Giáo dục công dân có nhiều câu hỏi dài dòng, trong khi môn Địa có vài câu khó. Cuối cùng, Huyền đạt 28,5 điểm, trong đó 9,75 ở cả hai môn Địa và Giáo dục công dân, còn Văn được 9. Huyền cũng được cộng 2,75 điểm ưu tiên khu vực và đối tượng.
Huyền tâm đắc câu “Chúng ta chỉ thực sự sai lầm khi không học được từ những sai lầm ấy” và muốn gửi tới các bạn thí sinh trượt nguyện vọng năm nay: “Khi đối mặt với sai lầm hay thất bại, chúng ta không nên nản chí mà hãy lấy đó làm động lực để tạo đà tiến lên phía trước”.
Cô Đào Thị Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A6, vui mừng khi nhận tin Huyền là thủ khoa. Đánh giá Huyền chuyên cần, nghị lực và có sự bứt phá ở giai đoạn cuối năm lớp 12, cô Huệ không bất ngờ vì những lần làm bài thi khảo sát ở lớp, nữ sinh cũng luôn đạt điểm như vậy.
Cô Huệ cho hay, Huyền ước mơ làm giáo viên tiểu học, xác định mục tiêu ngay từ khi vào trường. Khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, Huyền băn khoăn, không dám nộp vào khoa chất lượng cao. Nhưng được cô Huệ tư vấn, động viên, nữ sinh đã tự tin hơn. “Là trường miền núi, phần đông học sinh là con em dân tộc, gia đình làm nông, nhưng các em đã nỗ lực học tập”, cô Huệ nói.
Lớp 12A6 có 46 học sinh, gần 40 em đỗ nguyện vọng một vào nhiều trường top đầu. Những em còn lại không có nguyện vọng học đại học mà muốn tìm việc làm, hoặc gia đình khó khăn không thể học lên cao.
Ước mơ của nữ sinh dân tộc Mường đầy nghị lực có gia cảnh éo le
Trước hoàn cảnh éo le, khi bố mắc bệnh tâm thần, gia đình nhiều phen nguy nan... nhưng Phạm Thị Thu Phương vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập, tin tưởng vào tương lai tươi đẹp đang chờ đón.
Nữ sinh dân tộc Mường - Phạm Thị Thu Phương.
Từng định bỏ học vì hoàn cảnh khốn khó
Căn nhà cấp bốn cũ kĩ của gia đình nữ sinh Phạm Thị Thu Phương (lớp 12A3, Trường THPT Cẩm Thủy 3)ở thôn Chiềng Đông, xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa) ít khi rộn rã niềm vui.
Bởi lẽ, bố Phương mắc bệnh tâm thần nhiều năm nay. Dù đã được chữa trị ở nhiều bệnh viện, song bệnh tình của bố em vẫn không thuyên giảm.
Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình, ánh mắt nữ sinh lớp 12A3 bỗng buồn rười rượi. Nhớ lại những lần bố phát bệnh khiến cả nhà khốn khổ, Phương lại cảm thấy vừa buồn.
"Mỗi khi bố phát bệnh, em chẳng biết nên khóc hay nên cười. Lúc đó, bố chửi mắng mẹ và mọi người, thậm chí đuổi đánh mẹ. Nhưng sau khi qua cơn phát bệnh, bố lại cười nói rồi ngồi ăn cơm như không có chuyện gì xảy ra", nữ sinh ngậm ngùi.
Theo Phương, trước khi bố em mắc căn bệnh này, gia đình cũng có điều kiện ở thôn. Khi đó, bố Phương rất chịu khó làm ăn, vừa chăn nuôi vừa xay xát gạo.
Thế nhưng, những tháng ngày ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Kể từ khi bố em bị bệnh, gia đình mỗi ngày một khó khăn.
Trước hoàn cảnh khốn khó, đã có những lúc trong đầu nữ sinh dân tộc Mường từng có ý định bỏ học.
Ông bà nội Phương tuổi đã cao, sức khỏe mỗi ngày một yếu.
"Đó là khoảng thời gian em học lớp 9. Khi đó gia đình khó khăn lại không có ai định hướng nên em nghĩ, chỉ cần học xong cấp 2 rồi đi làm. Thế rồi được mẹ và thầy cô động viên, em mới tiếp tục học lên cấp 3", nữ sinh trải lòng.
Sau khoảng thời gian áp lực, Phương chuyên tâm vào học hành. Bởi, em cho rằng học tập chính là con đường giúp bản thân có nhiều cơ hội việc làm, từ đó thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn, vất vả.
Nói về hoàn cảnh gia đình mình, bà Quách Thị Nhi (mẹ của Phương) nước mắt lại giàn giụa: "Nhiều lúc tôi cảm thấy bế tắc, không có lối thoát. Mỗi khi chồng phát bệnh tôi lại bất an.
Có lần anh ấy phát bệnh bỏ lên rừng, cả nhà lo lắng phải đi tìm tận ba, bốn hôm mới thấy. Hiện giờ vẫn phải thuốc thang, tái khám theo định kỳ".
Theo bà Nhi, mọi chi phí sinh hoạt hàng ngày của gia đình và tiền ăn học của hai chị em Phương, đều phụ thuộc vào số tiền công nhân chỉ vỏn vẹn 4 triệu đồng/tháng.
Cùng với đó là số tiền hơn 400.000 đồng trợ cấp mỗi tháng của bố Phương. Trong khi đó, sức khỏe của ông bà nội Phương cũng mỗi ngày một yếu.
Từ ngày bố bị bệnh, mẹ trở thành trụ cột của gia đình. Phương càng thương mẹ nhiều hơn.
"Nhiều lúc cứ nghĩ mình mạnh mẽ lắm nhưng không hiểu sao nước mắt cứ rơi. Có bố mẹ nào không mong con học hành thành người, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn chỉ lo con không thể tiếp tục theo đuổi ước mơ", bà Nhi nghẹn ngào.
Cô gái đầy nghị lực
Mặc dù, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng ở Phương luôn toát lên sự mạnh mẽ, đầy nghị lực, luôn tin tưởng vào bản thân cũng như tương lai tươi đẹp đang chờ đón.
"Em nghĩ rằng hoàn cảnh khốn khó chính là động lực để ta vươn lên trong học tập và cuộc sống. Nếu cứ ở trong cái bọc của sự khá giả, được nuông chiều... thì có lẽ em sẽ không biết cách hoàn thiện bản thân", nữ sinh bộc bạch.
Chính sự mạnh mẽ, tự lập đã giúp Phương đạt kết quả tương đối tốt tại kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Em giành được 26 điểm ở ba môn khối C, nếu cộng cả điểm ưu tiên, tổng điểm của Phương là 28,75 điểm.
Với số điểm này, nữ sinh đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn của Đại học Thái Nguyên. Chia sẻ lý do chọn ngành này, Phương cho biết: "Sư phạm Ngữ văn khá phù hợp với em, hơn nữa cũng phù hợp với hoàn cảnh gia đình".
Mẹ của Phương nghẹn ngào khi kể về gia cảnh của mình.
Tin tưởng vào bản thân và hy vọng vào một tương lai tươi sáng, nhưng trong ánh mắt của cô gái Mường toát lên sự lo lắng cho đoạn đường sắp tới. Bởi lẽ, khi bước vào môi trường mới, tiền học phí, sinh hoạt hàng tháng, em không biết phải xoay sở ra sao...
Thầy Nguyễn Quốc Tuấn (giáo viên chủ nhiệm) không khỏi nghẹn lòng khi nhắc đến cô học trò của mình.
"Phương là học sinh có hoàn cảnh đặc biệt éo le cả về vật chất lẫn tinh thần hơn so với các bạn khác trong lớp.
Mặc dù vậy, em luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Điều đó thể hiện qua kết quả ở kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, khi lọt Top 10 học sinh có kết quả cao nhất lớp. Là giáo viên chủ nhiệm, tôi mong sự hỗ trợ của các mạnh thường quân để em tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình".
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cô gái Mường vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập.
Theo ông Phạm Văn Tình - Trưởng thôn Chiềng Đông, gia đình cháu Phương nhiều năm thuộc hộ nghèo, hiện nay là hộ cận nghèo ở thôn. Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, ông nội là thương binh, còn bố mắc bệnh tâm thần, hưởng trợ cấp ở thôn nhiều năm nay.
"Cả nhà hiện nay chỉ có chị Nhi là lao động. Hoàn cảnh cũng khó khăn. Chính quyền địa phương và hàng xóm cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình", ông Tình cho hay.
Mọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, xin liên hệ số ĐT: 0392247311 - Em Phạm Thị Thu Phương, ở thôn Chiềng Đông, xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Hoặc thầy giáo Nguyễn Quốc Tuấn, Trường THPT Cẩm Thủy 3, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Số ĐT: 0355818716.
Đồng thủ khoa khối C Phạm Thị Thắm được kết nạp Đảng từ khi còn là học sinh THPT Với tổng điểm 31,5 sau khi cộng các điểm ưu tiên và điểm khu vực (trong đó môn Văn học 9,25, Lịch sử 9,75 và Địa lý 9,75) tại kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2021, em Phạm Thị Thắm, Lớp 12A3, Trường THPT Cẩm Thủy 3 đã trở thành thí sinh xuất sắc có tổng điểm cao nhất huyện Cẩm Thủy và...