GV dạy tích hợp: Chuyên môn Sinh-Hóa, HS hỏi hóc búa về Vật lý là tôi “bó tay”
GDVN- Việc 2-3 giáo viên cùng dạy 1 môn tích hợp không đảm bảo tính liên kết là trái với tinh thần xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Triển khai dạy môn tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở, giáo viên – người trực tiếp chịu trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục cần phải có kiến thức liên môn. Vì vậy, một số ý kiến cho rằng, việc 2 – 3 giáo viên cùng dạy 1 môn tích hợp, không đảm bảo tính liên môn sẽ trái với tinh thần xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dạy tích hợp mà rời rạc từng môn là trái với tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông mới
Bồi dưỡng kiến thức, năng lực dạy tích hợp theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông là tiền đề để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít giáo viên lúng túng trong quá trình triển khai, nhất là khi giáo viên dạy tích hợp chưa được bồi dưỡng kiến thức các phân môn.
Là người tham gia dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên cả lớp 6 và lớp 7, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Út, giáo viên Sinh – Hoá, Trường Trung học cơ sở xã Khoen On (huyện Than Uyên, Lai Châu) cho rằng, chuyển từ dạy đơn môn sang liên môn là thử thách lớn đối với mỗi nhà giáo.
Tiết học của thầy và trò Trường Trung học cơ sở xã Khoen On, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: website nhà trường).
“Năm học 2021-2022, khi triển khai chương trình mới đối với lớp 6, tôi được nhà trường phân công dạy tích hợp Khoa học tự nhiên. So với các đồng nghiệp khác, tôi có thuận lợi đó là tốt nghiệp ngành sư phạm Sinh – Hoá nên 2 phân môn Sinh học và Hoá học là đúng chuyên ngành được đào tạo. Khó khăn của tôi là không có chuyên môn về Vật lý nên khi dạy học tích hợp, ở phần kiến thức Vật lý là tôi sẽ gặp khó”, cô Út chia sẻ.
Cũng theo cô Út, với phân môn Vật lý, cô phải tự đào tạo bằng cách vừa lên lớp, vừa tranh thủ học thêm kiến thức, kỹ năng từ đồng nghiệp, đọc, nghiên cứu sách giáo khoa Vật lý và xem các video hướng dẫn trên mạng. Thế nhưng, thời gian học có hạn nên cô cũng chỉ dạy được phần kiến thức cơ bản môn này.
“Để dạy nâng cao, nhằm mở rộng cho học trò hay trước câu hỏi hóc búa thì quả thực là tôi “bó tay” vì Vật lý không phải chuyên môn chính của mình”, cô Út nói.
Ngày 21/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT về chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở. Theo đó, năm học 2022-2023, cô Út chỉ dạy 2 phân môn Sinh học và Hoá học trong môn tích hợp Khoa học tự nhiên.
“Hiện tại, với môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở lớp 6 và 7, tôi chỉ dạy 2 phân môn Sinh học và Hoá học, còn Vật lý sẽ do 1 giáo viên khác có chuyên môn đảm nhiệm. Do đó, ngoài chủ động tự học thêm kiến thức Vật lý để đan xen vào bài giảng thì tôi còn phải trao đổi thường xuyên với giáo viên khác để thống nhất nội dung bài, xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề kiểm tra đánh giá”, cô Út tâm sự.
Dưới góc độ nhà giáo trực tiếp giảng dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, cô Út cho rằng, giáo viên đơn môn được tham gia bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp có ý nghĩa quan trọng để nâng cao nghiệp vụ. Vì các thầy, cô không chỉ được trang bị kiến thức mà còn được cấp chứng chỉ các môn tích hợp. Từ đó, có thể tiến tới đảm nhiệm trọn vẹn môn tích hợp, đảm bảo mục tiêu, yêu cầu của chương trình mới.
Thế nhưng, việc bồi dưỡng chứng chỉ dạy tích hợp vẫn còn nhiều vướng mắc.
Video đang HOT
Thứ nhất, hiện nay các lớp bồi dưỡng dạy tích hợp trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang chỉ mở bằng hình thức tuyến. Vấn đề đặt ra là khoá học trực tuyến có đảm bảo chất lượng đào tạo hay không?
Thứ hai, nếu giáo viên đi học chứng chỉ thì sắp xếp lịch làm việc ở trường như thế nào để vừa hoàn thành định mức giảng dạy, vừa tham gia đủ số buổi bồi dưỡng.
Thứ ba, không phải giáo viên nào cũng được hỗ trợ khoản chi phí đào tạo chứng chỉ tích hợp. Hiện tại, nếu giáo viên tự nguyện đi học bồi dưỡng thì phải tự trả kinh phí.
“Đào tạo sư phạm vốn là ngành đào tạo được Nhà nước hỗ trợ học phí, thế nhưng, sau khi ra trường, các giáo viên phải đối mặt với việc học bổ sung nhiều chứng chỉ để nâng hạng, trong đó có chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chương trình mới. Hiện nhà trường khuyến khích giáo viên chủ động đi học chứng chỉ tích hợp, tự lo về kinh phí. Vì thế, nhiều giáo viên dù có nguyện vọng được bồi dưỡng kiến thức nhưng vì chưa có điều kiện kinh tế nên còn e dè”, cô Út chia sẻ thêm.
Trước mắt, cô Út vẫn tự trau dồi kiến thức môn Vật lý để liên hệ trong quá trình dạy tích hợp. Khi nào các vướng mắc nêu trên như bố trí thời gian học chứng chỉ hợp lý, học bằng hình thức trực tiếp và có điều kiện kinh tế thì cô Út mới đăng ký học chứng chỉ.
“Nếu mỗi giáo viên đơn môn chỉ đang dạy theo chuyên môn mình có, không chú trọng liên kết các phân môn thì không khác gì việc dạy và học tách biệt đơn môn như chương trình cũ. Điều này là trái với tinh thần xây dựng chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng phát triển năng lực, tổng hợp kiến thức, kỹ năng nhiều lĩnh vực trong giải quyết vấn đề”, cô Út nhận định.
Cả huyện chưa có giáo viên nào tự nguyện đi học chứng chỉ dạy tích hợp
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết, triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 7, trên địa bàn toàn huyện đang thiếu giáo viên tích hợp. Do vậy, phòng hướng dẫn các trường giao nhiệm vụ cho giáo viên có chuyên môn nào thì dạy phân môn đó.
“Theo báo cáo, các trường đều đang gặp khó khăn trong xếp thời khoá biểu. Thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, phòng gợi ý các trường dựa trên cơ cấu đội ngũ hiện có để phân công giáo viên dạy tích hợp đảm bảo đủ số tiết.
Cụ thể, các trường tính toán, sắp xếp thời khoá biểu dựa theo tiến trình xây dựng của sách giáo khoa và đội ngũ nhân lực hiện có.
Còn việc ra đề kiểm tra sẽ do các giáo viên cùng trao đổi, thống nhất xây dựng đảm bảo đúng tỷ lệ từng phân môn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên chia sẻ.
Thông tin về thiếu giáo viên môn tích hợp, Trưởng phòng cho biết, hiện tại, phòng hướng dẫn các trường cho giáo viên đăng ký học chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu dạy tích hợp. Tuy nhiên, do không có nguồn kinh phí để hỗ trợ nên không thu hút được giáo viên tham gia học.
“Nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên bồi dưỡng chứng chỉ không có nên để giáo viên tự túc đi học là rất khó. Bởi, số lượng tín chỉ giáo viên cần học tương đối nhiều, kinh phí chi trả cũng không phải là ít. Minh chứng rõ nhất là từ năm học trước đến nay, huyện chưa có giáo viên nào tự nguyện đi học chứng chỉ dạy tích hợp.
Cụ thể, theo tính toán ban đầu, 1 giáo viên dạy đơn môn muốn dạy Khoa học tự nhiên thì phải học chứng chỉ 2 phân môn còn lại với số tiền phải bỏ ra trong khoảng 5-6 triệu đồng. Còn giáo viên dạy tích hợp Lịch sử – Địa lý thì chi phí học chứng chỉ khoảng 2-3 triệu đồng”, thầy Trịnh Ngọc Hải thông tin.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã có đề xuất với Uỷ ban nhân dân huyện về việc xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ cho giáo viên học chứng chỉ tích hợp.
Mới đây, lãnh đạo huyện Than Uyên đã có buổi làm việc, gặp mặt cán bộ nhà giáo làm công tác quản lý để bàn về giải pháp hỗ trợ giáo viên học chứng chỉ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên vấn đề này tiếp tục giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu để sớm có chính sách cho nhà giáo.
Để đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, theo báo cáo thống kê của huyện Than Uyên, tính đến thời điểm hiện tại, huyện cần bổ sung 60 giáo viên. Trong vòng 2 năm tới, khi triển khai cho các khối lớp còn lại, huyện dự kiến bổ sung tổng 51 giáo viên. Như vậy, tính từ thời điểm này cho đến 2 năm tới, để thực hiện chương trình mới, huyện cần bổ sung 111 giáo viên.
Không chỉ mong muốn tuyển dụng thêm giáo viên môn tích hợp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên cũng cho biết, huyện còn đang thiếu nhiều giáo viên bộ môn khác nữa.
“Năm học 2022-2023, toàn huyện đang thiếu 12 giáo viên Tin học, 16 giáo viên Tiếng Anh.
Việc tuyển dụng giáo viên đối với các tỉnh miền núi rất vất vả vì khan hiếm nguồn tuyển. Để đảm bảo đội ngũ, đối với môn Tin học, phòng tổ chức nghiên cứu sách giáo khoa chương trình mới và lựa chọn những giáo viên dạy văn hoá có chứng chỉ Tin học chủ động tự học để tham gia giảng dạy”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên nói.
Triển khai dạy tích hợp được đánh giá là xu thế phát triển chung của giáo dục hiện đại. Song, việc thực hiện phải có lộ trình hướng dẫn rõ ràng và buộc phải có chuẩn bị lâu dài, bài bản về đội ngũ giáo viên. Không thể để giáo viên đơn môn “tự dò đường” hay tình trạng 2-3 giáo viên dạy chung một môn kéo dài vì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng giáo dục, đi ngược lại với tinh thần xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nội dung giáo dục địa phương bắt buộc nhưng đến giờ nhiều nơi chưa xong tài liệu
Do chưa có tài liệu chính thức nên nhiều trường trung học phổ thông chưa triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ năm học 2022-2023, Nội dung giáo dục địa phương sẽ là học phần bắt buộc đối với học sinh lớp 10. Tuy nhiên, do chưa có tài liệu chính thức nên nhiều trường trung học phổ thông chưa triển khai dạy và học nội dung này.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) cho biết, hiện, nhà trường chưa nhận được tài liệu (bản in) của Nội dung giáo dục địa phương để phục vụ giảng dạy. Vì vậy, trường chưa triển khai dạy nội dung này.
"Theo tôi tìm hiểu, rất nhiều trường trung học phổ thông chưa nhận được tài liệu Giáo dục địa phương bởi cuốn tài liệu này sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, hoàn chỉnh về mặt nội dung còn phải gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo để thẩm định, phê duyệt. Nếu chất lượng đảm bảo theo yêu cầu mới có thể in ấn và phát hành, cũng mất khá nhiều thời gian.
Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: NVCC)
Riêng Nội dung giáo dục địa phương, nhà trường sẽ triển khai dạy khi giáo viên và học sinh có đủ sách. Còn các môn học, hoạt động khác vẫn được thực hiện theo đúng kế hoạch của năm học, ngoại trừ 2 môn Âm nhạc và Mỹ thuật, nhà trường không tổ chức dạy vì chưa có giáo viên", vị Hiệu trưởng này cho hay.
Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Yên Châu (tỉnh Sơn La), giáo viên và học sinh đều chưa nhận được tài liệu (bản in) của Nội dung giáo dục địa phương.
Chia sẻ thêm về kế hoạch giảng dạy nội dung này, thầy Phạm Minh Thế - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Số tiết được biên chế cho Nội dung giáo dục địa phương là 35 tiết nhưng các trường chỉ có thể bố trí dạy 31 tiết vì còn 4 tiết dành cho kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ của học kỳ I và học kỳ II.
Ngoài ra, Nội dung giáo dục địa phương còn liên quan đến một số phân môn khác như Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý. Vì vậy, học sinh học đến chuyên đề có nội dung về lịch sử địa phương thì giáo viên lịch sử sẽ dạy hoặc đến chuyên đề địa lý địa phương thì nhà trường sẽ phân công giáo viên địa lý đứng lớp nội dung đó".
Cũng trao đổi về vấn đề này, cô Huỳnh Ánh Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: "Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thiện nội dung của cuốn tài liệu Giáo dục địa phương, đang chờ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo thì tài liệu này sẽ được phê duyệt vào khoảng tháng 12 và các trường sẽ tiến triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương vào học kỳ II năm học 2022-2023. Theo đó, nhà trường dự kiến sẽ sắp xếp lại thời khóa biểu, tăng số tiết/tuần của nội dung này để đảm bảo tiến độ chương trình dạy và học".
Tại tỉnh Đắk Lắk, Nội dung giáo dục địa phương lớp 10 sẽ được triển khai dạy vào học kỳ II năm học 2022-2023. (Ảnh: NTCC)
Là năm đầu triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương đối với học sinh khối lớp 10, cô Hồng cũng rất băn khoăn trong việc phân công giáo viên giảng dạy, đánh giá, kiểm tra, vào điểm, nhận xét sẽ được thực hiện như thế nào?
"Trong quá trình triển khai, nhà trường sẽ khảo sát, thu thập phản hồi của những giáo viên được phân công dạy nội dung này. Nếu có khó khăn, chúng tôi sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng khuyến khích giáo viên tự tìm tòi, sáng tạo để có định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục của học sinh trong chương trình mới", Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Buôn Ma Thuột nói.
Lý giải về nguyên nhân tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đắk Lắk lớp 10 chậm ban hành, chia sẻ với phóng viên, ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk thông tin: "Lần đầu biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương giảng dạy đối với khối lớp 10 và cuốn tài liệu này cũng được coi như sách giáo khoa của địa phương nên các tác giả, ban biên soạn phải rất cẩn trọng, chỉn chu trong từng nội dung.
Hiện tại, cuốn tài liệu Giáo dục địa phương tỉnh Đắk Lắk lớp 10 đang trong quá trình chỉnh sửa và thẩm định lần thứ 2. Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, tài liệu sẽ được gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo đúng quy trình.
Do vậy, các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh sẽ dạy nội dung này vào học kỳ II năm học 2022-2023. Vấn đề này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến tiến độ chung bởi các trường được phép linh hoạt về mặt thời gian khi triển khai dạy các nội dung, hoạt động mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018".
Thông tin thêm về nội dung tài liệu Giáo dục địa phương của tỉnh, ông Hiệp cho hay: "Tài liệu này được xây dựng, biên soạn dựa trên tiêu chí thể hiện rõ nét bản sắc của địa phương. Vì vậy, một số lễ hội, nét văn hóa đặc trưng đã được đưa vào tài liệu như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội cà phê, lễ hội đua voi...
Nội dung giáo dục địa phương là một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, là "mảnh đất màu mỡ" để giáo viên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm. Điều này sẽ khiến cho Nội dung giáo dục địa phương trở nên gần gũi, hấp dẫn với học sinh".
Học bằng sách điện tử vì chưa có SGK, GV không thể giao bài tập về nhà cho HS Bước sang tuần thứ 2 năm học mới nhưng SGK chương trình GDPT 2018 vẫn chưa 'cập bến' nhà trường, khiến học sinh loay hoay vì phải... học chay Dù đã bước sang tuần thứ 2 của năm học mới, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, ở một số địa phương, sách giáo khoa, sách chuyên đề, tài liệu giáo dục địa...