Giờ học hạnh phúc và người thầy truyền cảm hứng
Sáng 25/4, Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức hội thảo “Người thầy truyền cảm hứng trong giờ học hạnh phúc”.
Hội thảo nhận được nhiều ý kiến thảo luận của giáo viên.
Ông Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và chuyên gia tâm lý PGS. TS Trần Thị Lệ Thu đến dự và truyền cảm hứng cho thầy – trò nhà trường.
Theo cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đặt ra những yêu cầu mới với người thầy. Theo đó, người thầy chính là người truyền cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc. Người thầy trên bục giảng sẽ là nhà giáo dục chuyên nghiệp, mang đến cho học sinh không gian học tập an toàn, vui vẻ và gần gũi;
Đồng thời là người truyền cảm hứng cho học trò khám phá tri thức, rèn luyện kĩ năng và xây dựng thái độ học tập tích cực. Ngoài ra, giáo viên cần biết tôn trọng sự khác biệt và điểm xuất phát khác nhau ở mỗi cá nhân.
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu đã truyền cảm hứng về Trường học hạnh phúc.
“Trên hành trình xây dựng Trường THPT Hoàng Cầu là Trường học hạnh phúc, chúng tôi tự hào khi có những thầy giáo, cô giáo tận tụy với nghề, tận tâm với trò. Thầy cô không ngừng thay đổi bản thân để mang đến những giờ học tuyệt vời nhất cho học sinh. Chứa đựng phía sau, chính là nghị lực và quyết tâm thay đổi thói quen, tình yêu cháy bỏng với nghề, tình thương với trò và những ngày miệt mài ở trường kèm cặp cho học sinh, đôi khi còn là những giọt nước mắt lặng lẽ vì thương hoàn cảnh của học trò…” – cô Lập bộc bạch.
Cho rằng, cảm hứng là điều quan trọng cốt lõi giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng, say mê với môn học, đồng thời có thể rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, cô Nguyễn Thị Thủy – giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Hoàng Cầu bày tỏ: Trong quá trình giảng dạy, tôi thường cập nhật kiến thức và sưu tầm sách, báo cũng như các đoạn phim để có tư liệu từ thực tế, tích hợp liên môn (thơ, nhạc…). Ngoài ra, cô Thủy còn sử dụng giáo án trình chiếu, tổ chức cho học sinh tham gia các trò chơi hoặc trải nghiệm sáng tạo…
Giáo viên chia sẻ cách xây dựng giờ học hạnh phúc.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, cô Thuỷ còn áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực để phát huy năng lực của học trò. “Vì thế, mỗi bài giảng của tôi luôn sinh động, lớp học vui vẻ và học sinh thấy vô cùng thoải mái khi học môn Lịch sử” – cô Thuỷ chia sẻ.
Là giáo viên Hoá học, cô Nguyễn Thị Hiền trao đổi: Môn học này có mối quan hệ mật thiết với đời sống. Nói cách khác, hóa học xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong hầu hết mọi hoạt động của đời sống hàng ngày. “Chính vì vậy, tôi muốn học sinh học Hóa học không phải vì đó là môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy. Tôi muốn các em biết sử dụng kiến thức của môn học để giải quyết những vấn đề thực tiễn và để khám phá thế giới muôn màu…” – cô Hiền bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Ân- Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
PGS.TS Trần Thị Lệ Thu cho rằng: Hạnh phúc là một hành trình không có điểm đến – ngày hôm nay hạnh phúc hơn hôm qua…. Hạnh phúc trên từng chặng đường. Trên hành chính đó, thầy, cô sẽ lắng nghe học sinh bằng cả trái tim. Tiêu chí xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh là: Yêu thương, an toàn, tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và sáng tạo.
Theo PGS.TS Trần Thị Lệ Thu, giáo dục học sinh không chỉ là phát triển IQ, mà cần phát huy tối đa phẩm chất và năng lực của mình. Giáo dục học sinh thích ứng với hiện tại và tương lai, với những thay đổi của xã hội. Qua đó, để các em được hạnh phúc.
Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu chia sẻ về chủ đề của hội thảo.
Đặt vấn đề, xây dựng Trường học hạnh phúc để làm gì? ông Nguyễn Ngọc Ân khẳng định: Trường học học phúc giúp giáo viên phát triển thêm năng lực nghề nghiệp. Khi giáo viên thay đổi sẽ giúp nhà trường ngày càng tốt lên và học sinh được hạnh phúc.
Hiệu trưởng phải thay đổi. Tất cả thầy cô và học sinh phải thay đổi. Chúng ta phải tạo ra môi trường hạnh phúc để học sinh có cơ hội được sáng tạo, phát triển và thành công học tập, cũng như trong cuộc sống.
Để trường học thực sự là nơi hạnh phúc
Trường học hạnh phúc là ngôi trường mơ ước mà ở đó chỉ có niềm vui thầy trò, bạn bè dành cho nhau.
Thời gian qua, nhiều nhà trường đã thay đổi để xây dựng nên những giờ học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Tuy nhiên để xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc đích thực lại không hề đơn giản, đòi hỏi cái tâm thực sự của người quản lý cho đến mỗi giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Lan tỏa một phong trào
Cụm từ "Trường học hạnh phúc" không còn xa lạ với nhiều thầy giáo, cô giáo và học sinh. Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình Trường học hạnh phúc bắt đầu triển khai thí điểm ở nước ta vào tháng 4/2018 và nhanh chóng được nhân rộng trong nhiều nhà trường khi ngày 22/4/2019, người đứng đầu ngành Giáo dục đã phát động phong trào "Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một môi trường hạnh phúc".
Đến nay việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" đã góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động, thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, từ đó nâng chất lượng giáo dục.
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. (Ảnh minh họa).
Theo Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân (Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam), Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày.
Ngoài ra, Trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và học sinh.
Trường học hạnh phúc là nơi bên cạnh việc lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho học sinh, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ. Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho giáo viên và học sinh cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội.
Một trường học hạnh phúc có 21 tiêu chí. Nhưng cốt lõi có 3 tiêu chí quan trọng đó là: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Làm tốt 3 tiêu chí này, mỗi người sẽ thấy hạnh phúc và hạnh phúc thực sự, chứ không phải sự ép buộc.
Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui
Tại Hà Nội, ghi nhận thực tế tại các trường học trên địa bàn Thành phố thời gian qua cho thấy, tùy điều kiện và lứa tuổi học sinh, những tiêu chí trên đã được triển khai thành các nội dung cụ thể, phù hợp. Việc xây dựng "Trường học hạnh phúc" vừa trở thành nhu cầu tự thân, vừa là mục tiêu để các thành viên trong nhà trường phấn đấu.
Tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội), từ năm 2014, nhà trường đã thực hiện chương trình Thầy cô chúng ta thay đổi. Các thầy cô đã thay đổi về cách nhìn học trò, thay đổi nhìn nhận vai trò của mình không chỉ là người dạy kiến thức mà phải là nhà tâm lí nhà giáo dục, phải trở thành người mẹ thứ hai thay mặt cho gia đình cho xã hội giáo dục từng học trò thay đổi.
Thầy cô giáo phải là người truyền cảm hứng cho học sinh. Từ thay đổi của các thầy cô giáo, tạo ra nguồn cảm hứng và tạo ra sức mạnh làm cho học trò thay đổi. Các thầy cô giáo của Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm bây giờ trở thành nhà tâm lí giáo dục, trở thành người truyền cảm hứng và gánh trách nhiệm nặng nề là giúp cho mỗi trò đều tiến bộ.
Các thầy cô giáo dạy học cũng là thực hiện nếp sống văn hóa, thực hiện cách ứng xử giữa con người với con người ở thời đại mới, quan tâm đến cảm xúc của học sinh, tôn trọng học sinh, đặc biệt là tôn trọng sự khác biệt của học sinh.
"Thầy cô thay đổi thì thầy cô được hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc thì tạo ra học sinh hạnh phúc, cha mẹ học sinh cũng hạnh phúc, và tạo ra không khí hạnh phúc cho các gia đình. Tôi hi vọng nếu điều này lan tỏa thì xã hội cũng sẽ hạnh phúc, giáo dục thay đổi" - nhà giáo Nguyễn Văn Hoà (Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm) chia sẻ.
Cô giáo Đỗ Thị Hoàng Mai (giáo viên Trường Tiểu học Nông nghiệp, huyện Gia Lâm) đã có tròn 20 năm gắn bó với học sinh lớp 1. Với vai trò là "người đi gieo hạt ước mơ", mỗi bài giảng của cô Mai không chỉ được xây dựng bằng kiến thức, trình độ chuyên môn mà còn ấp ủ trong đó những tình cảm, sự bao dung, lòng nhiệt huyết và cái tâm của một người thầy.
Là một giáo viên năng động, có lòng say mê, nhiệt huyết với nghề, qua nhiều năm tích cực nghiên cứu, áp dụng các biện pháp, đặc biệt là sự thay đổi phương pháp dạy học, cô Mai đã có những ý tưởng sáng tạo để xây dựng lớp học hạnh phúc và đã tạo dựng được nhiều giờ dạy hạnh phúc, truyền năng lượng cho các em học sinh.
Thông qua các hoạt động, cô đã giúp các em học sinh xây dựng mục tiêu cá nhân, chia sẻ những điều muốn nói để từ đó giáo viên thấu hiểu học trò của mình, giúp các em cảm thấy "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Được biết, tháng 10/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã có kế hoạch liên tịch yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục cụ thể hóa nội dung xây dựng "Trường học hạnh phúc" cho phù hợp với mỗi trường, mỗi vùng, mỗi cấp học, bậc học và ngành học để thực hiện trong năm học 2021 - 2022 và các năm học tiếp theo.
Qua đó mỗi cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động có ý thức và giải pháp để thường xuyên cải tiến, rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng công tác, giảng dạy và giáo dục của mình; mỗi tập thể có giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ, chủ động tiếp cận chủ trương, cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ trong quá trình triển khai đổi mới một cách hiệu quả.
Ngoài ra, các đơn vị, trường học cần triển khai phong trào xây dựng "Trường học hạnh phúc" một cách thiết thực, hiệu quả, hạn chế tính hình thức; chú ý lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành, trọng tâm là cuộc vận động "Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo" và xây dựng "Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch"...
Có thể khẳng định, mô hình "Trường học hạnh phúc" là một thông điệp, quyết tâm lớn của ngành Giáo dục, truyền đi những tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực không ngừng đổi mới để đáp ứng tốt hơn những yêu cầu, đòi hỏi mà xã hội, đất nước đang đặt ra./.
Môi trường sư phạm thân thiện, tôn trọng sự khác biệt của học trò Chiều 28/11, tại Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) diễn ra chương trình talkshow Trường học hạnh phúc với chủ đề: Sáng tạo và tôn trọng sự khác biệt của mỗi học trò. Các diễn giả tham gia chương trình. Tại chương trình, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ...