Gỏi cá sặc bông bần của người Khmer Nam bộ
Người Khmer Nam bộ có nhiều món ăn dân dã nổi tiếng, xứng đáng lưu giữ trong văn hóa ẩm thực dân gian, trong đó có món gỏi cá sặc trộn bông bần, tiếng dân tộc gọi là “ phlia”.
Đĩa phlia – gỏi cá sặt trộn bông bần trông thật ngon mắt và hấp dẫn
“Phlia” không chỉ phổ biến trong các phum sóc của người Khmer mà hiện còn lan tỏa trong làng ẩm thực của người Việt. Món ăn tận dụng môi trường thiên nhiên và chế biến một cách tinh tế, đòi hỏi người làm phải có bàn tay nghệ thuật và sành điệu về ăn uống.
Muốn làm món này trước hết phải chọn cho được vài ký cá sặc bướm còn tươi đem về cắt đầu, đánh vẩy, móc ruột, làm sạch rồi đem phơi nắng cho thật ráo.
Tiếp theo dùng kéo cắt thịt cá thành nhiều lát nhỏ theo chiều dọc, rửa sạch với nước muối cho hết mùi tanh rồi tiếp tục chà, bóp, vắt với nước giấm trước khi đem quết cho thật nhuyễn. Sau cùng là cho thính vào trộn cho thật đều.
Một nguyên liệu chính cho món gỏi không thể thiếu bông bần, bắp chuối và ngò gai. Bông bần chỉ chọn phần nhụy màu đỏ tươi bên trong rồi trộn chung với thịt cá đã quết, rắc đều đậu phộng lên đĩa. Màu sắc đĩa gỏi mới nhìn qua đã thấy bắt mắt, chỉ nhìn thôi đã phát thèm.
Rửa, vắt cá sặc và quết cho thật nhuyễn
Video đang HOT
Về các nguyên liệu hình thành món phlia, ngoài cá sặc ra có thể nói thính, một loại gạo rang xay nhuyễn, được coi là cái hồn của món ăn. Bông bần chua chua, chát chát không chỉ điểm xuyết cho đĩa gỏi có sắc màu tươi thắm mà còn làm tăng thêm mùi vị đặc trưng.
Còn bắp chuối và ngò gai tuy là món ăn kèm nhưng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình kích thích vị giác. Bắp chuối có vị chát, ngò gai cay nồng hòa quyện cùng với gỏi cá ngọt lành sẽ giúp món gỏi thêm phần lạ miệng và hấp dẫn.
Món phlia là món lai rai, cũng có thể ăn chung với cơm. Khi ăn dùng muỗng hoặc đũa gắp một miếng gỏi cá trộn bông bần kèm chung với vài lát bắp chuối sống, thêm chút ngò gai, chấm vào chén nước mắm bò hóc (prohoc), một loại đặc sản cũng của người Khmer.
Món phlia ăn với bắp chuối chấm mắm bò hóc
Người mới thưởng thức lần đầu chưa quen với mùi vị còn do dự, chưa mạnh tay, nhưng chỉ một lúc ngồi vào bàn là háo hức, vừa ăn vừa dzô…dzô… tưng bừng.
Cà ri ốc bươu - món ngon đồng bằng
Ốc bươu là thứ dân dã, chế biến món nào cũng ngon và gợi nhớ nhiều kỷ niệm. Nhưng có một món hấp dẫn đối với tôi hơn cả và cũng mang đậm chất người miền Tây Nam bộ là món cà ri ốc bươu.
Tô cà ri ốc bươu với màu sắc thật hài hòa bắt mắt, ngon khó cưỡng
Như một quy luật của thiên nhiên, khi cơn mưa đầu mùa bắt đầu đổ xuống, nước trong đồng ngập xăm xắp mắt cá chân, nhất là vào khoảng tháng 5 âm lịch, lũ ốc bươu, ốc lác lại trồi đầu lên làm một cuộc "thiên di" để bảo tồn nòi giống.
Thời điểm này mới có được những chú ốc béo, ngọt, thơm ngon và cũng là lúc bọn trẻ chúng tôi í ới rủ nhau ra ruộng bắt ốc trong mưa.
Chỉ cần trang bị một cái thùng hoặc giỏ lội xuống đồng dùng tay "chộp" từng con cho vào giỏ. Cứ thế cho đến khi những giọt mồ hôi thấm đầy lưng áo và cơn mưa cũng bắt đầu tạnh, lũ chúng tôi mới quày quả quay về.
Mỗi chuyến đi "săn" như thế, nếu cần mẫn đứa nào cũng có thể thu hoạch được cả thùng ốc dễ như chơi.
Ốc bươu là thức ăn dân dã, chế biến món nào cũng ngon và gợi nhớ nhiều kỷ niệm. "Dã chiến" thì lấy vài bó rơm khô đốt cháy rồi thả ốc bươu vào, tàn lửa lấy cây khều ra và dùng gai nhọn lể ruột ốc chấm với muối ớt.
Cách ăn như thế người dân quê tôi gọi là "nướng mọi". "Vẽ duyên" hơn một chút là luộc cơm mẻ, luộc sả, luộc hèm, nướng tiêu, làm chả... Nhưng có một món hấp dẫn đối với tôi hơn cả phải kể là cà ri ốc bươu.
Ốc bươu tươi sống chuẩn bị đem luộc
Chế biến món này tuy dễ nhưng phải dụng công một chút vì phải trải qua nhiều công đoạn cũng như sự tinh tế trong khâu chế biến để món ăn được "thăng hoa".
Trước hết, ốc bươu bắt về cho vào thau ngâm với nước cơm vo hay đập giập vài trái ớt sừng chín cho vào ngâm khoảng vài tiếng cho ốc nhả hết thức ăn trong ruột. Lấy bàn chải chà xát rong rêu, bùn đất rồi cho ốc vào nồi cùng vài tép sả đập giập bắc lên bếp đun sôi khoảng 15 phút.
Khi ốc đã hở mài, vừa chín thì dùng que nhọn lể ruột cho vào thau rửa cùng nước cốt chanh, xả nước lạnh nhiều lần cho sạch nhớt, để ráo. Sau đó tiếp tục sơ chế các nguyên liệu khác.
Dừa nạo vắt lấy nước cốt và nước dão, khoai lang bí xắt khúc, sả đập giập cắt khúc, củ hành tím đập giập để sẵn. Kế tiếp, ướp ruột ốc với muối, đường, bột ngọt, bột cà ri để khoảng 10 phút. Bắc chảo lên bếp phi thơm cho sả, tỏi bằm cùng ruột ốc vào xào cho ngấm.
Tiếp theo, cho nước dừa, khoai lang bí, sả và ốc vào nồi nấu sôi cho đến khi khoai vừa chín tới thì cho nước cốt dừa cùng hành tím vào. Nêm nếm gia vị lần cuối, nhắc xuống, múc ra tô. Chuẩn bị thêm dĩa bún, dĩa rau sống... cùng dĩa muối chanh ớt vào nữa là "đủ bộ".
Cho miếng bún trắng ngần, ghém, giá, rau sống vào chén, chan miếng nước cà ri ốc bươu đưa lên miệng nhai sẽ cảm nhận được vị béo, thơm của nước cốt dừa, của cà ri và vị giòn dai sần sật của thịt ốc như lan tỏa khắp giác quan...
Những "nguyên liệu" ăn kèm với món cà ri ốc bươu
Đã đi nhiều nơi và được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ từ các loại ốc ở các vùng miền, nhưng với riêng tôi, món cà ri ốc bươu này quả thật tuyệt vời không đâu sánh bằng!
Nếu có dịp về miền Tây, mời bạn hãy khám phá món ăn dân dã nhưng độc đáo, "có một không hai" này bạn nhé!
Thưởng thức các món nướng dân dã miền Tây Nam Bộ Đến miền Tây Nam Bộ, bạn không thể bỏ qua các món nướng hấp dẫn với phong cách dân dã như nướng trui, nướng đất sét, nướng mọi... CÁ LÓC NƯỚNG TRUI Cá lóc nướng trui là món ăn được người nông dân Nam bộ chế biến nên sau những buổi làm đồng. Cá bắt lên chỉ cần rửa sạch, um rơm nướng...