Hà Nội: Lo ngại dịch tay chân miệng tăng nhanh
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cảnh báo, bắt đầu mùa tựu trường đến hết những tháng cuối năm là thời điểm có thể ghi nhận số mắc bệnh tay chân miệng gia tăng, đặc biệt là nguy cơ lây lan trong các trường mầm non.
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc ngành triển khai các biện pháp tích cực, chủ động phòng chống tay chân miệng từ nay đến cuối năm 2019.
Mùa tựu trường, dịch tay chân miệng có nguy cơ bùng phát.
Lý do vì trong mùa tựu trường, trẻ tập trung vào năm học mới, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh.Theo đó, qua báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 554 trường hợp mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2018. Tuy vậy, những tháng cuối năm là thời điểm có thể ghi nhận số mắc bệnh tay chân miệng gia tăng.
Do vậy, để kiểm soát sự gia tăng số ca mắc tay chân miệng mới, không xảy ra tử vong, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tập huấn, hướng dẫn chuyên môn về giám sát và xử lý dịch tay chân miệng cho TTYT quận, huyện, thị xã; chú trọng hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Video đang HOT
Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu TTYT các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục tại địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng trong trường học, nhất là các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các cơ sở trông giữ trẻ… trên địa bàn.
Trên phạm vi cả nước, thống kê của ngành Y tế cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã ghi nhận trên 20.000 người mắc tay chân miệng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Số ca mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh miền Trung như Đồng Nai, Đồng Tháp, Cà Mau, Bình Dương, Bạc Liêu, TPHCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch lớn, đặc biêt vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bệnh tay chân miệng đã và đang là nỗi lo của rất nhiều bậc cha mẹ, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
Dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng bao gồm, sốt có thể từ 1- 3 ngày hay 5- 7 ngày tùy từng diễn biến của bệnh, kèm theo trẻ nổi nốt loét trong miệng khiến trẻ đau, quấy khóc, kém ăn và nổi hồng ban bóng nước ở những vị trí đặc trưng khác như lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông, đùi, bẹn hay bộ phận sinh dục ngoài.
Khi trẻ có dấu hiệu nặng như quấy khóc, sốt cao liên tục, li bì, vật vã, hôn mê, da xanh tái hay khó thở, thở nhanh, run tay chân, nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng, không ăn uống được cần ngay lập tức đưa tới điều trị tại các cơ sở y tế.
Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị tay chân miệng hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc tay chân miệng cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.
D.Ngân
Theo baohaiquan
Đông Anh phát động chiến dịch phòng, chống bệnh tay chân miệng
Ngày 30/8, huyện Đông Anh tổ chức lễ phát động Chiến dịch rửa tay bằng xà phòng và thanh khiết môi trường phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng năm 2019.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện, trong 8 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện ghi nhận 107 ca bệnh tay chân miệng tại 21/24 xã, thị trấn. Xã Liên Hà ghi nhận 9 ca mắc - là đơn vị có số ca mắc cao nhất trên địa bàn huyện.
Quang cảnh buổi lễ
Hiện nay, thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, nhất là thời điểm học sinh tựu trường là điều kiện thuận lợi để bệnh tay chân miệng lây lan mạnh trong trường học và cộng đồng. Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Tại buổi lễ phát động, ông Nguyễn Thành Luân - Trưởng Phòng y tế huyện Đông Anh đề nghị các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn tăng cường tuyên truyền, phòng chống bệnh tay chân miệng. Các trường học hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, sử dụng và bảo quản hóa chất Cloramin B để vệ sinh lớp học, đồ chơi an toàn, hiệu quả.
Học sinh Trường mầm non xã Liên Hà thực hành rửa tay
Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn bán trú; phát hiện và báo cáo kịp thời các trường hợp nghi mắc tay chân miệng cho trạm y tế để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. "Huyện sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, hạn chế tối đa số ca mắc, không để dịch bệnh lan rộng" - ông Luân nói.
Ngay sau lễ phát động, các trường học trên địa bàn huyện Đông Anh đã triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng theo kế hoạch.
Theo kinhtedothi
Phòng bệnh mùa tựu trường Năm học mới đã bắt đầu. Với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay cộng với môi trường học đường tập trung nhiều học sinh sẽ khiến nhiều trẻ bị mắc các bệnh lây nhiễm. Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai thăm khám cho bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng...