Hà Nội mở cửa trường sau Tết Nguyên đán: Phụ huynh, giáo viên nói gì?
Sau Tết Nguyên đán (ngày 8/2) Hà Nội sẽ mở cửa trường đón học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 học trực tiếp, phụ huynh và giáo viên nói gì về quyết định này?
Nhận được thông tin Hà Nội cho phép trường học mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán (từ ngày 8/2), chị Nguyễn Ngọc Linh Chi (42 tuổi) ở Ba Đình, Hà Nội vui mừng ủng hộ phương án trên.
Sẵn sàng cho con đi học
Chị nhận thấy, việc các con ở nhà quá lâu không những ảnh hưởng đến kết quả học tập mà nặng hơn là tâm lý bất ổn. Các con cần đến trường để cuộc sống gia đình trở lại nhịp sống vốn có. Đặc biệt, khi đi học trực tiếp, cô con gái lớp 9 của chị sẽ thêm thời gian học tập, chuẩn bị tốt cho kỳ thi vào lớp 10 cam go.
Mặt khác, chị Linh và chồng cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho trường hợp xấu nhất, nếu không may con mắc COVID-19 thì gia đình sẽ cùng con ở nhà chiến đấu với dịch bệnh. Chị chấp nhận nguy cơ đó bởi con đã tiêm hai mũi vaccine.
Có hai con đang học lớp 8 và lớp 12, anh Lâm Quang Hưng (45 tuổi, ở Hoàn Kiếm) vui mừng trước thông tin sau Tết các con sẽ đi học trực tiếp. Khi năm học mới bắt đầu, hai vợ chồng đã bàn trước các kịch bản, phân công cụ thể nhiệm vụ từng người ở từng giai đoạn. Thậm chí, gia đình còn tính tới tình huống xấu có thể phải học online đến hết năm. Thật may, kịch bản xấu nhất này không thành hiện thực.
Anh Hưng cho rằng, trong thời gian không đến trường, các con vẫn thường được gia đình cho đi chơi, đi siêu thị… nên ở nhà chưa chắc đã an toàn hơn đi học. Mặt khác, bố mẹ vẫn đi làm và có thể mang bệnh về nhà. Do vậy, quyết định mở cửa trường học để thích ứng là hợp lý và được các phụ huynh ủng hộ.
Học sinh ngoại thành Hà Nội học trực tiếp sau thời gian nghỉ dài. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)
Đồng quan điểm, anh Trần Bảo Trung (37 tuổi) ở quận Đống Đa, Hà Nội bày tỏ, bên cạnh thành tích học tập, gia đình luôn coi trọng sức khoẻ, tâm lý của con. Ở nhà quá lâu khiến tâm lý trẻ bất ổn, ngại giao tiếp, không hoà đồng và thích ở một mình Nếu kéo dài thêm việc nghỉ học sẽ để lại hệ quả tâm lý khó lường với trẻ.
Anh và vợ nhiều lần tự hỏi “Nếu con nhiễm COVID-19 ở trường sẽ ra sao? khi để con đến trường, nhưng anh vẫn tin vào việc phòng dịch ở trường học. Hơn nữa, các nghiên cứu hiện nay đều cho thấy trẻ bị nhiễm COVID-19 thường nhẹ và nhanh khỏi trong 7 ngày. Đó là lý do anh sẵn sàng để con đến trường, chấp nhận sống chung với dịch bệnh và rủi ro có thể mắc nCoV.
Video đang HOT
Giáo viên mừng lo xen lẫn
Cô Bùi Lan Hương, giáo viên trường THCS Hai Bà Trưng hào hứng chuẩn bị lì xì cho học sinh trong ngày đầu trở lại trường sau Tết Nguyên đán. Cô ủng hộ phương án Hà Nội mở cửa trường học sau hơn 9 tháng đóng cửa.
“Trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho con đi học trực tiếp sau Tết Nguyên đán. Kết quả, hơn 90% phụ huynh đồng ý, chỉ còn lại một số gia đình chưa đồng ý do lo ngại dịch bệnh căng thẳng”, cô Hương nói. Bản thân cô cũng có chút lo lắng khi những ngày gần đầy F0 ở Hà Nội cao. Cô và nhà trường đang cố gắng đưa ra nhiều kịch bản xử lý để hạn chế tối đa sự tụ tập và nguy cơ lây nhiễm khi dạy học trực tiếp.
Hiện một số trường ở Hà Nội đang chuẩn bị diễn tập và lên phương án đón học sinh trở lại trường an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19. (Ảnh minh hoạ: H.C)
Bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lương Thế Vinh cho biết, trường sẵn sàng mở cửa sau Tết Nguyên đán. Trường sẽ chia ca để giảm sự tập trung của học sinh, đồng thời khuyến khích phụ huynh tự đưa đón con, hạn chế đi phương tiện đưa đón của nhà trường. Trường làm vậy để đề phòng trường hợp nếu có F0 sẽ dễ khoanh vùng, nhanh chóng dập dịch để bảo vệ học sinh.
Theo cô Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội), dù số ca bệnh tăng nhưng một số địa phương đã bắt đầu cho học sinh trở lại. ” Giữ học sinh ở nhà có thể giúp các em an toàn. Nhưng đổi lại, các em phải đối diện với rất nhiều nguy cơ khác như sang chấn tâm lý, bị cản trở hòa hợp với thiên nhiên, cộng đồng, giao tiếp với xã hội và hổng, hụt về mặt kiến thức”, cô nói và cho biết, nhà trường luôn trong trạng thái sẵn sàng đón học sinh trở lại.
Không phân biệt trẻ tiêm vaccine hay chưa
Để đảm bảo an toàn cho học sinh quay lại trường sau Tết Nguyên đán, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố đã chỉ đạo Sở GD&ĐT, Sở Y tế tổ chức diễn tập, đưa ra những kịch bản, tình huống khi có F0 tại các lớp, từ đó đưa ra phương án xử lý kịp thời nhất. Chỉ có F0 được cơ quan y tế đưa đi cách ly, còn F1 sẽ được cách ly tại nhà theo phương án chuẩn hiện nay.
Trước lo ngại của nhiều phụ huynh về việc học sinh chưa tiêm bị phân biệt đối xử khi đi học trực tiếp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định, sẽ không có sự phân biệt đối xử và đi học trực tiếp hay trực tuyến là tuỳ thuộc vào sự tự nguyện của phụ huynh học sinh. Các trường luôn đảm bảo học trực tiếp và trực tuyến.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhắn nhủ tới phụ huynh và học sinh: “Với cương vị là Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, chúng tôi rất muốn học sinh quay trở lại học trực tiếp. Chỉ có học trực tiếp thì khả năng truyền đạt và tương tác giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh là tốt nhất. Tôi mong rằng các em cùng thực hiện tốt khuyến cáo 5K. Mọi người hãy tin tưởng các ngành, các cấp luôn quan tâm tới học sinh, cố gắng dành những thứ tốt đẹp nhất cho các em”.
Lịch đi học lại sau Tết Nguyên đán của học sinh cả nước: Thêm nhiều địa phương ấn định ngày đón học sinh đi học trực tiếp
Dự kiến sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều địa phương sẽ đón học sinh trở lại học trực tiếp và mở rộng dần đối tượng.
Tại Hà Nội vào sáng nay 19/1, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay, qua lấy ý kiến của phụ huynh, tỷ lệ đồng thuận cho học sinh đã được tiêm mũi 2 và đảm bảo phát sinh kháng thể được đi học trực tiếp là trên 70%.
Theo đó, nếu không có gì thay đổi, học sinh khối 7-12 sẽ trở lại trường học trực tiếp sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, vào khoảng 7 - 8/2. Bên cạnh đó, ông Trần Thế Cương cho biết sẽ đưa ra các kịch bản, phương án để đảm bảo an toàn nhất cho học sinh khi trở lại trường học.
Được biết, Hà Nội có 99,6% giáo viên, nhân viên đã được tiêm vắc xin mũi 1; mũi 2 đạt tỷ lệ 99,2%. Tỷ lệ tiêm vắc xin cho học sinh cấp THPT là 99,6% mũi 1; số được tiêm mũi 2 đạt 97%. Tỷ lệ này với học sinh cấp THCS từ lớp 7 đến lớp 9 là 99,5% mũi 1 và 97,3% mũi 2.
Tại TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất thành phố cho học sinh tiểu học, lớp 6, trẻ mầm non trở lại trường từ ngày 14/2 (sau Tết Nguyên đán 2022) theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh.
Theo đó, lộ trình từ 7/2, các cơ sở giáo dục sẵn sàng công tác chuẩn bị đón trẻ, học sinh trở lại trường học trực tiếp. Từ 14/2, trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 sẽ được đến trường học trực tiếp.
Nhiều tỉnh, thành đã bắt đầu ra quyết định cho học sinh đi học lại sau Tết Nguyên đán
Tại Đồng Nai, dự kiến học sinh các cấp học trong toàn tỉnh sẽ quay trở lại học trực tiếp từ ngày 14/2, tức sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, đến ngày 11/1, toàn tỉnh đã có 250 trường từ tiểu học đến THPT tổ chức cho học sinh đến lớp học trực tiếp sau thời gian dài học trực tuyến do dịch bệnh Covid-19. Trong số 250 trường tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp, có 89.159/95.795 học sinh tham gia, đạt tỷ lệ 93% tổng số học sinh các trường, trong đó có nhiều trường đạt tỷ lệ học sinh tham gia học trực tiếp đạt rất cao, từ 98-99%.
Đối với các trường THPT hiện ưu tiên cho học sinh khối 12 được đi học trực tiếp. Còn với bậc THCS ưu tiên cho học sinh khối 9. Nhiều địa phương như Trảng Bom, Định Quán, Cẩm Mỹ đã mạnh dạn cho học sinh hầu hết các khối lớp đến trường học bình thường.
Còn tại Cần Thơ quyết định thời gian trở lại trường học để học trực tiếp là từ ngày 7/2, lùi 3 tuần so với quyết định trước đó (ngày 17/1).
Cụ thể, trẻ mầm non trực tiếp tại trường 1 buổi/ngày. Học sinh tiểu học học trực tiếp tại trường 1 buổi/ngày, buổi còn lại được hướng dẫn tự học tại nhà. Học sinh trường THCS, THPT và học viên giáo dục thường xuyên học trực tiếp tại trường 1 buổi/ngày, kết hợp học trực tuyến.
Tại Đồng Tháp, theo phương án của Sở GD&ĐT Đồng Tháp, học sinh lớp 9 và học sinh, học viên lớp 12 đã đến trường học trực tiếp từ ngày 17/1. Đối với học sinh các lớp khối 5, 6, 7, 8, 10, 11, tiếp tục học trực tuyến cho đến hết tháng 1/2022. Nếu tình hình dịch Covid-19 sau Tết Nguyên đán ổn định sẽ bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2/2022.
Học sinh mầm non, các lớp 1, 2, 3 và 4 cũng được đi học trực tiếp sau dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 7/2/2022) nếu dịch Covid-19 bớt căng thẳng.
Tại Kiên Giang, học sinh từ khối lớp 7 đến khối lớp 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 được đến trường học trực tiếp từ ngày 7/2/2022 đối với các vùng dịch cấp độ 1 và cấp độ 2.
Đối với những vùng dịch cấp độ 3 và cấp độ 4, học sinh tiếp tục học qua internet và gửi tài liệu học tập đến học sinh không có phương tiện học trên môi trường internet. Đồng thời, có kế hoạch dạy phụ đạo, dạy bù cho các học sinh học qua 2 hình thức nêu trên chưa đạt yêu cầu, để tạo sự đồng đều về kiến thức cho các em học sinh.
Tại Bình Dương, theo kế hoạch của Sở GD&ĐT, sau Tết Nguyên đán 2022, tất cả học sinh các cấp trong tỉnh sẽ trở lại trường học.
Sở GD&ĐT đã có phương án tổ chức cho HS mầm non, tiểu học đi học trở lại, giai đoạn 1 từ ngày 17/1 đến ngày 25/2, các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học tổ chức dạy học trực tiếp theo hình thức đơn đăng ký tự nguyện của cha mẹ học sinh. Số học sinh không đến trường sẽ học trực tuyến theo kế hoạch của nhà trường. Giai đoạn 2 từ ngày 28/2, ở cấp học mầm non, 3 địa phương là TP. Dĩ An, huyện Dầu Tiếng, huyện Bàu Bàng tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, 6 địa phương còn lại sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động trực tiếp sau khi được Phòng GD-ĐT kiểm tra đánh giá đạt điều kiện an toàn tuyệt đối cho trẻ và theo quy định đánh giá cấp độ dịch của ngành y tế.
Theo ông Nguyễn Thanh Đề - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, hiện có 14/63 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học mầm non, phổ thông; có 30/63 tỉnh, thành phố dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; có 19/63 tỉnh, thành phố dạy trực tuyến và qua truyền hình.
Tổng hợp
Tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Đề xuất bỏ môn thi thứ 4 Trước việc học trực tuyến kéo dài do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều giáo viên, phụ huynh đề xuất Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để giảm áp lực cho các em. Đây cũng là chủ đề "nóng" trên các diễn đàn thời gian gần đây. Giảm áp lực cho học sinh Kỳ...