“Giải cứu” thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ
Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện được 62 ca can thiệp bào thai cho thai phụ mang song thai mà các thai nhi có chung bánh nhau.
Việc thực hiện kỹ thuật này được cho là cao nhất trong lĩnh vực sản khoa hiện nay nhằm điều trị các hội chứng, bệnh lý để cứu sống thai nhi, giúp thai tiếp tục phát triển khỏe mạnh đến khi đủ tháng chào đời.
“Trái ngọt” từ những ca can thiệp y học bào thai
Theo các chuyên gia y tế, thai nhi được coi là một bệnh nhân và phải điều trị ngay khi có vấn đề bệnh lý từ trong buồng ối (chữa bệnh cho thai nhi). Bởi vậy, việc thực hiện can thiệp bào thai bệnh lý được đánh giá là một kỹ thuật mới, giàu tính nhân văn nhằm tăng cơ hội cứu sống những thai nhi có vấn đề mà không thể chờ đợi được đủ tháng để chào đời.
Phó Khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Phạm Thị Thu Phương thăm khám cho em bé con thai phụ Chang.
Đơn cử như trường hợp của chị Vương Thị Linh – một trong những thai phụ được chẩn đoán song thai chung một bánh nhau thai từ rất sớm. Khi thai được 12 tuần tuổi, thai phụ được theo dõi tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Chia sẻ về ca bệnh này, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: “Chị Linh được phát hiện mắc hội chứng truyền máu song thai (chung nguồn dinh dưỡng) ở tuần 20 của thai kỳ. Ở tuần 23, chúng tôi phát hiện một thai bị hết ối, bó sát vào cơ thể bé như bị hút chân không khiến bé không thể thở, trong khi thai kia lại dư ối khiến em bé bồng bềnh trong nước ối. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành ca can thiệp trong buồng tử cung sản phụ”.
Điều đặc biệt ở ca này là cả hai thai đều có dấu hiệu sự sống, bác sĩ phải đấu trí làm sao tìm được các mạch máu ở đường nối của bánh rau, đảm bảo ở vị trí cân bằng để tiến hành chặn, mục đích là để hai thai có được dinh dưỡng tối ưu nhất. Nếu để lệch, tính mạng của thai nhi sẽ khó giữ. “Cái khó là phải can thiệp khi cả hai thai nhi đều đang cử động trong bào thai, qua màn hình camera siêu bé, lại trong môi trường nước. Bất cứ dụng cụ nào cũng có thể chạm vào em bé gây tổn thương. Nếu không khéo léo sẽ không thể điều khiển được tia laser vào đúng mạch máu như ý muốn, như vậy, bệnh sẽ tái phát hoặc khiến em bé rơi vào tình trạng xấu nhất”, bác sĩ Sim phân tích.
Cuối cùng, ca can thiệp đã thành công sau 40 phút nhờ sự nỗ lực và phối hợp của các y bác sĩ. Sau ca can thiệp, sản phụ tiếp tục được theo dõi sát sao. Hai em bé phát triển đồng đều. Đến khi song thai bước sang tuần 33, sản phụ Linh có cơn chuyển dạ và được cấp cứu trong đêm. Sản phụ Linh đã đẻ thường thuận lợi được 2 bé gái, mỗi bé nặng 1,8 kg. Hơn sáu tháng sau sinh đưa hai bé trở lại viện thăm khám tổng quát, chụp cộng hưởng từ đánh giá sự phát triển của não bộ,…hai em bé đều phát triển bình thường và khỏe mạnh.
Video đang HOT
Tương tự, là trường hợp thai phụ Chang ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Trong một lần khám thai tại bệnh viện tỉnh, chị Chang được phát hiện dấu hiệu của hội chứng truyền máu song thai. Chị được tư vấn tới Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội thực hiện phương pháp can thiệp bào thai. Ngày tới Bệnh viện, thai phụ Chang trong tình trạng bụng to, khó thở, qua siêu âm kiểm tra bác sĩ phát hiện 1 thai cạn ối (thai cho) có dấu hiệu suy tim, suy dinh dưỡng trong khi thai còn lại (thai nhận) bị đa ối.
Nếu không phẫu thuật điều trị hội chứng truyền máu, chắc chắn sẽ mất cả hai thai nhi, nếu phẫu thuật thành công có thể cứu được 1 em bé. Sau khi tiến hành hội chẩn, Bệnh viện quyết định thực hiện mổ cấp cứu tại phòng mổ can thiệp bào thai. Các bác sĩ đông mạch máu dây rốn nhằm chặn đường truyền máu gây ảnh hưởng từ thai cho đến thai còn lại. Cuộc phẫu thuật diễn ra thành công.
Ba tuần sau cuộc phẫu thuật, chị Chang có dấu hiệu đau bụng, cổ tử cung mở, chị được chỉ định nhập viện. Sản phụ sinh thường một bé trai 750g, lúc này em bé mới được 25 tuần tuổi. Vì sinh non tháng, em bé gặp triệu chứng suy hô hấp nặng. Sau 102 ngày điều trị tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, em bé hoàn toàn tự thở được và đạt cân nặng 2700g. Em bé ngủ tốt, các chỉ số hô hấp, tuần hoàn và tiêu hóa ổn định và được xuất viện. Sau 1 tháng sức khỏe của em bé ổn định và tăng 1kg.
Cần nhân rộng kỹ thuật tiên tiến
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp thai phụ đầu tiên được can thiệp cứu sống thai nhi từ trong bụng mẹ và quay lại Bệnh viện để khám tổng quát đánh giá sức khỏe của em bé. Theo các chuyên gia y tế, hội chứng truyền máu song thai tỷ lệ xảy ra 20 – 30% trong nhóm song thai nói chung. Đây không phải tỷ lệ quá cao, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị kịp thời thì nguy cơ tử vong lên tới 90%. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ cứu chữa cho trẻ cũng cao lên tới 90%. Các em bé khi sinh ra có thể nuôi bình thường khỏe mạnh.
Xét về nguyên nhân, song thai một bánh rau trong sản khoa được gọi là bất thường về thai nghén. Nguyên nhân do quá trình phôi thai bị đột biến, hiện chưa có dự phòng. Theo các bác sĩ, với một bánh nhau, một nguồn dinh dưỡng nuôi hai em bé, nên dẫn đến tình trạng máu dồn về một em bé quá nhiều, một em bé thì quá ít. Đối với những trường hợp thiếu máu thì bác sĩ sẽ truyền máu cho em bé ngay trong bào thai.
“Phó Giáo sư Nguyễn Duy Ánh cho biết: Nước ta có tỷ lệ sinh đẻ cao, mỗi năm có tới hàng nghìn ca gặp các biến chứng, nếu chỉ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện kỹ thuật này thì không thể xử lý được hết. Vậy nên sau khi thực hiện đề tài này tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chúng tôi mong muốn nhiều đơn vị sản phụ khoa khác sẽ được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương để các tỉnh đều triển khai được kỹ thuật tiên tiến này. Điều này rất ý nghĩa vì đây là một kỹ thuật y khoa thấm đẫm nhân văn, đem lại hạnh phúc rất lớn cho các gia đình”.
Tuy nhiên, đối với những thai phụ khi đi sàng lọc ban đầu, phát hiện sớm có triệu chứng truyền máu song thai thì cần chuyển xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sớm vì đây là bệnh viện công đầu tiên tiên phong trong lĩnh vực này. Tránh để đến khi muộn, song thai có biến chứng thì việc điều trị rất khó khăn và cơ hội sống của thai nhi thấp.Bên cạnh đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng đang triển khai can thiệp bào thai với những thai nhi bị hội chứng những dải xơ trong buồng ối. Tình trạng này cũng có thể gây dị tật cho thai nhi.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, y học bào thai là kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực sản khoa không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới và kỹ thuật can thiệp bào thai lại là kỹ thuật cao nhất, hiện đại nhất trong y học bào thai hiện nay. Tại Việt Nam, trước đây, những thai phụ mắc các bệnh lý về bào thai trẻ sinh ra thường là gặp dị tật rất nặng, thiểu năng trí tuệ… ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình phát triển sau này. Hoặc là thai chết lưu ngay khi còn trong tử cung.
“Bởi lẽ đó, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiếp cận kỹ thuật này, mang về Việt Nam với mong muốn tăng cơ hội cứu sống cho những bào thai không may có vấn đề bệnh lý mà không thể chờ đợi được đủ tháng để chào đời. Bắt buộc phải chữa từ khi còn rất non ở trong bụng. Hoặc nếu đợi đến ngày trẻ sinh ra đời cũng không làm người lành lặn được”, Phó Giáo sư Nguyễn Duy Ánh phân tích.
Người tái sinh sự sống
Chứng kiến nỗi đau của các sản phụ phải bỏ con ngay khi mang thai vì biến chứng, bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, rất băn khoăn, trăn trở.
Từ đó, bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã không ngừng học hỏi, triển khai nhiều kỹ thuật khó trong lĩnh vực y học bào thai, giúp tái sinh sự sống cho nhiều thai nhi.
Bác sĩ Nguyễn Thị Sim thăm khám cho một sản phụ.
Chung nỗi đau, niềm vui cùng sản phụ
Phóng viên Báo Hànộimới hẹn gặp bác sĩ Nguyễn Thị Sim ngay sau khi chị vừa kết thúc ca can thiệp thành công cho một sản phụ bị thiểu ối. Bước ra từ phòng phẫu thuật, trên gương mặt nữ bác sĩ ánh lên nụ cười hạnh phúc. Bác sĩ Nguyễn Thị Sim cho biết, từ khi Bệnh viện Phụ sản Hà Nội triển khai kỹ thuật truyền ối vào cuối năm 2019 đến nay, đã có khoảng 20 sản phụ tránh được nguy cơ phải bỏ thai, thai chết lưu.
Tỷ lệ sản phụ bị thiểu ối trong quá trình mang thai chiếm 4-5%. Khi bị thiểu ối, thai nhi chậm phát triển, ngôi thai bất thường hoặc bị biến dạng mặt, chân tay. Ở thể nặng, thiểu ối có thể cướp đi sự sống của thai nhi. Trước đây, đa số các thai bị thiểu ối, bác sĩ khuyên các bà mẹ chủ động đình chỉ thai nghén, trước khi thai chết lưu. Sau đó, có những cặp vợ chồng phải mất hàng chục năm làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) mới có thai...
Thực tế đó đã thôi thúc bác sĩ Nguyễn Thị Sim và Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh quyết tâm nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật truyền dịch ối, tức là đưa dịch đẳng trương vô khuẩn vào buồng ối để tăng thể tích nước ối cho bào thai.
Cho chúng tôi xem hình ảnh của một bé trai kháu khỉnh khoảng 3-4 tháng tuổi, bác sĩ Nguyễn Thị Sim kể: "Bé trai này là một trong những ca can thiệp thiểu ối đầu tiên thành công. Vào cuối năm 2019, mẹ bé là sản phụ H. (ở tỉnh Hà Nam) đứng trước quyết định đình chỉ thai nghén. Chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mong tìm một phép màu cuối cùng. Tại phòng can thiệp bào thai, sản phụ H. đã reo lên sung sướng khi cảm nhận rõ sự cử động của con mình, sau khi được bác sĩ truyền dịch ối. Sau đó, đến tuần thai thứ 35, chị H. đã sinh một bé trai kháu khỉnh, hoàn toàn khỏe mạnh".
Niềm vui vô bờ bến đã đến với người mẹ. Vì thế, cứ mỗi tháng, khi con tăng được một cân, hay bé bắt đầu biết hóng chuyện, biết lẫy..., chị H. lại gửi những tấm hình về sự thay đổi đó của con cho bác sĩ Sim. "Dù công việc bận rộn, có những lúc phải đối mặt với những cuộc phẫu thuật căng thẳng, cân não, nhưng khi nhìn thấy các bé được sinh ra và lớn lên mạnh khỏe, tôi lại tự nhủ với bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa", bác sĩ Nguyễn Thị Sim tâm sự.
Nỗ lực chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao
Không chỉ thành công với kỹ thuật truyền dịch ối, trong 12 năm công tác tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã có nhiều thành tích, sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Một trong những kỹ thuật gây tiếng vang trong ngành sản khoa mà chưa có bệnh viện công nào triển khai được, đó là kỹ thuật nội soi can thiệp bào thai để điều trị hội chứng truyền máu song thai và hội chứng dải xơ buồng ối mà bác sĩ Nguyễn Thị Sim cùng kíp phẫu thuật của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện thành công.
Để thực hiện được kỹ thuật này - một kỹ thuật được đánh giá là khó nhất trong lĩnh vực sản khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã phải xa gia đình, xa con nhỏ hơn 1 năm để sang Bệnh viện Necker (Pháp) học hỏi. Bác sĩ Nguyễn Thị Sim nhớ lại, thời điểm đó, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Nguyễn Duy Ánh đặt ra yêu cầu rất cao cho sự thành công của kỹ thuật này. Ngày 4-10-2019 là một ngày lịch sử với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, khi hai ca đầu tiên được thực hiện can thiệp y học bào thai thành công. Đến nay, kỹ thuật này đã thực hiện thường quy tại bệnh viện.
"Với kỹ thuật này, nếu phát hiện sớm các dị tật và bất thường của thai nhi thông qua khám sàng lọc, chúng ta có thể cứu chữa được thai nhi với tỷ lệ thành công tới 90%, trẻ sinh ra sẽ không còn bị dị tật hoặc tử vong", bác sĩ Nguyễn Thị Sim nói.
Khi kể về bác sĩ đã giúp mình "mẹ tròn, con vuông", sản phụ H. (quê ở tỉnh Nghệ An) - người đã được can thiệp bào thai thành công nhớ lại: "Thời điểm tôi tưởng như vô vọng, phải đình chỉ thai nghén, bác sĩ Sim không chỉ dùng kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề của mình, mà còn chăm sóc tôi và thai nhi từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến ngày tôi vượt cạn thành công".
Khả năng chinh phục các kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực y học bào thai cùng tấm lòng "lương y như từ mẫu", hết lòng vì bệnh nhân của bác sĩ Nguyễn Thị Sim đã mang lại niềm vui cho nhiều gia đình, góp phần làm tỏa rạng vẻ đẹp của ngành Y tế Thủ đô.
Bác sĩ xuyên kim, truyền dịch trực tiếp vào buồng ối cứu thai nhi Các bác sĩ xuyên kim qua buồng tử cung, truyền dịch vô khuẩn vào buồng ối. Nhờ đó, thai nhi bị thiểu ối được cứu sống kịp thời. BSCKI Nguyễn Thị Sim, Phó giám đốc Trung tâm Chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết có tới 4-5% sản phụ có nguy cơ rơi...